April 25, 2024, 11:37 pm

Gieo hạt nơi đất khó

 

Các cụ xưa có câu "Tháng tám đói qua, tháng ba đói kiệt". Nhưng có những bản ở xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La quanh năm nghèo đói. Đi sâu vào các bản ở vùng đất biên viễn xa xôi, khuất nẻo này mới thấy những nóc nhà nằm cheo leo trên đỉnh núi, nghèo xác xơ vì "làn khói trắng". Xã nằm sát đường biên giới, bên kia là “thánh địa ma túy” nên nơi đây đã trở thành điểm “nóng” về trật tự, an toàn xã hội. Có bản, không có em nào có “lý lịch lành lặn”; em thì bố nghiện bỏ đi mất tích, em thì mẹ buôn bán ma túy, có em bố mẹ nghiện chết hết phải ở với ông bà già yếu và một đàn em lít nhít.

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sơn La, cô giáo Phạm Thị Huệ được phân công nhận nhiệm vụ tại Trường Tiểu học Mường Sang, rồi Trường Tiểu học Chiềng Ve sau đó mới chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Lóng Sập. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, hầu như chưa một điểm trường nào cô Huệ chưa đặt chân tới. Ở đâu cô Huệ cũng chứng kiến cảnh các em học sinh phải chịu cảnh đói ăn, thiếu mặc, tình trạng các lớp học tiêu điều, thiếu vắng học sinh. Nhưng ám ảnh nhất là những đứa trẻ “trót” sinh ra từ những “gia đình ma túy”. Không có gì đảm bảo rằng những đứa trẻ như thế lớn lên lại không lâm vào bi kịch nghiện ngập của cha mẹ chúng.

Với mong muốn góp phần làm cho các em nhỏ ở mái trường vùng biên này thành lớp người mới, chí ít cũng không dính vào ma túy như bố mẹ các em. Nhiều năm qua, với cương vị là bí thư Chi bộ, hiệu trưởng nhà trường cô Huệ đã luôn trăn trở cùng với Ban giám hiệu đã đưa ra rất nhiều giải pháp giải quyết tháo gỡ những khó khăn nhà trường, nhằm giúp đỡ, cưu mang các em học sinh. Tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy, sáng tạo, tâm huyết với nghề của cô đã huy động được sức mạnh của tập thể sư phạm nhà trường, 

Nhiều thầy, cô giáo đã mua thêm quần áo, sách bút, đồ dùng sinh hoạt… góp thêm kinh phí vào bữa ăn hàng ngày cho các em giúp các em vượt qua những ngày tháng gian khổ, đói rét, thiếu thốn. Chia sẻ với những vất vả của các thầy cô, suốt bảy năm qua, đều đặn mỗi sáng sớm hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập lại tiết kiệm tiền lương và khẩu phần ăn của mình nấu bữa sáng cho các em học sinh nơi đây. Được ăn no, lũ trẻ không nghĩ đến chuyện bỏ học nữa và những đứa trẻ sinh ra vốn chỉ biết ngô, khoai sắn thì nay đã biết làm những phép toán đơn giản, biết đọc, viết tiếng Kinh. 

Các em học sinh ở đây nói tiếng Kinh còn hạn chế, nên việc giao tiếp, truyền thụ kiến thức rất vất vả, cô Huệ lại động viên các đồng nghiệp kiên trì hướng dẫn đi hướng dẫn lại để các em nhớ được từng con chữ, cách giải từng phép toán. Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Từ thực tế giảng dạy, thầy cô nào cũng hiểu không có một giáo án, một bài dạy mẫu nào có thể áp dụng được ở đây.

 Đầu năm học 2017-2018, được sự nhất trí của Phòng giáo dục để xây dựng tương lai cho những đứa trẻ, và để thuận tiện dạy dỗ, chăm sóc cho các em, bằng khả năng của mình, cô Huệ và các thầy cô giáo đã huy động các lực lượng xã hội đưa 34 em học sinh tại các bản khó khăn của xã về ở bán trú tại trường. Không có nhà bán trú, không em nào có chế độ bán trú của nhà nước, không có sự quan tâm nào của phụ huynh. Chỉ có tấm lòng và sự cưu mang che chở của các thầy, cô.

Đến năm học 2018-2019, số học sinh ở bán trú tại nhà trường đã lên đến 95 em, trong đó chỉ có hơn 40 em là có chế độ bán trú của nhà nước. Mỗi thầy cô lại trích 100 nghìn đồng trên một tháng từ số tiền lương ít ỏi của mình để chia sẻ với các em. Các thầy các cô không chỉ làm tròn nhiệm vụ của những người gieo chữ lên non, thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo vùng biên mà còn là những người cha, người mẹ nuôi dưỡng, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em.

Do các em đa số ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao lưu văn hóa và kỹ năng sống hạn chế, nhiều em còn rất nhỏ, nhất là các em bán trú lần đầu tiên xa bố mẹ, xa gia đình về sống và học tập tại trường trung tâm, nên còn rất nhiều bỡ ngỡ. Cô Huệ lại cùng các thầy cô giáo trong nhà trường hướng dẫn các em biết tập thể dục buổi sáng, đánh răng rửa mặt, biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung của trường lớp giúp cho khuôn viên của trường luôn sạch đẹp.

 Không những thế do nhận thức và kĩ năng của các em còn rất đơn giản và hạn chế. Các em dễ bị kẻ xấu rủ rê vào con đường nghiện hút, bị lợi dụng vào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không ý thức được việc mình đang làm là phạm pháp. Vì thể, nhà trường còn quan tâm giáo dục cho các em một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ dẫn đến hành vi có hại cho sức khỏe của con người như: kĩ năng từ chối, kĩ năng quyết định, kỹ năng tự bảo vệ mình.

Nhà trường đặc biệt chú ý đến việc tuyên truyền tác hại của ma túy cho các em. Hàng năm, trường đã phối hợp với đồn Biên phòng Lóng Sập và phòng Tư pháp huyện Mộc Châu trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ma túy cho học sinh theo định kỳ với nhiều hình thức. Vì các em còn nhỏ nên cô Huệ lưu ý các thầy cô lựa chọn cách tuyên truyền dơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ để khắc sâu cho các em, nhất là các tiểu phẩm do chính các em học sinh thực hiện.

Những năm gần đây, nhà trường đã xây dựng được một nguồn tư liệu phong phú như các tranh ảnh, tờ rơi, kịch bản tuyên truyền và các video tích cực. Qua mấy lần xem video, cô Huệ để ý thấy nhiều em học sinh xem chăm chú và có em khóc, sợ và ám ảnh về ma túy, về những cuộc đời, số phận bất hạnh do nghiện ma túy và thiếu hiểu biết pháp luật gây ra, nên chú trọng hơn trong việc sưu tầm các video theo chủ đề này.

Hiện nay, nguồn tư liệu của nhà trường đã có được hàng trăm video để phục vụ cho việc tuyên truyền giáo dục. Cùng với việc giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa nhà trường đẩy mạnh giáo dục tích hợp về tác hại ma túy trong các môn học, các giờ dạy trên lớp hàng ngày. Từ đây, các em hiểu được các vấn đề, tác hại ma túy đối với cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đồng để khi lớn lên ý thức rõ về ma túy mà không rơi vào cạm bẫy.

Trên mảnh đất mà “cơn bão” ma túy đi qua, tưởng như là vực thẳm mịt mờ đối với những đứa trẻ, khi chúng không còn có tương lai. Nhưng nhờ tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm, tận lực, hết lòng vì Sự nghiệp giáo dục của cô giáo Phạm Thị Huệ và các thầy các cô giáo Trường Tiểu học Lóng Sập, sự quan tâm, chung tay, chia sẻ của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, các cấp các ngành, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, nhiều đứa trẻ đã vượt qua được sóng gió để tiếp tục đến trường, cùng hi vọng về một sự đổi thay trên miền đất gian khó.

Thăm trường Tiểu học Lóng Sập của cô giáo Phạm Thị Huệ, tôi vô cùng ngỡ ngàng trước ngôi trường khang trang, khuôn viên xanh mát bóng cây và rực rỡ sắc màu của những loài hoa đang khoe sắc, tỏa hương. Một thoáng dừng chân bên lớp học, tôi đã cảm nhận được niềm tâm huyết, say mê trong từng lời giảng của các thầy cô, từng nét bút nắn nót trên trang giấy của các em thơ. Một năm học mới lại bắt đầu, Trường Tiểu học Lóng Sập đã, đang và sẽ luôn gieo những hạt giống đẹp trên mảnh đất này cho một ngày mai đầy hứa hẹn.

Nguồn Văn nghệ số 47/2019

* Cô Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng  trường Tiểu học Lóng Sập


Có thể bạn quan tâm