March 29, 2024, 1:36 pm

Giếng làng, ai nhớ ai quên?

Tôi nhớ hồi chiến tranh, khi sơ tán ra các tỉnh phía Bắc, sống ở một ngôi làng giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, thuộc tỉnh Hà Nam, lần đầu tiên tôi đã biết thế nào là giếng làng. Không riêng gì làng tôi ở, mà các làng khác, tôi thấy làng nào cũng na ná như nhau, tất cả đều có giếng làng. Giếng làng thường nằm cạnh đình làng. Đình làng rất lớn, được xây theo kiểu ba gian, hai chái với những chiếc cột lim hình tròn rất to, trơn tru, nhẵn bóng, phản chiếu như gương, có thể soi mình vào trong đó. Dưới mỗi đáy cột được lót một phiến đá dày, xung quanh chạm trổ hoa văn rất đẹp. Còn giếng làng cũng rất lớn, thường được kiến trúc theo hình tròn, có cái trông như một cái ao nhỏ. Quanh giếng có thành giếng được xây bằng gạch ta hoặc đá ong. Và ở mỗi cái giếng làng thường có một lối đi rộng rãi, được xây theo từng cấp từ trên xuống dưới để tiện cho việc gánh nước.

Nếu đình làng là chốn linh thiêng dùng làm nơi thờ phụng Thành hoàng làng, và làm nơi hội họp của người dân trong làng, thì giếng làng cũng là nơi không kém phần quan trọng trong việc phục vụ đời sống dân sinh. Hồi ấy cả làng hàng mấy trăm hộ dân nơi tôi ở, chỉ duy nhất có một cái giếng ấy. Vì vậy, nước ăn, ngoài nước mưa được chứa trong bể, thì khi hết, người dân chỉ còn biết ra lấy nước ở giếng làng. Mỗi buổi chiều lúc trời đã dâm mát thì quanh cái giếng lại tấp nập người vào ra gánh nước. Sân giếng được lát gạch rất rộng, xung quanh là những cây cổ thụ, bốn mùa tỏa bóng râm mát. Trẻ con cũng tha hồ ra đấy mà vui chơi, nhảy nhót. Mấy chục năm đã trôi qua, kể từ những ngày trẻ thơ xa nhà đi sơ tán mà hình ảnh về cái giếng làng nơi vùng quê Bắc Bộ ấy cứ đau đáu trong tôi một nỗi niềm.

Sau này lớn lên, đi đây đi đó, rồi kiến thức được rộng mở, tôi càng hiểu hơn và yêu hơn cái giếng làng ở mỗi làng quê Việt Nam. Thì ra, không chỉ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn rất nhiều những nơi khác trên đất nước ta, nhất là ở vùng nông thôn thì từ rất lâu rồi cái giếng làng đã trở nên quen thuộc. Bất kể nơi ấy là trung du, đồng bằng hay miền biển. Và mục đích chính của giếng làng thì không thể gì khác ngoài phục vụ nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Đọc sách, tôi biết có những cái giếng làng đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Nhiều câu chuyện quanh cái giếng làng đã trở thành huyền thoại, cổ tích, đi vào lòng người hết năm này qua năm khác, hết đời này qua đời khác. Nhiều bài thơ, ca dao gắn với giếng làng trở thành lời ru êm ái, ngọt ngào của bà, của mẹ, bên vành nôi em nhỏ.

Ta có thể gặp hàng ngàn, hàng vạn bài thơ, bài ca dao, câu tục ngữ… viết về giếng làng. Và tác giả của những bài thơ, bài ca dao này, họ là ai, ở đâu, cũng không ai biết hết. Nhưng ở mỗi bài thơ, mỗi tác giả có một cách cảm nhận riêng về giếng làng. Xin trích dẫn ra đây một vài bài thơ, khổ thơ để ta thấy được giếng làng đã đi vào lòng người Việt thế nào.

Giếng làng trong vắt bóng cau

Ai như dáng mẹ vục gầu

nắng trưa

        Vẳng nghe như tiếng xa đưa

        Ầu ơ… tiếng hát ai vừa cất lên…

                                  (Thơ Nguyễn Dung)

        Giữa làng có cái giếng xưa

        Em đi gánh nước giữa trưa

nắng hè

        Đầy trời vang rộn tiếng ve

        Dáng em tha thướt anh mê mẩn lòng…

                                                   (Thơ Ha Davis)

        Mẹ ơi, con đã về đây!

        Giếng làng ta nước vẫn đầy như xưa.

        Bao năm dãi nắng, dầm mưa

        Về quê lại nhớ những trưa nắng hè

        Nhớ mùa đông lạnh tái tê

        Con ra gánh nước mang về nấu ăn

        Liêu xiêu chân ríu bàn chân

        Tuổi thơ lam lũ như gần như xa…

                                       (Thơ Hà Quang)

Sau này, đọc một bài viết của Phó Giáo sư Chu Quang Trứ về giếng nói chung và giếng làng nói riêng từ xa xưa trên đất nước thân yêu của mình, tôi đã rất thú vị khi được nghe ông kể sự tích của một loạt cái giếng thiêng. “Thiêng hơn cả là những chiếc giếng từ buổi đầu dựng nước. Trên núi Trân Sơn (Bắc Ninh) có vạt núi đá được gọi là “Giếng Việt”, các khe đá nứt từ đó tỏa ra xung quanh, trên cao nhìn xuống như hình cửa mình bà mẹ xứ sở khổng lồ. Và có lẽ vì thế, giếng luôn là biểu trưng của âm tính với nước thiêng nguồn sống vĩnh hằng. Còn trong khu đền Hùng (Phú Thọ), ở dưới chân núi phía đông - nam có đền Giếng là nơi thờ tự công chúa Ngọc Hoa (sau lấy Sơn Tinh) và công chúa Tiên Dung (sau lấy Chử Đồng Tử), hiện vẫn còn khẩu giếng tương truyền là gương soi của hai nàng công chúa con vua Hùng thứ 18. Trong khu thành Cổ Loa (Hà Nội), trước đền Thượng vẫn còn khẩu giếng ở giữa hồ, tương truyền nơi hồn Mị Châu đã hiện hình để dụ cho Trọng Thủy nhảy xuống, dân địa phương bảo để trả mối thù bị lừa lấy mất lẫy nỏ thần, song văn học dân gian lại ghi nhận mối tình đôi lứa thủy chung...”.

Đó là những cái giếng tự đời xửa đời xưa gắn với mỗi sự kiện, nhân vật cổ tích tiếng tăm, mà ở đó ta luôn bắt gặp sự linh thiêng, huyền bí. Và cũng chính nhờ sự linh thiêng, huyền bí ấy mà mỗi câu chuyện được dân gian truyền tụng đến bây giờ. Trở lại với hiện tại, tôi thấy ở đâu cũng vậy, giếng làng thường được chọn an tọa ở những vị trí phong quang, sạch sẽ, có cảnh quan tươi đẹp, non nước hữu tình, thường là ở đầu làng, hoặc nơi trung tâm dân cư sinh sống, có địa thế cao - thấp vừa phải so với xung quanh, không bị khô hạn về mùa nắng, không bị ngập lụt về mùa mưa. Nơi ấy thường có nguồn nước mạch quanh năm không bao giờ cạn kiệt, cho dẫu hạn hán có tung hoành dữ dội đến mức nào. Giếng làng đi vào đời sống, gắn bó với người dân nông thôn Việt Nam từ rất lâu. Và cũng từ rất lâu, giếng làng là một trong những nơi được xem là “linh liêng” nhất của làng. Nơi ấy, ngoài mục đích chính là nguồn nước phục vụ cuộc sống cho hàng bao thế hệ con người, còn là nơi đi vào tiềm thức, tâm linh của mỗi người dân Việt. Không ai sinh ra ở làng quê mà không yêu không quý, không nhớ không thương và không nghĩ tới cái giếng làng khi ngày rằm tháng quảy, khi mùa mưa đi qua, mùa hạ trở về. Nhiều đôi trai gái khi yêu nhau đã chọn giếng làng làm nơi thề nguyện lòng chung thủy, ngày hạnh ngộ. Khi xa quê hương, bôn ba nơi góc bể chân trời, ai ai cũng nhớ về giếng làng.

Giếng làng vừa có ý nghĩa về tinh thần, vừa có giá trị về vật chất, nên từ rất xa xưa nó đã trở thành tài sản chung của cả làng. Và cho đến bây giờ khi nói đến “tài sản” chung của làng thì ngoài cái đình làng ra, còn có gì cổ xưa hơn, thân thiết hơn, hữu ích hơn cái giếng làng ở mỗi làng quê Việt Nam. Từ bao đời nay, bà ta, mẹ ta, chị ta, các em ta đã gánh nước ở đấy; tắm rửa, giặt giũ cũng lấy nước ở đấy. Nơi ấy, thời ta còn thơ bé, ta cũng đã từng giúp mẹ ngày ngày quẩy những gánh nước về nhà để vo gạo thổi cơm, giặt giũ… Những năm chiến tranh tàn khốc, bom đạn chà đi xát lại, nhà cửa, cầu cống, trạm xá, trường học… nơi nào cũng bị tàn phá, hủy hoại. Nay hòa bình, mọi cái được xây dựng lại khang trang, to đẹp gấp cả trăm, ngàn lần. Chỉ riêng cái giếng làng là vẫn vậy: giản dị, đơn côi, đêm ngày âm thầm, lặng lẽ dâng hiến cho đời nguồn nước ngọt lành.

Thấy được lợi ích từ giếng làng, nhiều địa phương đã vận động nhân dân, kẻ ít người nhiều, góp của góp công tôn tạo, nâng cấp lại giếng làng, đưa việc gìn giữ, bảo quản giếng làng vào hương ước xây dựng làng - xã văn hóa, gia đình văn hóa. Tôi rất tâm đắc với Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa khi ông có một bài viết khảo cứu về giếng làng và ông đề nghị: “Mỗi làng nên nạo vét sạch sẽ lại giếng làng, cần xây gạch hoặc đá quanh bờ giếng thật cao, nên có bậc xuống tận đáy giếng. Cần thả bèo ong hoặc sen vào giếng làng. Và tạc bia về hương ước xưa của giếng làng. Kinh phí chỉ vài chục triệu đồng với nguồn tài vật hằng tâm hằng sản của một làng đâu có lớn. Nhưng ý nghĩa bảo tồn văn hóa cổ thì lớn lắm!”.

Tuy nhiên, vẫn có những địa phương do không thấy hết được lợi ích từ công trình dân sinh vô cùng hữu ích này, nên đã không mấy quan tâm đến giếng làng. Người ta chỉ thấy được lợi ích của giếng làng và cần đến nguồn nước của nó vào những khi cần thiết như những năm hạn hán mà thôi. Còn nhớ năm ấy là một năm hạn hán khủng khiếp xảy ra chưa từng có ở miền Trung. Đâu đâu đồng ruộng cũng khô hạn, nứt nẻ, không còn lấy một vũng nước. Đâu đâu cây cối cũng xác xơ, khô cháy vì hạn. Không những cây cối, gia súc, gia cầm thiếu nước, mà ngay cả con người cũng thiếu trầm trọng nguồn nước. Đó là một năm mất mùa, thất bát, đói kém vì hạn, mà ai ai cũng nhớ.

Tôi nhớ năm ấy ở xóm Cát quê tôi có một cái giếng làng mà người dân địa phương thường gọi là giếng Ván. Không ai nhớ giếng Ván có từ bao giờ, được hình thành vào năm nào, đời nào, năm nay cái giếng làng ấy đã bao nhiêu tuổi. Có những cụ già ngót nghét cả trăm tuổi, khi được hỏi cũng chỉ biết lắc đầu, vì theo các cụ, thì ngay từ khi còn nhỏ, các cụ đã thấy cái giếng làng có tên là giếng Ván ấy rồi. Như vậy thì nghĩa là giếng Ván đã có từ cách đây ít nhất cả trăm năm. Giếng Ván chỉ rộng chuông vuông mỗi bề hai mét, không sâu lắm, nằm ngay đầu làng. Tuy nhỏ nhưng nước giếng quanh năm lúc nào cũng trong xanh tận đáy, trong đến mức người làng, nhất là các cô gái trẻ xinh đẹp có thể lúc nào cũng tha hồ ra đó mà soi gương chải tóc.

Bao năm qua giếng Ván chẳng được ai đoái hoài, đếm xỉa. Cỏ dại, rác rưởi… che kín cả mặt nước. Người ta đã quên hẳn nó. Người ta bội bạc, bỏ bê nó, chỉ vì ngày nay nhà ai cũng đã có giếng đào, giếng khoan, có bể đựng nước, có điện... Người ta chỉ cần một cái ấn tay nhẹ nhàng là nước theo vòi lên tận nơi. Ai còn nhớ gì, cần gì tới cái giếng Ván nhỏ bé, tội nghiệp ấy mà ra gánh nước như hồi xửa hồi xưa nữa.

Vậy rồi trận hạn khủng khiếp có một không hai ập đến. Nó ập đến thật nhanh, thật bất ngờ và dữ dội, khiến cho nhà ai cũng không kịp trở tay. Trận hạn đã làm cho đồng ruộng nứt nẻ, cây cối khô cháy. Và trận hạn đã làm cho giếng nhà nào, bể nhà nào cũng khô cạn, trơ đáy, không còn lấy một giọt nước. Người ta mới sực nhớ tới giếng Ván và đổ xô ra lấy nước. Có người còn mang cả thùng phuy và đủ các loại đồ nhựa to nhỏ, lớn bé ra lấy nước rồi dùng xe công nông, xe bò, chở về nhà dùng, hoặc chở đi bán cho người ở xa. Người ta tha hồ múc, tha hồ gánh, tha hồ chở. Ấy vậy mà giếng Ván không hề cạn, nước vẫn trong xanh tận đáy.

Sau khi trận hạn đi qua, làng mới tổ chức họp dân lại để nói về sự cần thiết của giếng làng. Mọi người, ai cũng ca tụng cái giếng làng quê. Rồi mọi người mới đề nghị tất cả các hộ trong làng, tùy tấm lòng thơm thảo góp của, góp công, để tôn tạo lại giếng Ván. Ai cũng phát biểu, rằng từ nay phải biết bảo vệ và gìn giữ giếng làng như một thứ tài sản quý giá của làng. Một ông cụ còn cao hứng đọc cho mọi người nghe hai câu ca dao:

Đừng ai tham đó bỏ đăng

Thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn.

Qua hai câu ca dao, ông cụ muốn khuyên dân làng rằng, dù ngày nay cuộc sống đã thay đổi, có nhiều cách để có nước dùng, và lại rất tiện lợi, nhưng cũng đừng vì quá coi trọng cái sự tiện lợi ấy mà quên đi một thời khốn khó xưa kia, quên đi cái giếng làng thân thương một thuở. Đừng ai nghĩ rằng, nước là tài nguyên vô tận nên không cần phải gìn giữ, tiết kiệm. Đừng ai nghĩ rằng, giếng làng giờ đây chỉ là cảnh quan môi trường nên việc tồn tại hay không tồn tại đều không còn cần thiết nữa... Sau lần ấy, người dân trong xã còn góp công, góp của tu sửa thêm hai cái giếng làng nữa ở hai xóm trong xã.

Giếng làng cùng với bến nước, mái đình, cây đa… là những công trình, địa danh, là những cảnh quan gắn với nông thôn từ bao đời nay. Đó không chỉ là những công trình dân sinh, mà đó còn là nét đẹp văn hóa của mỗi làng quê Việt Nam. Mỗi một chúng ta trong cuộc đời, ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn mà lại không một lần có một kỷ niệm với giếng làng, với lũy tre, mái đình, bến nước... Chỉ riêng cái giếng làng thôi đã đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Và khi khôn lớn ra đi, có người phải hàng bao năm xa cách mới về thăm làng một lần. Nhưng cũng có người ra đi, học hành, làm ăn thành đạt rồi sống luôn ở thành phố, hoặc một nơi khác rất xa. Có người ra đi rồi biền biệt bóng chim tăm cá, chẳng một lần trở lại thăm quê, thăm lại cái giếng làng mà họ từng gắn bó cả thời tuổi thơ. Mỗi người một hoàn cảnh, nào ai dám trách ai. Nhưng tôi tin, trong nỗi niềm sâu thầm kín của những người con xa quê ấy, họ vẫn lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm ngọt ngào về quê hương nguồn cội. Và trong những kỷ niệm ngọt ngào về quê hương nguồn cội ấy của lòng họ, tôi biết họ vẫn giành một góc nhỏ cho cái giếng làng mà họ từng gắn bó thân quen ngay từ những ngày còn tấm bé. Để rồi, sẽ có rất nhiều người trong số họ mãi còn tiếc nuối cho những mối tình đầu đầy dư vị yêu thương, ngọt ngào của mình một thuở từng có bóng dáng quấn quyện của mái đình, cây đa, giếng nước... như những vần thơ mà tác giả Đặng Đình Nguyễn ở Quảng Ninh đã viết:

Cây đa bến nước sân đình

Lung linh bóng nước đôi mình gương soi

Giờ em đã lấy chồng rồi

Còn tôi với giếng bên trời lẻ loi

Giá em đừng để gàu rơi

Thì tôi đâu phải tìm người trong gương!

Nguồn Văn nghệ số 20/2022


Có thể bạn quan tâm