April 23, 2024, 12:32 pm

Giếng làng

Tôi xa quê, làng Cẩm Thái, xã Đại Đồng, Thanh Chương, Nghệ An, đến nay đã gần sáu mươi năm. Ngày ấy, vừa dự thi đại học ở thành phố Vinh, về đến cổng nhà, mẹ tôi đã nói ngay:

- Con có giấy báo nhập ngũ rồi đây này.

- Vậy à mẹ, họ báo ngày nào lên đường ạ?

- Chỉ còn một tuần nữa thôi!

Giếng làng Cẩm Thái đang được khơi dựng lại.

 

Nói xong, theo thói quen như mọi ngày, tôi lấy đôi thùng ra giếng nước đầu làng, gánh cho mẹ mấy gánh nước đổ đầy bể, rồi sẽ ra sông Lam tắm cùng bạn bè.

Cái giếng nước trong veo, mát rượi. Quanh giếng đã có mấy o (cô) đang múc nước rửa chè, rửa rau, vừa làm vừa chuyện trò, cười đùa vui vẻ. Không biết ai báo tin mà các o đã biết tôi sắp đi bộ đội, nên trêu chọc tôi:

- Sắp đi xa rồi, quên làng, quên cái giếng này mất thôi!

- Nhớ tìm o mô sọi sọi (xinh xinh) đưa về đây nhé.

- Ai chứ anh thì quên cái giếng này răng (sao) được! Mới ngày nào mấy chàng rủ nhau thi đi vòng quanh trên miệng giếng, xem ai tài nhất. Tối về bị mẹ đập (đánh) cho một trận ra trò rồi đó.

Cái giếng làng thân quen, đã gắn bó với tôi suốt những năm tuổi trẻ, lớn lên cùng làng quê, với biết bao kỷ niệm thân thương…

*

Chưa kịp chờ kết quả thi đại học, tôi đã lên đường. Trên đường đến đơn vị nhập ngũ, tốp bạn hơn hai chục người bọn tôi đã phải hứng chịu trận bom phá hoại đầu tiên của Mỹ ném xuống miền Bắc. Rồi qua thời gian huấn luyện và học nghiệp vụ, đơn vị tôi được cử vào chiến trường B3 (Mặt trận Tây Nguyên). 

Lên đường từ ga Thường Tín, có Thiếu tướng Cao Pha, Phó Tổng cục trưởng ra tiễn.

Xuống ga Hà Trung, Thanh Hóa, chúng tôi hành quân bộ từ đó. Vài ngày sau, đi qua đất huyện Yên Thành, Đô Lương, cách nhà chỉ hơn chục cây số, nhưng vì bí mật nên tôi không được về thăm mẹ và em gái. Cha tôi đã mất sớm, nhà chỉ có 3 mẹ con. Giờ tôi đi, nhà lại càng vằng vẻ. Nghĩ đến mẹ và em gái, nỗi nhớ nhà trào dâng…

Ngày đi, đêm nghỉ, miệt mài hành quân, suốt ba tháng ròng rã, chúng tôi đến đất Kon Tum, ở huyện H67, cách Hà Nội hơn một ngàn cây số. Ra đón chúng tôi có mấy anh quê miền Nam đã vào trước chúng tôi, từ những năm 60... Rồi ngày tháng say mê với công tác Trinh sát kỹ thuật, qua hết mùa khô này đến mùa chiến dịch khác, với biết bao gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, cả hy sinh… Bẵng đi đã gần chục năm trời với biết bao chiến công, đơn vị chúng tôi lại náo nức cùng lên đường tham gia chiến dịch lớn nhất từ trước tới thời điểm đó. Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, mở đầu bằng trận đánh chiếm thành phố Buôn Ma Thuột tháng 3 năm 1975… Sau thắng lợi giòn giã đó, đơn vị chúng tôi lại cùng cả Quân đoàn Ba, thần tốc giải phóng các tỉnh miền Trung, rồi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước… Cuối năm 1975, một phần ba đơn vị được ra Bắc, sau đó lần lượt ra quân. Tôi trở về quê trong niềm vui tràn ngập của gia đình. Bà con, anh em, làng xóm kéo đến chật nhà, mừng đứa con đi xa biền biệt hơn chục năm trời, nay trở về an lành, mạnh khỏe, mẹ tôi soi đèn, dẫn con đi thăm vườn. Sau khi tôi đi, khu vườn đã được chuyển lên đầu làng, theo quy hoạch mới của nông thôn…

Một cô giáo làng, mà ngày tôi đi bộ đội hãy còn bé, và sau này trở thành vợ tôi, đã viết mấy dòng giản dị về quãng thời gian dài dằng dặc ấy:

...

Thời gian nước qua cầu

Mười hai năm có lẻ

Qua bom cày đạn xé

Anh bình yên trở về.

 

Mong ước lấy vợ quê

Để đi về với mẹ

Thương mẹ già quạnh quẽ

Mấy chục năm mỏi mòn.

 

Chẳng kén chọn tươi dòn

Hay giàu sang phú quý

Chỉ cần người hợp ý

Biết chăm lo gia đình.

 

Tiếng sét của ái tình

Như là duyên phận vậy

Cùng thề nguyền chung thủy

Keo sơn đến bạc đầu…

(trích từ bài thơ dài KỂ CÙNG CÁC CON do cô giáo viết)

*

Về quê, việc đầu tiên của tôi sau khi thăm hỏi gia đình, họ hàng là ra thăm lại giếng làng. Theo quy hoạch mới, cái giếng thơi đầu làng đã bị lấp đi. May là Nhà Thánh của làng vẫn còn nguyên trên vị trí cũ từ hàng trăm năm nay. Hàng năm, Nhà Thánh tế lễ nghiêm trang theo nghi lễ cổ truyền vào dịp Tết và ngay trước Hội làng 16 tháng 10 Âm lịch. Bên phải Nhà Thánh có dựng tấm bia vinh danh 67 Liệt sĩ và một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của làng. Ngôi đình làng, sau bao lần di chuyển đi các nơi, với các chức năng khác nhau, nay đã được chuyển về ngay trước Nhà Thánh. Ngôi đình ấy từng rất nổi tiếng, nhờ đã được chọn đặt một bộ phận công binh xưởng của Quân khu bốn, trong kháng chiến chống Pháp. Lúc Liên khu ủy Liên khu bốn từ Vinh chuyển lên, cũng đã từng làm việc ở đây. Lớp Ấu trĩ viên (như lớp Mầm non bây giờ) đầu tiên của cả Liên khu cũng được đặt tại đình. Ngày còn bé, tôi đã cùng em gái học ở đây vài năm. Dù còn nhỏ, tôi vẫn nhớ, cứ mỗi buổi chiều đến, sau giờ làm việc, các bác cán bộ Liên khu lại ra đình chơi cùng các cháu. Một lần đang chơi, bỗng một bạn lớn hơn bỗng reo lên: Bác Hồ!... Tất cả ùa ra vây quanh người khách mới đến. Cô Quế, giáo viên nói với chúng tôi: Đây là bác Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Liên khu bốn, còn Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc, xa lắm…  Cuối năm 1949, bọn nhỏ chúng tôi cũng được dự lễ tiễn đưa bác Hồ Tùng Mậu ra Trung ương làm việc. Đình trở thành nơi hội họp, sinh hoạt chính trị, văn hóa văn nghệ của các đoàn thể trong làng.

*

Gần đây, những người con xa quê trở về thăm, muốn đề nghị khơi lại cái giếng làng gần ngôi đình làm nơi kỷ niệm. Biết được nguyện vọng đó, chi bộ thôn Cẩm Thái (hợp nhất thôn 6 và thôn 7 trước đây, trở về tên làng Cẩm Thái thân thuộc như xưa), đã cùng nhân dân đóng góp công sức, cùng tiến hành khơi lại giếng làng. Chỉ mới hơn một tuần đầu đã có gần sáu trăm gia đình ở quê nhà và bà con đồng hương làng Cẩm Thái từ khắp mọi miền đất nước gửi về, người ít một trăm, người nhiều một triệu, cả thôn đã có gần hai trăm triệu đồng. Doanh nghiệp trẻ Nguyễn Hữu Nghĩa, vừa cùng các anh chị em, cháu ông Nguyễn Hữu Giáp, nguyên Phó Chủ tịch xã trước đây, vừa tôn tạo khang trang, hoành tráng căn nhà và khoảng sân rộng lớn do ông bà để lại (dù con cháu không còn ai ở lại quê). Nghĩa lên tiếng ủng hộ và đề nghị lãnh đạo thôn, thống kê tất cả các hạng mục cần tôn tạo của làng để anh có kế hoạch của đại gia đình anh. Anh cảm động nói với tôi: Em đã đầu tư ở nhiều nơi. Ở đâu em cũng góp phần cùng địa phương nơi đó, tìm cách  xây dựng, tôn tạo cảnh quan xung quanh đẹp lên cùng công trình của mình, anh ạ.

Tôi cũng phấn khởi và hân hoan cùng dân làng mình, sau khi đã làm nghĩa cử của người con xa quê đã lâu, mà vẫn thiết tha gắn bó với nơi mình đã được sinh ra và lớn lên. Tôi nói vui với Bí thư chi bộ Nguyên Thanh Xuân: Có lẽ đây cũng là cái duyên ngầm với anh, người đứng đầu một làng lớn và nổi tiếng, khi hợp nhất ba xã: Thanh Văn, Thanh Hưng, Thanh Tường, thành xã mới mang tên truyền thống lâu đời: Đại Đồng. Cái tên Đại Đồng nhiều ý ngĩa lắm đấy…

Tôi nói “duyên ngầm” với anh Xuân, bởi vì anh là người “Buông dầm cầm chèo”, vừa rời trách nhiệm Bí thư Đoàn xã Thanh Văn, do quy định độ tuổi, anh vẫn là đảng ủy viên xã, phó bí thư đoàn xã mới Đại Đồng, vừa được cử làm bí thư chi bộ thôn mới Cẩm Thái (gộp thôn 6 và thôn 7 cũ). Anh vừa cùng chi bộ và chỉ huy thôn “ra mắt” loạt công trình tôn tạo Di tích Lịch sử Đình làng và Nhà thánh Cẩm Thái, khơi lại giếng làng, chuẩn bị xây cổng làng, làm đẹp thôn xóm. Tất cả những việc ấy, được đông đảo bà con hưởng ứng, rất mau chóng và nhiệt thành. Tuổi trẻ và kinh nghiệm đã giúp anh nhạy bén, lại thành thạo công nghệ thông tin, để cập nhật và công khai, minh bạch mọi tiến độ hàng ngày, nên ai cũng vui, yên tâm và tin tưởng…

Quý nhất là tấm lòng thiết tha, chân thành của bà con. Cùng với dòng tiền là những dòng ký ức ngọt ngào, sống động của mọi người. Nhà giáo Minh Hòa từ Vĩnh Linh, Quảng Trị nhớ lại: Hồi xưa còn nhỏ, đội thiếu niên mỗi lần tập văn nghệ, hát hò khô cả giọng, chạy ào vào nhà bà Lộc mượn gàu, vục nước giếng, uống ngọt lịm.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga từ Đà Nẵng, nói: Ông nội cháu nói, giếng là long mạch của làng, nên cần hết sức giữ gìn, bảo vệ. Mỗi lần bà nội cháu chuẩn bị ươm tơ, bảo chúng cháu phải ra giếng làng gánh nước về dùng, tơ ươm mới trơn, mịn và láng bóng.

Cô Hòa còn bổ sung thêm: Ông ngoại cháu cẩn thận lắm, sáng tinh mơ đã giục bọn cháu ra giếng gánh nước về nấu chè xanh cho thơm và sánh, mời cả xóm đến cùng uống.

Tôi nói với anh Nguyễn Thanh Xuân cùng Trưởng thôn Nguyễn Đình Thức và Trưởng ban công tác Mặt trận Nguyễn Hữu Tùng thôn Cẩm Thái: Giếng này như mắt Rồng của làng, giúp cho dân làng ta an lành, hạnh phúc từ nhiều đời nay. Vậy là, các anh đã khơi đúng mạch nguồn tình cảm yêu thương, của dân làng ta, suốt đời gắn bó máu thịt với làng quê yêu dấu. Hỏi còn gì quý giá hơn lúc này!

*

Đúng như mọi người dự đoán, lễ động thổ suôn sẻ, xin ba đài âm dương đều được ngay. Máy xúc đặt nhát đầu tiên đúng ngay giữa miệng giếng cũ. Có máy hỗ trợ đắc lực, chỉ hơn nửa ngày đã đào tới lớp đá lót giếng cũ. Các mạch nước bắt đầu chảy ra, dù lúc này đang là mùa khô cạn nước ở miền Trung. Máy bơm hút nước, rồi đào tiếp một mét thì dừng. Sáng hôm sau trở lại, gần hai mét nước trong veo, soi tận đáy. Ai cũng reo lên: Thật tuyệt vời. Công việc còn lại là xây và hoàn thiện nền giếng và cảnh quan xung quanh, nhanh chóng được hoàn thành, trong niềm hoan hỷ của cả làng, từ người ở quê, đến bà con nơi xa khắp mọi miền.

Cái giếng quý ấy của làng đã góp phần nuôi lớn bao thế hệ con, cháu của làng, đi ra làm rạng danh đất nước, quê hương. Nhiều người là Giáo sư, là Tiến sĩ, hàng trăm Kỹ sư, Bác sĩ giỏi, có cả Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, có các Giám đốc những công ty tiếng tăm. Nhiều người đã từng hoặc hiện đang trực tiếp tham gia lãnh đạo ở nhiều ngành, như Tổng cục Du lịch, Giáo dục, Lao động Thương binh và xã hội, Công an, Quân đội, Báo chí, Nông nghiệp, v.v... Có người con rể của làng, quê miền Nam, trưởng thành từ anh nuôi đơn vị đóng quân trong làng, mỗi lần ra giếng lấy nước ăn, hoặc ra động Bến Xây gánh nước sông Lam về rửa, đều gánh một lúc bốn thùng, ai cũng trầm trồ. Trở về đơn vị chiến đấu, anh đã lập công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc, từ cán bộ trung đội, lên tiểu đoàn, rồi trung đoàn, và trở thành Thiếu tướng - Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân khu Bốn, đó là Thiếu tướng Nguyễn Chót…

Nhà Thánh làng linh thiêng, ngôi đình làng bề thế oai phong, chứa đựng trong lòng nó bao sự tích, cùng cái Giếng làng trong veo, ngọt lịm, đã góp phần tạo nên bao lớp người ưu tú, đưa ngôi làng Cẩm Thái (mà trước đó còn có tên là Cẩm Văn, Cẩm Hương, Cẩm Đường; nhập cùng với Thái Bình thành tên mới, làng Cẩm Thái như ngày nay), một xứ sở giàu có, văn hiến trước đây thành làng Văn hóa trù phú, đông vui hôm nay.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm