April 20, 2024, 7:23 am

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Làm giáo dục phải có cách nhìn của thời đại

 

Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng chia sẻ “Tôi làm giáo dục tức là tác động vào đời sống xã hội nên phải có trách nhiệm. Trẻ con hiện đại phải được học những thứ các bậc tiền bối chưa ai từng học. Nền giáo dục hiện đại là làm sao để cho mỗi em trở thành chính nó, chứ không uốn theo gương ai. Nhiều người hiện nay thường dạy con theo kiểu noi gương các bậc thánh hiền, tôi thì không, bởi đó là nền giáo dục đầy ảo tưởng…”.

Tư tưởng của giáo sư Hồ Ngọc Đại, ngay lập tức nhận được nhiều quan điểm trái chiều không chỉ trong giới nghiên cứu, học thuật, các nhà giáo tâm huyết với giáo dục mà cả dư luận xã hội, do ngành giáo dục đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TƯ thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi người dân. Trước thềm năm mới, báo Văn nghệ đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hồ Ngọc Đại xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

ĐỔI MỚI THỰC TIỄN GIÁO DỤC

 

*Phóng viên: Thưa giáo sư, với nhiều người, hay rộng hơn là với nhiều quốc gia, quá trình giáo dục chính là đi tìm “triết lý giáo dục”, “đích đến của giáo dục”. Hay nói đúng hơn là tìm câu trả lời cho ba câu hỏi sau: Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo những con người như thế nào? Và làm thế nào để tạo ra những con người như vậy?. Nhưng để có được câu trả lời lại không hề dễ, do mỗi con người luôn bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố như: gia đình, môi trường giáo dục và tại mỗi quốc gia khác nhau, do đó sự thiếu vắng triết lý giáo dục đang được cho là nguyên nhân của mọi bế tắc trong giáo dục Việt Nam suốt thời gian qua, thưa Giáo sư ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, nhưng giáo dục lại khác. Giáo dục hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng một phần của tư tưởng Không Tử, và một phần tư tưởng triết học Marx. Tư tưởng Khổng Từ là học để đi thi và học để làm quan. Quan ở đây nên hiểu là các cơ quan hành chính công hiện nay. Còn Marx sinh ra trong một xã hội các giai cấp, tồn tại và vận động bằng đấu tranh giai cấp thì giáo dục phải vào cuộc, phải đấu tranh giai cấp ấy.

Nền giáo dục hiện đại của chúng ta cần phải thoát ra khỏi hoàn cảnh lịch sử của hai tư tưởng đó. Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh lịch sử đã vượt qua đẳng cấp/ giai cấp, chuyển sang Phạm trù cá nhân. Nền giáo dục cho phạm trù cá nhân phải là nền giáo dục giúp cho mỗi cá nhân được trở thành chính mình. Chúng ta dạy cho trẻ em sống thật hơn, tạo ra sự thật xứng đáng hơn trong đời, chứ không phải trong tưởng tượng. Vì vậy, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải dựa trên những nguyên lý triết học, tức trả lời cho được câu hỏi: thế nào là Đổi mới căn bản và toàn diện? và sức mạnh vật chất nào thực thi cuộc Đổi mới ấy?

 

*Phóng viên: Gần đây, triết lý giáo dục lại trở thành điểm nóng, khi các đại biểu Quốc hội chất vấn vì sao không thấy triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi.  Song mặc dù là có, thì nhiều chuyên gia giáo dục vẫn không khỏi băn khoăn khi cho rằng, có đích đến cũng chưa chắc đã có con đường để tới đích, quan điểm của giáo sư thế nào?

- Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tôi chia quá trình phát triển của xã hội loài người thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất kéo dài hàng nghìn năm, chính thức chấm dứt với cuộc cách mạng đầu tiên, vượt bỏ nền sản xuất tiểu nông. Sức mạnh vật chất đã làm nên cuộc cách mạng 1.0 chính là sự ra đời của đầu máy hơi nước, và sức mạnh này đủ để làm nên cả bước nhảy tư duy: Từ kinh nghiệm sang khoa học. Tiếp đến cuộc cách mạng 2.0 với sự ra đời của Máy nổ - động cơ đốt trong, giúp con người thay sức mạnh tự nhiên thiên nhiên bằng sức mạnh của động cơ hiện đại. Sang đến cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 chính là sự ra đời và hỗ trợ đắc lực của máy tính, công nghệ thông tin, và nay là cuộc cách mạng 4.0 với trí tuệ nhân tạo - tự động hoá quá trình sản xuất, làm ra vật chất mà con người không phải mó tay vào. Như vậy có thể thấy, với tiến trình phát triển của thực tiễn vật chất chưa hề có thì cần có tư duy triết học để xử lý các vấn đề mang tính lịch sử của mình.

Trên thực tế, quan điểm giáo dục của tôi đươc dựa trên 2 cơ sở hết sức bền vững: 1 là triết học, 2 là tâm lý học. Khi có được tâm lý học hiện đại, có triết học vững chắc thì tôi hoàn toàn tự tin để xử lý vấn đề giáo dục. Cụ thể, ở thế kỷ 21, thế hệ mới được sinh ra này có những điều mà thế hệ ông bà, bố mẹ chúng chưa hề có, do đó cần một nền giáo dục chưa hề có. Việc dạy trẻ theo kiểu noi gương thánh hiền, phấn đấu theo gương hay trở thành người này, người khác rất khó được chấp nhận. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì cái mà chúng ta hướng đến và phải thực hiện cho bằng được, chính là tạo ra một nền giáo dục hiện đại mà ở đó mỗi người có đủ điều kiện để được trở thành chính mình và xứng đáng với chính mình, chứ không phải theo ai cả. Và vì vậy, nền giáo dục đó phải được xây dựng trên nền tảng lý thuyết không thể bắt bẻ và cơ sở kỹ thuật tốt nhất, những thành tựu mới nhất của nhân loại.

Ở đời, không có gì mạnh hơn sự thật. Mọi nghiên cứu lý thuyết của tôi đều căn cứ trên triết học và các hành động thực tiễn của tôi về lịch sử đều nhằm mang lại ích lợi lớn nhất cho người dùng. Xã hội hiện nay tồn tại và vận động theo cơ chế phân công – hợp tác, thì giáo dục cũng phải tuân theo cơ chế này. Nghĩa là, thầy giáo và cha mẹ học sinh có hai chức năng, hai trách nhiệm khác nhau đối với một đứa trẻ. Hai bên cộng tác với nhau nhưng không làm hộ nhau, không làm thay nhau và không dồn cho nhau. Như thế, đứa trẻ sẽ được hưởng 2 cái lợi lớn nhất: ở trường với thầy giáo và ở nhà với cha mẹ, và đây chính là con đường để có thể đi tới đích trong đổi mới toàn diện giáo dục, bởi nói gì thì nói giáo dục mang ý nghĩa của thời đại. Làm giáo dục phải có cách nhìn của thời đại chứ không phải là nô lệ của quá khứ.

 

KHÔNG ẢO TƯỞNG SẼ THÀNH CÔNG

 

*Phóng viên: Nếu vậy, việc dạy trẻ con thế kỷ 21 rõ ràng phải tuân theo tính tất yếu của lịch sử, mọi cải cách giáo dục sẽ lại rơi vào tình trạng sáo mòn và bế tắc nếu chúng ta cứ ngồi khen nhau và dập khuôn tư tưởng cũ?

- Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Giáo dục hiện nay không tập trung vào học sinh mà chỉ loay hoay xử lý việc của người lớn với nhau. Giáo dục không chú ý đến học trò của thế kỷ 21- một thế kỷ chưa hề có trong lịch sử. Do thiếu ý thức về triết học mà giáo dục chỉ muốn quay lại với tư tưởng cũ (phục tùng và đấu tranh) mà không theo xu hướng thời đại (hợp tác). Trong giáo dục, nếu học sinh chấp nhận học (bởi không có sự lựa chọn nào khác) thì chưa chắc giáo dục đã đúng, nhưng khi chúng chống lại thì hẳn là giáo dục đã sai. Trong lịch sử, chúng ta đang đã chiến thắng nạn mùa chữ (năm 1945) và hiện nay 100 % dân cư đi học, cho thấy, học tập là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Và như vậy, giáo dục là một nhân tố của sự sống hiện đại thì sao cần phải thi cử. Những quy chế, thủ tục thi cử hiện nay đều có từ lâu trong giáo dục phong kiến, đều vì mục đích và sự tiện lợi của người lớn. Khi thành lập trường Thực nghiệm, mỗi ngày tôi thường hỏi các ông bố, bà mẹ là các con đi học về có vui không. Và khi nhận được những câu trả lời có hoặc không, tôi sẽ tự điều chỉnh. Nguyên tắc sư phạm của tôi là “thầy giao việc, trò làm việc”, khác hẳn công thức “thầy giảng, học trò ghi nhớ”, tồn tại lâu nay trong giáo dục. Bố mẹ, thầy cô không nên áp đặt trẻ con, hãy để các con có quyền tự quyết định trước. Hãy tạo cho trẻ con hiện đại thế kỉ XXI được hưởng những cái mới chưa hề có. Có thể dùng những cái cũ, nhưng cần phải tạo ra một nền giáo dục mới nhất để trẻ con được hưởng những thành tựu mới nhất đó!

 

*Phóng viên: Thưa giáo sư, hẳn ông sẽ khó có thể hình dung được đời sống của người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong khoảng 30, 40 thậm chí 50 năm nữa. Nhưng các nhà giáo dục, đặc biệt là những người ban hành chính sách giáo dục, cần phải có tầm nhìn của ít nhất là 30 thậm chí là lâu hơn nữa để có thể chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ của không chỉ 4.0; 5.0 mà còn cao hơn nữa? Và khi ấy, Giáo dục sẽ phải làm gì? Đặc biệt, triết lý giáo dục nào sẽ cần phải xác lập để làm định hướng và dẫn dắt giáo dục trong bối cảnh đó?

- Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Chúng ta đang sống trong thời đại của phạm trù cá nhân (vượt bỏ các quan hệ phục tùng một chiều, đấu tranh giai cấp) mà xác lập một quan hệ mới chưa hề có giữa các cá nhân: Mỗi cá nhân hiện đại là duy nhất, có một không hai trên hành tinh. Vì lợi ích của của chính mình, mỗi cá nhân hiện đại phải hợp tác với cá nhân khác, xác lập trong toàn xã hội quan hệ mới: phân công - hợp tác. Cơ chế phân công - hợp tác ra đời từ lâu và ngày càng tác động sâu hơn vào đời sống xã hội, đến tận mỗi cá nhân, buộc cá nhân đó phải hoà nhập và thích ứng với cơ chế phân công – hợp tác của xã hội hiện đại, trên toàn cầu. Đây là hướng đi tất yếu và thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến và đã đạt được. Nhưng, Việt Nam thì chưa, do còn lúng túng trong định hướng giáo dục và giải pháp thực tiễn nên giáo dục vẫn theo tư tưởng cũ: học – thi và học để ngồi vào vị trí A, B… quan trọng trong bộ máy hành chính công. Do đó, giáo dục đã đào tạo ra nhiều người có học hàm học vị ngang tầm nhau, dẫn đến sự mất cân đối thừa bằng cấp học hàm học vị, thiếu năng lực thực tiễn. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy giáo dục (dù muộn còn hơn không) để cá nhân được phát triển toàn diện.

Giáo dục phải căn cứ vào trẻ con, xuất phát từ trẻ con và đi đến trẻ con.

Với tôi, Tiểu học là cơ hội cuối cùng bảo tồn truyền thống dân tộc, là cơ hội đầu tiên đi theo định hướng triết học và làm theo công nghệ giáo dục mới. Đại học là cơ hội đầu tiên hội nhập ngay với thế giới hiện đại, tiếp cận ngay với khoa học- công nghệ hiện đại trên toàn thế giới. Do đó, những người làm chính sách, làm thầy phải đặc biệt coi trọng hai giai đoạn cơ bản này của giáo dục: một là giáo dục phổ thông, hai là đào tạo đại học, dù giai đoạn nào cũng phải trung thành với thế hệ trẻ, bởi chúng sẽ là tương lai của đất nước, làm nên lịch sử của dân tộc.

 

*Phóng viên: Vâng, đổi mới giáo dục muốn thành công, trước hết giáo dục phải có ý tưởng để rồi thực thi ý tưởng. Quá trình thực thi chính là công nghệ, công nghệ của Hồ Ngọc Đại là tận dụng thời gian trong đời mỗi con người để làm giáo dục. Dùng cái tích cực của cuộc sống để dạy trẻ con, chứ không phải dùng cái ảo tưởng, mong ước, hay sự vụ lợi của người lớn để áp đặt lên con trẻ.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

PV (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2017

 


Có thể bạn quan tâm