April 20, 2024, 2:51 am

Giao mùa

 

Tâm nhận được thư ông Khẩn, chồng o Thắm, cô ruột chị. Một trang A4 nguệch ngoạc đầy lỗi chính tả, nhưng có một thông tin quan trọng “ Em Thảo vào làm công nhân ở chỗ cháu. Mong cháu hãy vì tình thân tộc mà giúp đỡ em nó. Con gái nhà quê, lạ nước lạ cái... ”.

Loang loáng trong ký ức Tâm hình ảnh cô bé Thảo mặt tròn, mắt đen láy, thẹn thò núp sau lưng o Thắm ngày đám giỗ bà nội. Từ đó đến nay dễ gần hai chục năm. Thảo bây giờ như thế nào nhỉ? Từ hồi khăn gói vào Nam, Tâm như chiếc lá đã lìa khỏi gốc rễ. Thảo là một phần của quê nhà, nơi chị sinh ra và lớn lên. Chị thấy vui vì sắp được gặp cô bé...

            Một ngày, xuất hiện trước cửa nhà Tâm bốn cô gái, tóc cột dây thun, chân đi dép săng đan. Mỗi cô một chiếc rương bằng thiếc sáng loáng. Tâm nhận ngay ra Thảo bởi cô chẳng khác hồi bé là mấy, duy chỉ gương mặt có vẻ dài hơn. Thảo giới thiệu ba cô bạn: “ Đây là Thủy, Ngát, Sơn. Bốn chúng em cùng làm công nhân may ở ngoài quê rồi. Giờ chúng em chuyển vào trong này, mong chị xin việc giúp chúng em.”

“Được rồi. Mấy đứa nghỉ ngơi đã. Cứ từ từ. Gì chứ công nhân may thì xin đâu chẳng được ” - Tâm nói và nhìn các cô. Ba cô thấp thấp tròn tròn nhưng mặt mũi tươi tỉnh dễ coi. Thảo thì cao và hơi gầy.

Luôn mấy ngày các cô gái ríu rít rủ nhau đi tham quan và mua sắm. Toàn những món rẻ tiền: chai dầu gội đầu, cái khăn rửa mặt, vài vòng dây buộc tóc... Cô Ngát nắc nỏm “Ở đây nhiều cửa hàng to khiếp. Đồ may sẵn thì ê hề. Không biết người ta may quần áo thì đưa đi đâu chứ chỗ nào cũng thừa mứa rồi”. Cô Sơn diện quần jean, áo thun lửng đang loay hoay mang thử đôi giày bitits. “Đem xuất khẩu chứ đi đâu. Như hồi bọn mình ở ngoài kia. Quần áo mình làm ra có khi nào thấy bán ở chợ. Người ta đưa sang nước ngoài tất”. Trong bốn cô, Sơn có vẻ hoạt bát, nhanh nhảu hơn cả. Cô Ngát non nớt nhất, thấp bé nhẹ cân, thỉnh thoảng lại đưa ra một câu hỏi buồn cười. Cô Thủy nét mặt buồn buồn, mắt hay nhìn xuống. Một hôm, đang ngồi nhặt rau với Tâm, cô rủ rỉ: “Em... có chồng rồi chị ạ. Tại em mồ côi, sống với cậu mợ. Cậu mợ ép em lấy một ông góa vợ còn nhiều tuổi hơn cả thày em. Cưới xong, em nhất định không chịu ăn ở với ông ta. Rồi em trốn nhà theo Thảo. Cũng may là em và ông ta chỉ cưới thôi, không làm hôn thú”. Tâm ngạc nhiên. Đôi mắt u hoài của cô khiến chị động lòng: “Em dại quá. Không yêu thì cưới làm gì, mang tiếng ra. Nhỡ ông ấy vào tìm thì sao?” Mắt Thủy rơm rớm “Em... cũng chẳng biết. Cứ nghĩ cậu mợ nói thế thôi chứ không ép. Nào ngờ ông ấy đưa cục tiền cho mợ, thế là cưới… ”.

Cuộc sống độc thân buồn tẻ của Tâm bừng lên những gam màu tươi mới. Mỗi ngày đi làm về chị thấy ấm lòng vì trong nhà có tiếng nói cười, trên bàn ăn bày sẵn cơm ngon canh ngọt, sàn nhà được lau sạch bóng. Thậm chí Thảo còn giặt quần áo cho chị. Khi Tâm hướng dẫn cô sử dụng máy giặt, cô cười giòn tan “Ối. Máy móc làm gì. Em vò một tẹo là xong”. Sự hồn hậu chất phác của Thảo và các cô gái làm Tâm cảm động. Chị thấy mình thảnh thơi và như trẻ ra.

 Tuần sau, Tâm lo xong việc cho bốn cô. Các cô hớn hở tạm biệt chị dọn đến nhà trọ. Tâm bảo Thảo ở lại nhưng cô từ chối khéo, nói ở với bạn quen rồi. Chị biết Thảo ý tứ, sợ chị mất tự do.

*

              Đi làm được vài tháng, Thảo chạy chiếc xe đạp mini Trung Quốc mới tinh tới nhà Tâm. Trờ mưa lất phất. Những giọt mưa long lanh bám trên mi mắt, trên tóc Thảo. Cô cười tươi rói như bông hoa nở sớm: “Em lĩnh lương tháng cộng thêm tiền tăng ca, mua được cái xe đạp này”. Thảo khoe rồi loay hoay giở túi xách, lôi ra một cuộn vải vụn nhiều màu: “Em lấy mớ vải lẻ này trong công ty. Nhỡ có may đồ bộ mặc ở nhà thì dùng làm túi. Bữa nọ chị bảo có mấy cái quần tây hơi bị kích, đưa em nới ra cho”. Tâm giật mình: “Ấy chết. Sao lại lấy của công ty? Người ta biết thì bị đuổi việc mà còn ê mặt”. Thảo lượng sượng buông tay, cuộn vải vụn rơi xuống đất. Cô cúi xuống nhặt lên, lí nhí: “Hồi ở ngoài quê, bọn em đi làm khổ lắm. Công ty tư nhân, trả lương thấp mà nhà xưởng thì nóng như cái lò nung gạch. Công nhân ăn trộm đủ thứ, nào kim chỉ, dao kéo, vải vóc. Ai lấy được thứ gì là lấy”. Tâm nhìn cô em nhét vội cuộn vải vào giỏ xách, bỗng thấy tồi tội. Thảo trẻ con và đơn giản quá. Tư duy tiểu nông hay do hoàn cảnh? Chị thoáng nhớ một chuyện đã qua từ lâu. Hồi đó Tâm cũng giới thiệu cho cháu trai một người bạn vào làm việc ở công ty thực phẩm xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài. Biết anh chàng từ bé chỉ chạy theo đít bò, chị dặn anh ta phải tôn trọng nội quy, kỷ luật của công ty, tuyệt đối không được đụng đến dù một chiếc kẹo nếu không được lãnh đạo cho phép. Anh chàng hứa chắc như đinh đóng cột. Nào ngờ mới qua tháng đầu, bạn Tâm đã ngán ngẩm thông báo cháu anh… bị đuổi việc, về quê rồi. Anh ta không bỏ được cái tật tùy hứng. Đang làm việc thấy khát là vớ lấy lon nước trái cây, tu ồng ộc. Giờ hành chính mà sểnh ra là… đi nhậu. Từ đó Tâm dị ứng với mấy cô cậu công nhân xuất thân từ chốn làng quê, chân còn ngấn phèn. Nhớ lại chuyện cũ, Tâm ôn tồn: “Em học Luật lao động rồi chứ gì? Ở đây nghiêm lắm. Công nhân đi làm không được tơ hào dù một cái nút áo. Ai vi phạm kỷ luật là mất việc. Đừng tham cái nhỏ mà bỏ cái lớn em ạ”. Thảo nín lặng. Rồi cô ngập ngừng: “Chị Tâm. Em định… xin chuyển qua bộ phận khác. Làm ở tổ em bây giờ… chán lắm”. Tâm nhíu mày nhìn cô em. Chị cảm thấy có cái gì đó không ổn xảy ra với Thảo. “Em nghĩ cho kỹ. Vừa mới vào làm việc mà chuyển đi chuyển lại là không nên đâu. Hay là em không làm được?” Thảo cắn môi, mặt buồn thỉu: “Không phải. Nhưng bên em mới thay một anh quản đốc mới. Anh ta khó tính, bắt bẻ còn hơn mẹ chồng. Suốt ngày hối thúc bọn em. Đến chậm một tí cũng nhắc. Cười to cũng nhắc. Sản phẩm chỉ mắc một lỗi nhỏ cũng bắt phải làm đi làm lại. Làm không xong là bị khấu trừ lương. Thấy ghét!”. Tâm mỉm cười. Chị hiểu tâm tư của Thảo. Cô gái nông thôn chưa quen với tác phong công nghiệp nên dễ bị sốc. Chị lựa lời phân giải cho Thảo yên lòng.

*

Tâm quyết định kê dọn lại nội thất để làm mới đôi chút ngôi nhà  thiếu vắng đàn ông. Thảo đến, xăn tay áo, giúp chị. Cô mở toang cửa sổ. Một làn gió ào vào, cuốn theo mùi thơm tinh khiết của hoa nhài lẫn mùi nhàn nhạt của nước mưa đọng trên cỏ cây. Hôm nay trời hửng. Những tia nắng yếu ớt run rẩy đậu lên thành cửa sổ, chim chích chòe hót véo von trên cành khế chĩu chịt hoa tím. Thảo vươn người, căng lồng ngực hít thở không khí ban mai. Cô hân hoan như đứa trẻ “Chị biết không. Suốt cả tháng em không nhìn thấy mặt trời ”. “Sao vậy” ? Tâm vừa lau cửa kính trên chiếc tủ nhỏ vừa hỏi. “Thì lúc bọn em đi làm mặt trời chưa mọc. Khi bọn em về thì tắt nắng lâu rồi. Cả tháng tăng ca mà. Công ty em đang gấp rút làm cho xong lô hàng đi Nhật”.

         Thảo kê ghế đứng lên, ngửa cổ, tay khua khoắng cán chổi dài quét mạng nhện trên trần nhà, miệng nói thao thao: “Chị nhớ ông Qúy người làng Đồng không ? Con trai ông ấy bán điện thoại trên phố huyện. Người thì dúm dó như con ếch mà lúc nào cũng đeo cái kính đen to kềnh kệnh, tóc để dài trùm gáy, mồm phì phà thuốc lá, tán gái như ranh. Thế mà bố muốn em lấy anh ta. Ngữ ấy em thèm vào. Bố chửi em ngu. Nó thế nhưng làm ra tiền. Bố cứ làm như có tiền là có tất”. “Thế ở nhà nàng đã có mối nào chưa?”. Thảo lắc đầu : “Ở quê bằng tuổi em mà chưa chồng là ê sắc ế rồi. Em… quen một người. Nhưng bố cấm tiệt. Bây giờ anh ấy cũng vào Bình Dương làm với ông chú”. “Hóa ra là nàng vào đây theo tiếng gọi thiêng liêng của ái tình. Thế mà chị cứ ngỡ là vì nàng thích vùng đất phương Nam cơ đấy” – Tâm đùa. Thảo cười khúc khích “ Cũng chưa biết thế nào, chị ạ...

Thảo chuyển chỗ trọ. Gần tháng sau Tâm mới tìm được nơi ở mới của cô. Dãy nhà dài lợp tôn, được chia thành nhiều phòng. Thấy Tâm, vài cô công nhân lễ phép chào. Một cô ngồi giặt trên sân, bọt xà bông phồng lên như đống tuyết trắng tràn cả ra lối đi. Một đứa bé chừng ba tuổi đang chơi nghịch gần đó. Đứa bé dẫm phải vũng nước bẩn, trượt chân té oạch và khóc ré lên. Người mẹ từ trong nhà chạy ra, bế xốc lấy con và mắng cô gái đang giặt “Oanh. Răng mi không vô toa lét mà giặt, đổ nước tòe loe ra như ri”. Cô gái chống chế “Phòng nào cũng có người. Em chỉ định vò xà bông một tí”. Tâm dắt xe máy qua đám sân ướt lẹp nhẹp, chui qua dây quần áo rỏ nước tong tong, tới căn phòng cuối cùng. Gõ cửa và chờ một lúc khá lâu mới thấy cánh cửa bật mở. Gương mặt trắng trẻo và cặp mắt hơi lồi của cô Sơn ló ra. “Ôi chị Tâm”. Cô ta reo khẽ và vội vàng mời khách vào nhà. Tâm ngồi trên chiếc ghế nhựa duy nhất trong phòng, hơi bất ngờ vì lối ăn mặc trễ tràng của Sơn. Bộ đồ ở nhà bằng vải lanh hoa, áo dây hở ngực, quần ngắn khoe cặp giò trắng nẫn. Một anh chàng quần jean, áo pul ngồi trên giường đang vần vò chiếc nón vải màu đen trong tay. Anh ta chào chị nhưng nét mặt vẫn rắn câng, lành lạnh. Sự xộc xệch nhàu nhĩ của mền gối và dáng vẻ cậu trai khiến Tâm hiểu ngay mình đến không đúng lúc. “Thảo và Thủy, Ngát đi tăng ca chị ạ. Chủ nhật cũng không nghỉ. Tụi nó vất vả lắm”. Sơn nói và mời Tâm ly nước lọc. Căn phòng chật nhưng gọn gàng. Tủ vải, bếp ga mini, kệ chén bát, xoong nồi. Chiếc cầu thang gỗ dẫn lên gác lửng che tấm ri đô mỏng. Vẻ nữ tính toát ra từ chiếc gương tròn trên vách, những bức ảnh diễn viên Hàn Quốc - Việt Nam dán khắp tường, cái lọ hoa xinh xinh trên bàn thờ phật nhỏ xíu. Không khí ngột ngạt oi nồng. Thấy Tâm nhìn quanh, Sơn nói: “Em và Thảo ngủ dưới này, còn trên gác lửng là Ngát và Thủy”. “Thế em không làm cùng mấy cô ấy à? Tâm hỏi. Sơn nhìn anh chàng quần jean, miệng cười, mắt lúng liếng: “Em… sắp lập gia đình, Anh ấy xin cho em làm ở chỗ khác”. Trong lúc hai chị em nói chuyện, gã trai thản nhiên dùng kềm cắt móng chân. Gã gom “chiến lợi phẩm” thành một mớ rồi hắt chúng xuống sàn nhà. Tâm đột nhiên thấy lợm giọng. Chị nói à uôm vài câu, mừng cho Sơn nhưng trong bụng thấy ngán ngẩm. Ngồi một lúc rồi chị đứng dậy, ra về.

*

          Thảo dựng xe đạp ngoài hành lang, bước vào nhà, cởi nón vải. Tâm ngạc nhiên thấy da mặt cô sàm sạm, hai mắt đỏ. Cô ngồi phịch xuống ghế salon, giọng rã rời : “Chị à, Em bị mất đồ”. “Hả? Mất đồ? Em mất cái gì”? Thảo sụt sịt, mũi phồng lên: “Em hốt hụi chót, mua được hai chỉ vàng cất tạm trong áo gối. Cứ định tết đem về gửi mẹ mà chưa kịp. Khốn nạn. Chị biết ai lấy không? Con Sơn. Nó với thằng người yêu biến rồi…” Tâm bàng hoàng. Chị cảm thấy như chính mình vừa bị kẻ cướp giật đồ. “Thế … có chắc là Sơn lấy không?” Thảo thở hắt ra: “Tụi em còn lạ. Con Sơn là dân thị trấn, thích ăn trắng mặc trơn, đi làm lúc nào cũng than khổ, thiếu tiền. Có điều em không ngờ nó cạn tàu ráo máng thế. Bọn em sống với nó có đến nỗi nào. Quân tệ bạc”. Thảo mím môi rủa. Chưa bao giờ cô tỏ ra đanh đá, chao chát đến thế. Tâm nhìn Thảo xót xa. Ở đời cái tốt cái xấu cách nhau chỉ một sợi tóc, có khi còn nhòe vào nhau. Hình ảnh cô Sơn lả lơi trong bộ đồ ngủ thoáng qua óc chị. Thảo đau vì mất của và còn đau vì lòng tin bị đánh cắp. “Thôi em ạ. Cũng là dịp để mình biết đời, biết người ” - Tâm an ủi. Chị ước sao có thể bù đắp, sẻ chia được với Thảo. Cô ngồi cúi đầu nhẫn nhục. Trong ánh chiều nhập nhoạng, trông cô thật buồn bã, nhỏ nhoi. Cứ khóc đi cho nhẹ lòng em ạ. Rồi em sẽ hiểu. Sống được ở thành phố nhộn nhạo bon chen này chẳng phải dễ. Chỉ cần em đừng nản. Một lúc, Thảo ngẩng lên, mặt đã hơi tươi tỉnh: “Em được chuyển sang phân xưởng may mẫu rồi. Công ty em  vừa lắp đặt hệ thống làm mát nên bây giờ đi làm cũng đỡ khổ. Dạo này đơn gía sản phẩm thấp. Có mấy nơi đình công”. “Thế em có tham gia không?   Không ạ. Bọn em chỉ muốn yên ổn làm ăn. Vừa rồi có người về quê, em gửi cho mẹ năm triệu”. Tâm như bị điện giật. Thu nhập của Thảo vài triệu đồng một tháng. Để gửi năm triệu cho mẹ, Thảo phải tăng ca bao nhiêu ngày? Được làm ở tổ may mẫu, thu nhập của cô chắc sẽ khá hơn. Tâm mừng cho Thảo mà lòng rưng rưng. Thương em vô cùng.

Buổi tối, Thảo ở lại ngủ chung với Tâm. Cô trằn trọc, lăn qua lăn lại rồi bỗng chống tay lên nhìn chị: “Chị Tâm. Em vừa nhận được thư mẹ. Ở nhà đang… giục em lấy chồng”. Thảo im một lúc rồi cười nhẹ: “Hồi còn bé em và mấy đứa bạn vẫn hay bơi qua sông. Bên ấy lúc nào cũng kiếm được cái ăn. Không có na, chuối, đu đủ thì bọn em hái quả găng, tẽ lấy hột rồi mang xuống sông, lấy lá ruối, lá tre đãi bọt cho thật sạch. Hột găng ăn vừa giòn, vừa ngọt. Một lần đang bẻ trộm ngô non thì em và con Toàn nhà thím Sảnh bị một ông thộp gáy, điệu cổ về. Hai đứa em vừa đi vừa khóc. Ông ấy trói hai đứa vào gốc bưởi rồi bảo đi kêu công an. Tụi em sợ quá. May cậu con trai ông ấy tháo dây trói, thả chúng em ra. Ai ngờ sau này lớn lên, em lại yêu ngay anh ấy”.

“Anh bạn bên Bình Dương hả”? Tâm hỏi. Mắt Thảo long lanh trong ánh sáng màu mật ong của ngọn đèn ngủ: “Vâng. Anh ấy tên Hội, hiền và ít nói lắm. Để bữa nào em dẫn qua đây chào chị”. Tâm đưa tay vuốt lọn tóc mềm của Thảo, dịu dàng.  “Ừ. Em ngủ đi. Mai còn đi làm”. Chẳng mấy chốc Thảo đã chìm sâu vào giấc ngủ.

*

Nhưng Tâm không bao giờ có cơ hội gặp Hội, người yêu của Thảo. Một bữa, đang trong giờ làm việc, chị nhận được điện thoại của cô. Giọng Thảo nhòe ướt: “Chị ơi. Anh Hội bị tai nạn giao thông. Nặng lắm. Em vừa báo tin cho chú anh ấy. Em đang ở bệnh viện”. Tâm nhoáng nhoàng bổ tới bệnh viện. Ở phòng cấp cứu, chị thấy Thảo cùng Ngát và Thủy đang cúi xuống bên chiếc gường sắt phủ ga trắng. Hội nằm đó, như đang ngủ. Tóc anh ta đã được cạo trọc, quanh người chằng chịt dây truyền nối với những chai lọ lủng lẳng. Tảng ngực trần vạm vỡ phập phồng lên xuống. Tâm không thể tin sự sống lại có thể rời bỏ một thân thể trẻ trung, khỏe mạnh nhường kia. Chị đi hỏi bác sĩ xem tình trạng Hội có hy vọng gì không. Cô bác sĩ trẻ tới bên người bị nạn, vạch mi mắt xem và véo vào ngực anh ta thật mạnh. Cơ thể Hội giật lên theo phản xạ, nhưng ngay sau đó lại xuội lơ, thiêm thiếp. Mặt thảo trắng nhợt. Ánh mắt cô tuyệt vọng nhìn bác sĩ. Tâm bỗng hiểu. Hội đã chết lâm sàng. Anh ta thoi thóp chỉ nhờ chưa rút ống thở.

Xe của gia đình Hội đón anh ta về quê rồi, Tâm đưa Thảo về nhà chị. Họa vô đơn chí. Tâm muốn Thảo có thời gian để bình tâm lại. Buổi tối sầm sập mưa. Có tiếng gõ cửa gấp gáp. Tâm mở cửa. Gío lạnh thốc vào nhà. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã thấy một bóng người sụp xuống sàn. Sơn. Đúng là Sơn. Theo sau là Thủy và Ngát. Bụng Sơn lùm lùm. Hai má nám như tảng cơm cháy. Tâm vội giục cô đứng lên. Sơn nức nở: “Chị Tâm. Thảo ơi. Tớ… xin lỗi. Tớ… ” Cô nghẹn lời. Ngát giũ áo mưa, nói với Tâm: “Sơn nghe chuyện anh Hội. Nó về tìm Thảo. Em đưa nó tới đây gặp Thảo và chị”. Thảo lặng ngắt, không nói không rằng. Cô ngồi như phỗng đá, ngơ ngẩn nhìn mọi người bằng cặp mắt vô hồn. Nỗi mất mát quá bất ngờ khiến cô vẫn như người mộng du. Thủy ngồi bên Thảo, xoa vai bạn như để an ủi. Sơn sụt sùi kể cô bị “người yêu” lừa. Gã chẳng nghề ngỗng gì. Chính gã đã lấy ba chỉ vàng của Thảo trong áo gối mà Sơn không biết. Số vàng đó giúp gã phởn phơ được hơn tháng. Hết tiền, no chán tình ái, gã quất ngựa truy phong, bỏ lại cho Sơn cái bào thai. Sơn định đi phá thai nhưng không còn kịp. Cô mặc cảm, xin vào làm cho mấy cơ sở may tư nhân. Giữa lúc ngổn ngang tâm sự thì Sơn biết tin Hội.

Tâm nhìn những móng tay, móng chân cáu bẩn của Sơn, ái ngại. Khoản học phí Sơn phải trả cho bài học về sự nhẹ dạ là quá đắt. Chị ân cần: “ Em… định thế nào? Bao giờ sinh cháu? Có ai giúp không?” Sơn lắc đầu chua xót: “Em không dám nói với gia đình. Em định.. . sanh con xong thì”. Ngát nói đỡ : “Chúng em bảo, đằng nào cũng lỡ rồi. Dù gì cũng còn có bạn bè. Cứ để đẻ con mà nuôi. Như chị Hạnh đó. Bây giờ con chị ấy đã ba tuổi ”. Thì ra đứa bé Tâm nhìn thấy ở khu nhà trọ của Thảo cũng không có cha. Câu chuyện xem ra đã hơi xuôi chiều. Tâm đứng lên: “Thôi. Các em ở chơi nhé. Chị có chút việc”. Rồi chị đi lên gác, bụng đầy băn khoăn. Chẳng hiểu các cô nói với nhau những gì. Hồi lâu, Thảo nói vóng lên gác: “Em và Thủy, Ngát đưa Sơn về nhà trọ chị ạ”. Tâm thở ra một hơi dài. Vậy là Thảo đã tha thứ cho bạn.  

Tết trung thu vèo qua. Những cơn mưa thưa dần. Buổi sáng thức dậy đã có chút gì mơ hồ như hơi may luồn trong gió sớm. Đi công tác về, đang lau dọn nhà cửa Tâm chợt giật mình vì tín hiệu báo có tin nhắn phát ra từ chiếc điện thoại trên nóc tủ lạnh. Chị vớ lấy máy. “Chủ nhật em tới chị. Thảo”. Ra là tin nhắn của Thảo. Trước hôm đi công tác, chị ghé qua chỗ cô. Thảo vừa dắt chiếc xe máy ra cửa định đi đâu đó. Thảo khoe “Em vừa mua chiếc xe này. Chị thấy đẹp không?”. Tâm nhìn chiếc xe mới cáu, gật đầu “Ừ. Đẹp. Màu thời trang đấy”. Thảo bảo cô đang chuẩn bị đi thăm Thủy sanh con. Cu Hải - con trai Sơn mới được ông bà ngoại đón ra Bắc, Sơn đã đi làm. Ngát thì theo bạn trai về quê xin cưới. Thảo bây giờ là tổ trưởng tổ may mẫu và vừa đoạt giải ba Hội thi Bàn tay vàng ngành may. Tâm trách yêu “Chị mừng cho em. Nhưng bạn bè chồng con hết rồi. Cũng phải lo dần đi là vừa. Đừng để o chú trách chị không biết bảo ban em đấy”. Thảo dạ, thoáng bối rối. Cô đã thay đổi nhiều. Điềm đạm và chững chạc hơn. Nhưng dường như mối tình đầu trong Thảo vẫn chưa nhạt nhòa.

Chủ nhật Thảo đến. Không phải một mình mà là ba người. Đi cùng Thảo là người đàn ông chừng ngoài ba mươi và đứa bé gái khoảng năm sáu tuổi. Thảo giới thiệu “ nh Hoàng, bạn em. Còn đây là Bích Thu, con gái anh Hoàng”.

Lúc xuống bếp nấu cơm, Thảo nhỏ giọng: “Chị không nhận ra “Mẹ chồng" à? Ra vậy. Ghét của nào trời trao của nấy. Tâm nhìn người cha  đang chỉ màn hình ti vi giải thích cho con gái hiểu điều gì đó, nửa mừng, nửa lo cho Thảo. Cuộc đời thật kỳ diệu. Nỗi đau nào dù kín hay hở miệng rồi cũng được thời gian chữa lành. Tâm không ngạc nhiên khi Thảo yêu người đàn ông đã có con riêng. Nhưng dẫu sao… Thảo không biết nỗi ưu tư của chị, cô vẫn rỉ rả: “Vợ anh ấy bị bệnh hiểm nghèo. Anh ấy gà trống nuôi con. Khéo dạy con lắm. Bé rất ngoan”. Cơm xong, cả nhà ngồi uống nước. Con Bích Thu ngồi gọn trong lòng Thảo. Có lẽ nó thèm mẹ nên quấn quýt Thảo không rời.

Sau bữa cơm vui vẻ, Thảo và Hoàng chào về. Đứa trẻ nhanh nhẹn trèo lên sau xe, ngồi giữa Thảo và Hoàng. Hình ảnh một gia đình đầm ấm hiển hiện thân thương làm Tâm nao nao. Chị tiễn họ ra phố, nhìn theo mãi chiếc xe máy chở ba người...

Nguồn Văn nghệ số 33/2018

 

 

 

 

   

 

                    


Có thể bạn quan tâm