March 28, 2024, 6:26 pm

Giao lưu văn hóa - khảo từ Truyện Kiều

Sự giao lưu văn hóa là quy luật phát triển của xã hội loại người. Trong đó, ngôn ngữ đóng vai trò hết sức quan trọng. Ở phạm vi bài viết này, tôi chỉ đi sâu tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt về ngôn ngữ giữa Đường thi của Trung Hoa và Truyện Kiều của Nguyễn Du trong quá trình giao lưu văn hóa.

Phát minh chữ viết được xem là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại. Chữ Hán (Hán tự) do người Hán sáng chế bắt nguồn từ việc mô phỏng hình dáng cây cối, muông thú, sông núi… Theo thời gian, chữ Hán được hoàn thiện dần. Khi chưa có chữ viết riêng, bên cạnh việc phiên âm chữ Hán tạo ra âm Hán - Việt, cha ông ta đã biết mượn chữ Hán để viết các văn bản hành chính và sáng tác văn chương. Nhờ tiếp thu chữ Hán mà dòng văn học viết ở nước ta mới hình thành và phát triển.

Ngót ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, việc văn học cổ nước ta chịu ảnh hưởng sâu rộng văn học cổ Trung Hoa là điều đương nhiên. Nhưng cha ông ta vốn có ý thức dân tộc, tự lập tự cường mạnh mẽ, nên đã tiếp thu có chọn lọc và rất sáng tạo. Điều đó làm nên nét tương đồng khác biệt giữa văn học cổ Trung Hoa và văn học cổ Việt Nam.

Về sự tương đồng, ngoài việc sáng tác bằng chữ Hán, cha ông ta còn sử dụng một số thể loại văn học, phổ biến nhất là thơ Đường luật. Hiện chúng ta còn lưu giữ hàng trăm bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến… Tư tưởng Nho giáo cũng góp phần làm nên sự tương đồng của văn học cổ nước ta với văn học cổ Trung Hoa. Trước thời Nguyễn Trãi một thời gian, cha ông ta đã sáng chế ra chữ Nôm (chế biến chữ Hán để ghi âm Việt). Sau Nguyễn Trãi một thời gian, cha ông ta sáng chế thêm các thể mới, như song thất lục bát (kết hợp thơ thất ngôn với thơ lục bát), truyện thơ… tạo điều kiện cho dòng văn học chữ Nôm ra đời và phát triển rực rỡ vào cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Đây có thể xem là nét khác biệt đáng kể nhất trong quá trình giao lưu của văn hóa Việt với văn hóa Trung Hoa.

Cụ Đào Duy Anh trong công trình Khảo luận về Kim Vân Kiều có một nhận xét rất xác đáng: “Thời Lê mạt, ta có những tác phẩm có giá trị như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Phan Trần truyện, Hoa Tiên ký… viết bằng quốc âm, nhưng lời văn điêu trác, hay dùng điển cố, cho nên chỉ được các hạng thượng lưu trí thức thưởng lãm, mà không phổ cập trong dân gian. Duy Truyện Kiều văn chương đủ tính nghiêm trang, đường hoàng, điêu luyện, khiến cho kẻ học thức phải khâm phục và yêu mến; mà lại đủ cả tính giản dị, phổ thông để khiến cho bình dân hiểu được mà thưởng thức”. Trong khi các tác phẩm quốc âm mà cụ Đào Duy Anh kể trên chỉ sử dụng khoảng 40% “tiếng ta” thì Truyện Kiều của Nguyễn Du sử dụng trên 70% từ thuần Việt. Nhưng số lượng từ dùng nhiều hay ít chưa nói lên điều gì mà cơ bản là việc sử dụng những từ ngữ đó như thế nào vào công việc sáng tác mới là điều đáng nói. Khi tiến hành khảo sát từ “Tôi” trong Truyện Kiều, tôi từng phát hiện: những tác phẩm viết bằng chữ Nôm có giá trị như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Phan Trần, Hoa Tiên… chưa có tác phẩm nào sử dụng từ “tôi” theo nghĩa đại từ nhân xưng như Nguyễn Du (ngoại trừ từ “tôi” trong bài Ốc nhồi tương truyền của Hồ Xuân Hương: Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi). Điều này góp phần tạo nên nét khác biệt của thiên tài Nguyễn Du không chỉ với Đường thi mà cả với những tác giả cùng thời.

Riêng gần 30% từ gốc Hán được sử dụng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng lựa chọn những từ thông dụng. Đó là những từ người bình dân vẫn dùng trong giao tiếp hàng ngày, như: xuân, hoa, hồn, tâm, tài, mệnh… nên họ dễ tiếp nhận. Cũng như các nhà thơ thời Đường, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng khá nhiều lần các từ “hoa” và “xuân” (từ hoa 132 lần, từ xuân 55 lần). Với từ “hoa” có trường hợp Nguyễn Du mượn hẳn một câu thơ Đường chuyển qua thơ Việt: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Đây là câu thơ của tác giả Thôi Hộ, trong bài Đề đô thành nam trang (Thơ đề ở ấp phía nam đô thành): Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Nguyễn Du chỉ thay từ “y cựu” (như cũ) thành “năm ngoái” làm cho sắc thái câu thơ thay đổi ít nhiều. Chữ “hoa” trong các câu: Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ; Thềm hoa khách đã trở hài; Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên; Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng; Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền… Nguyễn Du cũng dùng không khác gì các nhà thơ Đường từng dùng. Đó là sự tương đồng. Chữ “hoa” trong các câu: Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa; Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn; Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình; Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa… là cách dùng hết sức sáng tạo của Nguyễn Du. Đó chính là sự khác biệt. Đặc biệt là cách ghép từ “lệ hoa” trong câu: Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng. “Thềm hoa” thì cũng như “đuốc hoa”, “bút hoa”, “kiệu hoa”… là cách lắp ghép thông thường. “Lệ hoa” mới là cách lắp ghép cao tay của Nguyễn Du. Tả nàng Kiều khóc một mình trong đêm vắng không khó lắm (Áo đầm giọt lệ, tóc se mái sầu). Tả nàng Kiều khóc nhưng phải giữ được vẻ đẹp để Mã Giám Sinh “cân sắc, cân tài” trong hoàn cảnh trớ trêu này mới khó. Lòng Kiều đang tan nát nhưng ngoài mặt phải cố giữ cho được sắc đẹp. “Nét buồn” cũng phải như hoa cúc, “điệu gầy” cũng phải như nhành mai. Cho nên nước mắt của nàng Kiều không là “giọt lệ” hay “giọt hồng” mà là “lệ hoa”. Đại thi hào Nguyễn Du đã sáng tạo nên một từ ghép thật tài tình, tinh tế!

Với từ “xuân” cũng tương tự như vậy. Từ “xuân” trong các câu: Ngày xuân con én đưa thoi; Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân; Thưa hồng, rậm lục, đã chừng xuân qua… được dùng theo nghĩa thông thường, ta vẫn hay bắt gặp trong Đường thi. Cách dùng chữ “xuân” ở các câu: Mười phần xuân có gầy ba bốn phần; Chữ tình ngày một thêm xuân một ngày; Hoa Xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài… là cách dùng sáng tạo của Nguyễn Du. Trong tất cả những chữ “xuân” mà Nguyễn Du sử dụng khác thường, có hai trường hợp tôi vô cùng tâm đắc. Trường hợp thứ nhất là câu nhà thơ mượn ý của tác giả Đỗ Mục trong bài Xích Bích hoài cổ để  cho chàng Kim Trọng “tán” vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân trong lần đầu gặp gỡ: Một nền Đồng Tước khóa xuân hai kiều. Ở bài Xích Bích hoài cổ, tác giả Đỗ Mục viết: Đông phong bất dữ Chu Lang tiện/ Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều (Gió đông ví không thuận tiện cho Chu Du, thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khóa chặt hai nàng Kiều). Mặc dù mượn ý thơ Đỗ Mục nhưng cách dùng từ “xuân” của Nguyễn Du có khác. Đỗ Mục nói đến cảnh xuân thâm nghiêm ở đền Đồng Tước, còn Nguyễn Du thì nói tuổi xuân của hai người đẹp đang bị “khóa” tại tư gia Vương Ông. Rõ ràng cách nói của Nguyễn Du có thay đổi và rất phù hợp với văn cảnh.

Trường hợp thứ hai là khi diễn tả cái chết đột ngột của nàng Đạm Tiên. Nguyễn Du viết: Nửa chừng xuân thoắt gảy cành thiên hương. Thông thường người ta nói nửa chừng đứt gánh, cuộc vui mới được nửa chừng… Đại thi hào là người đầu tiên ghép chữ “xuân” vào “nửa chừng” và tạo ra cách ngắt nhịp hết sức khác lạ đối với thể thơ lục bát truyền thống, đó là nhịp 3 -1- 4: Nửa chừng xuân/ thoắt/ gảy cành thiên hương. Cách ngắt nhịp này đã phần nào diễn tả được cái chết bất ngờ của cô gái trẻ đẹp và bộc lộ niềm tiếc thương vô hạn của Vương Quan (cũng là của Nguyễn Du). Nhà văn Khái Hưng sau này đã mượn cách ghép từ “nửa chừng xuân” của Đại thi hào để đặt tiêu đề cho cuốn tiểu thuyết từng rất ăn khách một thời. Có thể dẫn ra rất nhiều trường hợp để chứng minh Nguyễn Du rất sáng tạo trong việc tiếp nhận Đường thi. Đôi khi tác giả Truyện Kiều chỉ thêm vào một hai từ mà ý nghĩa câu thơ thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, câu Thúc Sinh nói với nàng Kiều: Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ, là Nguyễn Du chuyển từ câu thơ của tác giả Lưu Vũ Tích: Xuân tàm đáo tử ty phương tận (Con tằm đến chết mới hết tơ – Vô đề). Con tằm của Lưu Vũ Tích chết là hết tơ, còn con tằm của Nguyển Du dẫu đã chết nhưng vẫn còn vương tơ. Đó chính là sự tương đồng và khác biệt trong quá trình giao lưu văn hóa.

Ngoài việc khảo sát sự tương đồng và khác biệt trong quá trình giao lưu văn hóa giữa Truyện Kiều với Đường thi, chúng ta còn có thể khảo sát sự tương đồng và khác biệt của Truyện Kiều với một số tác phẩm khác, như: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Epghênhi Ônnhêgin của Puskin, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều… Những công trình này chắc chắn sẽ thu được những kết quả lý thú và bổ ích.

Nguồn Văn nghệ số 7/2022


Có thể bạn quan tâm