March 28, 2024, 5:56 pm

GIÁO DỤC VIỆT NAM VÀ NHỮNG TIẾNG NÓI TRUNG THỰC. Bài 5: Một hiện trạng về môn Văn trong nhà trường hiện nay

(Tiếp theo và hết)

Khi viết những dòng này, tôi nhớ rất rõ cảm giác của tôi khi nghe một đồng nghiệp chia sẻ về bài viết của học trò. Trong một lần thi thử, có câu hỏi bàn về ý nghĩa của văn chương đối với đời sống, có học trò đã viết: văn chương gây nên sự độc hại đối với tâm hồn... Khỏi phải nói, khi nghe chia sẻ, không phải chỉ mình tôi mà hầu hết các giáo viên đều sửng sốt, tức giận trước sự “hỗn xược” ấy. Nhưng chính câu trả lời xót như dao cứa ấy đã ám ảnh tôi, khiến tôi phải nhìn nhận lại vấn đề. Bản thân văn chương không độc hại nhưng cách dạy và đánh giá môn Văn trong nhà trường gây nên những hệ quả vô cùng khủng khiếp. Phải chăng điều ấy đã khiến người học chán ngán, thậm chí có suy nghĩ tưởng chừng rất tiêu cực như học trò kia.

Ngót 10 năm đứng trên bục giảng, trải qua bao vui buồn thậm chí cả những tủi nhục, tôi nhận ra rất nhiều bất cập, mâu thuẫn giữa những mục tiêu cao cả của môn học với cái thực tế mà học sinh phải gánh chịu.

1. Mục tiêu hướng tới năng lực giao tiếp nhưng thực tế đang làm thui chột năng lực ấy.

Trong giáo án, bài nào giáo viên cũng ghi hình thành năng lực giao tiếp vào ô mục tiêu bài học. Thế nhưng, có lẽ giáo viên chỉ hiểu một cách đơn giản rằng giao tiếp chỉ đơn thuần là ngồi yên đấy, nghe cô/ thầy nói hoặc minh họa bằng một vài câu trả lời nhạt nhẽo: chi tiết nào? Hình ảnh nào?... Thực tế, năng lực giao tiếp phải là sự phản ứng nhanh trước nhận định của ai đó, đồng tình/ phản bác/ góp ý/ bổ sung ...và dùng ngôn ngữ của mình diễn đạt được những điều muốn nói khi được đặt trong những tình huống gay cấn. Không những vậy, năng lực giao tiếp còn được biểu hiện ở chỗ trong những tình huống có vấn đề, con người điều chỉnh thái độ ra sao. Người học cần được rèn luyện điều này để các em biết điều hòa cảm xúc, biết kiềm chế sự xúc động, sự nóng giận, học chữ nhẫn và hướng tới sự giao tiếp lịch sự, có văn hóa. Chỉ khi được đặt vào những buổi thảo luận, chúng ta mới thấy người nào có năng lực giao tiếp thực sự.

Ấy thế nhưng, với lối học nhồi nhét, đổ đầy như hiện nay, người học không những không nâng cao được năng lực này mà càng ngày càng bị thui chột. Dễ thấy những lớp học sinh đầu cấp còn sôi nổi, thích nói nhưng đến cuối cấp, các em ngày càng bí từ, ngại nói, không còn nhanh nhạy để nắm bắt thông điệp giao tiếp. Đấy là chưa kể đến tranh luận, phản biện còn là những khái niệm xa vời...

2. Mục tiêu mài sắc tư duy nhưng thực tế đang triệt tiêu tư duy, biến học sinh thành những con vẹt biết nói tiếng người.

Tôi chỉ làm rõ vấn đề này qua góc nhìn từ việc dạy học Đọc Văn.

Tác phẩm được đưa vào chương trình là phương tiện để người giáo viên hướng dẫn người học cách tiếp nhận từng thể loại cụ thể, để hình thành ở người học phương pháp đọc. Với phương pháp đọc nắm trong tay, người học có thể giải mã bất kì tác phẩm nào. Điều này có ý nghĩa quan trọng, mở ra cho người học một bầu trời văn chương rộng mở. Để làm được điều này, cần kích thích tư duy cho người học. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, người học được trang bị kiến thức lí luận - công cụ. Và từ đó, được khám phá, tưởng tượng, lí giải theo cách riêng của mình. Người học có quyền đồng sáng tạo với nhà văn miễn sao phù hợp với tính chất chủ quan và khách quan trong tiếp nhận văn học. Chính điều này mới khiến ngưòi học phát huy được tư duy, những bài viết có màu sắc riêng và đặc biệt có hứng thú tiếp nhận.

Thế nhưng, điều gì đang diễn ra ở các trường phổ thông? Vâng! Đọc- chép, chiếu- chép, tài liệu- chép. Giáo viên thao thao bất tuyệt nói và nói như một cái máy đã cài sẵn đĩa; người học chép- chép; để chắc ăn hơn giáo viên còn phô hẳn cả tài liệu chi tiết và nhiệm vụ còn lại của người học là đọc thuộc và viết lại những lời ấy mà thôi. Kết quả là cho ra những bài viết “đồng phục”. Nguyên nhân của điều này là gì?

Trước hết là do sự bất cập trong việc đánh giá môn Văn hiện nay. Phần thì đề thi câu nghị luận văn học vẫn theo lối mòn, đi vào những vấn đề quá chi tiết. Phần nữa đến từ việc chấm thi máy móc, ẩu tả, thiếu sự tinh tế. Người chấm cứ theo barem cứng nhắc mà đếm ý cho điểm.

Thế nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính theo tôi là từ tư duy và trình độ của giáo viên. Rất nhiều giáo viên cũng chỉ là những con vẹt nói lại lời người khác, bởi thế, họ cứng nhắc theo cái đã học thuộc; nếu đi lệch một chút họ sẽ chẳng biết đâu là bến bờ. Bởi thế, khi bước lên bục giảng, họ nói như một cái máy...hết tiết thì ngừng.

Với một số học sinh có tư duy, các em băn khoăn, thắc mắc thầy cô một chút thì ngay lập tức bị đánh giá là hỗn, ương, và rồi gọi điện phụ huynh, gọi điện chủ nhiệm, phản ánh lên BGH và tiết nào cũng hỏi bài, hỏi khi nào chừa đi cái tội thắc mắc ấy thì thôi. Và như thế, thay vì tư duy để cảm nhận thì người học trở thành những con vẹt...

Nguồn Văn nghệ số 34/2021


Có thể bạn quan tâm