April 20, 2024, 4:15 am

Giáo dục và Chỉ số niềm tin

 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức, tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục & đào tạo phải đánh giá đúng chất lượng giáo dục và đạo tạo tại các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cương quyết đóng cửa các trường đại học kém chất lượng để nâng chỉ số niềm tin cho giáo dục. Ngay sau phát biểu của Thủ tướng, ngành Giáo dục đã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nói chung và đến từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên với những diễn biến gần đây trong công tác tuyển sinh cho thấy, rất khó để nâng chỉ số niềm tin cho giáo dục đại học.

Nghiên cứu khoa học tại bậc Đại học. Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Không đánh đổi chất lượng lấy số lượng

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm 2018, toàn hệ thống có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm chuẩn 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thuỷ lợi… Đặc biệt là những trường đầu ngành của khối nông lâm, thuỷ lợi đều có ngành phải lấy điểm thấp nhất trong hệ thống. Nhưng những trường ở địa bàn không thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển sinh. Bức tranh tuyển sinh năm 2019 được cho là khả quan hơn, nhưng không phải không có những khoảng tối. Thể hiện ở khối các trường đại học top giữa và cấp vùng đã và đang xảy ra tình trạng, nhiều chuyên ngành không tuyển đủ thí sinh do lượng thí sinh tham gia xét tuyển thấp hơn chỉ tiêu được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép tuyển sinh. Thứ hai là nhiều trường có số lượng thí sinh tham gia xét tuyển đông, nhưng vì lo lắng “nguyện vọng ảo” đã buộc các trường phải hạ điểm sàn xuống dưới mức trung bình 5 điểm/ môn, thậm chí dưới 5 điểm nhằm duy trì các ngành học của trường, dẫn đến chất lượng đầu vào thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và đầu ra của sản phẩm  sau đào tạo.

Những bất cập của công tác tuyển sinh nói trên vốn đã bộc lộ nhiều năm nay, nhưng dường như Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa tìm được giải pháp mang tính đột phá tại cấp học được cho là cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Và có lẽ vì sốt ruột với chất lượng giáo dục nói riêng, chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động của đất nước nói chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chúng ta không thể chấp nhận một tình trạng chất lượng đào tạo giáo dục đại học, trung học thấp mà người ta thường hay kêu ca. Học ra để làm việc chứ không phải học ra có cái bằng tượng trưng nào đó do một cái trường kém chất lượng cấp… Việc đào tạo phải cho ra sản phẩm là những cán bộ làm việc và hội nhập sâu rộng, chứ không để tình trạng có bằng nhưng không biết làm việc…”.  Từ quan điểm của Thủ tướng, nhìn lại công tác tuyển sinh đại học trong nhiều năm qua cho thấy, trong một chừng mực nhất định, Bộ Giáo dục & Đào tạo đang buông lỏng lĩnh vực đào tạo này. Tại sao nói vậy?

Thứ nhất. Để duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu các trường báo cáo cơ sở vật chất, nguồn lực đào tạo, số giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm… nhằm làm căn cứ xét duyệt chỉ tiêu. Kết quả rất ít trường thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Bộ, nhưng vẫn được xét chỉ tiêu.

Thứ hai. Sau tổ chức kỳ thi hai trong một, công tác xét tuyển được giao về cho các trường (trên tinh thần trao quyền tự chủ - Luật Đại học), Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ quy định mức điểm sàn xét tuyển chung với các khối ngành đặc thù sư phạm và sức khỏe . Còn “buông” điểm sàn, để mặc các trường đại học khác được tự quy định mức điểm sàn xét tuyển của trường theo điểm thi THPT quốc gia.

Thứ ba. Bộ chưa làm tốt công tác quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực ở các vùng miền, lĩnh vực đào tạo chưa sát sao, khiến các trường xác định chỉ tiêu chạy theo kinh tế dẫn đến chật lượng đầu vào và đầu ra thấp, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực…

 

Rõ ràng, những bất cập trong quản lý giáo dục Đại học thời gian qua cho thấy, Bộ Giáo dục & Đào tạo đang nghiêng về xu hướng quản lý theo kiểu tồn tại thay vì ráo riết quản lý sứ mạng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng hiện nay.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh hay vai trò định hướng giáo dục

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định, để tăng “chỉ số niềm tin” các trường đại học không nên vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, không nên căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn.

Thế nhưng, bỏ mặc khuyến cáo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, nhiều trườngđại học vẫn “xé rào” tuyển sinh. Đơn cử, Trường đại học Bạc Liêu, hầu hết các ngành bậc đại học năm nay có điểm sàn 13, riêng hai ngành chăn nuôi và bảo vệ thực vật có điểm sàn chỉ 12. Trường ĐH Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn của trường dao động từ 12 đến 17 điểm, trong đó các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP.HCM và Quảng Nam, điểm sản ở hầu hết các ngành  chỉ ở ngưỡng điểm sàn từ 12 đến 14 điểm. Nghĩa là trung bình 4 điểm/ môn đã có thể đỗ đại học.ấ

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các trường đại học không nên cố hạ điểm để tuyển đủ chỉ tiêu. Thà đào tạo ít mà đảm bảo chất lượng sẽ tốt hơn. Bởi nếu điểm đầu vào quá thấp, các thí sinh vào học đại học sẽ rất vất vả.

Quan điểm của PGS.TS Triệu được cho là không sai, nhưng bức tranh tuyển sinh lại không thuận theo những gì ông đã nói. Thực tế, tại nhiều chuyên ngành đào tạo của không ít trường, thí sinh có điểm xét tuyển rất cao nhưng vẫn trượt. Nguyên nhân là do số lượng thí sinh đăng ký vào chuyên ngành đào tạo quá ít, không đủ số lượng tuyển sinh, dẫn đến các trường buộc phải nâng điểm sàn lên cao để đánh trượt tất cả các thí sinh. Việc làm này đảm bảo an toàn cho trường, nhưng lại dồn rủi ro và không công bằng cho các thí sinh. Song, mấu chốt việc các trường hạ điểm sàn thấp là do quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực ở các vùng miền, lĩnh vực đào tạo chưa sát sao, các trường xác định chỉ tiêu lại chạy theo kinh tế. Trong khi đó, số lượng người học lại không nhiều nên thừa chỉ tiêu và bắt buộc các trường phải hạ điểm sàn là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc hạ điểm sàn dù chạy theo kinh tế hay với bất kỳ nguyên nhân nào cũng đều cho thấy, việc tiếp nhận kiến thức sẽ trở nên khó khăn hơn cho các thí sinh có đầu vào dưới ngưỡng chuẩn trong bối cảnh hội nhập và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 .

Trên thực tế, tư tưởng “vào đại học” vẫn hơn, bởi tấm bằng đại học sẽ là hành trang để vào đời nhàn nhã hơn, giàu có hơn, có địa vị xã hội hơn... Thật ra chưa hẳn như vậy, cũng có không ít bạn trẻ, do nhiều nguyên nhân nên đã vào đời bằng nhiều lối khác nhau. Trong số họ, có nhiều người cơ cực, vất vả kiếm sống, cũng có người qua học nghề, khởi nghiệp, chăm chỉ làm ăn đã trở nên giàu có, cuộc sống cũng đủ đầy hạnh phúc mà nhiều người học hành cao chưa chắc đã bằng họ.

Tư tưởng “Có học có hơn”, nhưng với những người giỏi nghề, chịu khó bươn chải, chí thú làm ăn thì vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Đó là thực tế chứ không phải chỉ là câu chuyện để an ủi, sẻ chia với những bạn trẻ vì một lý do nào đấy mà không thể đạt được ước mơ vào đời bằng con đường đại học. Đại học không phải là lối vào đời duy nhất, mà còn có muôn nẻo đường để các bạn trẻ lựa chọn tiến tới sự nghiệp, định hình tương lai. Dù với bất kỳ công việc gì đi chăng nữa, sự thành công có đến hay không thì cũng luôn cần sự nỗ lực phấn đấu của bản thân.

Bởi vì hiện nay, bất kể ngành nghề đào tạo nào cũng đều đòi hỏi kiến thức nền vững chắc để có thể tiếp nhận kiến thức ở những vỉa tầng cao hơn. Đồng thời đây cũng là chìa khoá để mỗi người có thể mở ra con đường hướng đến tương lai của chính mình. Giáo dục đại học hay cao đẳng về tổng thể chính là nhằm trang bị kiến thức chuyên ngành cho mỗi cá nhân để cá nhân có thể phát huy hết khả năng và sở trường của mình. Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế sau đào tạo, nhiều cử nhân thất nghiệp, và trong số đó có người chấp nhận làm trái ngành nghề, có người lại tiếp tục học cao hơn, học thêm văn bằng hai, thậm chí văn bằng ba đểmong có được vị trí làm việc xứng đáng, thu nhập cao… Nhưng không phải ai cũng được toại nguyện, do lĩnh vực được đạo tạo không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đây cũng chính là lỗ hổng nảy sinh từ xu hướng quản lý theo mô hình “ tồn tại” thay vì chất lượng của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Để định hướng tương lai cho thế hệ trẻ, dẫu muộn cũng còn hơn không, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực địa phương thông qua định hướng quản lý lao động của Nhà nước. Đây là một bài toán tổng thể. Nếu trường nào xác định lấy chất lượng làm cốt lõi thì tự chủ động chuyển đổi tên ngành nghề, chuyển hướng đào tạo, xác định chỉ tiêu theo quy mô của nhu cầu xã hội và của địa phương. Có như vậy mới nâng được chỉ số niềm tin trong giáo dục & đào tạo.

Nguồn Văn nghệ số 37/2019

 


Có thể bạn quan tâm