April 23, 2024, 6:10 pm

Giáng sinh không an lành

Chỉ còn ít ngày nữa thế giới sẽ đón lễ giáng sinh 2016. Đây là thời điểm đặc biệt nhất trong năm để người dân cỏ thể tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống sau một năm làm việc vất vả. Giáng sinh cũng là dịp để nhà nhà đoàn tụ, song với những gì đang diễn ra những ngày vừa qua đã khiến người ta không khỏi bất an về bức tranh chính trị đang chuyển dần sang màu xám và về một giáng sinh không an lành. Liên tiếp những vụ khủng bố giết hại nhằm vào những nhân vật chính trị quan trọng, những khu mua bán sầm uất, vui chơi đông dân cư, và mới đây là vụ khủng bố giết hại đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ,  là vụ tấn công nhằm vào chợ Giáng sinh ở Thủ đô Berlin ngày 19.12 vừa qua đã và đang rúng động thế giới. Khủng bố sẽ không chừa một quốc gia nào, không chọn ai trở thành nạn nhân nếu tất cả những người tiến bộ và có lương tri không đoàn kết lại.

 

Vụ tấn công nhằm vào chợ Giáng sinh ở Thủ đô Berlin ngày 19.12, làm 12 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương. Ảnh Internet

Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, ngày lễ Giáng Sinh vào hai ngày 24 và 25 tháng 12 là ngày nghỉ lễ chính thức có trả lương cho tất cả người  lao động. Đối với người châu Âu, theo truyền thống Giáng sinh trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm, khi những người con đi làm xa về thăm lại gia đình.

Sau buổi vào chiều ngày 24 tháng 12, thường được nối tiếp là một bữa ăn tối chung trong gia đình và trao quà vào lúc nửa đêm; từ buổi chiều là ngoài đường gần như không còn người qua lại. Sáng ngày 25 tháng 12, thường là cả gia đình cùng đi nhà thờ dự thánh lễ. Phong tục này dù trải qua nhiều năm vẫn giữ nguyên giá trị.

Để chuẩn bị cho giáng sinh, người ta có thể đến các khu chợ. Chợ Giáng sinh là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh (thường bắt đầu khoảng 1 tháng trước Lễ Giáng sinh) có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp. Bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Trung cổ (khoảng thế kỷ 14), cho đến nay chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông bắc Pháp trong dịp Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chợ Giáng sinh Breitscheidplatz nước Đức nằm ở khu vực sầm uất nhất của Berlin, gần Kurfuerstendamm và nhà thờ Memorial - địa điểm du lịch nổi tiếng vốn thu hút rất đông khách du lịch. Địa điểm này khá gần các cơ quan Quốc hội và Chính phủ Đức. Có lẽ chính vì ý nghĩa đó mà kẻ khủng bố đã chọn tấn công chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở Berlin, Đức, vào lúc 20 giờ ngày 19.12, giờ địa phương.

Vụ tấn công nhằm vào chợ Giáng sinh ở Thủ đô Berlin ngày 19.12, làm 12 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương, đã phủ bóng đen lên bầu không khí lễ hội không chỉ ở Đức mà trên toàn châu Âu. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các lực lượng an ninh đã phong tỏa hiện trường và tiến hành điều tra. Kết quả, tại thời điểm đó cảnh sát Đức đã bắt giữ một nam giới được cho là tài xế chiếc xe tải nói trên ở gần hiện trường. Hãng thông tấn DPA dẫn lời một số nguồn tin an ninh tiết lộ, đây là đối tượng xin tị nạn ở Đức, đã đến nước này hồi tháng 2. Trước đó, các hãng tin cho hay, sau khi vụ tấn công xảy ra, tài xế chiếc xe tải đã bỏ chạy về phía Tiergarten. Cảnh sát cũng tìm thấy một thi thể ở ghế hành khách trong buồng lái của chiếc xe tải. Theo cơ quan điều tra, chiếc xe tải gây án đã bị đánh cắp từ một khu công nghiệp ở Ba Lan và được lái tới Berlin trong 2 tiếng.

Trong tuyên bố trên truyền hình ngày 19.12, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière cho hay, chưa muốn nhắc tới cụm từ “khủng bố”, song nhiều dấu hiệu cho thấy đây là vụ tấn công theo hướng này. Thị trưởng thành phố Berlin Michael Müller, người đã đến thăm hiện trường vụ tấn công không lâu sau khi vụ việc xảy ra, thừa nhận, cơn ác mộng tồi tệ nhất của ông đã thành hiện thực.

Nỗi lo sợ khủng bố đã và đang bao trùm châu Âu là một thực tế không thể phủ nhận. Bắt đầu từ Pháp, Áo, Thụy sĩ và giờ là Đức khiến người ta không khỏi nghi ngại về Quyết định chấp nhận đơn xin tị nạn của những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bộc lộ những tác động "xấu" của chính sách này. Những nghi ngại đó càng lớn hơn khi nhiều nguồn tin cả chính thống lẫn không chính thống đều để ngỏ khả năng ÍS có trong đoàn người tị nạn.  Để trấn an người dân, bà Merkel đã siết chặt các quy định xin tị nạn vào Đức và chấp nhận áp dụng biện pháp kiểm soát đường biên giới dọc tuyến đường di cư từ Balkan, cũng như ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hạn chế số người vào Liên minh châu Âu (EU).

Siết chặt an ninh là yêu cầu sống còn đã được nhiều quốc gia châu Âu ấp dụng, và nay là tại các chợ giáng sinh. Nhưng dù người ta có nêu cao cảnh giác đến đâu thì mối lo ngại khủng bố vẫn như một bóng ma sẵn sàng đổ ập xuống đầu người dân của bất kỳ một quốc gia nào. Và với vụ  khủng bố tại chợ giáng sinh Đức, khiến người ta cảnh giác hơn về một giáng sinh không an lành.


Có thể bạn quan tâm