April 26, 2024, 1:50 am

Giang Nam, hồn thơ vẫn xanh

 

Ngày còn học lớp hai lớp ba gì đó, chữ viết của tôi xấu khủng khiếp, thường xuyên bị cô giáo trừ điểm. Cha tôi đi họp phụ huynh về, bảo, không có cái gì tự nhiên đã đẹp, chữ cũng là người, con phải rèn luyện thêm. Ông cầm cuốn sách trên bàn, lật trang bất kỳ, gập mép lại đưa cho tôi và nói, con chép lại bài thơ này để luyện chữ nhé. Thấy mặt tôi ỉu xìu, ông động viên, chịu khó tập viết, cho dù sau này chữ không đẹp thì cũng rõ ràng, không bị trừ điểm nữa.

Tôi miễn cưỡng ngồi, chép: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ ai bảo chăn trâu là khổ?/... Những ngày trốn học, đuổi bướm cạnh cầu ao/… Trong tâm hồn còn non nớt của một đứa trẻ, những câu thơ trong bài thơ Quê hương của Giang Nam sao mà gần gũi, đánh thức những vùng ký ức thật đẹp và cũng thật bình yên. Sau này nghĩ lại, thì dường như bài tập chép ấy đã gieo những hạt mầm đầu tiên tình yêu thơ ca trong tôi.

Hồi giữa năm ngoái, tôi có việc vào công tác Nha Trang mươi ngày. Chỗ tôi ở, hoá ra chỉ cách nhà ông chừng hai, ba dãy phố. Tôi rụt rè nhấn chuông ngôi nhà sơn màu trắng, có vị trí mặt tiền rất đẹp trên con phố vỉa hè thoáng rộng, số 46 đường Pasteur. Mở cửa là một người giúp việc. “Bác mới nghỉ, anh chờ chút nhé!” Tôi ngồi dưới mái hiên nhìn ra sân. Một cái sân rất xanh có nhiều cây, gọn ghẽ, tươi tắn chắc hẳn được chủ nhà thường xuyên chăm chút. Giàn hoa giấy đỏ chen lẫn dây leo hoa vàng anh tạo khoảng mát dịu. Phía sau chiếc bàn uống nước là giá sách, cách bày biện không thật quy củ. Một cái bể cá đặt trên tường lan can, có ống sục không khí nhưng hình như lại không có con cá nào! Tôi như gặp lại không gian quen thuộc trong nhà những người viết văn, hơi nhiều đồ vật, lại không đồng bộ nên cho dù chủ nhà đã chú ý về hình thức nhưng các thứ vật dụng vẫn khá bề bộn.

Trời bỗng tối sầm lại. Và mưa như trút. Có tiếng dép lẹt xẹt từ trong nhà đi ra. “Anh tới lâu chưa? Từ ngày tôi mổ tim, bác sĩ khuyên trưa nên ngủ một lúc.” Ông lão mặc áo ngắn tay màu xanh, đeo kính, nở nụ cười hiền hậu chào tôi. Có vẻ ông đã bị cơn mưa đánh thức sớm hơn thường lệ. Tôi ngỏ ý biếu ông một gói trà đinh, ông không khách khí, nói ngay: “À, trà này ngon. Tôi biết vì con rể tôi người Thái Nguyên mà.” Trong lúc ông pha trà, một người phụ nữ đứng tuổi đi ngang qua, gật đầu chào khách. “Cháu Trang nhà tôi đấy. Hai vợ chồng tôi chỉ có mình nó, năm nay cũng sáu mấy rồi! Hiện cháu sống ở đây với tôi.” Ông kể, khi vợ và con gái bị địch bắt, chị Trang mới được vài tháng tuổi. Việc giam cầm diễn ra rất bí mật, ngay cả tổ chức của ta cũng không biết nên thông báo cho ông hai người đã bị thủ tiêu. Đau đớn và xúc động, trong đêm, dưới ánh đèn dầu tù mù, trong vòng một tiếng ông đã viết xong bài thơ Quê hương, gần như không phải gạch xoá chữ nào. Đây được coi là bài thơ hay nhất của Giang Nam, được đưa vào sách giáo khoa phổ thông, nên rất nhiều người thuộc.

Trong văn học Việt Nam thời kháng chiến có ba bài thơ nổi tiếng viết về sự li biệt giữa người chồng bộ đội và vợ/người yêu, thì Núi Đôi của Vũ Cao và Quê hương của Giang Nam, nhân vật nữ đều là du kích bị kẻ thù giết hại. Riêng Màu tím hoa sim của Hữu Loan, dẫu bài thơ không nói nguyên nhân người vợ trẻ qua đời nhưng trong thực tế, nguyên mẫu nhân vật đã bị chết đuối. Nhưng ba nhân vật nữ ấy, chỉ duy có “cô bé nhà bên” trong bài thơ Quê hương là còn sống, tin bị địch thủ tiêu do nhầm lẫn. Chiến tranh và tù đày đã chia cách nhà thơ Giang Nam với vợ và cô con gái, sau 15 năm ròng (1958 – 1973) gia đình mới được đoàn tụ. Cách đây 7 năm (2013), cái chết đã vĩnh viễn chia lìa người vợ, người bạn chiến đấu suốt đời yêu quý của ông. Bài thơ Quê hương ra đời vào năm 1960 mang hoàn cảnh điển hình của giai đoạn chiến tranh khốc liệt, tàn nhẫn và cũng có thể coi đó là một trong những biểu tượng đẹp, có hậu về tình yêu trong đời thực.

Phần lớn buổi trò chuyện hôm ấy, chúng tôi nói về bài thơ Quê hương. Lý do vì sao bài thơ hay, xúc động với cách viết hiện thực và mới mẻ lúc bấy giờ chỉ được giải Nhì cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ năm 1960-1961. Vì sao bài thơ của một cán bộ “Việt Cộng” nhưng vẫn được thanh niên chế độ cũ và những người lính phía bên kia truyền tay nhau đọc. “Có lẽ vì nó mang lại cho người đọc những rung động bất ngờ. Ba phần tư bài thơ chỉ nói về quê hương, tình yêu, hạnh phúc, duy đến mấy câu cuối mới Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật. Tuy đau đớn tột cùng nhưng trong bài thơ không chửi bới, hận thù, ngoại trừ câu Giặc bắn em rồi quăng mất xác, mà chủ yếu nói về tình yêu cá nhân hoà vào tình yêu đất nước: Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi. Giang Nam nhẹ nhàng tâm sự khi tôi hỏi, theo ông, vì sao bài thơ có sức sống lâu bền như vậy trong lòng người đọc. Ông mỉm cười nói tiếp: “Có lần tôi nghe anh Tô Hoài nhận xét: thơ Giang Nam hay, nhưng đấy là nhà thơ của một bài thơ. Tôi thấy anh Tô Hoài nói đúng, sau này tôi viết nhiều, nhưng chưa bài nào vượt được bài này”. Đằng sau những lời lẽ khiêm nhường ấy tôi nhận thấy sự kiêu hãnh trong nụ cười và ánh mắt ông. Trộm nghĩ, thời nay, người trong giới văn nghệ mà nhận xét về nhau như thế, thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhẹ nhất cũng là một cuộc chiến “ăn thua đủ” trên mạng xã hội! Thế hệ đi trước vẫn có nhiều bài học về nhân cách, ứng xử bên cạnh văn cách đáng trọng.

Bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi cũng là lúc ông bắt đầu làm công tác tuyên truyền, văn nghệ. “Bài thơ quyết định” khiến chàng trai 17 tuổi đang công tác tại ban thông tin xã được tổ chức mời về làm việc ở Ty Thông tin Khánh Hoà là bốn câu ca dao khá nôm na, kêu gọi du kích phá thế bao vây của địch trên núi, trở về sát cánh chiến đấu cùng nhân dân: Khói ai phơ phất bên đèo/Phải người chiến sĩ nấu cơm chiều đó không/Quê làng kẻ đợi người trông/Sao anh chưa xuống núi để em mong ngày ngày…

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông từng qua các vị trí Phó Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Khánh Hoà, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng, Tổng biên tập báo Văn Nghệ Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Giang Nam trở thành uỷ viên Thường vụ BCH Hội nhà văn Việt Nam khoá II, III; đại biểu Quốc hội khoá VI, Tổng biên tập Tuần báo Văn Nghệ (1978-1980). Năm 1984, ông được điều về công tác tại tỉnh Phú Khánh, trở thành Chủ tịch Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà. Có thể gọi ông là nhà hoạt động chính trị - văn nghệ. Tôi hỏi: “Nếu tự nói về mình thì ông là nhà thơ chính luận hay trữ tình?”. Giang Nam: “Theo tôi, nếu nói vậy thì cả hai.  Ngay trong chính trị của tôi cũng trữ tình, nên tôi là nhà thơ trữ tình. Anh nghe thử bài thơ này nhé Đêm: Thời khắc bềnh bồng đêm về đâu/Ai đem kỷ niệm buộc đời nhau/Em đi sương ướt bờ vai nhỏ/Bao dặm đường xanh mấy nhịp cầu/Gần không giữ được người thương lại/Thì xa tim vẫn đập trong nhau/ Bao nhiêu thương nhớ mình anh chịu/Thức trọn đêm nay đủ bạc đầu. Thế này là trữ tình hay chính trị?”.

Tôi ngỏ lời muốn nghe ông đọc thơ tiếp. Ông vào trong nhà một lát rồi quay ra, trên tay cầm mấy cuốn sổ tay đã cũ. Từng trang thơ chép tay đều đánh số thứ tự cẩn thận. Chữ của ông mực thước như chữ của một thầy giáo. Dưới mỗi bài thơ đều ghi ngày tháng, xuất xứ, giải thích địa danh, tên người, đã gửi cơ quan báo chí nào. Bài thơ gốc viết bằng mực bút bi xanh, chữ chữa lại viết bằng mực bút bi đỏ. Có bài thơ chỉ thay đổi một vài dấu chấm, phảy; lại có những bài thơ sửa chi chít. Tôi đoán, ông vẫn làm việc với thơ hằng ngày. Ông nói, mình viết nhiều về Hà Nội, và đọc: Chuông chùa Trấn Vũ đêm sương/Tôi nghe có tiếng người đang gọi/Những đứa con xa nghìn trùng đèo núi/Thèm một bàn tay của mẹ vỗ về/Đêm cuối năm nghe huyền thoại Tây Hồ/Thương cha ông, thương miền Nam, thương Hà Nội/Thương cành đào Nhật Tân, thương từng câu vọng cổ… (Đêm huyền thoại Tây Hồ). Ông cũng viết khá nhiều thơ về biển đảo, mang tính thời sự nóng hổi: Thôn tính đảo xa, thôn tính bãi bờ/Nỗi đau của gia đình, khát vọng của cha xưa/Nỗi đau của em buổi ra đi em còn nhắc/“Cả dân tộc quyết đập tan tội ác/Giữ vững chủ quyền” vì độc lập, vì em…; Cảm ơn em, nhớ ngày xưa/Cô gái nhỏ, chuyến đò đưa ngược dòng/Vẫn đôi mắt “người Sài Gòn”/Thông minh, đôn hậu… chút buồn thoáng qua (Nhớ em cô gái Sài Gòn).

Chị giúp việc đã bước vào phòng khách tới lần thứ mấy, ra dấu nhắc ông về thời gian, phải giữ gìn sức khoẻ, nhưng ông vẫn say chuyện thơ, không để ý. Dù vẫn muốn tận dụng cơ hội quý được trực tiếp trò chuyện với nhà thơ thuộc thế hệ tiền bối nay đã bước sang tuổi ngoài chín mươi, nhưng tôi buộc phải đứng dậy. Đến lúc ấy ông mới nhìn đồng hồ, thốt lên: “Đã gần năm giờ rồi kia à? Lâu lắm rồi tôi mới nói chuyện dài như thế này!...”

Cầm tay tôi, tiễn ra cửa, ông nói tiếp: Làm thơ là phải viết bằng cả tấm lòng mình; thơ phải có tình, chính trị vừa thôi; không được bảo thủ, phải đổi mới cách viết. Nhưng dù có viết thế nào vẫn phải đặt tổ quốc lên trên hết, và không được quên âm điệu riêng của dân tộc mình.

Bước sang tuổi 92, lá vàng xế bóng, mà sao hồn thơ ông vẫn xanh lạ lùng.

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm