April 20, 2024, 5:43 pm

Giảng đường thời Covid-19

 

Những rủi ro

Covid-19 là kẻ thù tàng hình, dấu mặt, gây nên thảm họa toàn cầu. Ở Việt Nam, “chống Covid như chống giặc”. Để chủ động chống giặc Covid, tất cả nhà trường từ mầm non đến đại học đều đồng loạt nghỉ học. Giáo viên thời Covid nghỉ dạy nhưng không nghỉ việc. Thầy Trần Đình Chiến, Hiệu trưởng trường THPT Cao Thắng (Hương Sơn) cho biết: “Nghỉ dạy ở trường không có nghĩa là nghỉ việc mà có hàng trăm công việc không tên khác đang chờ đợi chúng tôi. Thầy trò chúng tôi buộc phải thích ứng với hoàn cảnh chống giặc Covid để đảm bảo một số hoạt động của nhà trường trong tình hình mới…”.

 

Giáo viên tổ Hóa trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) pha chế thành công dung dịch rửa tay, phòng chống Covid-19

 

Giảng đường thời Covid, giáo viên đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều rủi ro. Sau chuyện lùm xùm ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, Nghệ An kỷ luật cô giáo LTP (trường phổ thông dân tộc bán trú Phà Đảnh, Kỳ Sơn, Nghệ An) đăng ảnh học sinh đeo khẩu trang giấy lên mạng “gây phản cảm”, sau nghi ngờ về  thầy giáo NVT (trường THCS Đầm Dơi) bán hai mươi khẩu trang cho học sinh đã bị cấp trên phê bình, sau khi hai cô giáo ở Quảng Trạch, Quảng Bình bị kỷ luật vì đưa thông tin sai lên mạng đã tác động nhiều chiều đến giáo giới. “Cuộc chiến với Covid-19 không chỉ làm lộ diện vi rút trì trệ như Thủ tướng chính phủ nói mà còn lộ diện những vi rút khác như: thành tích, chủ quan, thờ ơ, gian dối mà ngành đã kịp thời chấn chỉnh ngay”. Thầy Trần Đăng Đàn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhấn mạnh.

Nhưng những rủi ro ấy có gì đáng nói so với những xáo trộn về kế hoạch gây nên xáo trộn tâm lý trong hàng chục triệu giáo viên, học sinh. Tâm lý hoang mang, lo sợ là có thật. Không lo lắng sao được khi dịch bệnh đã gây ra cái chết ở nhiều nước trên thế giới. Không lo lắng sao được khi tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có 1.785 lao động người nước ngoài. Riêng Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa có 759 người lao động Trung Quốc. Theo Thống kê của văn phòng UBND thị xã Kỳ Anh, tại phường Kỳ Liên có 150 lao động Trung Quốc đăng ký tạm trú. Mặc dầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, đề xuất các kịch bản phòng, chống hoàn hảo, nhưng không phải vì thế mà trong nhân dân nói chung và giáo giới nói riêng không còn quan ngại!...

Không chỉ ngại ngùng mà một chút hoang mang, một thoáng sợ hãi, một nỗi lo lắng, một niềm nhớ thương học trò và nỗi lòng khao khát về cuộc sống an lành.

Ba tuần không lên lớp, cô Nguyễn Thị Dung (THCS Sơn Hồng, Hương Sơn) chép câu thơ thi sĩ Hoàng Cầm nhắn nhủ học sinh: “Bạn nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tôi không?”... Cô Phan Thương (mầm non Hà Tĩnh) không ngăn nổi nước mắt khi nghe phụ huynh trao đổi, cháu không chịu ăn cơm ở nhà, mà đòi lên trường ăn cơm của cô. Cô Đặng Hà (Hương Khê) phàn nàn: “Nhà em có hai cháu đều thi cuối cấp. Bộ đã ba lần điều chỉnh thời gian thi... Mẹ con em như ngồi trên lửa…”. Sự xáo trộn này kéo dài hết tuần này sang tuần khác gây nên tình trạng “nhiễu tâm” do lo lắng thái quá, do ám ảnh kéo theo tình trạng mệt mỏi là tâm trạng phổ biến trong xã hội, trong đó có giáo giới. “Chúng ta có quá nhiều việc lo lắng mà chưa kịp quan tâm có hay không những sang chấn tâm lý trongmột bộ phận giáo giới, học sinh để có những những điều chỉnh kịp thời. Đáng lẽ ra Viện khoa học giáo dục Việt Nam kịp thời nghiên cứu, đề xuất với Bộ có những chỉ đạo giúp giáo viên cũng như học sinh giải tỏa những ẩn ức tâm lý, vượt qua được hiện tượng nhiễu tâm lý nhất thời này!”. Thầy Võ Chinh (Nghi Xuân) đề xuất.

 

Trăm việc không tên

Giảng đường thời Covid-19, khi chưa có chỉ đạo cho học sinh nghỉ học, giáo viên phải có mặt ở trường từ lúc 6h30 để đo thân nhiệt. Nếu là giáo viên chủ nhiệm phải có thêm nhiệm vụ hướng dẫn các em các biện pháp tự phòng dịch. Không ai phân công, nhưng thầy Hoàng Hữu Tùng (THPT Cẩm Xuyên) làm thơ nhắc nhở học sinh hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc đông người, rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang v.v... Cô Phan Bích Liên (Thạch Hà) xua tan không khí nặng nề, u ám, qua giai điệu trong sáng, hào hùng Chống giặc Cô rô na của Ts Lê Thống Nhất. Cô Út Li (Hương Sơn) truyền cảm hứng cho các em qua những bài tập thể hình nâng cao sức khỏe, đề kháng với virus. Thầy Đặng Thiện Chân (THCS Nguyễn Trãi, Nghi Xuân) kịp thời trong bức tranh cổ động chống giặc cô rô na. Nhiều thầy cô giáo khác phối kết hợp với cơ sở y tế đo thân nhiệt, phun thuốc khử trùng trường lớp, vệ sinh môi trường, biên soạn tài liệu ôn thi, hướng dẫn các em học sinh tự học ở nhà. Theo thông tin từ cô giáo Trần Lệ Thủy, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, nhà trường đã nghiệm thu, đánh giá cấp trường chín đề cương môn thi THPT quốc gia, kịp thời in ra phát cho học sinh khối 12 ôn thi.

Thầy Nguyễn Xuân Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) lại có thêm hàng trăm lý do để lo lắng khi mỗi ngày trên dưới 40 học sinh nghỉ học. Lại thống kê, xác minh, phân loại, tìm hiểu điều tra. “Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, mà em Tr.TTh.T (Lớp 11A7), em Tr.VA (12A9)…. có người thân từ nước ngoài về; em LHC (12A7), ĐTD (10A5)… đang bị ốm đã chủ động khai báo với cơ sở y tế thực hiện tốt công tác giám sát sức khỏe, thực hiện cách ly theo đúng lộ trình đã được khuyến cáo”. Thầy Hạnh chậm rãi kể.

 

Trong cái khó, ló cái khôn

Vì đại dịch Covid-19 không thể dạy học trực tiếp ở trường, các nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến qua Internet với hình thức “mở”. Học sinh ở nhà vẫn không gián đoạn việc học. Hình thức tổ chức này không chỉ được thực hiện ở các cơ sở giáo dục thành phố mà ngay cả ở những địa bàn nông thôn, vùng núi phủ sóng Internet vẫn sử dụng hình thức này.

Tại trường tiểu học Sơn Giang, Hương Sơn, tiểu học thị trấn Hương Khê, nhà trường đã tổ chức triển khai hệ thống trực tuyến ViettelStudy, E-Leaning, MegaMeeting để học snh có thể chủ động tham gia các chương trình học tập trên mạng. Đặc biệt việc sáng lập các nhóm phụ huynh kết nối trên zalo, faceboock để truyền dữ liệu cập nhật hàng ngày từ giáo viên đến học sinh và ngược lại, đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Với cách đó, trường THCS Sông Trí (thị xã Kỳ Anh), trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên), THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) đã tổ chức cho học sinh ôn tập cuối cấp một cách hiệu quả. “Cách học này đòi hỏi giáo viên phải tổ chức dạy tự học để học sinh học tự học. Nếu khắc phục được điều kiện vật chất (máy móc, thiết bị, mạng) cho mọi học sinh, nếu triển khai đồng bộ trên phạm vi rộng thì chúng ta vẫn có thể yên tâm dạy - học trong mùa dịch mà không bị động về thời gian. Điều này cũng gợi mở về một hình thức mới đẩy lùi vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan từ trước đến nay mà chưa có hồi kết thúc”. Thầy Nguyễn NamThắng, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết.

Trong đại dịch, các tổ hóa sinh trường THPT Kỳ Anh, THPT Nghèn (Can Lộc) THPT Phan Đình Phùng (thành phố Hà Tĩnh), THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân), THPT Cẩm Xuyên đã pha chế thành công hàng ngàn lít dung dịch rửa tay sát khuẩn là điều đáng khích lệ. Thầy Đồng Sĩ Nguyên, Tổ trưởng tổ Hóa học trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Nước rửa tay được pha chế theo công thức khép kín của tổ chức y tế thế giới (WHO). Các thành phần của dung dịch được pha chế từ cồn Ethanol (C2H5OH) ôxi già (H2O2), Glyxerol, tinh dầu sả, chanh và nước cất. Việc pha chế được chúng tôi thực hiện khép kín trong phòng thí nghiệm nhà trường. Dụng cụ, chai lọ được sát trùng đảm bảo đúng tính chất đề phòng, chống dịch Covid-19”.

Theo thầy Dương Anh Tuấn, Bí thư Đoàn trường THPT Phan Đình Phùng, dung dịch tự pha chế không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn phục vụ các xã, phường của thành phố. Điều đáng nói là, từ trước đến nay, phòng thí nghiệm nhà trường khép kín thực hành những tiết dạy trong sách giáo khoa, nhưng với việc chế ra sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19, cánh cửa nhà trường đã mở, giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra một cách thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Đây là minh chứng thuyết phục nguyên lý học đi đôi với hành, giáo duc kết hợp với đời sống sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội mà từ trước đến nay nhà trường vẫn loay hoay giải mãi chưa ra…

Nguồn Văn nghệ số 13/2020


Có thể bạn quan tâm