April 24, 2024, 4:41 am

Giảng dạy văn học với những yêu cầu mới của xã hội

 

Ngày 28/12/2019, tại Hà Nội, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại”. Hội thảo được kỳ vọng đưa ra những sáng kiến mới trong việc nghiên cứu và giảng dạy môn ngữ văn vốn được coi là trầm lắng. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có nhiều nghiên cứu về thực trạng và giải pháp dạy học ngữ văn trong nhà trường. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một chiến lược tổng thể và giải pháp đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá... trong đào tạo giáo viên ngữ văn.

Hướng đến những giải pháp đổi mới

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành văn học, các nhà giáo đều có chung nhận định, trong bối cảnh mới của một thời đại bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa và đa văn hóa các nền văn hoá, văn học, thì việc đổi mới các phương thức đào tạo đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc dạy học ngữ văn trong nhà trường. Bên cạnh mục tiêu cung cấp tri thức về văn học, ngôn ngữ và văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh, dạy học ngữ văn còn phải hướng đến phát triển các năng lực của người học. Để thực hiện được mục tiêu mới này cần có một chủ thể dạy học mới. Chính vì thế, việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới dạy học ngữ văn. Đặc biệt, đối với công tác nghiên cứu ngữ văn ở các trường sư phạm hiện đang đứng trước những yêu cầu đổi mới, về cách tiếp cận, cách đánh giá các vấn đề, các hiện tượng văn học, ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu của Việt Nam với thế giới, mở ra triển vọng đối thoại học thuật bình đẳng, về sự nắm bắt, tiếp biến, vận dụng những lý thuyết mới vào thực tiễn văn học, ngôn ngữ… Yêu cầu cơ bản nhất của việc đổi mới nghiên cứu là gắn kết nội dung nghiên cứu, chương trình đào tạo ngành ngữ văn với định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đáp ứng những đòi hỏi của một xã hội đang có nhiều biến đổi. PGS.TS Phạm Xuân Thạch không ngần ngại đặt ra vấn đề, dạy học theo lối đọc chép là một kiểu áp đặt, nhưng thiết kế một hệ thống câu hỏi dẫn dắt học sinh đến cái đích mà giáo viên đã định sẵn thì liệu có phải cũng là một kiểu áp đặt khác hay không.

Hiện hệ thống giáo trình, phương pháp dạy học và đánh giá hiện hành tại các trường sư phạm thường dồn trọng tâm vào trang bị kiến thức mà chưa chú ý đúng mức đến mục tiêu phát triển năng lực dạy học ngữ văn cho người giáo viên tương lai. Vì thế, để có thể đổi mới toàn diện môn học ngữ văn, cần có một giải pháp tổng thể trong đào tạo giáo viên, từ chương trình, giáo trình đến phương pháp dạy học và đánh giá cũng như cách thức triển khai. Về nghiên cứu cơ bản ngành ngữ văn thì các nhà khoa học đã làm rất thành công, kết quả nghiên cứu đã kết tinh thành kho tài nguyên vô giá, nhưng chuyển giao thành quả đó đến cho người học sinh vấn đề vô cùng phức tạp, cần được nhiều người chung tay, đặc biệt là các chuyên gia về phương pháp dạy học ngữ văn.

Nghiên cứu và dạy học ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội

Trong xã hội hiện đại, khi nền công nghiệp phát triển, sự vô cảm của con người cùng cái xấu, cái ác ngày càng gia tăng, việc đội ngũ các nhà văn cùng các thầy, cô giáo gắn kết để cùng giáo dục học sinh, tăng cường chất lượng, hiệu quả dạy học môn văn học và đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển tinh thần nhân văn là một vấn đề thiết nghĩ không thể không hướng tới của chương trình dạy – học văn trong nhà trường trong thời đại hiện nay. Hội thảo “Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại”, đã được các nhà khoa học thẳng thắn thảo luận với những chủ đề về mặt học thuật hoàn toàn không mới, nhưng đứng trước thực tiễn về công tác giảng dạy văn học nói chung, từng cấp học nói riêng lại được coi là mới và cần được xốc lại theo nhu cầu xã hội. Không phải ngẫu nhiên, những quan điểm lệch lạc về lối sống của không ít giới trẻ bị dư luận lên án, những xung đột về quyền lợi giữa những cá nhân trong cộng đồng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích về nhận thức, văn hoá ứng xử… Những xu hướng trái chiều về văn hoá, đạo đức và lối sống đã đặt văn học hướng tới mục tiêu nhận diện những xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Trong đó, thực trạng dạy học ở các trường sư phạm trong nước được đặc biệt chú trọng, từ đó đặt ra những giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội.

Từ nhiều góc nhìn có thể thấy những nỗi niềm trăn trở đặt ra tại hội thảo nói trên chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng và đội ngũ những người nghiên cứu, giảng dạy văn học vẫn tiếp tục cần phải suy nghĩ, luận bàn. Song, có một điều không thể phủ nhận đó là văn học chỉ có thể là văn học khi nó gắn liền với cuộc sống mà trong đó trung tâm của đời sống là thân phận con người với tất cả những phẩm tính cần có và phải có của nó. Đây cũng là điều cốt tử mà việc dạy – học văn nói chung cần hướng đến, trong bối cảnh thời đại lịch sử mới, đất nước phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

Nguồn Văn nghệ số 07/2020


Có thể bạn quan tâm