March 29, 2024, 2:52 pm

Giảng dạy tác phẩm văn học - Đâu là ranh giới của sự sáng tạo?

 

Câu chuyện về một thầy giáo dạy văn tại thành phố Hồ Chí Minh bị đình chỉ dạy học một năm và chuyển xuống làm công tác thư viện do để học sinh đóng “cảnh nóng” khi sân khấu hoá nhiều tác phẩm văn học trong đó có Số đỏ, và Bỉ vỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đã khiến dư luận  thực sự bất an với câu hỏi,  đâu là ranh giới của sự sáng tạo trong dạy và học văn? Và trong khi cái gọi là ranh giới của sự sáng tạo còn chưa được giới chuyên môn phân định rạch ròi thì mới đây, thầy giáo đang thi hành kỷ luật đã đưa ra tuyên bố, sẽ kiện hiệu trưởng ra toà, nếu hiệu trưởng không xoá mức án kỷ luật… lại khiến dư luận rẽ sang hướng khác: hoang mang và thất vọng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Giáo viên “gieo mầm” sáng tạo

Với những người trong cuộc thì việc sân khấu hoá tác phẩm văn học chỉ đơn thuân là phương pháp  giúp các em hiểu hơn về giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời giúp các em hào hứng với môn văn hơn trong bối cảnh đa phần các em học sinh đều thấy môn Văn nhàm chán. Tuy nhiên, đứng ở góc độ tâm lý học, và ở góc độ của những bậc làm cha, làm mẹ thì đây là một việc cần phải được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, không loại trừ trong một chừng mực nhất định còn vượt quá ranh giới của sự sáng tạo. Và một lần nữa, câu hỏi tưởng như đã cũ rằng đâu là ranh giới của sự sáng tạo? Và giáo viên được sáng tạo đến đâu trong giảng dạy mỗi tác phẩm văn học lại được đặt ra.

Trước tiên, xin được khẳng định rằng, sáng tạo trong giảng dạy để tránh nhàm chán cho học sinh là việc làm cần được khuyến khích. Sự sáng tạo nên được xuất hiện trong tất cả các môn học chứ không chỉ riêng môn Văn học, hay Lich sử vốn được coi là khó tiếp nhận. Và để nâng cao chất lượng các môn học trong hệ thống giáo dục phổ thông, các chuyên gia tâm lý học cho rằng, trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bản thân giáo viên phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy và học để giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ... Và lẽ dĩ nhiên, muốn có trò sáng tạo thì thầy phải sáng tạo trước. Bởi thầy cô chính là người định hướng, nếu họ không “dịch chuyển” trước, không tự trang bị kiến thức kỹ năng trước thì làm sao dẫn dắt học trò được.

Công bằng mà nói, việc sáng tạo trong dạy và học không phải bây giờ mới được nhắc đến với các môn học trong hệ thống giáo dục nói chung, môn Văn nói riêng, mà trước đó, sự sáng tạo đã được thầy cô tâm huyết thực hiện ở tất cả các môn học với vai trò là người dẫn dắt, khai phá trí thông minh của học trò. Với riêng môn Văn, việc cho học sinh hoá thân vào các nhân vật trong tác phẩm văn học đã diễn ra từ rất lâu, thông qua hình thức đọc hiểu văn bản. Mỗi học sinh đảm nhận đóng vai một nhân vật, thực hiện đọc diễn cảm lời thoại có trong văn bản. Và đôi khi cũng có những vở kịch ngắn được dàn dựng từ nguyên tác, nhưng là để biểu diễn trong những dịp kỷ niệm hay hưởng ứng phong trào thi đua nào đó của trường v..v.. mà “Quan âm thị kính”, hình tượng chú bé Lượm, Lê Văn Tám… là những trích đoạn được sử dụng nhiều nhất mà không có nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán. Nên có thể hiểu, nhiều người “sốc” cũng vì lẽ đó.

 

Sáng tạo để không “rập khuôn”

Thay vì đọc hiểu tác phẩm thông qua lời thoại, trong trường hợp nói trên thầy giáo đã “sáng tạo” để học sinh “sân khấu hoá” cả những trích đoạn, những tác phẩm trong phần bổ trợ, để giúp học sinh hào hứng với môn Văn. Đây là sự sáng tạo của thầy, và sự sáng tạo này cần được ghi nhận. Nhưng vì sao dư luận lại phản ứng?

Phản ứng là bởi ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới thì mọi sự giáo dục của nhà trường, mà trực tiếp của người thầy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, con người của các em. Do đó, việc chọn những cảnh nhạy cảm để  sân khấu hoá được cho rằng “vẽ đường cho hươu chạy”, và cho dù ai đó biện minh rằng, những “cảnh nóng” mà các em dùng ánh sáng để dàn dựng có thể chỉ cần nhấp chuột máy tính sẽ thấy tràn lan trên mạng. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng việc xem một mình, hay một nhóm bạn bè, khác rất nhiều so với việc một tập thể được chứng kiến, và hoạt cảnh được diễn ra dưới sự cho phép của thầy giáo. Không bàn đến sự dung tục, mà chỉ cần bàn đến việc các em bỏ thời gian, công sức để dàn dựng các hoạt cảnh trong tác phẩm để đi đến tận cùng những thông điệp mà tác phẩm hướng đến: tính nhân văn? e rằng không mấy thuyết phục. Chưa kể thời gian gần đây có quá nhiều vụ bạo lực, xâm hại xảy ra trong trường học khiến người ta nghi ngờ về đạo đức của những con sâu trong ngành  giáo dục hiện nay.

Để xây dựng các thiết chế văn hoá, và bảo vệ những nét đẹp trong thuần phong mỹ tục, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuậ,  Đảng, Nhà nước ta đã có có những quy định khá chặt chẽ. Đơn cử trong lĩnh vực điện ảnh có quy định đối tượng được đến rạp xem phim( phim dán mác 18+) để phân định độ tuổi tiếp cận… hay gần đây nhất là triển lãm ảnh nude với những tranh luận nảy lửa có hay không dán mác 18+. Và khi người ta đã thoát ra khỏi ranh giới của sự dung tục, và đích thực là nghệ thuật thì triển lãm đã được diễn ra phục vụ tất cả mọi đối tượng.

Quay trở lại việc sân khấu hoá tác phẩm văn học (của chính những người trong cuộc), đi đến tận cùng tác phẩm văn học chính là để không tạo ra thế hệ học trò chỉ biết rập khuôn, mà ngược lại phù hợp với thời đại 4.0, không chỉ đủ bản lĩnh đương đầu mà còn chủ động hội nhập. Nhưng muốn chủ động hay đương đầu thì những nét đẹp trong văn hoá, những thứ làm nên hồn cốt dân tọc Việt hẳn không dễ dàng bị đánh mất. Thế nên, để có sự sáng tạo một cách toàn diện thì thầy cô chính là người định hướng, dẫn dắt các em học tập, rèn luyện sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội... Vì thế, bên cạnh truyền kiến thức, còn rèn dạy kỹ năng tốt cho học sinh để góp phần hình thành con người có năng lực tốt. Đó mới chính là mục đích của giáo dục, chứ không phải đi đến tận cùng một tác phẩm cụ thể nào, bởi những kiến thức sẽ được các em thu nạp qua nhiều kênh khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần từ sách vở.

Nguồn Văn nghệ số 14/2019


Có thể bạn quan tâm