April 18, 2024, 12:22 pm

Gian lận thi cử- tác hại khôn lường

 

Gần một năm qua sự kiện gian lận thi cử trong kỳ thi PTTH quốc gia năm 2018 vẫn chưa thôi bức xúc, và sẽ còn lâu vết nhơ trong ngành giáo dục của Việt Nam mới có thể xóa được. Sự việc đã được đăng tải trên các báo đài, phương tiện truyền thông đại chúng và trên các kênh thông tin mạng xã hội.

1. CHIẾN DỊCH “VẾT DẦU LOANG”

Ngày 11 tháng 7 năm 2018 khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố kết quả phổ điểm kỳ thi PTTH các tỉnh thành năm 2018 đã làm dư luận xã hội ngỡ ngàng, hoài nghi. Xưa nay khu vực miền núi dân tộc thiểu số phía bắc vẫn được coi là “vùng trũng về giáo dục”, chất lượng học tập của học sinh thường chênh lệch khá xa so với đồng bằng, đô thị, đặc biệt rất xa so với các tỉnh thành có truyền thống học giỏi như Hà Nội, Nam Định, TP Hồ Chí Minh. Thế mà trong kỳ thi này khối A1 (toán, lý, ngoại ngữ) của tỉnh Hà Giang có tới 36 thí sinh đạt trên 29 điểm, chiếm gần 1/2 sỹ tử cả nước (76 thí sinh). Khối A (toán, vật lý, hóa học) cả nước có 82 thí sinh đạt trên 27 điểm thì Hà Giang chiếm gần 1/3. Tại Sơn La, thí sinh đạt 9 điểm môn Vật lý cao gấp 12 lần TP Hồ Chí Minh, vượt xa Hà Nội, Nam Định.

Báo chí là những người đầu tiên có công phát hiện sự bất thường này. Từ đó mới dấy lên một cao trào dư luận xã hội sục sôi yêu cầu kiểm chứng. Cơn sốc đầu tiên là đến với học sinh, phụ huynh có con em thi ở địa phương có gian lận. Không thể làm ngơ trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng này, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phải vào cuộc. Một đoàn thanh tra hùng hậu của Bộ Giáo dục và A.38 của Bộ Công an lập tức lên đường tới điểm nóng Hà Giang. Sau 4 ngày “cửa đóng then cài, nội bất xuất ngoại bất nhập” làm việc thâu đêm (có hôm tới hơn 4 giờ sáng) để kiểm tra, chấm thẩm định 5.400 thí sinh đã phát hiện ra 114 thí sinh với 330 bài thi bị can thiệp tăng từ 1 điểm đến 29,45 điểm sau chấm thẩm định? Đặc biệt có thí sinh tổng điểm các môn tăng tới 29,95 gần điểm tuyệt đối (30/3 môn thi). Học sinh, phụ huynh tỉnh này không thể tin nổi. Họ thường nghĩ rằng cùng lắm chỉ trên dưới chục em và điểm nâng quá lắm chỉ 1-2 điểm là cùng. Con số công bố gây nên cú sốc lớn, một hiện tượng xưa nay chưa từng có.

Trước sức ép dư luận, thanh tra bộ tiếp tục kiểm tra các tỉnh lân cận là Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, và thực tế vết dầu nhơ nhớp đã lan sang các tỉnh này. Tại Sơn La, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm để chấm lại 110 bài thi ngữ văn có nghi vấn đã cho kết quả 42 bài được nâng từ 1- 4,5 điểm. Tiếp tục sang Hòa Bình có 22 thí sinh thi môn ngữ văn được nâng từ 1,25-4,75 điểm. Tại tỉnh này có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được nâng ít nhất 0,2 điểm, nhiều nhất 9,25 điểm trong 1 môn thi. Hòa Bình có 8.900 em dự thi, môn toán có 27 thí sinh đạt tới 9 điểm trở lên, cao hơn TP Hồ Chí Minh, trong khi TP. Hồ Chí Minh có số học sinh tham gia kỳ thi đông hơn gấp nhiều lần. Còn tại Lạng Sơn, 35 bài thi của các chiến sỹ cảnh sát cơ động có dấu hiệu cao bất thường tại điểm thi số 1 trường PTTH Chu Văn An… Như vậy 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có tới 222 thí sinh được nâng điểm với 347 bài thi?

Từ hiện thực ở 4 tỉnh này, dư luận cho rằng nếu có lực lượng, phương tiện, kiểm tra một số tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số khác cũng sẽ phát hiện ra tiêu cực, nhưng có điều sẽ ít và không táo tợn như các tỉnh bị nêu tên. Các chuyên gia, những người am hiểu giáo dục nước ta cho rằng hiện tượng tiêu cực này nhiều năm trước đã có nhưng lẻ tẻ và ít nên không mấy ai để ý tới. Chỉ đến khi “bùng nổ” mới giật mình nhưng “hơi bị muộn”, trong khi lẽ ra phải dự báo trước và có kế hoạch phòng chống từ xa khi hiện tượng này xuất hiện lẻ tẻ từ những năm trước đó?

 

2. TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG

Nền giáo dục Việt Nam không chỉ có gian lận thi cử, từ hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, trên đại học chuyện chạy lớp, chạy trường, chạy điểm, chạy tuyến, chạy ngành nghề, chạy biên chế… không còn xa lạ. Những tiêu cực đó là căn bệnh ung thư chưa có thuốc chữa trị di căn sang mọi lĩnh vực của cuộc sống làm suy yếu đất nước, gây nên bao hệ lụy tác hại khôn lường.

Những tiêu cực đó trước hết và trực tiếp là làm mất uy tín của phụ huynh, học sinh, xã hội vào nền giáo dục. Vụ gian lận thi cử năm 2018 chỉ là giọt nước tràn ly thổi bùng lên bức xúc dồn nén từ bấy lâu nay. Bằng những con số, con người cụ thể không thể bao biện, chối cãi khi bị “bắt tận tay, day tận mặt”. Những thí sinh gian lận điểm sẽ lấy đi chỗ ngồi trên giảng đường đại học mà lẽ ra của những học sinh khác chăm chỉ, giỏi giang, những thí sinh mà cha mẹ, gia đình họ nghèo khó phải chắt chiu từng đồng cố gắng cho con ăn học hy vọng được vào đại học để đời chúng không bị thiệt thòi, thất học như đời mình. Sự việc gian lận là điều rất hổ thẹn với một nền giáo dục lấy con người làm đối tượng trung tâm để đào tạo ra những công dân hữu ích, giàu năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt xây dựng đất nước

Gian lận trong thi cử đã tạo ra một nếp nghĩ rất xấu, rất tồi tệ cho lớp trẻ rằng: Chẳng tội gì phải nhọc công rèn luyện, nỗ lực, phấn đấu vươn lên, chỉ cần có tiền, bố mẹ có quyền lực, làm quan to là cơ hội ắt đến muốn gì cũng được. Những học sinh có tư duy như vậy ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông sau này sẵn sàng mua bằng đại học, chạy vào được các cơ quan công quyền rồi lại được thăng tiến không phải bằng năng lực thực của mình mà bằng “mua quan, bán tước”. Những công chức, lãnh đạo đó sẽ không có lòng tự trọng, đạo đức tồi, ham quyền cố vị và tham nhũng là không tránh khỏi. Những đối tượng ấy sẽ cản trở, làm chậm quá trình phát triển của đất nước đi ngược với chủ trương xây dựng một chính quyền trong sạch, liêm chính, minh bạch công bằng và kiến tạo. Qua sự kiện rất đáng lên án này là một bài học sâu sắc về sự lệch chuẩn đạo đức và các giá trị xã hội trong quá trình xây dựng con người mới vừa hồng vừa chuyên đáp ứng được thời đại khoa học đang tiến như vũ bão.

 

3. TẠI SAO CÒN CHẦN CHỪ?

Về việc xử lý các sai phạm ban đầu có hai luồng ý kiến khác nhau: một số không đồng tình với việc công khai danh tính phụ huynh, lãnh đạo, công chức, học sinh dính đến gian lận; phần đông yêu cầu xử lý triệt để công khai. Cuối cùng số ít bênh vực nhìn vào số đông và sức ép dư luận đã thay đổi ý kiến theo số đông. Theo một thăm dò với 2000 người của VTV, có tới 89% lượt bình chọn đồng tình cần phải công khai. Thực hiện triệt để ở đây không chỉ là nêu danh tính mà còn yêu cầu loại bỏ những thí sinh đang học tại các trường cao đẳng, đại học. Thực hiện nghiêm sẽ có tác dụng dạy cho những học sinh gian lận bài học đạo đức, nhân cách con người, tính trung thực có giá trị răn đe về trách nhiệm xã hội khi các em bước vào cuộc sống làm việc.

Đại biểu Phạm Minh Hiền, ủy viên các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Các học sinh không có lòng tự trọng, không biết xấu hổ, thực chất chính là đồng phạm. Không công khai danh tính tức là đồng lõa với việc đào tạo ra một đội ngũ, thế hệ cán bộ, công chức sau này gian dối, thiếu trung thực sẽ lại chạy quyền, chạy chức làm thui chột những người trung thực, có đạo đức và thực sự có năng lực. Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng phải xử lý nghiêm nếu không sẽ ảnh hưởng xấu với nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đồng tình với các ý kiến trên. Nhiều chuyên gia giáo dục, đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề này lên bàn nghị viện yêu cầu phải xử lý để thực hiện sự công bằng xã hội.

Tới nay đã có trên 20 cán bộ, công chức bị khởi tố trong đó có 16 người trong ngành giáo dục. Sự việc đã rõ ràng như thế mà những cán bộ địa phương vẫn một mực chối cãi. Ta hãy nghe ý kiến của các ông này: Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Hà Giang: Tỉnh thực hiện đúng quy trình của bộ, chấm thi nghiêm ngặt (ông nãy vừa nghỉ hưu). Ông Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La: Kỳ thi hoàn toàn nghiêm túc, thậm chí tốt hơn năm trước. Ông Hoàng Tiến Đức, Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La: Điểm cao là do cố gắng, nỗ lực của học sinh. Ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Hòa Bình: Qua 3 đợt kiểm tra Hòa Bình tự tin khẳng định kỳ thi rất nghiêm túc.

Những phát ngôn của họ không thể lọt tai. Cái kỳ quặc nhất trong nhiều lĩnh vực ở nước ta là việc gì cũng đúng quy định, quy trình nhưng cứ sai dài dài. Bổ nhiệm cán bộ đều đúng quy trình nhưng sai rất nhiều từ nhỏ đến to. Đảng đã chỉ ra rằng dù có nguyên tắc, quy định nào đi chăng nữa vấn đề cốt yếu vẫn là người thực hiện...

         Tiên phong trong việc xử lý mạnh mẽ là Bộ Công an. Bộ này đã loại khỏi danh sách 28 thí sinh đang ngồi trên ghế các khối học viện, đại án học thuộc bộ trả về địa phương, bất kể các em này khi trừ đi điểm chấm thẩm định vẫn đủ điểm theo học. Như một hiệu ứng Domino hàng loạt các trường khối quân sự, dân chính cũng đã xử lý ở những mức độ khác nhau được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên công luận đòi hỏi phải có sự thống nhất về cách xử lý bằng cách công khai danh tính thí sinh, phụ huynh; những công chức, cán bộ, đảng viên ở các tỉnh có sai phạm. Đối với những người có quyền có chức nhẹ nhất là cảnh cáo, kỷ luật theo mức khác nhau, nặng phải hạ bậc, cách chức, nếu có bằng chứng hối lộ, ép buộc cấp dưới phải đưa vào tội hình sự truy tố theo luật định, để làm trong sạch bộ máy nhà nước.

Một đảng chuyên chính cầm quyền không thể chấp nhận những cán bộ, đảng viên như thế. Kỳ thi PTTT quốc gia năm 2019 đang đến trong không khí phấn khởi, tin tưởng của xã hội khi bộ Giáo dục & Đào tạo sửa đổi, đưa ra những biện pháp bịt lỗ hổng trong thi cử. Toàn dân cũng đang hướng về Đại hội Đảng toàn quốc XIII, trong đó nội dung xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế tiếp là một trọng tâm được đặc biệt chú trọng, được coi là vấn đề sống còn của Đảng. Công chúng, dư luận đang chờ sự quyết đoán của ngành giáo dục, cơ quan đảng, chính quyền nhanh chóng xử lý nghiêm khắc và triệt để những người trong dây chuyền gian lận thi cử năm 2018 để làm gương, răn đe những người tham gia trong kỳ thi năm 2019, đảm bảo một kỳ thi trung thực, minh bạch, công bằng.

Nguồn Văn nghệ số 16/2019


Có thể bạn quan tâm