April 19, 2024, 6:35 am

Gian lận thi cử - sự thật và xử lý

...Khi báo chí và dư luận xôn xao Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa tin nên hỏi lại các địa phương đều được các ông giám đốc, phó giám đốc sở cam đoan không có tiêu cực; Đều cho rằng đã “thực hiện nghiêm quy định; đã kiểm tra 3 lần, tự tin là không có sai phạm; thậm chí còn tốt hơn năm trước. Thí sinh có điểm cao là do cố gắng, nỗ lực của các em”... Thật trơ trẽn và bẽ bàng khi sự thật được phanh phu...

LỘ DIỆN “BẼ BÀNG”

Hãy bắt đầu từ 2 loại nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu thiệt thòi nhất trọng vụ gian lận kỳ thi PTTH quốc gia năm 2018, đó là học sinh và phụ huynh các em. Người có hành động quyết liệt sớm nhất là một phụ huynh học sinh ở huyện Vị Xuyên Hà Giang. Ngay sau khi biết kết quả thi học sinh học kém cùng lớp với con ông đỗ 27 điểm ông rất phẫn nộ. Ông muốn đi ngay lên gặp sở Giáo dục & Đào tạo và lãnh đạo tỉnh, nhưng do trời mưa quá to không thể đi được. Suốt đêm đó ông không ngủ được, sớm hôm sau ông đã có mặt ở sở. Ông bức xúc: “Tôi là người rất sát sao và đồng hành với con mình suốt những năm học, không chỉ biết rõ về con mình mà còn biết học lực của các em trong lớp với con tôi”. Ông khẳng định kết quả điểm thi “chắc chắn có gian lận”

Một nam học sinh lớp chuyên Anh PTTH chuyên Sơn La rất giận dữ thốt lên: “Em không tin nổi vào mắt mình khi đọc kết quả. Điểm thi quốc gia là kết quả bao công sức, nỗ lực của chúng em, nó quyết định tương lai học tập, công việc sau này của mỗi người. Vậy mà bạn không làm được tý gì lại thành thủ khoa của cả nước?”

Khi báo chí và dư luận xôn xao Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa tin nên hỏi lại các địa phương đều được các ông giám đốc, phó giám đốc sở cam đoan không có tiêu cực; Đều cho rằng đã “thực hiện nghiêm quy định; đã kiểm tra 3 lần, tự tin là không có sai phạm; thậm chí còn tốt hơn năm trước. Thí sinh có điểm cao là do cố gắng, nỗ lực của các em”... Thật trơ trẽn và bẽ bàng khi sự thật được phanh phui.

Gần đây Học viện An ninh nhân dân đưa ra một con số rất đáng chú ý: Hà Nội là nơi nhiều học sinh giỏi và tham gia thi đông, nhưng chỉ có 7 thí sinh đạt điểm, bằng 3,2%, trong khi Lạng Sơn là 10,5%, Hòa Bình 6,4%, Sơn La 4,5%; 5/6 thí sinh đỗ điểm cao nhất đều thuộc các tỉnh miền núi dân tộc phía bắc

Nếu nêu đầy đủ, chi tiết thí sinh gian lận ở các tỉnh khác sẽ là quá dài với một bài báo. Tôi chỉ nêu điển hình, tiêu biểu là Hòa Bình, địa phương có tới 64 thí sinh có gian lận điểm thi, và giải quyết một phần thăc mắc của bạn đọc câu hỏi: Những thí sinh được nâng điểm là con cháu của ai?...

Nữ thí sinh Trần Phương Thảo thủ khoa sư phạm văn ĐHSP Hà Nội tổng điểm 3 môn ngữ văn, lịch sử, địa lý là 27,5 điểm, chấm lại chỉ còn 21,25 điểm (môn sử từ 9,25 còn 5,75) đã chủ động làm đơn xin thôi học. Nguyễn Tiến Nam trường Đà Bắc, Hòa Bình đỗ vào Học viện An ninh - Bộ Công an, đã được nâng tới 14,5 điểm, lên thành 28,3 điểm. Khi đã “hai năm rõ mười” bị trả về địa phương. Đó là Nguyễn Hồng Quân, đỗ vào trường Sỹ quan lục quân 1 với số điểm 27,75 điểm, trong khi chấm thẩm định thí sinh này đạt toán 1,0, lý 0,0, hóa học 0,0. Như vậy thí sinh này được nâng tới 26,75 điểm. Đó là Nguyễn Huy Hoàng, được nâng lên 10,25 điểm; là Vũ Đức Huy, gian lận gần 10 điểm; là Đới Nhật Tân, trường huyện Lương Sơn Hòa Bình, được phù phép nâng lên 11,1 điểm… Tất cả các thí sinh này không có ai là con em những người lao động bình thường…

 

KHÔNG THỂ DUNG THỨ

Khi cái ung nhọt khó ngửi đó vỡ ra, có ý kiến cho rằng cần công khai danh tính thí sinh được nâng điểm, lại cũng có ý kiến nói không nên… Một số đại biểu quốc hội chưa thỏa mãn với những phát lộ ở 4 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình mà còn nuốn kiểm tra rộng ra nữa. Họ đặt ra câu hỏi: “Nếu rà soát điểm thi quốc gia trên cả nước Bộ Giáo dục & Đào tạo có làm nổi không?”

Câu trả lời hoàn toàn có cơ sở khoa học có thể thấy trong một phát ngôn của Tiến sỹ Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng quản trị FPT. Ông cho biết đã phân tích 5 triệu bài thi của thí sinh 63 tỉnh thành thì thấy ngoài các tỉnh dư luận đã biết, còn có Kon Tum, Điện Biên nhiều thí sinh có ngưỡng điểm 24-25 điểm; khối A1 Lai Châu có những thí sinh đạt 25,5 điểm cần được đưa vào diện nghi vấn. Đứng đầu các tỉnh thành có tỷ lệ thí sinh đạt 25,5 điểm trở lên là Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum, Điện Biên. Đứng đầu danh sách thí sinh thi khối B ngưỡng 27 điểm là các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Sơn La. Vì vậy ông đề nghị xem xét, kiểm tra thêm Lai Châu, Điện Biên và Kon Tum.

Thực hiên triệt để không nhẹ tay trước tiêu cực là bộ Công an. Theo quan điểm của bộ, nếu dung thứ cho những học sinh gian lận tức là nuôi dưỡng, khuyến khích gian trá. Những học sinh đó khi ra trường sẽ là những cán bộ công an tồi, thiếu đạo đức, không trung thực, liêm khiết dễ phạm vào sai trái, vụ lợi khi thực thi công vụ. Phải sa thải hết, kể cả những thí sinh sau khi trừ điểm qua thẩm định vẫn đủ điểm để theo học. Theo tin mới nhất tiếp sau việc sa thải 28 thí sinh ở Hoà Bình, bộ Công an tiếp tục trả về địa phương 25 thí sinh của tỉnh Sơn La. Phản ứng dây truyền, các trường Đại học Y Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương… cũng rà soát và xử lý. Đại học Ngoại thương đã trả em duy nhất tựu trường quê Hòa Bình, trả lại mọi chi phí em này đã nộp cho trường; 02 thí sinh Hòa Bình khác trúng Đại học điện lực cũng bị sa thải vì gian lận trên dưới 10 điểm.

Báo Tiền Phong, Dân trí và một số báo khác đã đăng công khai danh tính thí sinh kèm theo tên tuổi một số phụ huynh (trong đó có một số chức sắc là lãnh đạo địa phương) liên quan tới gian lận như đã nêu ở phần trên. Riêng ngành công an đã tước danh hiệu CAND của 3 sỹ quan thuộc Công an Sơn La, trong đó có thiếu tá Đinh Hải Sơn, phòng an ninh chính trị nội bộ. Ngày 13/ 2 đã khởi tố Đỗ Khắc Hưng, cựu trung tá, cán bộ phòng PA83 được giao nhiệm vụ giữ khóa và bảo vệ phòng chứa bài thi đã thông đồng với người khác mở khóa để họ vào sửa điểm thi. Với sai phạm này ông ta sẽ bị truy tố theo điều 365 của Bộ luật hình sự vì “lợi dụng chức quyền.”

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội cho rằng đừng vin vào cái cớ nhân văn mà lơ đi sai sót. Bà chia sẻ: “Có ai cho rằng có bao nhiêu học sinh con nhà nông, dân nghèo học hành chăm chỉ, thi đạt điểm cao chỉ thiếu 0,1, 0,2 điểm mà bị đánh trượt đại học. Các em không được vào trường mà các em cùng bố mẹ bao năm mong ước. Có ai cho rằng hàng nghìn học sinh đó sẽ ra sao, trong khi các học sinh gian lận điểm ngang nhiên vào đại học chiếm chỗ những em chăm chỉ… Điều này có nhân văn với các em con nhà nghèo không? Chúng ta bảo vệ quyền lợi của trẻ em là bảo vệ cái cái đúng chứ không bảo vệ cái sai trái…”. Nhiều người cho rằng các thí sinh không thể vô can, và cái thứ nhân văn một số người đưa ra là “Nhân văn nửa vời”.

Thầy Vũ Khắc Ngọc làm việc trong hệ thống giáo dục “hocmai” (học mãi ) cho rằng không công khai thí sinh gian lận sẽ là một sai lầm lớn tiếp nối sai lầm. Vì sự phát triển của mạng xã hội những thông tin đó sẽ nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng, tạo dư luận, đồn đoán bất lợi. Nếu Bộ và Sở không muốn công khai thì các thí sinh đó cũng bị cư dân mạng tìm ra. Vậy tại sao không chủ động đưa ra quyết định đúng đắn để răn đe, để cả xã hội còn có thể đặt niềm tin vào Bộ Giáo dục & Đào tạo?..

GS.TS Phạm Tất Dong, phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Nếu các sở không công khai danh tính mà bộ yêu cầu thì bộ phải làm quyết liệt. Chứ cứ lặng im người ta sẽ hiểu rằng bộ đang đồng tình để che dấu sai phạm? Theo tôi, chính những người ém nhẹm cũng phải xử lý về tội đồng lõa…”

Đại biểu Quốc hội Hà Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Đây là vụ việc hoàn toàn có thể coi là tham nhũng. Do đó phải công khai, còn nếu không công khai có thể coi đó là một dạng vi phạm luật báo chí và luật phòng chống tham những – thậm chí là Vi hiến”

Để kết thúc ý kiến của mình, thầy Vũ Khắc Ngọc đề xuất giải pháp: “Trong cuộc “đốt lò” này phải đốt những người mang tiền ra mua điểm trước, rồi đến người đứng ra sửa điểm, rồi đến những người có liên quan, những người biết mà ém nhẹm đi. Với thí sinh thì tội không nặng bằng phụ huynh nên phải xử lý phụ huynh trước”

        Trước sức ép của dư luận, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cam kết sẽ trả lại công bằng cho học sinh, lấy lại niềm tin của xã hội, bộ sẽ quyết tâm cao nhất. Công luận và toàn xã hội đang chờ đợi kết quả từ lời cam kết này

Nguồn Văn nghệ số 20/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm