April 24, 2024, 8:29 am

Giám sát lời hứa

KỲ HỌP THỨ MƯỜI QUỐC HỘI KHÓA XIV

Sáng ngày 20/10, Quốc hội đã  khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đây là kỳ họp quan trọng gần cuối nhiệm kỳ của Quốc hội trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng còn lại trong chương trình công tác của cả nhiệm kỳ khóa XIV, đồng thời cũng là thời điểm quan trọng để kiểm tra việc thực thị lời hứa của các đại biểu dân cử.

“Lò” cần phải nóng hơn nữa

Dù được tiến hành họp trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng những vấn đề cử tri cả nước quan tâm vẫn được các đại biểu chuyển tải một cách đầy đủ trong hầu hết các phiên làm việc của Quốc hội. Từ tình hình lũ lụt miền Trung với công tác cứu hộ, cứu trợ đồng bào vùng lũ, đặt ra vấn đề cần phải thay đổi chính sách quyên góp ủng hộ đến chiến lược phát triển thủy điện tại khu vực miền Trung… Tất cả đều là những vấn đề cấp bách, không chỉ liên quan trực tiếp đến người dân vùng lũ mà còn là sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước. Công tác cứu trợ được thực hiện sao cho hiệu quả, quà cứu trợ phải đến được tay người dân thực sự cần là điều không chỉ những mạnh thường quân, các tổ chức cứu trợ cần biết, mà còn là niềm tin của người dân về tính minh bạch từ người đi cứu trợ đến những công bộc của dân. Câu chuyện bò đi nhầm chuồng, hộ nghèo và cận nghèo rơi vào họ hàng, thân thích của các cán bộ trong bộ máy công quyền tại nhiều địa phương những tưởng không lặp lại ở những hoạt động “nhường cơm sẻ áo” đang diễn ra tại miền Trung, thì những câu chuyện lừa đảo, ăn chặn tiền của thân nhân người tử nạn trong mưa lũ lại xuất hiện khiến dư luận xã hội phẫn uất. Bởi không gì có thể biện minh cho những hành động bất nghĩa ấy.

Dân giám sát và kiểm tra đã đưa ra ánh sáng vụ cán bộ bắt tay nhau nâng khống giá thiết bị y tế nhằm trục lợi khi cả đất nước đang căng mình chống chọi với đại dịch covid-19. Cho thấy tham nhũng vẫn chưa dừng lại. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để ngăn ngừa. Không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn phòng ngừa không để xảy ra tiêu cực tham những, lợi dụng dịch hay bão lũ để tham ô, tham nhũng, gắn liền với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước thể hiện quyết tâm rất cao. Dưới sự đứng đầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham những, đã đẩy mạnh công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Quan điểm là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm. Và “lò” cần phải nóng hơn nữa.

Giám sát lời hứa

Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội là hai địa phương đã được phê chuẩn thí điểm thực hiện đề án quản lý chính quyền đô thị. Đã và đang có nhiều vấn đề đặt ra cả về cơ chế thực thi, lẫn cơ sở hạ tầng, trong đó con người – chủ thể thực thi đề án - đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân không chỉ tại hai thành phố mà còn trên khắp cả nước. Chính quyền đô thị cho phép thành phố có phân cấp, phân quyền cho cơ sở theo hướng tinh gọn, tránh một thủ tục đi qua nhiều nơi. Việc gì cơ sở làm tốt hơn cấp trên nên phân quyền, phân cấp cho cấp đó làm. Cấp trên chỉ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đó là những công việc xét về mặt lý thuyết, chính quyền đô thị có thể làm, còn trên thực tế người dân quan tâm đến kết quả chính quyền đô thị sẽ làm được cho dân. Nhưng kết quả thì cần phải có thời gian để đề án đi vào thực tiễn. Song với những vấn đề nổi cộm như vấn đề Thủ Thiêm, ngập nước... tại thành phố Hồ Chí Minh, hay rác thải, tắc đường, phố thành sông... tại Hà Nội vốn trải qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo gắn với nhiều lời hứa, thì mọi việc vẫn đang ở vạch xuất phát. Niềm tin vào lời hứa phần nào đã bị lung lay, thậm chí người dân không còn tin vào lời hứa khi từ chối nhiều cuộc đối thoại với lãnh đạo (tại Bãi rác Nam Sơn và người dân tại Thủ Thiêm) trên cả hai thành phố.

Tham những đang trở thành vấn nạn của đất nước và trở thành vấn đề nóng khi được đề cập trong hầu hết các phiên thảo luận tại hội trường và tại các tổ. Từ việc bàn có nên hay không và thời điểm nào thì thích hợp bỏ hộ khẩu giấy, đến sách giáo khoa, chế độ đối với người lao động... đều được đặt trong vùng an toàn để không có tham những. Tuy nhiên, nói như Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), “Tiến trách kỷ, hậu trách nhân. Có những cơ quan cần thay đổi mình để người dân có lòng tin”.

Thay đổi mình để được dân tin, chắc chắn là phải có. Nhưng thay đổi thế nào để không trở thành sự biến tướng một cách tinh vi của tham nhũng, lại nằm ở chính bản thân mỗi đại biểu quốc hội đang được người dân gửi gắm. Nhưng để hỗ trợ, Nhà nước cũng nên sớm hoàn thiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó đẩy mạnh chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng khác  một cách hiệu quả... Có như vậy việc giám sát, kiểm chứng lời hứa của người dân mới thực sự trở thành hoạt động có hiệu quả…

PV

Nguồn Văn nghệ số 44/2020


Có thể bạn quan tâm