April 24, 2024, 1:23 pm

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NGUYỄN HÀM NINH

   

1.

Để tôn vinh những thành quả lao động sáng tạo Văn học nghệ thuật của các tác giả là con em người Quảng Bình, đồng thời kích thích nguồn sáng tạo của lực lượng sáng tác trẻ Ba Đồn - Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Hàm Ninh ra đời.

 

2.

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Hàm Ninh là giải thưởng do Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch tổ chức một năm một lần, trao cho duy nhất một tác phẩm hoặc một tác giả. Giải thưởng Nguyễn Hàm Ninh giành cho tất cả các tác giả người Quảng Bình trong và ngoài nước. Năm chẵn trao cho tác phẩm, năm lẻ trao cho tác giả.

 

3.

Giải thưởng bắt đầu từ năm 2022. Giải tác phẩm trao cho các tác phẩm được công bố hai năm trước. Văn: Các tác phẩm được in thành sách. Sân khấu - Điện ảnh: Kịch dài và phim dài. Hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc: Chùm tác phẩm. Kiến trúc: Công trình lớn hoặc cụm công trình. Giải tác giả trao cho các tác giả có nhiều đóng góp cho Văn học nghệ thuật trong 10 năm trở lại.

 

4.

Mỗi giải 20 triệu đồng tiền mặt và 1 thùng rượu Bố Chính được trao vào ngày 26 tháng 3 hàng năm.

 

5.

Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch kêu gọi văn nghệ sĩ người Quảng Bình trong và ngoài nước giới thiệu tác phẩm của mình và của đồng hương Quảng Bình về dự giải thưởng Nguyễn Hàm Ninh theo địa chỉ: Chi hội Văn học nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch, Đường Đào Duy Từ - Thị xã Ba Đồn - Tỉnh Quảng Bình

 

Đại hội Chi hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trạch - Ba Đồn nhiệm kỳ 2020-2025

Nguyễn Hàm Ninh 阮咸寧 (1808-1868) tự Thuận Chi 順之, hiệu Tĩnh Trai 靜齋, Nhâm Sơn 壬山; xuất thân trong gia đình nông dân nghèo có truyền thống hiếu học ở làng Phù Ninh, huyện Bình Chánh (sau cha ông chuyển cả gia đình đến làng Trung Ái (sau đổi thành làng Trung Thuần, nay thuộc thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu), huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; 21 tuổi (1829) đỗ tú tài; 23 tuổi (1831) đỗ thủ khoa kỳ thi Hương ở trường Thừa Thiên (kỳ thi vào tháng 7 năm 1831); làm quan dưới ba triều vua Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức, lần lượt trải qua các chức: dạy học tại Quốc Tử Giám (được bổ chức ngay sau khi thi đỗ); năm 1833 nhậm chức Tri huyện Lục Ngạn (làm được một thời gian, đến tháng 5/1833 có tang cha, xin nghỉ chức về cư tang)năm 1836 được vời ra làm Quốc học độc thư (ở đây Nguyễn Hàm Ninh được làm việc trực tiếp với Thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông - tức vua Thiệu Trị sau này); năm 1838 lãnh chức Chủ sự Phủ Tôn Nhơn (làm được một thời gian vì phạm lỗi nên bị vua Minh Mạng bãi chức, cho về quê); tháng giêng năm 1841, được vua Thiệu Trị vời ra làm Kiểm thảo sung chức Hành tẩu ở Nội các; mùa đông năm 1845 được chuyển ra Bắc bộ làm chức Phó lang; tháng 5 năm 1846 được thăng quyền Lang trung bộ Lại; tháng 5 nhuận năm 1846 được chuyển sang làm Lang trung bộ Lễ; tháng 10 năm 1846 được điệu bổ quyền Án sát tỉnh Khánh Hòa; tháng giêng năm 1847 bị thuyền Tây bắt, bị cách chức và phát vãng đến hai thành Điện Hải, An Hải (Đà Nẵng) sung làm quân; tháng 7 năm 1847 được khởi phục chức Hàn lâm viện Trước tác làm biên tập trong sở Tu thư. Mùa Thu năm Mậu Thân niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848), khi vừa tròn 40 tuổi, Nguyễn Hàm Ninh bị bệnh, xin cáo quan về quê nhà làm ruộng, bốc thuốc chữa bệnh cứu người và dạy học cho đến khi mất vào ngày 15 tháng 12 năm Đinh Mão (nhằm ngày 9-01-1868), thọ 60 tuổi.

Mộ phần của Nguyễn Hàm Ninh hiện trên đồi nhỏ, có tên Nhâm Sơn, bao quanh là rừng dẻ, hướng mặt về phía hồ Vân Tiền ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.


 

 


Có thể bạn quan tâm