April 19, 2024, 7:20 pm

Giải thể các trường đại học cấp vùng, nên hay không?

 

Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp PTTH Quốc gia và xét tuyển Đại học vừa kết thúc, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, giới chức trong ngành, truyền thông trong nước và quốc tế. Tại hội thảo nhiều bất cập của giáo dục đại học đã được nêu ra một cách trực diện, thậm chí quyết liệt như có hay không tồn tại mô hình Đại học vùng?, hiệu quả và phương hướng phát triển (nếu tiếp tục duy trì) mô hình đại học vùng vốn được hiểu là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng vì sao không thể phát huy được sức mạnh tổng hợp của các trường thành viên?

Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ

Tính đến thời điểm hiện tại, những công đoạn cuổi cùng của kỳ thi hai trong một (xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học 2018), đã sắp hoàn tất. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội cũng đã đăng tải đầy đủ điểm sàn và hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học trên tinh thần hỗ trợ tốt nhất cho các em trong quá trình hoàn tất hồ sơ, trước khi bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng. Đánh giá chung từ phía Bộ chủ quản, dư luận xã hội, ngoài những bất ổn trong công tác chấm thi, thì việc xét tuyển diễn ra tương đối thuận lợi. Chỉ có điều, đây đó còn có những hạn sạn dù rất nhỏ nhưng lại không khỏi khiến người ta suy ngẫm về sự tùy tiện, thiếu thiện chí của các cơ sở giáo dục đào tạo mang tính chất vùng hiện nay.

Đó là trường hợp một số trường nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh để không phải mở lớp. Câu chuyện tưởng không thể xảy ra ở nước ta trong thời kỳ bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với tư duy và trí tuệ 4.0. Giống như giọt nước làm tràn lý, câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của các Đại học vùng một lần nữa lại giấy lên những lo ngại về tự chủ đại học gắn với vấn đề tự quyết của các trường hiện nay. Nhất là trong bối cảnh đào tạo đại học vùng được kỳ vọng là nguồn cung chất lượng cao tại chỗ cho các địa phương. Tuy nhiên, thực tế đang cho kết quả ngược với một loạt các trường đại học đã được thành lập trên 10 năm nhưng chưa đảm bảo về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo. Cụ thể trong năm 2018, còn 14 trường, trong đó có 11 trường thành lập từ năm 1998 đến nay, mặc dù đã đi vào hoạt động, nhưng không có khuôn viên riêng vẫn phải đi thuê mặt bằng; một số trường địa điểm học rải rác ở nhiều nơi, không thuận tiện cho triển khai các hoạt động đào tạo.. Có thể liệt kê một số trường như Trường Đại học FPT (Hà Nội) được thành lập từ năm 2006 nhưng đến nay việc xây dựng trường tại khu công nghệ cao Hoà Lạc vẫn đang trong giai đoạn thi công; Trường Đại học CNTT Gia Định (TP.HCM) được thành lập năm 2007 đến nay vẫn phải thuê cơ sở đào tạo của đơn vị khác; Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) cũng đang trong tình trạng mượn đất để dạy học. Chưa kể nhiều trường, số lượng giảng viên cơ hữu không đảm bảo theo quy định cũng đang đứng trước một tương lai gần là buộc phải đóng cửa cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đại học vùng, gặp khó về cơ sở vật chất,  về chất lượng giáo dục kéo theo việc hút sinh viên theo học vô cùng khó khăn. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với hệ thống các trường Cao đẳng vùng, mà trường hợp trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai là một ví dụ điển hình. Trong kỳ xét tuyển 2018-2019 vừa qua, trường này đã phải nâng điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm để loại thí sinh duy nhất trúng tuyển vì không thể mở ngành chỉ đào tạo 1 người học đã cho thấy mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ đã không thể phát hiy tác dụng đúng như kỳ vọng.

 

“Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”

Đành rằng, xã hội hóa giáo dục chính là mở ra cơ hội học tập, thậm chí học tập suốt đời cho mỗi cá nhân cụ thể (nếu có nhu cầu học tập), tuy nhiên ngoài lợi ích như nói trên thì việc xã hội hóa giáo dục, hay cao hơn là phổ cập bậc Đại học trong đó mở rộng mô hình đại học vùng đã đem lại không ít bất cập. Theo GS Từ Quang Hiển, mô hình đại học vùng đã thử nghiệm được 24 năm. Và nay đã cho thấy đang cản trở sự phát triển của các trường đại học thành viên và không có hiệu quả. Thậm chí vị giáo sư này còn nhân mạnh, “Vô tình, chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục đại học hiện hành. Nó như cấp tổng cục vậy. Tôi từng là Hiệu trưởng Đại học thành viên cũng là Giám đốc Đại học vùng nên rất thấu hiểu tình trạng của đại học vùng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kỹ mô hình này. Nếu giải thể được là tốt nhất”

Tình trạng “chợ chiều” của không ít trường đại học vùng hay các cơ sở Giáo dục & Đào tạo quy mô nhỏ tại các địa phương (các trường cao đẳng, trung tâm dạy nghề) không còn mới và người ta thừa nhận nó giống như một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Ngay Bộ chủ quản cũng đã quyết tâm lấy “thu giá” thay cho “thu học phí” để minh chứng cho quan điểm dạy - học chính là một quá trình mua - bán  tri thức. Nhưng thực tế đã vấp phải sự phản ứng ngay trong nội bộ ngành, các nhà khoa học và dư luận xã hội.

Quá trình mua, bán nếu thuận theo tự nhiên là phải có sự hợp tác giữa bên mua và người bán. Song với việc dạy và học hiện nay lại không như vậy. Và trường hợp trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai là việc cực chẳng đã. Càng bất ngờ hơn khi người trong cuộc cho rằng việc nâng điểm sàn, đánh trượt thí sinh chính là đã tạo cơ hội cho các em theo học những ngành nghề khác, giúp các em có thêm cơ hội… Tất nhiên, khi đưa ra lí giải này, nhà trường cũng đã “phơi bày” thực trạng của trường, của ngành tuyển sinh chỉ có một thí sinh trúng tuyển. Lãnh đạo trường cho biết nhiều năm nay công tác tuyển sinh rơi vào tình cảnh chợ chiều, nhiều khoa, ngành phải đóng cửa, hoặc liên kết đào tạo, khiến cho công tác giảng dạy, duy trì hoạt động của nhà trường vô cùng khó khăn.

Thực tế, về lý thuyết thì bất kỳ ai cũng hiểu, sinh viên chính là nguồn thu, là nhân tố quyết định sự tồn tại của cơ sở giáo dục, không có sinh viên đồng nghĩa với việc cơ sở đó sẽ phải đóng cửa, sát nhập hoặc giải thể. Song nếu mỗ xẻ cặn kẽ vấn đề để trả lời cho câu hỏi, vì sao cơ sở giáo dục không thu hút được sinh viên? vì sao nhiều ngành nghề không có người theo học? Câu trả lời chính là chất lượng giáo dục, là sản phẩm đầu ra luôn bị lỗi và không thể đáp ứng được nhu câu của thị trường lao động.

Đã đến lúc, Giáo dục không thể giống như người đi câu để phó mặc cho sự may rùi. Giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục & đào tạo vùng nói riêng thiết nghĩ, muốn hút được thí sinh cần phải có cuộc đại cách mạng, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, xốc lại nguồn nhân lực để có được một cái kết có hậu “Hữu xạ tự nhiên hương” mà không cần phải lo có hay không duy trì mô hình đào tạo Đại học Vùng..

 

 


Có thể bạn quan tâm