April 25, 2024, 9:07 pm

“Giai điệu núi rừng” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

"Giai điệu núi rừng", với các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa góp phần tăng cường giới thiệu cảnh quan, không gian sống gắn với đồng bào các dân tộc theo từng địa phương vùng miền.

Tháng 10 với chủ đề “Giai điệu núi rừng” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Ảnh 1.

Hoạt động góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đảm bảo chuyển trạng thái hoạt động bình thường thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch COVID - 19 vừa hoạt động thu hút khách du lịch hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam".

Hoạt động tháng 10 với sự tham gia của hơn100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa.

Điểm nhấn trong các hoạt động tháng 10 là các chương trình "Tiếng gọi đại ngàn" và "Vũ điệu Tây Nguyên"; giới thiệu, trình diễn nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như dệt Zèng – di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Bahnar, Gia Rai, Ê Đê…; giới thiệu nghề đan lát của các dân tộc Bahnar, Gia Rai, Xê Đăng… và đặc biệt giới thiệu bộ sưu tập hiện vật của NSND Y Moan và các nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên như các ché quí, cồng chiêng Tây Nguyên, các nhạc cụ từ tre nứa, mỗi một nhạc cụ dân tộc là một câu chuyện về nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên…Các nghệ nhân sẽ trực tiếp giới thiệu các nét văn hóa đến du khách để cùng trải nghiệm.

Đặc biệt, đồng bào dân tộc X'tiêng đến từ tỉnh Bình Phước sẽ tái hiện Lễ cầu mưa độc đáo của dân tộc mình. Lễ hội cầu mưa là một nghi thức khá phổ biến trong cộng đồng dân tộc X'tiêng của Bình Phước cũng như các cư dân nông nghiệp phía Nam Trường Sơn - Tây Nguyên.

Đồng bào dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk sẽ trình diễn, giới thiệu âm nhạc dân gian, diễn tấu cồng chiêng, giới thiệu về bộ cồng chiêng kết hợp cùng với các nhạc cụ độc đáo đàn T'rưng, Đinh Pút...dân ca, vòng xoang rộn rã mang đến một không gian đậm chất Tây Nguyên huyền thoại (hòa tấu hòa tấu Cing kram, hát đối đáp, đàn T'rưng...)...

Vào các dịp cuối tuần sẽ diễn ra "Ngày hội núi rừng" với chương trình giao lưu "Hoa đất Mường" của đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình và Lễ Kathina của đồng bào dân tộc Khmer... Đây cũng là đại lễ hàng năm được duy trì tại quần thể chùa Khmer, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc đang sinh sống và hoạt động tại Làng, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

QH

 


Có thể bạn quan tâm