April 24, 2024, 12:21 am

Giải bài toán phân luồng cho học sinh phổ thông

Bài toán phân luồng cho học sinh phổ thông

Phân luồng học sinh THCS là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Quyết định 522 ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 nhằm tạo ra bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; góp phần tạo nên chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế. Theo đó, đến năm 2025 phấn đấu 100% trường THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất kinh doanh của địa phương, và có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Để thực hiện Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, đã có lộ trình Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Tại thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có năm trường Cao đẳng nghề, bốn trường Trung cấp, bốn Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, mười Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Giáo dục thường xuyên (GDTX), một phân hiệu trường Cao đẳng, một trường Đại học có hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Song những cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn quá nhiều bất cập để có thể giải được bài toán học sinh THCS sau phân luồng.

 

Lớp 11 A Trung tâm GDNN-GDTX Hương Sơn, 45 học sinh chen chúc trong căn phòng chật chội. Ảnh chụp sáng ngày 7.9.2020.

 

Những bất cập

Các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề có nhiệm vụ dạy nghề, muốn dạy học văn hóa phải liên kết với các Trung tâm GDNN-GDTX. Khổ nỗi, khi mà các Trung tâm GDNN-GDTX còn loay hoay giải được bài toán đáp ứng phân luồng, thì làm sao có thể đủ điều kiện, tâm huyết với các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề trong liên kết đào tạo văn hóa!?

Chương trình văn hóa lớp 10,11,12 của hệ Giáo dục thường xuyên gồm 7 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý thực hiện trong 35 tuần gồm 1.610 tiết, trong đó lớp 10 là 525 tiết; lớp 11 là 525 tiết và 12 là 560 tiết, được phân bố trong 6 học kì. Trong khi đó, chương trình Trung cấp nghề (quy đổi ra giờ) khoảng 1610 đến 1650 giờ; còn đối với Chương trình đào tạo Cao đẳng nghề là 2.600 đến 2.700 giờ. Không hiểu các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề khi duy trì song hành hai chương trình đào tạo (nghề và văn hóa) sẽ bố trí Thời khóa biểu như thế nào để không chồng chéo và lược tiết?

Các em học sinh lớp 9 hầu hết ở độ tuổi 15-16. Sau khi tốt nghiệp THCS, các em không vào THPT công lập, muốn lựa chọn cơ sở GDNN-GDTX để đầu đơn vì ngoài học nghề còn được tiếp tục học văn hóa. Theo thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng phòng GDNN-GDTX Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh, năm học 2020-2021, thực hiện Nghị quyết 36/NQ-HĐND và Quyết định số 433 của UBND tỉnh về phân luồng học sinh phổ thông, tại Hà Tĩnh có 3.700 học sinh đầu đơn vào các cơ sở nghề nghiệp để vừa được học văn hóa, vừa học nghề. Trung tâm GDNN-GDTX Lộc Hà năm học này có 270 học sinh đầu đơn vào lớp 10, nâng tổng số học sinh cả ba khối là 613 em. Với số học sinh như vậy cần có tất cả 15 lớp văn hóa, nhưng Trung tâm lại chỉ có 10 phòng học. Thầy Lê Sỹ Đài, Giám đốc Trung tâm lo lắng: “Thiếu phòng học, nhà trường phải bố trí học hai ca, không chỉ vất vả cho cán bộ quản lý, giáo viên mà khó khăn cho tổ chức học nghề”.

Phòng học đã vậy, cơ sở vật chất để dạy nghề tại Trung tâm này cũng chẳng khá hơn. Để có chỗ cho 602 học sinh theo học trung cấp nghề, ngoài 4 phòng thực hành, nhà trường phải cơi nới thêm 4 phòng thực hành khác. Máy móc thiết bị ở đây, ngoài thiết bị nghề điện, dăm máy hàn cũ kĩ, khá hơn cả là 34 máy may công nghiệp dạy thực hành may cho học sinh. Với cơ sở thực hành như thế này, muốn nâng cao tay nghề cho các em học sinh cũng thật nan giải.

Nhưng dù sao, Trung tâm Lộc Hà còn tập trung ở một địa điểm. Còn ở Trung tâm GDNN-GDTX Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê lại ở hai địa điểm, khó khăn càng chồng chất. Năm 2010, Trung tâm GDNN- GDTX Hương Khê được đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở dạy nghề ở xã Hương Bình. Nhưng học sinh không mặn mà vì trái nẻo, cách trở, xa trung tâm. Nhà trường bất đắc dĩ phải thuê mượn cơ sở của Chi cục thuế của huyện tại thị trấn Hương Khê để thuận lợi cho việc đi lại của học sinh. Nhưng khi cải tạo thành phòng học, thì chật chội, thiếu tiện nghi là tất nhiên. Còn Trung tâm GDNN-GDTX Đức Thọ được đầu tư hàng chục tỉ đồng, nhưng những phòng thực hành nghề cũng chỉ lèo tèo vài máy hàn, mươi dụng cụ điện. Tại Hương Sơn có hẳn một cơ sở dạy nghề, nhưng không gian hẹp. Máy móc, dụng cụ đã mấy chục năm, hết hạn sử dụng. Duy chỉ có 40 máy khâu công nghiệp đang vận hành tạm ổn. Phòng thực hành vi tính, máy móc đã hỏng. Từ năm 2010 đến nay chưa hề có bất cứ đầu tư trang thiết bị nào cho dạy nghề!

Đội ngũ giáo viên dạy nghề, dạy văn hóa tại các cơ sở dạy nghề, nhất là tại Trung tâm GDNN-GDTX không chỉ thiếu về số lượng, thiếu đồng bộ mà bất cập về chất lượng. Dẫu các Trung tâm có hình thức liên kết với các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề để tổ chức dạy cho học sinh, nhưng đội ngũ giáo viên dạy nghề cơ bản tại các Trung tâm quá mỏng sẽ không thể đảm bảo. Cụ thể, 602 em học sinh học nghề của Trung tâm Lộc Hà chỉ có một giáo viên chuyên môn kỹ thuật công nghiệp. Trung tâm Hương Khê có ba giáo viên nghề, trong đó hai giáo viên nghề điện, một giáo viên tin học. Các Trung tâm Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh cũng nằm trong tình trạng đó. Giáo viên văn hóa tại các Trung tâm GDNN-GDTX cũng thiếu trầm trọng. Tại Trung tâm Đức Thọ, quy mô 8 lớp văn hóa với 420 học sinh nhưng chỉ có một giáo viên Ngữ văn và 1 giáo viên Toán. Trung tâm Lộc Hà có quy mô 15 lớp văn hóa với 613 học sinh chỉ có 5 giáo viên văn hóa (2 giáo viên Hóa học; 1 giáo viên Ngữ văn; 1 giáo viên Lịch sử, 1 giáo viên Toán), nhà trường còn thiếu 18 giáo viên văn hóa… Thực tế đó cho thấy Lộ trình năm 2020, tại Hà Tĩnh, giáo viên dạy nghề đạt trình độ sau đại học chiếm 22,8%; Đại học và Cao đẳng chiếm 74.5%; có 80% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tin học như Nghị quyết 36 Hội đồng nhân dân tỉnh còn là mơ ước!

Để thực hiện được chương trình đào tạo, các Trung tâm phải tìm giáo viên kí hợp đồng. Nhưng để tìm được giáo viên ký hợp đồng đâu dễ dàng. Bao nhiêu chuyện dở khóc, dở cười xung quanh câu chuyện thiếu giáo viên. “Tìm được giáo viên Địa thì thiếu Sử, được giáo viên Toán lại thiếu Hóa học. Giáo viên gần không có, phải vận động giáo viên ngoài tỉnh. Thế là xuất hiện hàng loạt bài toán khác như: Nơi ăn chốn ở, thu nhập, chế độ bảo hiểm ra sao? Những vấn đề thiết thân với người lao động, mà bản thân Giám đốc vừa ký vừa run”. Một Giám đốc Trung tâm (không tiện nêu danh tính) phàn nàn. Chưa hết, để ký được hợp đồng, phải thuận bên A, bên B. Những năm trước để hợp đồng được giáo viên, Trung tâm GDNN-GDTX Đức Thọ đã  thỏa thuận chi trả 70 ngàn đồng/ tiết, nhưng năm nay, mỗi tiết phải 100 ngàn mới thỏa thuận được với người dạy. Số tiền thu từ nguồn học phí 70 ngàn đồng/ tháng/ 1 học sinh, sau khi  nạp 40% lên huyện, không đủ trang trải cho hợp đồng. “May mà Trung tâm có được nguồn chi trả thuê cơ sở vật chất và quản lí các lớp trung cấp, nên còn có mà điều tiết”. Thầy Hoàn buồn bã nói. Còn tại Trung tâm Lộc Hà, mỗi năm chi trả tiền hợp đồng cho giáo viên chủ nhiệm và đứng lớp trên dưới 500 triệu/ năm. “Được đồng nào lo chi trả hợp đồng, nói chi đến việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học nữa”. Thầy Đài lắc đầu.

Ngẫm ra câu chuyện có học sinh thì có giáo viên đứng lớp sao mà xa xôi qúa!

Tổ chức thực hiện

Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2028-2025” là kim chỉ nam để các địa phương có lộ trình, giải pháp thực hiện. Theo đó, các địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, đã xây dựng Đề án, mục tiêu, giải pháp, lộ trình thực hiện một cách bài bản, chỉ tiếc là Đề án ấy còn mắc mớ ở khâu thực hiện. Từ Đề án, từ chủ trương chính sách đến thực tiễn còn là khoảng cách khá xa. Muốn tạo nên bước đột phá trong công tác phân luồng và dạy nghề, trước hết phải xác định trách nhiệm quản lý các Trung tâm GDNN-GDTX thuộc cấp nào? Hiện tại, tại Hà Tĩnh, các Trung tâm GDNN-GDTX có ba chủ quản lí. Quản lí cơ sở vật chất, nhân lực thuộc UBND huyện, thị; quản lí văn hóa thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo; còn quản lí mảng dạy nghề trực thuộc sở Lao động, Thương binh & Xã hội. Vì vậy, tình trạng “cha chung không ai khóc” là nguyên nhân bất cập kéo dài của các Trung tâm chưa được giải quyết! Thậm chí, năm 2018, Trung tâm GDNN-GDTX Hồng Lĩnh bị xóa sổ, sáp nhập vào Trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh. Trung tâm GDNN-GDTX Thạch Hà suýt bị sáp nhập vào trường Trung cấp nghề của huyện. Nghị quyết 36/NQ-HĐND “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã có lộ trình giải thể Trung tâm GDNN-GDTX Đức Thọ trong giai đoạn 2026-2030. Nhưng do nhu cầu học tập của học sinh lớp 9 sau phân luồng, nên Trung tâm vẫn tiếp tục tuyển sinh và quy mô hàng năm tăng dần. Chính điều này đã khiến cho Trung tâm thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đào tạo. Nắm được thực trạng, Phòng Dạy nghề - Hướng nghiêp – Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tĩnh đã và đang tư vấn cho UBND tỉnh và trực tiếp với lãnh đạo các huyện thị để không chỉ duy trì mà còn phát triển các Trung tâm GDNN-GDTX. Nhưng tầm ảnh hưởng và hiệu quả của hoạt động chưa được nhiều, những bất cập chưa được tháo gỡ bao nhiêu, trong lúc nhiệm vụ của các Trung tâm hết sức nặng nề. Dự báo đến 2025, khi có 40% học sinh sau lớp 9 thực hiện phân luồng, các cơ sở dạy nghề có quy mô đào tạo rất lớn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, giáo dục địa phương phải bắt tay vào hành động, thực hiện đề án, tháo gỡ dần những mắc mớ, những bất cập của Trung tâm GDNN-GDTX mới hi vọng đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Trong lộ trình đó, phải làm sao xuất hiện mô hình đào tạo mới là sự liên kết giữa Nhà trường - Doanh nghiệp và Thị trường lao động, đặc biệt xã hội hóa công tác đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp hợp đồng với các cơ sở nghề trong công tác đào tạo sử dụng nguồn nhân lực mới hy vọng tạo ra bước đột phá trong công tác đào tạo nghề, mở ra một trang mới cho giáo dục.

Nguồn Văn nghệ số 42/2020


Có thể bạn quan tâm