March 29, 2024, 8:36 pm

Giấc mộng của những đứa trẻ sinh ra từ làng

Nguyễn Huy Thiệp không từ chối một chất liệu tuổi trẻ nào trong những tự sự của mình. Ông xuyên không từ bờ sông cổ tích của chàng Trương Chi ứ nghẹn tiếng hát tới pháp trường Nguyễn Thái Học nhẹ dạ chết cho lý tưởng; từ cái trống rỗng, man dại của miền núi nơi cô gái mười sáu tuổi dửng dưng bổ nhát rìu xuống đầu bố mình, cho đến cái cũ mòn của làng quê, cái giả tạo thuộc phố thị buộc những đứa trẻ như Chương, như Khuê tới một ngày chọn lầm lũi ra đi.

Trước Nguyễn Huy Thiệp, văn học đã từng chứng kiến nước mắt trong gương của Kiều hay của người chinh phụ nuối tiếc một tuổi xuân đang trôi, đã từng thấy xuất hiện diện mạo của một lứa nam thanh nữ tú Hà thành biết yêu đương và chống đối, biết tới nỗi buồn lãng mạn và những lý tưởng cao xa trong văn chương Tự lực. Nhưng Thúy Kiều của Nguyễn Du hay Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách mới chỉ là những dáng điệu của tuổi trẻ kinh thành - “thân sinh” ra họ là nhà nho tài tử hoặc lứa nhà văn tân thời được ẵm bồng trong cái nôi phố xá thế kỷ mới. Làng quê thì nghèo, cái mầu bờn bợt của những gương mặt nhăn nhó dễ làm người ta quên là nó cũng trẻ và còn sức sống. Đến Nguyễn Huy Thiệp - người ưa đề từ cho mỗi câu chuyện của mình bằng gốc gác “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn”, và bạt sau mỗi chương bằng lời thiết tha kiếm tìm “Con gái thủy thần! Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì? Bởi cái gì? …” thì người ta bắt đầu lờ mờ nhận ra, tồn tại một thế giới nội tâm huyền bí nơi những đứa trẻ từ làng bước ra, phức tạp, kì ảo, khó nắm bắt như nhân dạng của Mẹ Cả.

Huyền thoại

Thế giới nội tâm huyền bí của những đứa trẻ từ làng, trước tiên, có lẽ đi ra từ cái huyền thoại của không gian bao bọc chúng - chất dinh dưỡng nuôi những ngây thơ. Chỉ nông thôn mới bao chứa tuổi trẻ bằng huyền thoại của chính nó, không giống thứ fantasy trong những tiểu thuyết trên sách vở. Làng không giống “thị”, không phải cái chợ để di chuyển, bán mua, mà là nơi lưu giữ ký ức. Huyền thoại ở làng là cổ tích, là thần thoại, là những lời đồn, là hương khói xung quanh đền đài miếu mạo, là cái bóng lập lòe dưới tán cây đa cây đề, làn gió sởn lạnh trong đêm nơi bến sông, cánh đồng, nghĩa địa. Ở Chương, đó là ám ảnh về người con gái thủy thần từ thời niên thiếu. Ở nhân vật “tôi” trong Chảy đi sông ơi, đó là “sức lôi cuốn lạ kỳ” từ con trâu đen kỳ diệu dưới lòng sông. Ở Nhi trong Cánh buồm nâu thuở ấy, đó là giấc mộng về một “cánh buồm nâu no gió, mùi mắm cốt sực nức bay là là ở trên mặt sông, len vào ngõ” mang theo chàng hoàng tử. Đó là những hình ảnh đẹp và mượt mà – cái sắc lạnh thường thấy trong thanh âm của Nguyễn Huy Thiệp hễ động chạm tới mảnh ấu thơ của những đứa trẻ ở làng thì bỗng dưng không gồng, không gai nữa. Huyền thoại là món quà mà Hiếu, Khuê - những đứa con sinh ra ở thành phố không được cầm nắm, bởi rỉ tai chúng là lời dặn dò của một ông bố trí thức: “đồ chó… nhà mày ở thành phố, tương lai của mày ở đấy”. Phải về với cái hoang vắng, nhìn một cánh diều, chạm trán với cái bao la của bầu trời, chúng mới thị thực được cái vô tư. Nhưng đó chỉ là một cuộc tập tành ngắn ngủi có tính chất cưỡi ngựa xem hoa trong một kỳ nghỉ hè, vừa kịp đủ để tuổi trẻ phố thị giật mình một cái, xong chóng vánh quay lại đường ray chưa kịp trật. Cả thành phố bề bộn lẫn nông thôn (đã, đang, sẽ) xáo trộn, lai căng đều không đủ thể tích cho đôi cánh cần được sải của những người sắp sửa cho trưởng thành. Chỉ có huyền thoại dẫu hư cấu nhưng đẹp đẽ, màu nhiệm mới làm được, chúng có xu hướng trở đi trở lại như cò cưa kéo xẻ để níu lại ở những đứa trẻ sự ngây thơ và niềm tin...

Lặng im

Thực tại chưa từng và sẽ không bao giờ rộng rãi, khoáng đạt như huyền thoại. Không gian của làng quê đủ rộng, thưa, vắng để sải cánh cò bay nhưng nghịch lý là mặt đất của thực tế lại tù túng, nặng trịch - và cánh cò chẳng cất được. Giống như kẹt trong một cơn bóng đè, “những tiếng lòng líu la líu lo” của những đứa trẻ ở làng cất lên ú ớ hoặc im bặt. Đồng quê của chúng rộng nhưng bị đóng sập sau một lũy tre làng. Chúng lớn lên từ những sinh hoạt lam lũ không thoát ra được khỏi những thành tố vật chất của làng quê: Nhâm đi gánh lúa, bắt ếch, Hiên giã gạo, Năng chăn trâu cắt cỏ, Chương làm ruộng, đào đá ong, lột giang đan mũ.” Ngôn từ của chúng là những cấu trúc đơn, ngắn, cục mịch, vụng về, không hình ảnh, ít tu từ, cả vỏ hình thức và ruột nội dung đều không che đậy: “Nhà anh cấy bao nhiêu sào? Mỗi sào bao nhiêu thóc? Được bao nhiêu tiền?” - “Mỗi sào được hơn ba nồi, khoảng gần tạ, mỗi cân thóc một nghìn tư.” - “Hai mươi triệu tấn thóc cho sáu mươi triệu người.” - “Có ai chỉ nghĩ đến ăn,”… Có ai chỉ nghĩ đến ăn, lời kết của Quyên, cô gái du học sinh, như khép Nhâm vào một cái án: tuổi 17 cường tráng nhưng quẩn quanh trong phạm trù ăn uống dung tục, tầm thường. Nhâm không chỉ nghĩ đến ăn. Cái mơ mộng, cả nghĩ của cậu bị đậy điệm trong lồng màn, không tìm được cách bày biện. Xung quanh cậu, ngay bên cạnh những huyền thoại, lại là bố, là mẹ, là hàng xóm, những người “chẳng bao giờ đi xa khỏi làng” với tâm niệm “ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người.”, những người chỉ biết hướng nghiệp con cái mình theo nghề đan mũ để có việc quanh năm, những người không thể chịu đựng được nổi hai tiếng thi ca: “A… hóa ra mày làm thơ viết văn! Giời ạ!… Mày định viết văn làm thơ dạy ai kia chứ”. Đó là những bàn tay vô hình thọc mạch và bóp nghiến mất sự tưởng tượng trong những đứa bé lớn lên từ làng, làm chết yểu thi ca – thứ làm no đủ tâm hồn. Vẻ thủ cựu sồ sề của làng quê khiến những đứa trẻ như Nhâm, như Chương ngần ngại trước một cô gái thành phố, thậm chí là trước một manh áo mới… Đó là thứ mặc cảm không thể rũ bỏ được của một người nhà quê lâu năm lẫn mới lớn. Họ có thể giễu nhại thi ca, kể chuyện vanh vách về thành phố ngay cả khi chưa đặt chân tới nhưng khi thực sự phải đối diện với thứ gì đó mới mẻ, họ dễ lâm vào sợ sệt, ngượng ngùng. Một nỗi tự ti nhen lên, về cái “vô danh” và sự thô ráp. Thi ca của Chương, của Nhâm chảy thượt từng trang của Nguyễn Huy Thiệp nhưng chúng không phát ra âm thanh, chúng dài vô tận nhưng lại vô hình. Những đắm say, mê mải của Chương trước cô gái tên Phượng cũng chỉ co rút lại thành một câu đơn vỏn vẹn: “Không phải đâu. Cô đẹp lắm.” Không ai hay vẻ đẹp của Phượng trong Chương, chỉ có tay nhà văn bỏ ngoặc kép đi để kể riêng với bạn đọc rằng, ngày hôm đấy, sau đờ đẫn, sau ngất ngây từ một cái hôn, cái chàng trai thô ráp, nặng nề tên Chương ấy nhìn thấy trăng rất sáng. Những đứa trẻ lớn lên giữa thành phố như Khuê sớm biết cách nghị luận và tập nhiễm được thói quen triết lý dù còn méo mó nhưng chúng kiêu hãnh bộc lộ thành lời và hành động. Nội tâm của một tuổi trẻ nơi làng bị kẹt lại phía trong, đuổi nhau như sóng mà không thể trào vọt lên, cứ lầm lì cùng vòng quay nan hoa của chiếc xe đạp Nhâm về phía ga. Sự gượng gạo và bế tắc của ngôn từ là có thật. Thi ca ở Nhâm, thứ mà người nhà quê vừa ghê tởm vừa sợ hãi, cất lên mông lung…

Ra đi

“Ở nhà quê sợ nhất là buồn chán, người cứ bã ra…” Là Hiên, cô gái của làng quê đã thủ thỉ với Hiếu khi cùng giã gạo. Người ta rất dễ làm quen với cái nhàm tẻ, biến sự đều đều của đời sống thành đương nhiên và chấp nhận nó. Cảnh quan tiêu điều của nông thôn đã ở đây cả nghìn năm trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng những bất mãn, khó chịu thì phải đợi tuổi trẻ lên tiếng. Bởi tuổi trẻ là một mùa đặc biệt của đời người, và chúng sẽ không thỏa hiệp. Hiên đã nói toạc ra cái bã của làng quê để cho thấy rằng mình không hề vô tư chung sống với nó như một cái cối. “Tôi đã định tự tử vì buồn chán quá.” Hiên tâm sự. “Tôi nằm một mình ở ruộng ngô, giữa tổ kiến vàng. Tôi tưởng kiến vàng đốt thì nhất định chết. Thế mà không chết. Nó thương mình hay sao chứ? Chắc nó thấy tôi trẻ quá mà chết thì phí”. Những kiến giải về tuổi mình của Hiên buồn cười nhưng chua xót. Cái buồn chán hóa ra có thể giết chết một tuổi trẻ. Cô gái nông thôn có thể không diễn thuyết được về tự do, nhưng sẵn sàng nhảy vào ổ kiến vàng để kết liễu “nỗi buồn vĩnh cửu”. Nông nổi của Liên là một báo động khẩn rằng, cái buồn chán lì lợm của làng quê đang râm ran đốt con người ta từng ngày. Và cảm giác về sự tù túng của nông thôn càng nhói lên khi bắt gặp thành phố. Nhâm nhận ra cái vô danh, tối tăm của đồng mình trên đường ra ga và thấy ánh sáng lập lòe của hàng quán ăn uống, giải khát và còi tàu. Chương tự phủ định “không khí u uất, tù đọng của làng quê làm tôi tái tê cảm giác chua xót”, “tôi chẳng có gì cả […] tôi là con số không”. Giật mình ý thức được cái tù đọng, Nhâm sau đó có thể vẫn tiếp tục gánh lúa, Năng vẫn chăn châu cắt cỏ, Hiên tử tự bất thành rồi vẫn sẽ ở lại với đồng áng và lấy chồng, nhưng trong số chúng, sẽ luôn có những đứa trẻ chọn rời đi. “Sau đêm hát chèo ấy, chị Nhã tôi bỏ nhà đi. Chị Nhã thông minh nhất nhà, chị đã nhận ra một thế giới khác ở chân trời khác dưới tấm áo xanh đỏ tím vàng của đám diễn viên sân khấu kia” (Chú Hoạt tôi). Mười tám tuổi, Nhã bỏ đi vì một đoàn chèo đi lưu diễn, vì thèm tấm áo xanh đỏ như “hai đứa trẻ” của Thạch Lam thèm một thứ nước xanh đỏ của thành phố. Sự ra đi, đó là nổi loạn, đó là thách thức và là quyết định không đồng ý thỏa hiệp với nỗi buồn chán cố hữu. Sự ra đi của những đứa trẻ từ làng xuất phát từ nỗi thèm khát những chân trời mới, từ niềm tin dẫu ngây thơ rằng, ở một nơi nào đó khác quãng đồng chật chội này, chúng có thể nối dài những tưởng tưởng đẹp đẽ của mình, như Chương đi tìm Mẹ Cả; hoặc biết đâu, phía sau những dãy nhà cao tầng, đường xá và hàng quán, chúng tìm được một thứ huyền diệu kiểu mới cứu chúng ra khỏi sự buồn chán như con trâu đen quẩn quanh lòng nước: “đối với bọn con gái chúng tôi, thành phố chính là tuổi xuân, là danh vọng, là thiên đường, là một ông chồng, là những hy vọng…” (Những tiếng lòng líu la líu lo). Nhưng, càng chạm tới gần với những tưởng tượng về một thế giới khác đó, những tưởng tượng càng bị co rút lại. Rồi những cô sinh viên cũng sẽ sớm nhận ra, phía sau lớp áo quần hào nhoáng, bóng bẩy của thành thị chỉ là cái hôi hám, bẩn thỉu, tạp nham của một khu nhà trọ đầy mùi mồ hôi, mùi da thịt con gái và mùi xú uế. Rồi thì Chương, sau đủ những trải nghiệm cực nhọc, ê chề của ba chương truyện đi tìm Mẹ Cả, sau những cố gắng vượt thoát ra khỏi cái tuần hoàn xuân - hạ - thu - đông của làng quê, rốt cục cũng nhận ra: sự “vĩnh cửu” của nỗi buồn cho dù ở làng hay phố. Tất cả sự vỡ lẽ đều phải đánh đổi bằng mất mát và tổn thương.

Nhưng…

Tổn thương là thứ cần cho tuổi trẻ, là hành trang để trưởng thành không một ai bỏ lại được. Có một tảng đá nặng đè lên vai chúng, có một sự bế tắc không thể biểu đạt được chính mình của những đứa trẻ từ làng, nỗi mặc cảm là thứ còn ở lại, nhưng giấc mơ lại là thứ được cất lên, bởi Chương vẫn còn đi mãi để tìm đường tới biển và gọi tên người con gái thủy thần. Mãi mãi còn đó một bóng hình Mẹ Cả chưa từng bị vỡ ra dù cuộc đời oái oăm này nhiều phen đã phủ định và vùi dập chúng. Hóa ra, cho đến tận cùng, vẫn là những huyền thoại từ bãi mía, bờ sông che chở cho tuổi trẻ.

“Tôi sinh ra ở nông thôn. Và mẹ tôi là người nông dân….” đó có thể không phải mở đầu của tất cả những truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp viết tặng cho tuổi trẻ. Nhưng một khi nó thực sự đã bắt đầu theo cách như vậy, hãy tin rằng, những cái “tôi” thật trẻ đó, rồi một ngày chúng sẽ “mượn mầu son phấn ra đi”.

Nguồn Văn nghệ số 11/2020


Có thể bạn quan tâm