March 29, 2024, 5:04 pm

Giã từ vũ khí và những ám gợi từ hiện thực đời sống của Hemingway

 

“Vào cuối hạ năm ấy, chúng tôi đóng quân trong một ngôi nhà ở một làng trông sang sông và trông sang cánh đồng bằng chạy dài đến chân núi. Lòng sông trong vắt nhiều sỏi, đá cuội, long lanh ngời dưới ánh nắng mặt trời và nước thì ngả màu xanh cuồn cuộn chảy” - tiểu thuyết Giã từ vũ khí đã mở đầu bằng những dòng viết đậm chất Hemingway như thế. Đủ ngắn gọn để khơi mạch cho những dòng chảy của câu chuyện sắp tiếp diễn. Đủ hấp dẫn để gọi mời về những miền tự nhiên trong trẻo nhưng ẩn giấu bao cuộn chảy của tâm hồn. Đủ rung động dành cho những độc giả đang đọc lại từng câu chữ của cuốn tiểu thuyết ấy. Giã từ vũ khí chính là nơi cha đẻ nguyên lí “tảng băng trôi” tái hiện những kí ức không quên của mình về chiến tranh và tình yêu, về những miền đất thân thương ông đã từng in dấu chân qua, về những con người gặp một lần là nhớ mãi.

Xuất bản năm 1929, Giã từ vũ khí (A Farewell to Arms) kể lại chuyện tình lãng mạn giữa Frederic Henry, một sĩ quan Mĩ, và Catherine Barkley, một y tá Anh. Tiểu thuyết được kể từ ngôi thứ nhất, qua lời kể của nhân vật chính - chàng sĩ quan Henry và mang dáng dấp của tự truyện khi lồng ghép khá nhiều chi tiết cuộc đời của tác giả cũng như sử dụng nhiều nguyên mẫu đời thực để xây dựng các tuyến nhân vật chính - phụ. Tác phẩm này được viết theo đúng phong cách Hemingway theo đuổi từ những ngày đầu của sự nghiệp viết văn: đơn giản, ngắn gọn, tả ít gợi nhiều, không sử dụng ngôn từ cầu kì. Nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn lối viết ngắn và tinh giản như trên xuất phát từ việc Hemingway trở thành phóng viên cho tờ The Kansas City Star khi mới 18 tuổi. Mặc dù chỉ làm việc cho tờ báo này trong sáu tháng (17 tháng 10 năm 1917 - 30 tháng 4 năm 1918), nhưng trong suốt cuộc đời mình, ông đã sử dụng tôn chỉ viết của tờ báo này để tạo nên phong cách viết cho riêng mình: “Sử dụng những câu văn ngắn. Sử dụng những đoạn mở đầu ngắn. Sử dụng thứ tiếng Anh hùng hồn. Phải khẳng định, không phủ nhận”. Điều này lí giải vì sao Giã từ vũ khí tuy là một chuyện tình buồn thảm phát triển trên bối cảnh chiến tranh khốc liệt nhưng không mang cảm giác nặng nề, bi thương hay sến sẩm.

Diễn biến chính của tiểu thuyết được xây dựng theo kết cấu tuyến tính đơn giản và lấy cảm hứng trực tiếp từ mối quan hệ của nhà văn Hemingway với một nữ y tá trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Gia nhập quân ngũ từ rất sớm trong vai trò một phóng viên chiến tranh, Hemingway rất hăng hái và không ngại lăn xả trên mọi trận địa. Ông đã thử sức mình ở nhiều vị trí khác nhau. Vào ngày 8 tháng 7 năm 1918, ông bị thương trong khi vận chuyển quân nhu và phải dừng công việc lái xe cứu thương của mình. Tình trạng đầu gối của ông rất tồi tệ, và ông đã tự cầm máu bằng cách đặt thuốc nhồi và giấy cuốn từ những mẩu thuốc lá vào những vết thương. Sau đó ông được trao tặng Silver Medal of Military Valor (Huân chương Bạc cho lòng dũng cảm trong chiến đấu) từ chính phủ Italia vì đã đưa người lính Ý bị thương tới vùng an toàn bất chấp những vết thương của mình. Ông được báo chí thời bấy giờ công nhận là người Mĩ đầu tiên bị thương tại Italia trong Thế chiến I. Thời gian bị trọng thương, Hemingway được điều trị trong một bệnh viện tại Milan (tài trợ bởi Hội Chữ thập đỏ Hoa Kì). Ở đây ông đã gặp Agnes von Kurowsky tới từ Washington D.C, một trong số mười tám y tá của bệnh viện thời gian này (ở đây mỗi y tá được phân công chăm sóc một nhóm bốn bệnh nhân). Hemingway đã dành tình yêu say đắm cho nữ y tá hơn mình sáu tuổi nhưng quan hệ của họ không có kết cục tốt đẹp do ông phải trở lại Mĩ. Thay vì đi cùng ông như dự định ban đầu, cô y tá này đã có cảm tình với một sĩ quan Italia và sớm chia tay nhà văn trẻ. Những thất vọng, day dứt về mối tình sâu đậm này nhanh chóng trở thành động lực để nhà văn tạo nên Giã từ vũ khí - nơi ông sẽ viết tiếp những giấc mơ còn dang dở, khai triển những tưởng tượng sinh động và phong phú hơn nhiều so với đời thực.

Trong tiểu thuyết, nhân vật chính Henry mang bóng hình của nhà văn Hemingway còn Catherine Barkley là hiện thân của nữ y tá Agnes von Kurowsky. Khác với câu chuyện tình ngoài đời, họ đã gặp nhau từ trước khi chạm trán trong bệnh viện. Những giao cảm đầu tiên đã nảy nở từ lúc anh sĩ quan Henry theo lời bạn mình đến gặp gỡ cô nàng Catherine: “Cô Barkley người dong dỏng cao. Nàng mặc bộ quần áo theo tôi nghĩ là đồng phục y tá. Tóc nàng màu hung hung, da nâu và mắt màu tro. Tôi thấy nàng rất đẹp”. Ấn tượng tốt đẹp mà nhân vật Henry dành cho người phụ nữ ấy trong lần đầu gặp mặt có lẽ cũng chính là những ấn tượng về người tình cũ đã khắc sâu trong tâm trí của nhà văn Hemingway. Trong phần cuối tiểu thuyết, Hemingway đã cho hai nhân vật Henry và Catherine được sống bên nhau một cách êm ả tại vùng núi đến khi Catherine sinh con. Nhưng ngay cả khi hạnh phúc ngập tràn, dư âm đau đớn của mối tình ngoài đời thực vẫn hiện hữu trong câu chuyện này qua chi tiết Catherine đau đẻ và vật lộn với những cơn đau còn Henry hoảng loạn khi phải ngồi đợi tin ngoài phòng cấp cứu.

Trước mắt chúng ta không còn là một Henry cứng nhắc, tỉnh táo, luôn hiện lên trong tác phẩm qua những câu văn ngắn gọn và bắt đầu bằng danh xưng “Tôi...” mà đã là một con người hoàn toàn khác. Henry từng đối mặt với những cuộc chiến sinh tử hay những lần bị trọng thương mà chưa một lần rơi lệ hay bối rối thì giờ đây đã bị rơi vào trạng thái mất kiểm soát khi chứng kiến người mình yêu thương phải vật vã, đau đớn. Những dòng miêu tả tâm lí lặp đi lặp lại giúp độc giả hiểu hơn về “phần chìm của tảng băng trôi”, hiểu hơn về nội tâm nhân vật và những thông điệp mà Hemingway muốn gửi gắm. Đây là suy nghiệm day dứt của một người đàn ông sau tất cả những hi sinh mà người đàn bà của anh ta phải hứng chịu: “Tội nghiệp Catherin yêu quý, tội nghiệp! Đó là giá phải trả cho những buổi ân ái. Đó là kết thúc của cạm bẫy. Đó là kết tinh của tình ái”... Đây là những dự cảm đau đớn của một người chồng khi phải chờ đợi trong vô vọng: “Nhưng rủi nàng chết thì sao? Nàng sẽ không chết đâu. Ngày nay không ai chết vì sinh đẻ cả. Những ông chồng ai cũng nghĩ như thế cả. Nhưng nếu nàng chết thì sao? Nàng không chết đâu, nàng chỉ đau đớn một chút thôi...”. Những dòng nội tâm sống động, chân thực này gợi nhắc về cuộc đời của tác giả khi chính ông cũng từng vượt qua khoảng thời gian khó khăn lúc chờ đón người con trai thứ hai. Con trai thứ hai của Hemingway, Patrick, sinh ra ở Kansas City nhờ phẫu thuật do vợ ông khó sinh. Đấy chính là những khoảnh khắc mà nhà văn không thể quên được và đã mang vào tác phẩm của mình một cách thật nhuần nhuyễn và đầy sức gợi. Điều mà ông muốn nói với độc giả, có lẽ hơn cả một cơn đau đẻ bình thường, trong lằn ranh của sự sống và cái chết ta mới hiểu hơn về sức mạnh vĩ đại của người phụ nữ, về những đau khổ và thử thách họ phải âm thầm chịu đựng.

Giã từ vũ khí kết thúc bằng cái chết của đứa con trai mà Henry chưa một lần gặp mặt, sau đó là cái chết của chính người vợ mà anh yêu thương. Sau một cơn đau đẻ dài và khó nhọc, con trai của họ chết trong bụng mẹ, còn Catherine bị băng huyết mà chết. Điều kì lạ là tác giả không xoáy sâu vào tâm trạng đau khổ u uất của Henry khi hai lần liên tiếp chia tay những người quan trọng nhất của đời mình. Tiểu thuyết kết thúc bằng những dòng miêu tả tỉnh táo, gần như không biểu lộ chút cảm xúc nào từ phía nhân vật: “... tôi hiểu rằng tất cả đều vô ích. Cũng không khác nào nói lời từ biệt trước một pho tượng. Một lát sau tôi bước ra khỏi phòng, rời bệnh viện, và tôi trở về khách sạn dưới trời mưa”. Nhưng trên tất cả, cơn mưa của tự nhiên có lẽ đã phần nào hé lộ “cơn mưa lòng” đang vần vũ trong thế giới nội tâm của nhân vật. Catherine khi còn sống rất thích ngắm mưa rơi. Vậy nên, với người ở lại, đi trong làn mưa đêm là một cách để nhấm nháp nỗi đau và đối diện với sự cô độc khủng khiếp của mình.

Ngoài cốt truyện lấy cảm hứng trực tiếp từ mối quan hệ của Hemingway với Agnes von Kurowsky ở Milan; quá trình sinh con của nhân vật Catherine được lấy cảm hứng từ cảm giác rất đau đớn của Pauline khi sinh ra Patrick; trong tiểu thuyết này, ta còn nhìn thấy bóng dáng cuộc đời thực của Kitty Cannell trong nhân vật Helen Ferguson; nhân vật người linh mục lại được dựa theo nguyên mẫu của Don Giuseppe Bianchi - một linh mục trong trung đoàn thứ 69 và 70 của Brigata Ancona mà Hemingway đã từng gặp gỡ. Có thể nói, Giã từ vũ khí là một tiểu thuyết, cũng là một phần cuộc đời Hemingway đã bỏ lại phía sau

T.T.H.H

Nguồn VNQD

Có thể bạn quan tâm