April 26, 2024, 2:02 am

“Giã từ vũ khí” trên Đường mòn Hồ Chí Minh*

Cơn mưa bom trút xuống từ máy bay B-52 của Mỹ trên con Đường Mòn Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã gây ra nỗi sợ hãi cũng như mang lại quyết tâm cho Khuất Quang Thụy, cựu chiến binh của quân đội giải phóng miền Nam lúc đó mới 18 tuổi. Hệ thống đường cao tốc công phu này, trải qua những nơi có nhiều đá vụn và thân cây, đi qua rừng rậm nhiệt đới khắc nghiệt của Campuchia và Lào, là động mạch chủ tạo điều kiện cho bộ đội hành quân và dịch chuyển hàng hóa viện trợ và xe cộ qua một trong những địa thế hiểm trở nhất hành tinh. Chính dưới những tán lá của rừng nhiệt đới, trong hầm và hang trú ẩn ở nơi này, quân đội giải phóng đã nhận ra hướng dẫn từ hai tác phẩm Giã Từ Vũ Khí và Ông Già Và Biển Cả của nhà văn Ernest Hermingway.

“Trước chiến tranh, chúng tôi chẳng biết gì nhiều về người nước ngoài và có ít điều kiện đọc sách. Nhưng khi đến trường, tôi đã đọc tác phẩm Ông Già và Biển Cả”, nhà văn Khuất Quang Thụy cho biết. Ông hiện giờ đã 69 tuổi và là Tổng biên tập của báo Văn nghệ. Quả thực, việc bộ đội nghiên cứu các tác phẩm văn chương của Mỹ để hiểu rõ hơn về con người Mỹ không phải là chuyện hiếm…

*

Nhà văn Khuất Quang Thụy (thứ 3 từ phải sang) và các đồng nghiệp ở Tây Nguyên

 

Thật trớ trêu, khi người Việt đánh giá cao Hemingway lại bắt đầu từ việc Sở Thông Tin Hoa Kỳ cấm phân phối các tác phẩm của nhà văn này qua các trụ sở của mình trong thời Chiến Tranh Lạnh. Các công chức cho rằng các tác phẩm của Hemingway như Mặt Trời Vẫn Mọc, Ông Già Và Biển CảGiã Từ Vũ Khí không thể hiện đủ sự thù địch với chế độ Cộng Sản.

Có khá nhiều lý do tại sao người Việt đọc sách của Hemingway, nhưng chủ yếu là do tài năng hơn là trường phái chính trị của tác giả. Carl Eby, một trong những học giả về Hemingway, đã gợi ý rằng “phong cách văn chương của Hemingway thiên về những câu văn đơn giản, ngắn gọn; và sự khinh thường ngữ điệu phóng đại của ông khiến những người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai dễ hiểu hơn. Những câu văn xúc tích và mang tính kỷ luật của Hemingway thể hiện lối viết và sống đơn giản. Những câu văn thanh đạm – với rất ít tính từ và phó từ - đã tạo điều kiện cho độc giả nước ngoài dễ dàng tiếp cận những câu chuyện của ông. Bà Catherine Cole (trường Đại Học Wollongong) cho rằng các độc giả Việt ưa chuộng cách dùng từ, sự bí hiểm và lối phản ánh trong các tác phẩm của Hemingway. Phần lớn độc giả đồng tình rằng Giã Từ Vũ Khí phản ánh sự phê phán chiến tranh mạnh mẽ của Hemingway, thể hiện qua nhân vật Frederick Henry và Catherine Barkley - những cuộc đời vướng vào sự hỗn loạn của thời chiến. Tiểu thuyết của ông phản ánh sự phức tạp của lòng yêu nước và thiếu tin tưởng vào những đồng minh chiến tranh. Người khác lại cho rằng nhiều chi tiết từ cuộc đời của Hemingway đã thu hút độc giả Việt, bao gồm việc ông tham gia cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, mối quan hệ mật thiết của ông và Cuba (đồng minh của Việt Nam) cũng như khi ông tự vẫn – điều này được phía Việt Nam cho rằng Hemingway đã quá mệt mỏi với chính trị và xã hội Mỹ.

Niềm kiêu hãnh ảo tưởng và sự chủ quan là những lý do chính làm cho Mỹ mắc kẹt trong câu chuyện bi thương với Việt Nam. Mặc dù rất khó tái tạo danh tiếng hay thay đổi định hướng của chương trình “American Corners”, việc cân nhắc lại chương trình này là cần thiết. Chính quyền Trump và những chính sách ngoại giao sai lầm cho thấy sự đánh giá thấp đồng minh truyền thống và nâng cao những nhà độc tài như Kim Jong Un và Vladimir Putin. Khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử “America First” đặt nước Mỹ lên trên hết đã đẩy Mỹ vào con đường chủ nghĩa biệt lập. Cũng dễ hiểu tại sao một vài nhà lãnh đạo thế giới đang chọn lại đồng minh của mình.

Mười năm trước, cố Thượng Nghị Sĩ Mỹ Richard Lugar – nguyên chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hoa Kỳ - đã nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải tương tác với thế giới nếu như đất nước này muốn thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về mình. Hemingway đã minh chứng sự hiểu biết của mình về điều này qua các tác phẩm của ông. Hemingway đã tham gia và viết về 3 cuộc chiến lớn, bao gồm hai Thế Chiến và cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha. Sự mất mát là điều không thể tránh khỏi trong cuộc đời của Hemingway và ông biết rõ điều đó hơn ai hết, rằng chiến tranh tước đi sinh mạng, sự trong sáng và sự thật của con người. Những sự thật chung này cũng được nhìn nhận và phản ánh qua tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của nhà văn Bảo Ninh. Cũng như Hemingway, ông kết nối sự tàn bạo của chiến tranh tới những mất mát của tuổi trẻ. Tác phẩm Ngôi Nhà Của Chiến Binh của Hemingway kể lại câu chuyện của một người lính cô độc và sự lạc lõng của anh trong xã hội. Cả hai tác giả thể hiện ngôn ngữ của chiến tranh như một gánh nặng. Nhiều học giả cho rằng chiến tranh đánh dấu nỗi mất mát phẩm chất ngây thơ của Hoa Kỳ và chuông vẫn nguyện cho những ai đã từng tham chiến…

Frank Steward, biên tập viên sáng lập tờ tạp chí văn học Manoa (thuộc Đại học Hawaii), kể một câu chuyện sau thời chiến, một cựu chiến binh Mỹ và một cựu chiến binh Việt gặp mặt và nói về trải nghiệm của mình. Người cựu chiến binh Việt tiết lộ rằng ông yêu thích văn học Mỹ và đã liệt kê một vài tác giả ưa thích của mình như Steinbeck và Hemingway. Ông đã nói với người Mỹ rằng chính phủ Việt Nam đã điều bộ đội vào chiến trường, cho đọc nhiều tiểu thuyết Mỹ, để học, biết và hiểu hơn về người Mỹ.

Từ khi thời kì Đổi Mới bắt đầu năm 1986, văn học Việt Nam đã phản ánh những thay đổi trong cởi mở về chính trị, kiến thiết kinh tế và toàn cầu hóa. Các cây bút Việt Nam… Điều này đã được phán ánh nhiều hơn trong các tác phẩm của nhà văn Việt. Nhiều cây bút đã trở thành thành viên quen thuộc trong Chương Trình Sáng tác Quốc Tế tại trường Đại Học Iowa, được hỗ trợ bởi Cục Văn Hóa Và Giáo Dục của Bộ Ngoại Giao Mỹ. Cách thức ngoại giao văn hóa này đã có ảnh hưởng tới một vài nhà văn Việt. Dạ Ngân, 69 tuổi là một tác giả và cựu chiến binh kháng chiến, đã viết tiểu thuyết Cuộc Đời Bé Mọn. Tác phẩm đánh dấu bước ngoặt sự nghiệp này của bà kể về sự chịu đựng trong chiến tranh, sự đói nghèo và tính bền bỉ…. Bà rời gia đình tham gia kháng chiến khi mới 14 tuổi. Cha của bà từng theo Việt Minh, bị cầm tù và mất tại Côn Sơn – sự vụ tai tiếng với sự có mặt của cơ quan hình sự thời Pháp đô hộ. Vào năm 1968, bà tới U Minh tại huyện Cà Mau để viết bài về một thư viện dành cho các “chiến binh trong chiến tranh”. “Các tiểu thuyết của Hemingway, John Steinbeck và Jack London đã gây ấn tượng trong tôi”, bà cho biết.

Nhà văn Lê Minh Khuê tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1965 đến năm 1969 và là phóng viên mặt trận cho báo Tiền Phong từ năm 1969 đến 1975. Bà viết Những Ngôi Sao Xa Xôi, ghi chép lại trải nghiệm của bà trong quân đội, đây là một tác phẩm được yêu mến trên toàn quốc. - “Ngày tôi ra mặt trận, tôi để lại phía sau gia đình, bố mẹ, anh chị em, mái ấm của tôi bị khuấy động bởi chiến tranh. Tôi và đồng đội lúc đó là học sinh trung học nhưng quyết định bỏ học để tham gia vào bầu không khí anh hùng quả cảm lúc đó. Tất nhiên lúc đó chúng tôi có mang nhiều sách trong hành trang. Vài quyển sách tôi đem theo là của Ernest Hemingway và Jack London, hai nhà văn với những tiểu thuyết và câu chuyện ngắn được dịch ra tiếng Việt mà bố mẹ tôi rất trân trọng”, bà Khuê cho biết.

Giã Từ Vũ Khí của Hemingway là một trong những bài đọc bắt buộc trong chương trình giáo dục đại cương tại Việt Nam. Hình tượng đại diện cho những người nghèo và sự đấu tranh sinh tồn của họ là điều khiến Hemingway và Jack London thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản, nhà biên dịch và độc giả Việt Nam. Từ trước khi chương trình “American Corners” thực hiện, người Việt đã tiếp cận tới các bản dịch tác phẩm của Hemingway để hiểu rõ hơn về con người Mỹ.

Hữu Thỉnh - một nhà thơ đạt giải thưởng của Việt Nam và là Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam tiết lộ rằng, mong muốn của ông từ khi còn thanh niên là được học hỏi về văn hóa và lối suy nghĩ của người Mỹ. Điều này đã hướng ông tìm tòi những tác phẩm của Hemingway. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo và nhanh chóng chỉ ra rằng những câu chuyện của Hemingway đã được giảng dạy tại trường trung học Việt Nam qua rất nhiều thế hệ. Ông tin rằng các tác phẩm và sự biểu hiện nhân văn của Hemingway cũng phản ánh niềm tin và giá trị đạo đức Việt Nam như lòng tốt, phản đối sự tàn nhẫn, bất công và chiến tranh.

Ông Thỉnh còn cho biết, tác phẩm Ông Già Và Biển Cả có sự kết nối tự nhiên với người Việt, vì Việt Nam có đường bờ biển trải dọc đất nước và tác phẩm này nói về lòng yêu mến thiên nhiên. Từng là một chỉ huy xe tăng và phóng viên mặt trận ông cũng đồng tình rằng trong thời chiến, bộ đội Việt muốn hiểu thêm về kẻ địch và tìm đến những bản dịch tác phẩm Chuông Nguyện Hồn Ai, Ông Già và Biển Cả, cũng như tác phẩm Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã của Jack London.

Có rất ít nghiên cứu tập trung vào việc dịch sách và tìm hiểu văn hóa địch của Việt Nam trong thời chiến, nhưng đây là trước khi quân Việt Minh đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ông Thỉnh khẳng định rằng người Việt lúc đó được học tiếng Pháp và văn học Mỹ từ rất sớm, từ trước khi chiến tranh xảy ra vì những tác phẩm này bộc lộ sự văn minh và nhân văn…

*

Sự ưa chuộng văn học và thói quen đọc trở nên phổ biến hơn phần nhiều do sự phân phối rộng rãi các tác phẩm về Việt Nam qua các nhà xuất bản tiếng Anh và con cháu của người Việt di cư tại các nước như Canada và Mỹ đã tiếp cận tốt hơn tới các tác phẩm của người Việt. Một điều thú vị nữa là nhiều nhà thơ Việt có hơi hướng ảnh hưởng của các nhà thơ thế hệ Beat và nhạc hip-hop. Những đối thoại giữa các thế hệ này tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn tới những tác phẩm và ý tưởng tôn vinh truyền thống văn học Việt Nam, và cùng lúc đó phản hồi những người gây ảnh hưởng lớn như Santiago, ông lão đánh cá người Cuba trong tác phẩm Ông Già Và Biển Cả. “Tôi nghĩ rằng đại dương đủ lớn cho những dân chài có thể bắt nhiều cá, nhưng có lẽ họ vẫn phải đi xa hơn nữa,” ông Tùng kết luận.

HOÀNG LAN

Chuyển ngữ từ tiếng Anh

________

1. Bài đã đăng trên tạp chí East Asia Forum Quarterly tháng 1-3/2020.

2. Cộng Tác Viên không thường trú tại Trung Tâm Nghiên Cứu Biển, Đảo tại Đại Học Khoa học Xã Hội và Nhân văn Hà Nội.

Nguồn Văn nghệ số 20/2020


Có thể bạn quan tâm