April 25, 2024, 4:20 am

Giá trị thức tiễn và pháp lý của phán quyết từ PCA

Ngày 12/7/2016, Toà Trọng tài được thành lập bởi Toà Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye (PCA), ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. 5 năm trôi qua, giá trị của phán quyết từ PCA càng làm sáng tỏ thêm niềm tin về lẽ phải và chính nghĩa.

Năm 2013, Philippines đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi chính thức khởi kiện Trung Quốc ra trước một Toà trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Sau 3 năm nghị án, Toà trọng tài (PCA) đã ra Phán quyết vào ngày 12/7/2016. Cho đến nay, 5 năm đã trôi qua kể từ khi Phán quyết được ban hành. Tuy nhiên, tình hình biển Đông vẫn còn đầy biến động căng thẳng với các hành động hung hăng của Trung Quốc. Cụ thể: Trung Quốc đã bồi lấp và quân sự hoá các thực thể biển mà họ đã chiếm đóng. Họ cũng liên tiếp tập trận và đe doạ, ngăn cản các quốc gia khai thác tại vùng EEZ, mặc dù  Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc - UNCLOS quy định Trung Quốc không có các quyền này.

Tàu Tôn Trung Sơn có một sàn đáp trực thăng và các phòng thí nghiệm cố định lẫn dã chiến sẽ xuống Biển Đông                                                  Ảnh Internet

Trung Quốc không tuân thủ luật pháp

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021, Trung Quốc đã thông qua Luật Cảnh sát biển, trong đó cho phép Lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc được phép nổ súng vào các tàu của các quốc gia khác nếu xâm phạm “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”. Vấn đề là Trung Quốc lại không giải thích rõ ràng “vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc” là vùng nào? Có lẽ cả thế giới đều không lạ gì việc Trung Quốc yêu sách hơn 80% toàn bộ biển Đông với cái gọi là “đường chín đoạn”. Phải chăng Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng cảnh sát biển của họ để tấn công và đe doạ các tàu của các quốc gia khác trên toàn bộ vùng biển bên trong “đường chín đoạn” này? Cho dù Phán quyết đã khẳng định cái gọi là “yêu sách quyền lịch sử” bên trong đường chín đoạn là không có cơ sở pháp lý và vi phạm tới các quy định trong UNCLOS. Bước sang tháng 3, Trung Quốc đã triển khai 220 tàu cá xung quanh khu vực Đá Ba Đầu, khiến Philippines phải lên tiếng tố cáo Trung Quốc trước công luận thế giới.

Đúng ngày 12/7/2021, một học giả hàng đầu của Trung Quốc là Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) có đăng một bài viết nhằm bôi nhọ Phán quyết của Toà PCA về Biển Đông hồi năm 2016 với các lập luận hết sức ngạo ngược, xứng tầm là “giáo sư hàng đầu của Trung Quốc về biển Đông”. Ngô Sĩ Tồn là cái tên không xa lạ gì với giới nghiên cứu về biển Đông trên thế giới. Ông ta đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về biển Đông bằng tiếng Trung và bằng tiếng Anh. Ông này cũng từng là một quan chức của tỉnh Hải Nam và là Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia Nam Hải (Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc) của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Với tên tuổi và các công trình xuất bản của Ngô Sĩ Tồn, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một nhà khoa học nghiêm túc, thế nhưng, đọc bài viết của ông ta trên tờ Thời báo Hoàn cầu mới đây, mới thấy sự thật về cái gọi là “nhà khoa học của Trung Quốc”.

Trong bài viết của mình, Ngô Sĩ Tồn khẳng định rằng: “Vào ngày 12/7/2016, dưới sự thao túng của Mỹ, Toà trọng tài trong vụ kiện Biển Đông đã ban hành Phán quyết theo sự yêu cầu của chính quyền Aquino III của Philippines.” Có lẽ ông Ngô Sĩ Tồn vốn có chuyên ngành về lịch sử, nên chẳng hiểu gì về hệ thống các toà án quốc tế, trong đó có các toà trọng tài được thành lập theo các Phụ lục của UNCLOS. Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc vào năm 2013 trước một Toà trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS, sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đã chiếm đoạt bãi cạn Scarborough từ tay của quân đội Philippines. Philippines sau khi nhiều lần tìm cách giải quyết bằng con đường ngoại giao với Trung Quốc nhưng không thành công, “cạn kiệt các giải pháp”, cực chẳng đã, Philippines đã phải khởi kiện Trung Quốc ra Toà.

Sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà, một Hội đồng trọng tài gồm năm trọng tài viên đã được chỉ định, theo quy định của Phụ lục VII, bên Philippines đã chỉ định trọng tài viên đại diện cho mình, còn Trung Quốc vì từ chối không tham gia nên Chánh án PCA về Luật biển (ITLOS) đã chỉ định các thành viên còn lại của Hội đồng. Tất cả các thành viên này đều là các thẩm phán độc lập, dày dạn kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực luật biển. Ông Ngô Sĩ Tồn khẳng định Hội đồng trọng tài này là do “Mỹ thao túng” là hạ thấp uy tín và tư cách của các trọng tài viên - chuyên gia luật biển này. Nếu nói như ông Ngô Sĩ Tồn, chắc tất cả các thẩm phán trong danh sách của ITLOS đều là do Mỹ “thao túng” hết hay sao? Nếu vậy thì thẩm phán Trung Quốc trong ITLOS là Cao Chí Quốc trước đây hay bây giờ là Đoàn Khiết Long chắc cũng vậy?

 

Chiến thắng pháp lý của Philippine

Trên thực tế, ngày 12/7/2016, Toà Trọng tài vụ việc, được thành lập bởi Toà Trọng tài Thường trực Quốc tế ở La Haye, đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây được coi là một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Philippines, nước thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trước toà. Để hiểu phán quyết trên đã có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình thực tế trên Biển Đông, chúng ta cần phân tích bản chất của phán quyết do toà trọng tài đưa ra vào năm 2016. Ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, chuyên gia về lĩnh vực Công pháp Quốc tế từng đánh giá như sau: “Cần thẳng thắn nhìn nhận một sự thật rằng trật tự công pháp quốc tế không cho phép chúng ta thực thi các phán quyết tương tự như phán quyết của PCA bằng các công cụ cưỡng chế tư pháp như pháp luật nội địa”.

Thật vậy, chúng ta khó có thể tưởng tượng ra cảnh hệ thống pháp luật quốc tế sẽ cử một đoàn cưỡng chế với xe ủi và cảnh sát… để tháo dỡ các công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông.  Thay vào đó, cũng theo ông Nguyễn Quốc Tấn Trung thì các bên chỉ có thể dùng các công cụ chế tài phi tư pháp dành cho quốc gia không chấp hành (như trừng phạt về văn hóa, kinh tế hay chính trị); hoặc phải chờ vào sự tự giác thực thi của các quốc gia có liên quan. Do không có hiệu lực cưỡng chế mà chỉ dựa vào sự tự giác của các quốc gia liên quan, nên tác động của phán quyết do PCA đưa ra có ảnh hưởng rất hạn chế đến tình hình thực tế ở Biển Đông.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia khác về nghiên cứu Biển Đông, cũng từng cho biết nhận định của ông: “Nếu hỏi câu hỏi liệu phán quyết có ảnh hưởng gì tới tình hình Biển Đông trên thực tế thì câu trả lời là gần như là không có. Trên thực tế ở Biển Đông, năm năm sau phán quyết thì hầu hết những hành động căng thẳng của Trung Quốc không hề dừng lại, mà còn được tiếp nối ở mức cao hơn.” Cụ thể, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng và quân sự hoá các thực thể ở quần đảo Trường Sa và thậm chí đã xây dựng pháo đài ở đây. Kể cả với trường hợp bãi cạn Scaborough vốn đã được PCA tuyên là thuộc chủ quyền của Philippines nhưng Trung Quốc đến nay vẫn đang chiếm đóng. Ngoài ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động xâm phạm vào các vùng biển của các quốc gia khác, ngăn chặn, đe doạ việc khai thác tài nguyên trên vùng thềm lục địa của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất thì Trung Quốc cho các đội tàu dân quân dưới vỏ bọc là tàu cá neo đậu tại bãi Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, gây lo ngại về việc nước này sẽ chiếm thực thể này.

Mặc dù không có hiệu lực cưỡng chế, do vậy không thể buộc Trung Quốc ngưng các hành động khiêu khích và trái pháp luật trên Biển Đông, nhưng liệu phán quyết do Toà Trọng tài đưa ra có phải là vô tác dụng không? Các chuyên gia cho biết, phán quyết trên không phải là “con hổ giấy”, ông Nguyễn Quốc Tấn Trung chỉ rõ: “Cần khẳng định lại rằng phán quyết của PCA là một phán quyết đặc biệt quan trọng trong các thảo luận pháp lý liên quan đến các yêu sách của Trung Quốc nói riêng và biển Đông nói chung. Giá trị tư pháp và giá trị tham chiếu của phán quyết là không thể bàn cãi. Trong môi trường công pháp quốc tế, tìm ra được một cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử tranh chấp của mình và thật sự thắng kiện, đã là một thành công rất lớn.”

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, thạc sĩ Hoàng Việt  chia sẻ: “Tác động Tư phán quyết PCA bao gồm: thứ nhất là nó mang lại tính chính đáng cho Philippines, bởi vì trước đấy, cả Philippines lẫn Trung Quốc đều có những giải thích khác nhau và ai cũng cho là mình đúng. Trong trường hợp này thì Philippines đã tìm việc giải quyết vấn đề này trước toà, và toà đã ra phán quyết cho thấy một loạt các tính chính đáng của Philippines”. Phán quyết của PCA cũng có những ảnh hưởng đối với Trung Quốc, thạc sĩ Hoàng Việt nói thêm: “Điều này cũng có những ảnh hướng đối với Trung Quốc, đặc biệt là đối với sức mạnh mềm của Trung Quốc, trong đó có danh tiếng của nước này. Trung Quốc đã phải vất vả cử các nhà khoa học và bỏ tiền ra để truyền thông chống lại phán quyết, cũng như thể hiện vai trò của họ trong khu vực cũng như trên thế giới”. Một thay đổi khác từ phía Trung Quốc đó là gần đây nước này đã không còn nhắc đến “đường lưỡi bò” trong các tuyên bố chính thức của họ.

 

Việt Nam: Vấn đề không nằm ở luật pháp

Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đến nay vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về việc sẽ sử dụng PCA để phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Bình luận về vấn đề này các chuyên gia nói trên cho biết vấn đề không nằm ở luật pháp. Tuy Việt Nam có những tranh cãi rất riêng và rất đặc thù với Trung Quốc, từ Hoàng Sa cho đến Trường Sa. Không tuân thủ phán quyết của PCA, nhưng Trung Quốc vẫn “kéo cưa lừa sẻ” với Việt Nam là ví dụ cho thấy Trung Quốc đang xem xét các tác động của hành động từ Trung Quốc đến Đông Nam Á sẽ ra sao. Mặc dù các quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng gia tăng, nhưng không có nghĩa là Việt Nam và ASEAN hoàn toàn tin tưởng Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc đã thể hiện là họ sẽ không từ bỏ yêu các sách của mình trên biển Đông và đang tìm cách trì hoãn giải quyết vấn đề, nhấn vào tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước ASEAN với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế hoặc cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

 


Có thể bạn quan tâm