April 20, 2024, 8:35 am

Gia đình trụ bám

 

Một phụ nữ đã đứng tuổi lang thang khắp các làng xã dọc thượng nguồn sông Rù Rì tìm lại gốc gác của mình. Chị gấp gáp phân trần với nhiều người trên đường đi tìm kiếm: Tên mình là Phan Thị Thủy, con của ông bà Minh. Gia đình đông anh em, nhưng chị chỉ nhớ ba người: Cả Minh, Hai Sương và một em trai tên là Năm. Ở ven hóc núi, hình như lúc đó không có nhà cửa chi lớn. Chạy giặc, nay ở hang đá này mai ở mé núi khác, chị không thể nhớ rõ tên làng, tên xóm. Ba chị người họ Trần, ông hay mặc bộ đồ đen, đội mũ tai bèo, mang túi xách bằng vải, thường đi vắng. Đặc biệt, mấy chục năm nay luôn văng vẳng bên tai chị lời mẹ dặn trước lúc chia ly: “Con ơi! Con có đi đâu thì cũng nhớ nhà mình ở gần sông Rù Rì”. 

 

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

 

Những thông tin sơ sài ấy không thể giúp chị tìm lại được người thân đã mất hút bốn chục năm nay. Người xe thồ hết sức tận tình đưa chị đi lại. Bù vào đó chị phải trả công mỗi ngày đến năm trăm ngàn đồng. Đi riết, cạn túi chị đành phải quay lại Nam bộ với tâm trạng buồn đau.

Mấy ngày sau, cái tin người phụ nữ đi tìm lại cha mẹ, gia đình được lan truyền. Tin ấy đến tai bà Bằng người làng Trung Lộc, Quế Minh. Bà linh cảm: “Cô Thủy kia có khi là con của ông Minh họ Hồng. Năm 1969, ở Rừng Già - Châu Sơn, ông Minh có một đứa con gái độ sáu bảy tuổi bị thương, lính Mỹ đưa lên trực thăng chở đi đâu đó rồi mất tích. Nhưng tại sao nó lại họ Phan?”. Trời đã sắp tối, trong tâm trạng bồn chồn hoài nghi, bà chống gậy lần đến nhà Cả Minh:

- Mầy có biết cái tin cô Thủy về làng tìm người thân chưa. Theo tau, mày phải đi hỏi lại cho kỹ tin này. Tau nghi cô Thủy mà người ta nói là con Ba - đứa em thất lạc của mày. Mặc dầu cô ấy họ Phan, lại còn cha là người họ Trần nữa, nhưng tau vẫn cứ nghi. Thời buổi chiến tranh loạn lạc thì chuyện chi cũng có thể xảy ra. Biết đâu phước nhà xuôi khiến anh em bay được gặp nhau.

Bà Bằng báo tin. Là tin lành, nhưng sao người Cả Minh cứ run bắn lên. Anh tưởng chuyện đứa em thương yêu đã bị cánh cửa thời gian khép chặt từ cái ngày xa xăm ở góc Rừng Già kia. Trong tâm trí Cả Minh, bé Ba như một cánh chim thu nhỏ dần, nhỏ dần chỉ còn lại một dấu chấm hỏi quặn đau, xoáy sâu vào không gian ký ức đời mình. Ba chỉ còn là cái tên trong gia phả họ Hồng làng Trung Lộc, được Minh thường nhắc tới trong những ngày giỗ cha mẹ. Đêm ấy, Cả Minh không thể chợp mắt. Hình ảnh đứa em bé bỏng, từ lâu mất hút trong biển đời loạn lạc và những câu chuyện về một thời bi tráng đã phôi pha theo tháng năm tất bật đời thường. Tất cả đã được cô đặc, khu trú trong một góc heo hút đâu đó của miền thương nhớ. Đêm nay, từ nơi sâu thẳm tâm hồn Cả Minh, những mắc xích thời gian chứa đầy cay đắng ở phía chân núi Rừng Già năm ấy bỗng trỗi dậy mãnh liệt, hiển hiện lên như chuyện vừa xảy ra trong ngày hôm qua. 

Vào độ mùa thu năm 1964, Cách mạng về giải phóng làng Trung Lộc, xã Sơn Lộc nay là xã Quế Minh - quê Cả Minh. Ông Minh (cha của Cả Minh) trông mong cách mạng về đã từ rất lâu. Nay quê hương được giải phóng, ông liền tham gia làm Nông hội xã, vận động nông dân hăng hái sản xuất đóng góp nhân tài vật lực cho công cuộc kháng chiến. Sau hơn một năm, tháng 11 năm 1965 địch tràn tới lấn chiếm lại Sơn Lộc. Ông Minh dẫn vợ, bốn con chạy lên xã Sơn Long, dựa chân núi Rừng Già - Châu Sơn sống bất hợp pháp với giặc. Trong những năm 1965-1966, Châu Sơn còn khá yên, ông dựng túp lều cho vợ con tá túc. 

Đầu năm 1967, lính thủy đánh bộ Mỹ đến chiếm đóng Cấm Dơi, Hòn Chiêng, Dương Là, Dương Trúc, Lạc Sơn... và cả trên đỉnh núi Rừng Già - Châu Sơn. Vùng căn cứ Châu Sơn bị kẻ địch chà xát khốc liệt. Lính Mỹ từ các cao điểm thấy bóng người thấp thoáng ngoài đồng lập tức nã DKZ, cối cá nhân, quét đại liên. Nhiều người chết, tay chưa rời cây cuốc, cái liềm. Nhà cửa cháy năm bảy lần, trâu bò chẳng còn, làng xóm xác xơ. Chúng quyết dùng bom đạn đánh bứt người dân ra khỏi vùng giải phóng. Chúng còn thực hiện chính sách “tát nước bắt cá”, cho máy bay trực thăng càn tới xúc hết dân đưa vào khu dồn để cắt đứt chỗ dựa của đối phương. Đói khổ, chết chóc khiến người dân phải tìm nơi lánh nạn. Trong hoàn cảnh hỗn mang ấy, nhiều người tìm đường sống, lại phải chết hết sức thảm thương. Vào một buổi sáng, lính Mỹ càn vào Châu Sơn đốt sạch nhà cửa, lùa dân vào khu dồn. Gia đình ông Cán bị chúng buộc phải gồng gánh đồ đạc, chạy xuống khu dồn Lạc Sơn. Khi ngang qua “đồng Bắc” nằm ở chân Hòn Chiêng, lính Mỹ trên đồn bất ngờ xả đại liên, bắn DKZ giết cả năm người nhà ông ngay giữa cánh đồng, chỉ còn sót lại một mình Cả Cán. Anh bị thương, nằm tại chỗ, sau đó nhờ dân cứu sống. 

Nằm trong cái thế kẹt bời bời lửa đạn, ông Minh vẫn quyết tâm động viên bà Minh nắm níu bầy con nhỏ cùng nhân dân Châu Sơn bám trụ tại vùng giải phóng. Có lúc địch đổ quân bao vây, ông bà phải bế, dắt các con chạy vào núi lẩn trốn đôi ba ngày, đói vàng mắt. Địch rút quân, họ lại quay về. Ban đêm, lựa lúc vắng tiếng pháo thì ra đồng gặt mót mấy thửa ruộng chuột phá gần sạch để có đôi hạt thóc nấu cháo cho con. Cuộc sống hết sức cùng cực. Đứng trước sự sống và cái chết vô cùng mong manh vậy đó, nhưng như quy luật sinh tồn bà Minh vẫn sinh nở thêm được thằng Năm, thằng Sáu tại Châu Sơn. 

Tháng 11 năm 1969, trong một trận Mỹ đổ quân càn quét, bà Minh còn ở cữ, không thể chạy vào núi như những lần trước, đánh liều cùng năm đứa con ở lại “hợp pháp” với địch. Một quả M79 của Mỹ nổ ngay sân nhà, bé Ba con bà bị thương ở cánh tay, máu ra quá nhiều. Một lính Mỹ tốt bụng bế em vào nhà băng bó, điện trực thăng chở đi. Bà Minh chỉ kịp gọi với theo: “Con ơi! Có đi đâu cũng nhớ nhà mình ở bên sông Rù Rì. Về mà tìm lại nghe con”. Từ đó gia đình biệt tin bé Ba... 

Cả Minh dần lớn khôn theo năm tháng chiến tranh gian khổ. Cả bắt đầu theo cha tập tò tham gia công tác. Anh được các chú thu nhận làm giao liên xã, được phát khẩu súng Cacbin mang thòng gần chấm đất. Cả đang hăng hái công tác thì địch tập kích bất ngờ ban đêm vào xóm Gò Đu giết chết ông Minh cùng với mười một người khác tại các nhà bà Thuyền, bà Trí, bà Dương. Đêm ấy, máu thấm đỏ làng Châu Sơn cùng tiếng kêu ré thất thanh của bầy con trẻ... 

Giữa cuộc chiến đầy rẫy sự trắc trở khốn cùng, ông Minh là trụ cột của gia đình đã bị đốn ngã. Bà Minh như người mất hồn. Nhưng trong nỗi đau tột cùng, bà cố gượng dậy để giữ cho được mấy đứa con còn lại. Chưa đến lệ làm tuần bốn chín ngày cho chồng thì tai họa lại ập tiếp tới gia đình bà Minh. Con Tư sốt rét ác tính, không có thuốc chữa. Bà nhìn con chết tức, kêu không thấu trời... 

Ác liệt chồng lên ác liệt. Tại thung lũng Quế Sơn lại xuất hiện tiếp mối họa “lính Trâu Điên”. Đấy là đại đội biệt kích Mỹ vô cùng tàn bạo. Một đêm, chúng đột kích vào làng Trà Đình, Sơn Thắng bên cạnh xã Sơn Long tàn sát 16 người dân vô tội của 5 gia đình trụ bám. Trong những năm 1965 - 1966 tình hình còn dễ thở hơn, mỗi lần địch càn tới, bà Minh bỏ mấy đứa nhỏ vào hai cái rổ phân, quàng gióng gánh chạy lánh sang các làng bên. Nhưng bây giờ thì khác. Tầu rọ, tầu gáo quần sát ngọn cây phát hiện lập tức xả súng bắn chết ngay. Vì thế, dù là lính Trâu Điên ập đến thì bà Minh cũng phải kẹp cứng mấy đứa nhỏ nằm dưới hầm, phó mặc tính mạng của cả gia đình cho sự may rủi. Cuộc sống của người dân tại vùng giải phóng bị cuộc chiến đẩy đến tột đỉnh khốn cùng. Nhưng bà Minh vẫn nhất quyết làm theo ý nguyện của chồng. Bà luôn nhớ câu nói của ông Minh: “Còn một người dân là vùng giải phóng còn hơi thở cuộc sống. Cách mạng rất cần dân. Dẫu trong hoàn cảnh nào thì gia đình mình cũng quyết trụ bám đến cùng”. Và bà tiếp tục gạt nước mắt, thực hiện ý chí son sắt của người chồng đã chết thảm dưới nòng súng của giặc. 

Năm 1972, bộ đội sư đoàn 2 tiến công tiêu diệt đồn Cấm Dơi, giải phóng toàn bộ thung lũng Quế Sơn. Các trung đoàn 38, 31 sau khi công đồn, lui về đóng tại Sơn Long. Bọn địch đánh hơi, cho máy bay thả bom, nã pháo băm nát xóm làng nhằm hủy diệt lực lượng đối phương. Một quả pháo 255 ly nổ làm sập hầm nhà bà Minh. Các đồng chí bộ đội C15 thuộc trung đoàn 38, chạy tới đào hầm cứu người. Nhưng không được nữa rồi. Bốn người: Bà Minh, thằng Sáu, chị Dũng - du kích và một bà già hàng xóm đã chết kẹp trong hầm. Một anh bộ đội mấy hôm trước thường ở nhà bà Minh, biết bà có đông con và thuộc tên từng đứa. Anh giục: Mình đào nhanh lên, dưới hầm còn hai đứa nhỏ nữa. Con Hai, thằng Năm chưa tìm thấy. Các anh tiếp tục cào bới, lưỡi cuốc va vào đầu một em bé đang vùi dưới lớp đất. Các anh vội vàng dùng tay bới tiếp. May mà lưỡi cuốc chỉ va nhẹ làm tróc một miếng da ở đỉnh đầu. Các anh la to: “Bé này còn sống. Còn chảy máu mà”. Anh Phạm Xuân Trường - người Thanh Hóa, đại đội trưởng C15 vội gọi y tá hô hấp tại chỗ rồi khiêng Sương chạy lên bệnh xá dã chiến của sư đoàn. Hai Sương được cứu sống...Thằng Năm thì vì hầm quá chật, nó chạy sang nấp ở hầm nhà khác nên thoát chết. 

Đau thương chồng chất đau thương. Trong bốn năm nhà Cả Minh chết bốn người, mất tích một người. Ông bà Minh không còn, Cả Minh vừa lo công tác vừa thay ba mẹ chăm sóc hai em. Hai Sương đã đủ lớn để lăn lộn với nắng với mưa, luồn lách tầu rọ, tầu gáo chui vào rừng, vào rẫy hái rau tầu bay, đào củ chuối, mót sắn... nuôi thằng Năm. Cả Minh cũng dành gạo tiêu chuẩn đem về cho hai em. Ba anh em bám víu nhau sống lây lất qua ngày. 

Từ tháng 11 năm 1965, dân Sơn Lộc chạy lên Châu Sơn - Sơn Long khoảng ba mươi gia đình. Người Sơn Lộc được chính quyền cách mạng xã Sơn Long bố trí sống quây quần trong cùng một xóm. Tình cảm giữa bà con Sơn Long, Sơn Lộc trong lúc này là sự cố kết chí hướng; là sự chia sẻ gian khổ, hy sinh, động viên nhau vượt qua cuộc chiến. Nhưng con người chứ đâu là sắt đá. Ác liệt dài ngày, nhiều người chịu không nổi, giao động bỏ chạy trở lại quê - nơi địch đang kiểm soát. Đến thời điểm này, dân Sơn Lộc lên trụ bám tại Sơn Long chỉ còn có mười bốn hộ, trong đó có ba đứa con mồ côi của ông bà Minh. Bà Sa là dân bản địa Châu Sơn đã kết thân và đùm bọc gia đình ông bà Minh trong suốt mấy năm nay. Nay ông bà Minh đã mất, bà Sa kéo luôn con Sương, thằng Năm sang ở nhà bà. Gọi là nhà, chứ thực ra cả làng Châu Sơn chỉ còn lại vài bức tường đổ. Địch càn đến đốt phá sạch trọi. Nhưng, chúng đốt nhà to dân che nhà nhỏ; chúng đốt nhà nhỏ dân che lều để trú tạm gió mưa. Mấy năm nay, dân Châu Sơn coi cái hầm là nơi để dung thân. Tất cả cây cối, gạch đá đều tập trung xây dựng hầm. Như cái thằng Năm, bà Minh sinh nó đã bảy năm rồi mà có mấy đêm được ngủ trên mặt đất đâu. Nói cho đúng hơn, bà Sa đưa con ông bà Minh về hầm nhà mình là để thay mẹ giữ mạng sống cho chúng. 

Sau Hiệp định Pa-ri, lãnh đạo xã Sơn Lộc đang đứng chân tại Sơn Long đề nghị cấp trên đưa cả ba anh chị em mồ côi nhà họ Hồng ra miền Bắc học tập, đào tạo cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài sau này. Cả Minh tính, thằng Năm còn quá nhỏ, khó có thể vượt nổi Trường Sơn. Bà Sa người đỡ đầu mấy anh em cả Minh nghe nói trên đường dây ra Bắc bom đạn dữ lắm. Bà lo, đường xa vời vợi, bom đạn ngút trời, không khéo mấy đứa nhỏ đi không tới nơi. Bà khuyên can mấy anh em Cả Minh không nên đi. Cả Minh đã ngờ ngợ trong việc đi ở, nay nghe người lớn bàn tính, anh quyết định không dẫn hai em đi Bắc. Cả ở lại cùng các chú các anh tiếp tục giữ đất, giữ quê.

Chiến tranh rồi cũng đến hồi kết thúc. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Quế Sơn được hoàn toàn giải phóng, Cả Minh dẫn hai đứa em còn sống sót trở về vườn cũ sinh sống. Ba anh em nhà họ Hồng là thành phần cốt cán lẽ ra được Nhà nước nuôi cho ăn học đào tạo. Nhưng hậu quả cuộc chiến vô cùng nặng nề nên ba anh em nhà họ Hồng cũng như mọi người dân trụ bám khác vẫn phải tự chủ động xoay xở lấy cuộc sống. Hòa bình, thời gian và sự nỗ lực của bản thân đã thay đổi cuộc đời của ba anh em nhà họ. Cả Minh, Hai Sương tiếp tục công tác và trưởng thành. Riêng thằng em là Hồng Quang Năm, được Cả Minh nuôi ăn học. Và rồi cái thằng Năm mới mấy tuổi đầu đã mất cha mẹ, ăn ốc đá, cải tầu bay, củ chuối, trốn chui trốn nhủi để mà sống ở cái góc núi Rừng Già kia lại rất sáng dạ. Hồng Quang Năm, bây giờ đã trở thành thạc sĩ. 

Cuộc mưu sinh của ba anh em nhà họ Hồng cứ phải trôi đi theo những tháng năm tất bật. Mặc dầu đã làm tới Bí thư xã, rồi Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Quế Sơn có điều kiện giao tiếp rộng, nhưng Cả Minh cũng chẳng biết đâu mà lần mò tin tức về đứa em thất lạc năm xưa. Nhiều lúc anh nghĩ: “Bé Ba, đứa em thương yêu của anh đã không còn tồn tại trên đời này...”.

Đêm nay, sau đúng bốn mươi năm Bé Ba bị thất lạc, Cả Minh lại được cái tin cô Thủy nào đó về làng tìm lại người thân, lòng dạ anh vô cùng nôn nao. Trời vừa sáng, anh vội lên xe chạy đến tất cả người bà con ruột thịt thông báo, bàn bạc tìm manh mối xác định cô Thủy kia là ai. Nhưng như một tia sáng bỗng xuất hiện rồi lại vụt tắt ở cuối đường hầm. Tin tức về cô Thủy tắt nghẹn lại ở anh Bảy-xe thồ. Cả Minh gặp anh Bảy nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Cô ấy ở tận Đồng Nai về đây tìm lại gia đình. Cha cô họ Trần, tôi chở cô ta đi khắp các nhà thờ họ Trần dọc sông Rù Rì để tìm. Cô hẹn tôi tại quán cà phê Love ngay trước cổng chợ Đàn. Mấy ngày liền, cứ đến bảy giờ sáng là tôi đến chở cô đi tìm kiếm...”. Cả Minh để ý ngay cái chi tiết “quán cà phê Love”. Anh đến nhà người cô ruột là Hồng Thị Chín ở gần chợ Đàng, nhờ cô thường xuyên đến quán để có thể nắm được tin tức chi thêm. Chị Chín quanh quẩn, hết vào chợ lại ra quán cà phê, gặp người nào cũng hỏi. Một hôm gặp tay buôn bò ghé vào quán. Nghe chị Chín đi dò tìm tin tức về cô Thủy, anh gọi giật ngược chị lại:

- Có phải chị hỏi cái cô Thủy, Phan Thị Thủy ở Đồng Nai về tìm gốc gác của mình không? Tôi có số điện thoại của cô ta đây.

Thì ra anh buôn bò thấy Thủy đã đứng tuổi nhưng còn khá được mắt. Cô thường ngồi một mình, mà hình như trong ánh mắt có giấu nỗi chờ đợi xa xăm nào đó. Anh lân la có ý tán tỉnh. Biết về hoàn cảnh của đối tượng, với kinh nghiệm của một gã đàn ông ngũ tuần, anh liền chớp cơ hội ra tay giúp người phái yếu:

- Tôi là người cung cấp bò cho lò giết mổ, thường đi giao dịch khắp các làng quê. Cô để số điện thoại cho tôi. Biết đâu tôi có thể giúp được cô.

Anh ta liền bấm máy cho chị Chín gặp Thủy. Bà Chín run bắn cả người khi nghe Thủy trả lời đúng tên của ông bà Minh và ba người anh em ruột của mình. Bà vội vàng hỏi tiếp:

- Em có bị thương không?

Bà ầm ừ còn muốn hỏi gì thêm... Đến câu hỏi này Thủy nghe như có một luồng cảm giác lạnh chạy phía sau gáy, tay run không cầm vững điện thoại, cổ đông cứng lại nghẹn ngào, đứt gãy:

- Dạ em có... bị thương. Bị thương... ở cánh tay. Một mảnh xuyên qua cánh tay... găm... găm luôn vào sườn.

Bà Chín lặng người mấp máy mấy từ:

- Thôi đúng con Ba đây rồi.

Bà Chín mừng quýnh, thuê xe thồ chở ngay đến nhà Cả Minh.... 

Một tuần sau, trước bàn thờ cha mẹ, Phan Thị Thủy được trả lại thân phận và tên họ thời ấu thơ trong tiếng nức nở mừng, đau không thể nào nói hết được bằng lời.... của bốn anh em ruột thịt nhà Cả Minh...

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm