April 24, 2024, 1:34 pm

Già bản người Mông

 

Nhặt chiếc que đuổi con lợn nái và đàn lợn con ra khỏi cửa, ông mời tôi vào nhà kéo ghế cho tôi ngồi rồi lụi cụi bật diêm nhóm lửa, người Mông là thế nhà có khách thì bếp phải đỏ lửa. Bên bếp lửa đã cháy thành ngọn anh Ông cho tôi bát nước uống có màu đo đỏ, vị vừa ngọt lại mặn mặn được nấu từ cây rừng và kể lại kể tôi nghe câu chuyện của người trưởng thôn...

Bản Ngọn Lành là bản cao nhất của xã Nậm Lành, chẳng hiểu sao trên triền núi cao này lại có nước, nước chảy ra từ khe đá, không đủ làm ao nhưng nước ăn uống thì thoải mái mà người Mông cứ đỉnh núi cao nơi nào có đất, có rừng và nhất là nước là tìm đến, đất cằn nước hết người ta bỏ đi vì vậy mà nhà cửa cửa chẳng bao giờ to đẹp cả cứ lúp xúp thôi. Khi mới sang đây, chẳng biết đặt tên bản như thế nào, người Dao họ truyền đời ở nơi này có tên bản rồi: nào là Giàng Ngâu, Nậm Tộc, Nậm Cài, Nậm Kịp, rồi Tặc Tè, Tà Lành mà người Mông đến sau lại ở cao nhất như trên ngọn cây nên gọi luôn là Ngọn Lành.

Quê gốc của ông đâu phải ở đây, họ hàng vẫn còn bên xã Trạm Tấu huyện Trạm Tấu, Yên Bái, năm nay đã 78 tuổi mà có mấy chục năm làm trưởng bản. Ông đã xin nghỉ trưởng bản mấy năm rồi, đến năm ngoái thấy sức khỏe không còn được khỏe nên bà con trên bản và lãnh đạo xã Nậm Lành mới nhất trí cho ông nghỉ chức trưởng thôn. Năm xưa, cùng một sô bà con di cư sang đây lập làng mới tại xã Nậm Lành, Văn Chấn, Yên Bái này. Được bà con người Dao đón nhận, nhưng khi mới sang khổ lắm, cả bản được vẻn vẹn hơn chục hộ, thiếu thốn đủ thứ. Bắt đầu cuộc sống mới từ chặt cây làm nhà, phá rừng làm nương... Ngày đó tình hình an ninh trật tự ở đây phức tạp, Ngọn Lành nổi tiếng là bản có nhiều người nghiện thuốc phiện của xã, người dân mới sang lén lút trồng cây thuốc phiện để hút và bán lấy tiền. Đời sống của bà con trong bản chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp và phá rừng lấy gỗ để bán cuộc sống vì thế còn kéo theo nhiều hủ tục lạc hậu, cái đói, cái nghèo đeo đẳng phủ kín cả thôn bản. 

Là đảng viên duy nhất của bản, ông thấu hiểu được những khó khăn của bà con, ông luôn trăn trở làm sao để bản làng mình phát triển bằng các bản người Dao của xã, bà con có đủ cơm ăn áo mặc... Với cương vị là trưởng bản ông đã bỏ công học hỏi, tìm cách xóa đói giảm nghèo cho thôn bản. Được tiếp xúc nhiều với các bản khá hơn của xã, được đi học tập từ các xã bạn. Với kinh nghiệm đúc rút của mình, ông đã tuyên truyền, vận động bà con trong bản phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự. Việc đầu tiên là phải cai nghiện cho những người nghiện thuốc phiện của bản và sau đó là bỏ trồng cây thuốc phiện, ông đã cùng lãnh đạo xã đến từng nhà có người nghiện giúp đỡ gia đình và động viên người nghiện đi trại cai nghiện, sau khi về tái hòa nhập cộng đồng ông cùng mọi người giúp đỡ và quản lý thật chặt vì thế mà bản xóa được ngược người nghiện cũng từ đó xóa luôn việc người dân lén lút trồng cây thuốc phiện. Cùng với đó là việc giữ rừng, không để rừng chết dưới bàn tay của mình, ông tuyên truyền để bà con không phá nhà chuyển nhà đến những nơi có đất rừng màu mỡ như cha ông vẫn thường làm nữa, đến đây rồi định cư ở đây thôi, không chuyển nhà thì cũng không phải đốt rừng làm nương lúa mới nữa. Ông đã cùng với con cháu tìm nguồn nước dẫn về phần đất của mình để làm ruộng bậc thang chuyển đổi sang trồng cây lúa nước. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây lúa nước cho năng xuất cao gấp mấy lần cây lúa nương nên được bà con ủng hộ lắm. Từ năm 1996 đến năm 1998 cả bản đã khai phá được trên 8ha ruộng nước. Có gạo đủ ăn rồi, ông lựa chọn những giống cây phù hợp với núi rừng, lợi thế của địa phương, như cây ngô, cây sắn trồng để chăn nuôi gia súc. Hiện nay, gia đình ông nuôi và nhân giống được gần 30 con trâu bò, trên 20 con lợn, 2 ha cây sắn và ngô... mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng... 

Thoát được cái đói đã khó, thoát cái nghèo còn khó hơn, ông hiểu ấy là người dân bản còn thiếu cái chữ, nên không chỉ gia đình ông mà tất cả trẻ em trên bản ông đều vận động cho đến lớp đến trường học cái chữ đầy đủ. Ngày chưa có trường bán trú, ông lấy đất nhà mình ra để làm lớp học cho con cháu trên bản, thầy cô ở lại dùng bếp nhà ông, lấy nước ông dẫn về, lấy điện nước nhà ông để sinh hoạt hàng ngày. Sau này, được nhà nước quan tâm xây dựng trường bán trú, con em người Mông được về trung tâm học chữ thì ông lại là người động viên phân tích cho mọi người hiểu để mọi người cho con cháu xa bố mẹ ông bà xuống trung tâm theo học... Mỗi khi trẻ em nhà nào không đi học, thầy cô lên bản tìm là ông lại bỏ công cùng thầy cô giáo đến tận nhà khuyện nhủ cha mẹ động viên các cháu quay lại trường học để biết cái chữ. Vì vậy mà cả bản cho không còn trẻ em nào bị thiếu cái chữ, các em học xong cấp 2 có đứa còn theo học cấp 3, học chuyên nghiệp về phục vụ tại địa phương.....

Không chỉ cùng con cháu làm giàu, ông luôn giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn trong bản phát triển kinh tế; vận động các hộ làm theo mô hình phát triển kinh tế như gia đình mình. Nghe và làm theo lời ông, người dân trong bản đã lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất cao. Thấy người Mông ở Mù Cang Chải trồng cây thảo quả trên rừng cho thu nhập cao, ông nghĩ đây là hướng thoát nghèo cho bản, ông đã cho họp thôn và cử những người nhanh nhẹn những thanh niên được học hành tử tế lên tận Mù Cang Chải học tập cách gieo trồng, cách nhân giống, thu hoạch cây thảo quả rồi sau đó mua giống về cho bản trồng, đến nay cả bản đã trồng được trên 60 ha cây thảo quả. Nhờ đó, nhiều hộ trong bản hiện có thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm như hộ nhà ông Mùa A Sử, Mùa A Sáy, Mùa A Tủa, Mùa A Dơ… Nhiều hộ chuyển từ thiếu ăn sang hộ đủ ăn và hộ khá của bản... 

Ngọn Lành có được như ngày hôm nay có công nhiều lắm của già làng Mùa A Sử đấy, mọi việc của bản không qua tay ông Sử thì không xong. Ông luôn đi đầu trong mọi công việc, và hoàn thành tốt nhiệm vụ và chỉ chỉ tiêu khi cấp ủy, chính quyền xã giao cho. Ngoài ra, ông còn vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu, giữ vững an ninh trật tự. Những vấn đề bức xúc của bà con trong bản đều được ông tham gia xử lý, giải quyết triệt để... Nhiều năm liền, Ngọn Lành đạt danh hiệu bản giữ vững an ninh trật tự, có nhiều hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Bản thân ông luôn được Đảng bộ xã Nậm Lành đánh giá, biểu dương, công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Ông là thủ lĩnh của bản, là tấm gương sáng cho nhân dân trong bản noi theo.

Nắng cuối chiều nhuộm vào những thân ruộng bậc thang, những mảnh ruộng tí xíu, cứ mảnh này đè lên mảnh kia từ lưng núi đổ xuống tận dưới thung lũng. Nắng vàng, lúa vàng những bông cúc quỳ cũng màu vàng trông đến nao lòng. Những người như ông Sử đáng quý biết bao, chúng tôi đi xa rồi ngoảnh lại vẫn thấy hai ông bà cùng mấy đứa cháu nhìn theo, phong tục của người Mông tiễn khách, còn nhìn thấy khách chủ còn đứng đó nhìn theo, tôi dừng lại vẫy tay....  Cả nhà ông đang bảo tôi trở lại nhé, hôm nào về lại thăm Ngọn Lành nhé.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm