April 24, 2024, 2:17 am

Ghi chú cho tương lai

 

Riêng về thơ, sau sáu tập thơ và 3 trường ca xuất bản trong vòng 40 năm (1976- 2016), Ghi chú sau mây là tập thơ mới nhất của nhà thơ Hữu Thỉnh. Có thể thấy, thơ Hữu Thỉnh xuất bản khá đều đặn, trung bình 4-5 năm xuất bản một tập, trong đó giữa các trường ca từ 12 đến 15 năm.

“Hiện tượng” này chắc có nguyên do, mà người đọc có thể dễ nhận ra “tính nhịp điệu” của sự lắng để ngẫm ngợi của nhà thơ chuẩn bị cho “bước” thơ tiếp sau, tránh trùng lặp với “bước” thơ trước ở khía cạnh nào đó. Nhưng, không có nghĩa nhà thơ dễ dàng từ bỏ chất thơ riêng đã được định danh, mà là nhà thơ từng bước tìm tòi, khám phá, đổi mới chính mình trong quá trình lao động nghệ thuật ngôn từ, cũng chính là sự tự thức nhận thế giới thơ của mình.

Tại sao nhà thơ đặt tên cho tập thơ là Ghi chú sau mây? - tên một bài thơ trong tập. Nhà thơ “ghi chú” những gì và tại sao lại gửi “sau mây”?

Những hình ảnh trong bài thơ Ghi chú sau mây cho người đọc cảm nhận, trong sự nhất quán, sự chuyển hóa tâm trạng của nhà thơ. Nhìn mây trên trời cao, nhà thơ nhận thấy “những cái nhất thời xô đẩy nhau đi”, thì “xô đẩy” không chỉ còn là hiện tượng của thiên nhiên nữa; nó đã kéo những cái nhất thời “của đời sống nhân gian vào cuộc. Từ đó, ý thơ tiếp tục “đẩy” lên theo chiều hướng khác: “vũ trụ vào thiền/ nhấc ta lên từng bậc” - rất thơ. Thiền là một trong những phương tiện mà Đức Phật khuyên con người từng bước tu tập để xóa bỏ tham-sân-si, hướng đến Niết bàn- cõi của lòng thiện. Trong vô cùng tận, dưới bầu trời mênh mông, khi con người nhập thiền là tự mình cảm nhận từng bước đến gần với giác ngộ. “Tình người tươi tốt/ ghi chú sau mây” là thông điệp của bài thơ. Bài thơ không nói gì đến thực tại, nhưng cuộc sống thực tại vẫn hiển hiện một cách bề bộn, làm khuất lấp những gì tốt đẹp mà con người muốn hướng tới. Không cao giọng rao giảng, nhà thơ chỉ nói riêng với mình rằng, muốn nhận ra chân- thiện-mỹ, ngoài con đường tu tập của bản thân mỗi người thì không có con đường khác. Ở đây, thiên nhiên là người “ghi chú”, tác giả là người đọc được “ghi chú” ấy bằng trực giác của người làm thơ.

Nói về văn chương, thơ phú, các bậc tiền bối đã đề cập nhiều khía canh. Gần nhất là các nhà văn, nhà thơ đoạt giải Nobel trong thế kỷ XX. Chẳng hạn, Albert Camus (1913- 1960)- nhà văn Pháp, Nobel 1957, phát biểu : “ …. nghệ thuật đặt anh ta (tức nhà văn) vào khuôn phép của cái chân lý khiêm nhường nhất và phổ quát nhất”, bởi nhà văn là người “không ngừng  giằng xé giữa nỗi đau và cái đẹp”; hay người đoạt giải Nobel 1959, nhà thơ Italia, Salvatore Quasimodo (1901-1968) cho rằng: “Thơ cũng là bản ngã vật thể của nhà thơ và không thể tách rời nhà thơ với thơ của anh ta”, do đó: “Thi sĩ là tổng số những “trải nghiệm” đa dạng của con người trong thời đại của anh ta”(dẫn từ Các Nhà văn Giải Nobel; Nxb Giáo dục 2006).

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng tâm sự: “Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống” (dẫn từ Nhà văn hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2020).

Trong bài thơ Tự bạch (bài đầu tiên trong tập), Hữu Thỉnh rút ra bài học từ bản thân: “sự cả tin đã làm tôi đớn đau/ tôi nhầm người như va đầu phải cột//tôi luôn dặn mình đây là lần chót/nhưng lần chót cứ theo tôi suốt cả cuộc đời”. Bài học này không chỉ riêng cho nhà thơ, mà cho đa số người nhẹ dạ, hay chính xác là của người luôn luôn nghĩ và sống như mình. Do đó, với một người cụ thể, suy nghĩ của anh ta dù tốt đến đâu chăng nữa thì vẫn chứa màu sắc chủ quan, thậm chí gần với ảo tưởng. Chỉ trong cuộc sống thực tế, qua những tiếp xúc cụ thể với con người cụ thể, mới khẳng định đâu là tình cảm chân thật và đâu là hành vi chân thành, nhưng cũng chỉ đúng với con người ấy trong tình huống cụ thể ấy mà thôi.Cho nên, không có “lần chót”cho sự cả tin. Ngay cả hai câu trong bài Đón đường: “anh không biết đã lọt vào tầm ngắm/tâm lạ người quen phản phúc đón đường” cũng là tâm sự của người đã từng cả tin người khác. Nguyên do của sự “cả tin” không bao giờ giống nhau; chúng luôn thay hình biến dạng để giấu bản chất thật của con người   lắm mưu mô, nhiều chước quỷ, nên người đời không tránh khỏi vấp váp. Những bài học đó, bằng thơ và qua thơ, nhà thơ chuyển tải đến người yêu thơ niềm tin vào cuộc sống.

 *

Kinh nghiệm rút ra từ quan sát và chiêm nghiệm, từ thực tế của những va đập, đã lắng lại  trong thơ Hữu Thỉnh những câu thơ tinh tế: “Trên đê ai quẩy hai triền nắng”, “Có trung du đeo trên màu áo lính”, “Nón mới ai bưng vãn cả chiều”, dồn cho khổ thơ cuối nặng trĩu ưu tư: “Hồn quê vấn khói tròn khăn xếp/Mây cổ chùa xưa trưa phiêu diêu/Người đi còn ngoảnh hồi chuông vọng/ Tre trúc ăn chay tiếng sáo diều” (Phú Vinh thôn). Cái âm hưởng của thể thơ ngâm vịnh có phần nào hơi cổ, song ý và tứ thơ lại làm rung động người đọc, gợi lên những hình ảnh thân thuộc trong lớp vỏ ngôn từ mới, đã qua sàng lọc của nghệ thuật. Hay, bài Hoa dành cho thấy nhà thơ dùng ghép ẩn dụ rất nhuần nhị: “Hoa danh thơ rất mộc/Mùa cùng anh hái em/Sông Đáy thành Ông Tơ/Xanh đôi bờ nội, ngoại//. Nước mải ngắm cô dâu/ Nhỡ hẹn về với bãi”. Thơ không thể vắng bóng hình ảnh ẩn dụ nén chặt câu thơ đồng thời mở rộng ý thơ. Quan sát cảnh người tắm chật dòng sông Hằng (Án Độ), nhà thơ cảm nhận một điều khác với mục đích của những người kiếm tìm sự che chở từ Đức Phật: “xuống tắm để xin Phúc/nước xiết xô người/ bị nước xô người mới ngộ được chữ Yên” (Qua sông Hằng). Chẳng chỉ “nước xiết xô”, con người chen lấn xô đẩy còn dữ dội hơn, để lại hậu quả khôn lường.

Không dừng lại ở những “bài học”, tâm trạng nhà thơ chuyển sang trạng thái về gần với lối nghĩ, lối nói của người lao động thôn quê: “Giường kê cạnh bến. Đêm đêm/Sông không đủ sóng ru em những hè/Ru rằng một chút hồn quê/Ai đem hắt hủi bốn bề nhỏ nhen/Ru rằng, vải sợi bình yên/ Vừa treo đã gió bon chen kiếp người” (Ru). Thật sự “Thơ là kinh nghiệm sống”, tức là kinh nghiệm làm mới thơ bằng cách diễn đạt, cấp cho thơ những hình ảnh chân thực ngay trong khuôn khổ luật lệ của thể lục bát. Nhà thơ viết tiếp: “Sông còn đem sóng ra lau?/giếng còn chum vại mo cau múc trời?/núi còn mỏi mắt mong mây?/chiều bao nhiêu gió rót đầy cổ kim.”(Còn?). Trong năm khúc Vô đề, đều là lục bát (mỗi khúc bốn câu), sự tế vi của mỗi khúc được nhà thơ thể hiện dụng công, chẳng hạn ở các câu: “Lá không phải lá nhưng là lá non/…/Trăng là trăng thuở chưa mòn nhân duyên” (Khúc I); “Có sông mười bảy muôn vàn chao chân”(Khúc II);“Gặp em vừa buổi trăng lên. Hỏi mây. Hỏi gió. Nhưng quên hỏi tình” (Khúc V).

Thơ Hữu Thỉnh luôn cấp cho người đọc những thông điệp mới, như trong 22 khúc Thơ ngắn, ví dụ: “Thời thế xua chim đến/Không hỏi trước cánh rừng//Thác reo không hề biết/Rừng kiệt phía sau lưng” (Khúc 5), hoặc “Hạnh phúc như một chuyến tàu nhanh/thường bỏ qua ga xép” (Khúc 12). Thông điệp có khi song đôi, sóng ba, như bài Đôi khi: “Đôi khi một ngọn cỏ/Kéo ngắn một thôi đường//Đôi khi sóng quấn dưới chân/ Lại giúp ta tìm ra bánh lái//Đôi khi sự giận dữ /Làm ta yên tâm hơn cả tiếng cười”. Nhiều lần “đôi khi” ấy cho ta thấy cái nghịch lý phủ định chính nó, để có những cái không còn là phi lý. Cũng tương tự, khi nghĩ về thơ, người thơ rút ra những điều thường thấy ở những cuộc thơ-ít thơ: “Thơ khó quá. Thế mà hoa vẫn nở/…/bàn luận mãi coi chừng thơ mất dạng”. (Khúc 1), hay “Thơ vẫn thường chậm bước trước đàn ong/…/cây sang mùa. Thơ thành kẻ tay không” (Khúc II), hoặc “thơ bay lượn như rồng vẫy vùng hư thực/lòng như ao chuôm đi đón sao vừa” (Khúc III)-(thơ). Cuộc thơ-ít thơ là một thực tế trái ngược với cái thuở “Cáo quan. Tay áo rộng/rũ bỏ mớ hư danh/ở ẩn. Mây gió tụ/làm người theo ý mình” của các nhà thơ cổ điển đã từng “nhúng đời trong lau lách/chữ nhập hồn người u tịch xa xăm/đời không chấp nhận mình thì tự mình chấp nhận/đất quanh co nước lặng lẽ mở đường” (Những nhà thơ cổ điển). Sự trái ngược ấy xuất phát từ ý thức không đồng nhất về thơ, coi thơ là hay không là một phương thức sống. Trong Diễn từ của nhà thơ Pháp Saint-John Perse (1887-1975)- Nobel 1960, có những đoạn khẳng định tư cách nhà thơ và sứ mệnh của Thơ: “Bằng cách chối từ việc tách rời nghệ thuật khỏi cuộc sống, cũng như tách rời tình yêu với nhận thức. Thơ là hành động. Thơ là đam mê. Thơ là sức mạnh và sự đổi mới luôn luôn không biết đâu là giới hạn…Và hai cánh tay Thơ giang ra một lần ôm như một khổ thơ lớn sinh động, thế là nó ôm cả quá khứ lẫn tương lai, cả chất người và chất siêu người, toàn bộ không gian hành tinh và không gian vũ trụ…vì bản chất nó là soi sáng, là cả cái đêm đen đang được nó thăm dò; đó là tâm hồn con người và cả chốn thẳm sâu đen tối ngập tràn cuộc tồn tại người…Chỉ có sự trì trệ là mối đe dọa đáng sợ mà thôi. Nhà thơ là người có mặt ở đó giúp ta phá vỡ các thói quen” (sách đã dẫn).

Sự trì trệ của thói quen thật đáng sợ. Bởi nó cản trở sự tiến bộ và không ngừng làm mất đi vẻ duyên dáng vô cùng đa dạng, phong phú của cuộc sống, mà thơ không là trường hợp ngoại lệ. Phá vỡ thói quen là công việc không dễ dàng, bởi “Khó nhất là thứ thu lại lửa/ Và khó hơn làm vạn vật sinh tình//Tạo hóa trong tay anh/thu được cả trời đất/Nhưng lòng tốt lại ở ngoài thiên hạ” (Nghệ nhân Bát Tràng). Song, dù khó mấy nhà thơ vẫn tìm cách phá vỡ các thói quen bằng hình tượng thơ.

Đứng trước “Nơi Thành Cát Tư Hãn vứt chiếc roi cuối cùng”, khách tham quan “Họ chỉ thấy mũi giày phía trước/khi quân Mông tiến vào đất nước mình/riêng những người Việt Nam là khách xem duy nhất /nhìn rõ gót giày phía sau của đạo quân xâm lược/ba lần chạy tháo thân trước mũi giáo nhà Trần” (Bình luận về một hiện vật -hiện vật ở đây là một chiếc ủng). Trong tấp nập người chen nhau xem những người thợ tài hoa làm công việc trùng tu di tích, nhà thơ “chộp” được tứ thơ hay: “Như là nước đánh đường về gặp nước/Như tình yêu hò hẹn với tình yêu/Núi còn thẳm, mây vội gì xa khuất/ Gom hết thiên nhiên làm cổ tích trong chiều” (Trùng tu đình Tây Đằng).

Cho đến tập thơ Ghi chú sau mây, Thơ Hữu Thỉnh vẫn giữ trọn vẹn phong vị của một nhà thơ tài hoa với nhiều câu thơ tưởng như “bắt được”. Ông có cái duyên “làm đẹp” đối tượng bằng thủ pháp tu từ, nhân cách hóa cùng với sự ẩn dụ phong phú, làm bật lên những hình ảnh lung linh sắc màu, nhịp điệu dư ba. Nhiều bài trong tập thơ này, nhà thơ không dụng công về vần, mà dụng về chất, nhằm tải được “trọng lượng” của những từ đa thanh, đa nghĩa và thắm tình, đậm chất nhân văn. Ông viết: “Khi đôi môi biến rừng thành kèn lá/trên đỉnh thác kia cá cũng hóa rồng/một bên là mùa xuân/một bên là yếm thắm/yếm thắm là gì mà thiên vị cả dòng sông/đời lắm dốc- em lấy duyên che nắng/mây nhầm đường – lạc vào phía lưng ong” (Kèn lá).

Và, đến đây người đọc đã “nhìn” thấy câu trả lời từ nhà thơ: “chọn tương lai mà sống/làm một nhà đầu tư vừa sức mình /tích thiện”(Chọn tương lai mà sống), để “tình người tươi tốt” không còn phải ẩn “ sau mây” dưới dạng “ghi chú” nữa, không còn chông chênh, yếm thế nữa. “Chọn tương lai”, nhà thơ Hữu Thỉnh chọn cho thơ của mình con đường đến gần hơn với cái chân, cái đẹp từ sự “tích thiện”. Bởi lòng thiện bao giờ cũng là cứu cánh của đời người, đồng thời là thứ công cụ đập tan sự trì trệ của thói quen một cách hiệu quả. Nhà thơ đặt niềm tin vào sự “ tích thiện”, mà tương lai luôn bao bọc, nâng đỡ sự tu tập đến độ nhập thiền và giác ngộ. Niềm tin ấy, qua thơ, được truyền tới người yêu thơ và trở thành khát vọng luôn ngự trị trong tâm hồn của mỗi người, của mọi người.

Nếu chỉ đọc bề mặt, thì Chọn tương lai mà sống có cảm tưởng nhà thơ muốn buông bỏ sứ mệnh của thơ, điều mà tư cách nhà thơ không cho phép. Chính hai từ “tích thiện” ở cuối bài là chìa khóa giải mã bài thơ, rằng: hướng về tương lai hay vì tương lai, luôn gợi ý cho con người cách tồn tại ngay trong cuộc sống hiện tại còn lắm điều ác, đồng thời quên đi những hận thù cũng do cái ác gây nên. Ghi chú sau mây là tập thơ chứa đựng những thông điệp rõ ràng, minh bạch mà nhà thơ Hữu Thỉnh nặng lòng gửi gắm…

Nguồn Văn nghệ số 31/2021


Có thể bạn quan tâm