April 25, 2024, 4:31 am

Gã giang hồ lương thiện

 

Ăn Bay là câu chuyện của một gã giang hồ lương thiện. Cuộc đời Sơn khởi đi từ những năm 1972 đến những năm trước đổi mới (1986), Sơn đã bị cuốn vào những tháng ngày mà số phận một con người chỉ là số không trong những biến cố lớn lao của lịch sử. Sau giải phóng, gia đình Sơn lâm vào cảnh khốn cùng, bởi tất cả tiền bạc ông Long gửi ở ngân khố. Sơn bắt đầu trôi dạt vào Bình Giả-Long Khánh phát rừng thuê một thời gian, sau đó trở về cùng gia đình, đi kinh tế mới rồi vô hợp tác xã. Ở đây, Sơn chứng kiến những cái chết thảm vì nghèo đói, những bất công và chính Sơn bị bắt vì bị vu oan giấu 3 trái lưu đạn trên mái bếp. Trên đường bị giải đi, Sơn đã trốn. Từ đó Sơn bị lôi kéo vào thế giới giang hồ. Đánh nhau với bọn đầu rô ở bến ga, bọn bảo kê cho xe khách cơm tù; rượu và sex với gái ở quán. Nhảy tàu những chuyến hàng lậu. Theo Hương “ăn bay trình độ đại học” trên tàu Thống Nhất. Theo Hùng trấn lột người vượt biên. Sơn đã làm cho Ngọc vì yêu Sơn mà hóa điên. Trong một đêm ở Bình Giã, Sơn đạp vào mặt Cường làm hắn đập đầu xuống đất vỡ sọ chết. Sơn đã lụi dao vào bụng tên Hải-quỷ biển, khi hắn ăn chặn vàng trấn lột của người vượt biên. Sơn trốn chạy và trở thành kẻ không chốn dung thân... Sau cùng Sơn chấp nhận đi tù (tr.318) ba năm, bốn tháng, mười hai ngày để mong trở về với gia đình.

Tác giả gọi Sơn là giang hồ vặt (tr.263,235), Sơn có “Thân phận dân đen và ngụy tặc” (tr.244). Vì thực ra, rất tình cờ, Sơn bị xã hội xô đẩy vào những hoàn cảnh phải chung sống với giang hồ để tồn tại. Tác giả không miêu tả trực tiếp bất cứ tội ác nào do Sơn cố ý gây ra. Chỉ là vô tình gây ra cái chết của Cường. Sơn đánh nhau với bọn bảo kê cơm tù vì chứng kiến chúng ức hiếp một bà già. Sơn bị bắt lao cải vì bị Thạch Hận (tr.220) cố ý vu oan cho Sơn để hắn có cơ hội đến với Ngọc, người yêu Sơn. Thời gian đi lao động ở Bình Giả, ở kinh tế mới, Sơn “làm như trâu” (tr.148) cùng với gia đình lao động cật lực (tr.194). Sơn xót thương vô hạn đối với cái chết nghèo đói thê thảm của Nhượng, Minh, bà Ngô, Chị Sen khi ở hợp tác xã nông nghiệp (Phần VI, chương I: Thoạt kỳ thủy). Trước khi chịu đi tù, Sơn gửi tiền cho mẹ, gửi một cây vàng cho Ngọc và giúp đỡ Nhơn ít tiền khi thấy vợ con Nhơn nheo nhóc. Sơn nói thẳng với Linh Võ khi hắn định giới thiệu cho Sơn bảo kê xe khách cơm tù: “Tao không chơi trò bẩn thỉu. Mày không đi xa nên không biết dân đường xa kiếm cái ăn khó lắm. Ăn của họ là tội ác. Mày thích thì làm. Tao không chơi.” (tr.289). Việc Sơn tự nhận mình ăn cắp đầu máy may để đi tù thay tội cho chị Hạnh là một hành động lương thiện của gã giang hồ này (tr.318).

            Xây dựng một nhân vật “giang hồ lương thiện” giữa nhiều kiểu nhân vật khác như người lính Cộng Hòa thua trận, những ả giang hồ như Lan, Khanh (cafe Quỳnh Trang), Hương (“ăn bay trình đô đại học”), Khánh (Dạ Khúc quán), những tên giang hồ thứ thiệt như Hùng Cao, Linh Võ, Lập Bụi, Hải quỷ biển, Dũng Búa... nhà văn Nguyễn Trí gửi gắm những điều gì trong văn chương?

            Nguyễn Trí để cho ông Sơn luận về bản thân mình: “Thời tụi tao đất nước mình vẫn đang muôn vàn khó khăn… không có ánh trong veo trong mắt của con trai tao, không có tình yêu lớn đến điên cuồng của bà xã thì dễ tao buông rồi” (tr.323), và ông Sơn kết luận: “Thời nào cũng vậy, phải thuận theo tự nhiên mà sống thôi, làm gì cũng phải ráng sống sao cho tử tế hết mức có thể…” (tr.324). Và người đọc nhận ra sự tử tế của Sơn trên bước đường lưu lạc giang hồ, dù tiếp cận với bao nhiêu cái xấu, cái ác và bao nhiên nỗi thương tâm.

            Nguyễn Trí có những trang miêu tả sâu sắc và hết sức sinh động về người lính Cộng hòa thua trận, cảnh nhân dân di tản; về buôn lậu, nhảy tàu, ăn Bay, trấn lột người vượt biên, về cướp cạn trên đèo K; những trang quằn quại của Sơn trong cơn hành ma túy, những trang giang hồ đánh nhau ở nhà ga bến xe, những cái chết thê thảm vì đói nghèo ở kinh tế mới và hợp tác xã... và cả những hành vi gây bức xúc cho dân của những tên “cách mạng 30” giả nữa.

            Văn chương viết về chiến tranh cách mạng phản ánh được một phần hiện thực miền Nam từ 1954 đến khi đổi mới (1986). Phần hiện thực không cách mạng hầu như chưa được khám phá. Ngày nay quan điểm lịch sử về Miền Nam thời chiến tranh đã được soi rọi dưới ánh sáng “hòa hợp hòa giải”, thế nên nhà văn Nguyễn Trí đã thuận lợi hơn khi viết về người lính Cộng Hòa, về Kinh tế mới, về vượt biên, về thế giới giang hồ... Tôi nghĩ Nguyễn Trí đã có những đóng góp, dù chỉ là bước đầu, cho việc khai phá hiện thực miền Nam những năm chiến tranh để làm giàu văn chương dân tộc và để các thế hệ sau hiểu biết hơn dân tộc mình đã tồn tại thế nào trong một giai đoạn lịch sử có những biến động lớn lao. Nhưng trước hết, Nguyễn Trí khẳng định được, con Người, dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải cố vươn lên mà sống, và sống cho tử tế như lời ông Sơn đã căn dặn nhân vật Tôi (người thuật chuyện ở phần Vĩ thanh). Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm sáng lên trang văn về những kiếp bụi đời giang hồ, những kiếp nghèo khổ thê thảm.

Đó là hình ảnh thê thảm của người lính Cộng Hòa. “Cuộc chiến không lối thoát khiến họ bức trí. Ở chiến trường không thấy quân thù đâu nhưng ăn pháo của họ là chắc. Thoát cái chết và được trở về cùng phố thị thì họ buông đời vô chén rượu sau khi chê chán ở nhà thổ. Đã có một gã say rút chốt lựu đạn quăng bừa vào chợ... Còn có những anh lính xa nhà bị chết ngoài cửa phòng trà ca nhạc bởi chính viên đạn thoát ra từ nòng của khẩu M 16.” (tr.20). Có người lính bỏ ngũ bán súng kiếm tiền phê ma túy (tr.69). Đây là chuyện của Lộc: Chưa xong lớp chín, Lộc đi lính cho quên nỗi buồn yêu vì không được yêu. Ra trường Lộc bị tống đi Quảng Trị. Hút chết 18 lần. Bạn bè phơi thây bởi AK từ thành cổ nheo ra vừa bị bị bom của F4 và A37 thả tối trời tối đất… mạng người nhỏ hơn con giun con dế (tr.183). Nhân vật người phụ nữ của Nguyễn Trí cũng để lại bao nỗi thương tâm. Ngọc yêu Sơn nhưng cô bị gia đình ngăn cản. Ngọc tự sát nhưng không chết, và sống trong trạng thái điên dại. Cô mặc áo dài vàng và hát thánh ca… chờ Sơn. Hình ảnh ấy làm xót xa cả những trái tim sắt đá nhất như ông phế binh cha cô. Hương là cô gái “ăn bay trình độ đại học” có nhan sắc, vậy mà bất cứ gã đàn ông nào khi nhìn cô khỏa thân cũng đều khiếp vía. Sơn cũng không giữ được bình tĩnh, Đang đứng bỗng nhiên Sơn khuỵu xuống… trời ạ!”. Lúc ấy Hương đang bán chuối chiên. Thằng chồng ghen khùng điên hắt chảo dầu vào người Hương. Cô nằm viện bỏng 11 tháng. “Một vú của cô bị cắt phăng, vú còn lại bệt một sẹo lớn. Bụng của cô biến dạng một cách khủng khiếp, lồi lõm, đỏ hỏn, nhăn nhíu… nó đặc biệt kỳ lạ dưới ánh huỳnh quang” (tr.261). Hương cô độc, cô tìm sự giải thoát trong những trò mạo hiểm. Cô gái tên Khanh làm ở cafe Quỳnh Trang. Trước kia Khanh là nạn nhân của sự tranh giành giữa Trung úy Hùng và ngài thiếu tá. Hùng phải nhường, nhưng anh ta phá bĩnh. Hùng báo cho vợ thiếu tá. Bà thiếu tá tìm đến thanh toán Khanh ngay. Hôm ấy Khanh đi chợ. Vừa trên xe Jeep bước xuống, một tiếng súng vang lên. Khanh bị bắn vào đùi, phải cưa chân. Lúc ấy Khanh đã mang thai. Khanh trở về với đôi nạng và đứa con trai (tr.232). Sau thống nhất Khanh làm cho café Quỳnh Trang. Nhân vật Chị Sen có 3 con, chồng chết trong chiến tranh. Chị bị bạn chồng là chủ thầu câu lạc bộ quân đội Cộng Hòa lừa lấy sổ cô nhi quả phụ. Ở hợp tác xã, Chị chưa 40, còn ngọt ngào. Tay an ninh quân đội Phan Dự đã có vợ hai con hủ hóa với chị. Chị sinh bé gái giống Dự một khuôn. Sanh con được 3 tháng, chị Sen suy nhược mà chết. Không có áo quan, người ta phải bó rơm để chôn xác chị.

Hình ảnh những cô gái này làm Sơn phải suy nghĩ nhiều về kiếp người và đòi buộc Sơn phải hành xử cho đúng với nhân cách là người. Bằng cái nhìn của tình người, nhà văn Nguyễn Trí đã thấu hiểu những nghịch cảnh, những bi kịch, những thương tâm trong những thân phận nếu chỉ nhìn bề ngoài người ta sẽ dễ thờ ơ. Tôi nghĩ đó là một nét đẹp tư tưởng của ngòi bút Nguyễn Trí

Trong Ăn Bay, Nguyễn Trí cấu trúc tác phẩm mới lạ hơn những tác phẩm trước đó. Ông viết đoạn kết và phần Vĩ Thanh làm người đọc ngạc nhiên. Bởi truyện không kết thúc bằng bi kịch của Sơn mà kết thúc “có hậu”. Sơn giang hồ ngày xưa đã là ông Sơn bây giờ được mọi người nể trọng. Ông bà Sơn-Ngọc có bốn con, hai trai, hai gái ăn học đến nơi đến chốn. Ở chương kết, tất cả những kẻ đã đẩy Sơn vào cuộc đời giang hồ không chốn nương thân đều bị bắt cải tạo hết. Đúng là có nhân có quả, có trước có sau. Cuộc sống còn có tình có nghĩa, có lẽ phải và ánh sáng. Cách kết thúc này làm sạch những “bụi bặm dưới đáy” và nâng tầm tư tưởng của tác phẩm. Điều này ở những tác phẩm trước đó của Nguyễn Trí chưa đạt được.    

Ăn Bay không được viết với cảm hứng sử thi. Bởi vì, bối cảnh không gian và thời gian của truyện chỉ thu gọn trong thị trấn X. Mọi biến động xã hội thu về một gia đình là gia đình Sơn. Trong gia đình ấy, tác giả tập trung theo dõi và miêu tả bước chân lưu lạc giang hồ của Sơn. Sơn lại không là nhân vật điển hình của thời đại. Vì thế dù Sơn có phiêu bạt từ X vào Bình Giả-Long Khánh, dù tác giả có nhắc đến những địa danh như: Bình Định, Buôn Mê, Pleiku (tr.59), Ngã ba Hầm Dầu (Quy Nhơn). Đèo Cả, Cầu Đà Rằng (Tuy Hòa, Phú Yên) (tr.97,150), Cam Ranh (tr.98), Ba Ngòi (tr.99), Quảng Ngãi (tr.113), Diều Trì (tr.151), Núi rừng Mỹ Lợi (tr.156), đèo Mangyang (tr.163) trên QL1, nối Bình Định và Gia Lai. Đà Nẵng (tr.244)... thì đó chỉ là nơi chứa bước chân lưu lạc của nhân vật, không phải là không gian của sử thi. Tôi lấy làm tiếc vì tác giả đã bỏ lỡ một cơ hội để nâng tầm vóc của nhân vật lên, cũng là nâng giá trị hiện thực của tác phẩm, giúp tác phẩm vượt lên trên dòng chảy văn chương thị trường.

            Nhưng nhà văn Nguyễn Trí không định xây dựng nhân vật Sơn thành nhân vật tư tưởng, nhân vật của chủ nghĩa Hiện sinh. Ông không dùng cách viết dòng ý thức (stream of consciousness) để khắc họa tâm trạng hiện sinh của Sơn trong mọi hoàn cảnh. Sơn chỉ là “tên du thử du thực” (tr.145), thằng “giang hồ vặt” (tr.263,235), thằng “cô hồn” (tr.276), một kẻ “yêng hùng” (tr.287). Viết về những nhân vật bụi đời, giang hồ là sở trường của ngòi bút Nguyễn Trí. Từ chuyện của Sơn, nhà văn kể lan man sang các nhân vật khác để làm đầy cốt truyện. Chọn Sơn làm nhân vật trần thuật, Nguyễn Trí chỉ có một giọng trần thuật và một kiểu ngôn ngữ, ngôn ngữ nói của giới giang hồ, xô bồ, có khi thô tục, chửi thề. Vì thế tính văn chương bị hạn chế. Đôi chỗ tác giả có thâm nhập tác phẩm để bình luận ngoại đề về sắc đẹp (tr.227), về giống đực (tr.230), thì giọng tác giả vẫn là một giọng cuả nhân vật.

Viết về những bước luân lạc của Sơn, Nguyễn Trí chủ yếu là thuật lại hiện tượng mà không miêu tả bản chất của vấn đề, thành ra tác phẩm không đem đến bất cứ sự lý giải khả tín nào đối với hiện thực miền Nam trước và sau 30/4/1975. Chẳng hạn Nguyễn Trí nhận định về sự tháo chạy của lính Cộng Hòa rằng: “Vào cái thời điểm tháo chạy do sợ hãi hơn là do đánh bị thuaĐằng đằng khí thế vậy mà lại chạy mới là vui hung” (tr.95), tôi e những nhận định kiểu như vậy cũng chỉ là để cho vui, không thể lý giải được gì về người lính Cộng Hòa trong cuộc chiến trước 1975.

Ăn Bay để lại trong tôi nhiều niềm vui và cũng nhiều tiếc nuối do tầm kỳ vọng khi tiếp nhận tác phẩm. Dù sao, cuối truyện Ăn Bay ngòi bút Nguyễn Trí đã ánh lên những sắc màu tư tưởng. Sau những cô đơn, trống rỗng, và vô nghĩa, Sơn đã được cứu rỗi bởi tình yêu thương. Tôi nghĩ, Ăn Bay đã vượt lên phía trước trong hành trình tư tưởng và nghệ thuật của Nguyễn Trí.

Trong cõi hỗn mang đường trần, tôi thích một chiêm nghiệm này của nhà văn: “Đúng là cứ làm việc nhân nghĩa thì nhân nghĩa sẽ tìm ta mà đến” (tr.32)


Nguồn Văn nghệ số 48/2018


Có thể bạn quan tâm