April 26, 2024, 2:44 am

G20: Hành động chung ứng phó với Covid-19

Từ 19h đến 21h tối ngày 26/3/2020 (giờ Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị G20. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị trực tuyến đặc biệt này với các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn, nhằm thúc đẩy phối hợp toàn cầu ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tham dự hội nghị năm nay, có lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên G20 và các nước khách mời, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)… G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Mỹ, Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp, Italy, Canada. G-20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn bao gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (tính theo GDP, PPP) và Liên minh châu Âu (EU), thành lập vào tháng 9/1999, hiện chiếm hơn 90% nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G20 ứng phó Covid-19. Ảnh VGP

Lần đầu tiên trực tuyến

Tuần trước, Saudi Arabia đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tổ chức hội nghị trực tuyến khi mà hiện nay diễn biến cấp tập của dịch Covid-19 đang đặt ra vấn đề G20 phải có những động thái phản ứng nhanh. Do đó, việc Saudi Arabia tổ chức họp Thượng đỉnh trực tuyến G20 nhằm truyền thông điệp cao nhất của G20 về phối hợp ứng phó với dịch Covid-19. Vua Salman của Saudi Arabia chủ trì cuộc họp trực tuyến này. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng khắp toàn cầu. Vào thời điểm G20 nhóm họp, đã có hơn 470.000 người lây nhiễm, hơn 21.000 người tử vong và hơn 3 tỷ người bị cách ly tại nhà để ngăn virus lây lan. Các chuyên gia nhận định hậu quả của Covid-19 với nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ lớn hơn khủng hoảng năm 2008.

Giới chuyên gia cho rằng, thế giới hiện nay rất khác so với năm 2008 và các quốc gia đang phải đối mặt với một cú sốc lớn. Tiềm lực kinh tế vĩ mô hạn chế là rất đáng lo ngại, nhưng mối quan ngại lớn nhất có lẽ là sự suy giảm trong hợp tác quốc tế. Việc đẩy lùi Covid-19 chỉ có thể đạt được thành công khi hầu hết các quốc gia đều phải khống chế được đại dịch này. Đơn cử nếu Đức có thể chiến thắng Covid-19, nhưng nếu Italy không thể, thì dịch bệnh này cũng sẽ sớm quay lại. Do đó, hợp tác toàn cầu là rất quan trọng. Đó cũng là lý do mà G20 ra đời. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng hiện là thời điểm các nhà lãnh đạo của tổ chức này đứng lên để cùng đối phó với thách thức.

Về phần mình, từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo G20 nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch Covid-19. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của G20 trên cương vị chủ tịch ASEAN 2020 nhằm khẳng định trách nhiệm, đóng góp của ASEAN và Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong chống dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán từ cuối tháng 12/2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới triển khai ngay các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để kiểm soát được dịch bệnh xâm nhập.

Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman chủ trì hội nghị khẩn cấp trực tuyến G20 ngày 26.3    Ảnh Internet

Việt Nam kiên trì mục tiêu kép

G20 họp thượng đỉnh năm nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát nhanh trên toàn cầu, tác động sâu sắc và nhiều mặt đến kinh tế thế giới, cũng như sự ổn định, phát triển của nhiều quốc gia. Trước đây, năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến Nhật Bản dự Thượng đỉnh G20 lần thứ 14, với tư cách là một trong 8 khách mời của nước chủ nhà. Năm nay, Việt Nam tham gia với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Tại Hội nghi, các nhà lãnh đạo đã cam kết sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các biện pháp kinh tế để giảm thiểu các tác động của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị nhất trí phối hợp giảm thiểu các tác động của dịch Covid-19 đối với thương mại quốc tế, bảo đảm sự vận hành của các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung G20 về ứng phó dịch Covid-19, trong đó thể hiện quyết tâm chính trị, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong phòng chống dịch Covid-19, cũng như thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, bao trùm. Chia sẻ với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đoàn kết, hợp tác, phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống đại dịch; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng khẳng định Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã và đang cùng các nước ASEAN đề cao tinh thần Cộng đồng "gắn kết và chủ động thích ứng" thực hiện mạnh mẽ các biện pháp, phối hợp hành động chống Covid-19, đồng thời hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhiều nước G20 và các đối tác khác.

Từ thực tiễn kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó với dịch Covid-19 như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, tham gia vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20… Sự tham dự và chia sẻ những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thúc đẩy hợp tác của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị G20 đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch Covid-19.

 

G20 sẽ “bơm” 5 nghìn tỉ USD

Các lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn cam kết "một mặt trận thống nhất" trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và sẽ bơm 5 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các lãnh đạo G20 khác đã tham gia hội nghị khẩn cấp trực tuyến năm nay đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ bơm hơn 5 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Đây là một phần trong chính sách tài khóa và biện pháp kinh tế nhằm ứng phó các tác động về xã hội, kinh tế và tài chính từ đại dịch Covid-19".

Tuyên bố của lãnh đạo G20 nhấn mạnh: “Chống lại đại dịch Covid-19 đòi hỏi biện pháp ứng phó phối hợp trên toàn cầu, minh bạch, mạnh mẽ, quy mô lớn và dựa trên cơ sở khoa học với tinh thần đoàn kết. Chúng tôi cam kết một mặt trận thống nhất chống lại mối đe dọa chung này, thực hiện các biện pháp bao gồm chia sẻ nghiên cứu và dữ liệu, củng cố hệ thống y tế và mở rộng năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu về vật tư y tế”. Các lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các ngân hàng khu vực để triển khai gói tài chính hỗ trợ những quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, Tuyên bố G20 đã không đưa ra bất kỳ biện pháp mới hoặc cụ thể nào, nhưng Hội nghị cho biết các nhà lãnh đạo đã sẵn sàng "phản ứng kịp thời và thực hiện bất kỳ hành động nào khác có thể được yêu cầu." Bên cạnh những tuyên bố đã đưa ra, Hội nghị G20 cũng lưu ý đến những tranh chấp kéo dài trên toàn cầu có thể ngăn chặn phối hợp tập thể hiệu quả để chống lại virus corona. Thực tế ai cũng biết là hai nền kinh tế lớn nhất trong nhóm, Mỹ và Trung Quốc, đã bị mắc kẹt trong một trò chơi đổ lỗi về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng. Trước hôm Hội nghị khai mạc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị đưa cụm từ "Virus Vũ Hán" vào một tuyên bố chung với Nhóm G7 trong một cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao của nhóm này. Các nước cuối cùng đã từ chối, vì lo ngại sẽ dẫn đến các phản tuyên bố và phân liệt trong nhóm.

 

Lãnh đạo Trung – Mỹ điện đàm

Ngày 27/3/2020, sau khi Hội nghị G20 kết thúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc điện đàm. Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm này, ông Tập nói rằng, ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ có hành động thực chất để cải thiện quan hệ song phương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị giúp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chống dịch Covid-19. Ông Tập cũng nói với ông Trump rằng hợp tác giữa hai nước là lựa chọn chính xác và duy nhất, và Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc đối phó với Covid-19, theo thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố. Trong cuộc điện đàm, ông Tập đã nhắc lại với ông Trump rằng Trung Quốc đã công khai và minh bạch về dịch bệnh.

Về phía Mỹ, ông Trump đã thông báo trên Twitter rằng ông đã thảo luận “rất chi tiết” với ông Tập về dịch bệnh Covid-19. Ông Trump viết: “Trung Quốc đã trải qua vấn đề này và có nhiều hiểu biết về loại virus này… Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau. Rất trân trọng!” Theo đài CRI của Trung Quốc, ông Tập “mong Mỹ áp dụng biện pháp thiết thực và hiệu quả, bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của công dân Trung Quốc trong đó có lưu học sinh tại Mỹ”. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, hiện nay, quan hệ Trung-Mỹ đang ở vào thời điểm quan trọng. “Mong Mỹ áp dụng hành động thực chất trong việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ, hai bên cùng nỗ lực, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống dịch, phát triển quan hệ không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, cùng thắng”, CRI trích lời ông Tập nói trong cuộc điện đàm với ông Trump.

Quá tập trung vào mục tiêu tái đắc cử, Tổng thống Hoa Kỳ giờ đây đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát đại dịch trên đất nước mình. Bốn tuần trước, ông Trump còn ngập tràn tự tin, rằng con virus đang khiến cả thế giới lao đao kia chẳng thể làm Hoa Kỳ suy suyển. Đến hôm nay, ta biết dự đoán ấy đã sai. Cuối tuần qua, có ba con số đã đánh sập sự bình tĩnh của Trump. Một: Mỹ đã chính thức vượt mặt Trung Quốc lên dẫn đầu bảng xếp hạng những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hoa Kỳ đang có số ca nhiễm nhiều nhất, với hơn 1.300 người chết. Bây giờ, New York đã buộc phải dựng lên những nhà xác dã chiến. Hai: Thông số chính thức từ chính phủ: đã có 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong tuần trước. Đây là một kỷ lục mới trong lịch sử Hoa Kỳ, gấp năm lần kỷ lục cũ, khi lệnh phong tỏa khiến các hoạt động kinh tế phải đình lại. Ba: Tại New York, một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới, lực lượng khẩn cấp thành phố mỗi ngày phải nhận số cuộc gọi y tế nhiều hơn cả sự kiện 11/9. Mặt khác là cơn lũ của những tin dữ đang ập đến khi dịch bệnh tràn qua những thành phố của Hoa Kỳ. Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York cảnh báo: “Chúng ta đang nhìn vào một con tàu cao tốc. Bởi vì con số vừa kịp nhìn thấy đã thay đổi mất rồi”./.

 


Có thể bạn quan tâm