April 26, 2024, 1:53 am

Friedrich Dürrenmatt: Một tên tuổi lớn trên văn đàn và sân khấu Thụy Sĩ

Đúng như nhà nghiên cứu văn học Rudoil Käser đã nhận định trong công trình “Lịch sử bốn nền văn học Thụy Sĩ”, giữa những năm 50 của thế kỷ trước, có hai tác giả của văn học Thụy Sĩ viết bằng tiếng Đức đạt tới uy tín văn học ở tầm cỡ thế giới; đó là Max Frisch (1911-1991) và Friedrich Dürenmatt (1921-1990).

Nếu tên tuổi của Frisch gắn liền với tiểu thuyết Con người thầm lặng (1954) thì Dürenmatt được đánh giá cao bởi hài kịch Cuộc thăm viếng của mệnh phụ già (1956). Sự xuất hiện đồng thời của hai tác giả không giống nhau này tiếp tục được ghi nhận bởi các tác phẩm sân khấu: Andorra (Frisch, 1961) và Các nhà vật lý (Dürenmatt, 1962). Bàn về ý nghĩa đặc biệt của hai ông đối với một giai đoạn lịch sử văn học của đất nước, Elsbeth Prilrer - nhà biên soạn lịch sử văn học nổi tiếng của Thụy Sĩ- từng viết: “Nhớ lại không khí tư tưởng của một thời đại, người ta đánh giá những người biệt lập tiêu biểu, là những người thách thức - những người mà người ta phải giận dữ hay là kính trọng, khâm phục hay là chống lại”.

Friedrich Dürenmatt (1921-1990)

Ít hơn Frisch 10 tuổi, nhưng lại mất sớm hơn một năm, F.Dürenmatt đạt tới một vị trí lẫy lừng không kém Frisch. Ra đời tại Kouolfingen, trong một gia đình mục sư Tân giáo, ông từng theo học thần học, triết học và văn học Đức tại trường Đại học Tổng hợp Zürich (1941). Ông đã làm nghề họa trước khi chuyển sang viết văn chuyên nghiệp (viết kịch, truyện và luận văn). Trước hết, Dürenmatt nổi tiếng với những vở kịch cho sân khấu và đài truyền thanh, tiếp đó viết kịch bản và làm đạo diễn điện ảnh nổi tiếng ở các nước tư bản. Theo ông, hài kịch là hình thức sân khấu duy nhất để thể hiện cái bi trong thời đại nguyên tử. Ông thường lựa chọn các tình huống cực đoan, hình thức biểu hiện chủ nghĩa, để phản ánh một cách hài hước, kệch cỡm, mỉa mai và hoài nghi xã hội tư bản. Đa số nhân vật của ông không tin vào tương lai con người, có khuynh hướng vô chính phủ. Tác phẩm Cuộc thăm viếng của mệnh phụ già đã được dịch, xuất bản và trình diễn ở nước ta, là một bi hài kịch nói về một nữ triệu phú về làng cũ nghèo khó ở Thụy Sĩ, lấy tiền làm lung lạc cả đạo lý, sai giết người tình xưa phụ mình.

Frank V. Ca kịch của một ngân hàng tư (1960) là tác phẩm kịch phản ánh một xã hội trong đó kẻ cướp và người lương thiện lẫn lộn. Các nhà vật lý (1961) đề cập vấn đề cải tạo thế giới và trách nhiệm cá nhân của mỗi con người.

Về nhiệm vụ sân khấu của mình, Dürenmatt nhận thấy rằng cần xuất phát từ một câu chuyện đã được nghĩ tới tận cùng khi nó chuyển sang “bước ngoặt đầy kịch tính nhất”. Câu trích dẫn này hàm chứa trong thi pháp “Hài kịch” của Dürenmatt: một câu chuyện- một mảng của hiện thực đã thể hiện - được đem ra phân tích, xé lẻ ra thành các yếu tố và các cấu trúc gắn liền nhau, và từ các thành tố đó lại kết hợp lại, thông qua sự tưởng tượng một cách lô-gích. Kết quả là sự miêu tả nghệ thuật một thế giới có thể có. Dị bản “đầy kịch tính sẽ được chọn lựa nhằm giúp khán giả bừng tỉnh dậy thông qua sự kích thích thẩm mỹ của lôgích mang tính nghịch lý- và thoát khỏi sự biếng lười trong suy nghĩ tự nhiên, thoát khỏi nỗi hãi hùng trước ngày tận thế do lực ỳ tự nhiên tiềm ẩn trong lương tâm”. Ý nghĩa của quá trình này đều nằm trong khuôn khổ nội dung nhân chủng học của Dürenmatt. Dürenmatt  coi thực tế vật thể và xã hội thật ra chỉ là một trong nhiều khả năng khó tin mà tình cờ lại hiện thực, có thể xác định và không thể đổi thay, hướng con người tới chỗ suy nghĩ tự do: trong bất kỳ khoảnh khắc nào cũng có khả năng tham gia hay không. Như vậy, tự do trở thành nhiệm vụ cho mỗi người riêng lẻ là có thể hành động được hay không trong cái thực tại của sự rắc rối khó lường nổi. Sự diễn đạt hàm súc nhất về nhân chủng học bằng văn chương đã được Dürenmatt thể hiện trong một bài thơ sau này của ông qua các hình ảnh Quái vật nửa người nửa bò, Một bản tục dao khúc (1985), thế nhưng, sự hiện diện của nó đã có từ trong tập văn xuôi nổi tiếng nhất của ông: Đường hầm (1952). Người ta có thể gọi đó là giáo thuyết Can-vanh* đã thế tục hóa.

Đại đế Romulus (1949) là vở hài kịch đầu tiên của Dürenmatt nằm trong nội dung này. Vị hoàng đế cuối cùng của La Mã có ý định rõ ràng là đóng giả một người chăn nuôi gà dở điên dở khùng để giải trừ quân bị vì mục đích hòa bình, tránh cho hoàng gia La Mã khỏi cảnh giành giật chính quyền đầy máu lửa. Kế hoạch của ông bị đổ vỡ, vì địch thủ của ông, nhà vua xứ Goten là Odoaker, trái với suy đoán, cũng theo đuổi mục đích ấy, song, vì dân tộc ông vốn hung bạo nên chỉ chịu khuất phục một khi bị quân La Mã đánh tơi bời. Việc xây dựng các nghịch cảnh như những thắt nút, đẩy lên tận đỉnh điểm, là đặc trưng kịch trường của Dürenmatt, đã đem lại cho ông những thành công xuất sắc: Cuộc thăm viếng của mệnh phụ già, Các nhà vật lý Khí tượng.

Dürenmatt cũng khá nổi tiếng bởi các tiểu thuyết nhiều lần dựng thành phim: Vị thẩm phán và tên đao phủ, Nỗi nghi kỵ, Lời hứa và Pháp lý. Dürenmatt làm phong phú thể loại này không chỉ bằng cách dựng lên nhân vật thanh tra Bärlach giống như viên đội cảnh sát Studer của Glauser mà trước hết là bằng hình thức kể chuyện, phân tích sâu sắc mối quan hệ của tội ác và trừng phạt trong một thế giới về căn bản là mất hết đạo lý. Ông còn nổi tiếng bởi các tác phẩm: Romulus đại nhân (1950), Nỗi nghi hoặc (1951), Đường hầm (1952), Cuộc hôn nhân của ngài Missisippi (1952), Nàng tiên đến Babylon (1958); Lời hứa hẹn (1958), Vua Johann (1968), Lật đổ (1971), Pháp lý (1985); Ủy nhiệm (1986)… Sự nghiệp sáng tạo của ông còn được đánh giá cao với tư cách tác giả của nhiều luận văn sắc sảo về sân khấu, văn học và chính trị.

Thất bại của vở hài kịch Kẻ tòng phạm (1973) rơi đúng vào lúc Dürenmatt gặp khủng hoảng nặng nề về sức khỏe, buộc ông suy nghĩ lại về vị trí của con người trong diễn biến thế giới vũ trụ đầy hỗn loạn về những khả năng của nghệ thuật phát sinh từ đó. Bằng chứng hùng hồn của sự nhìn nhận lại này là việc sáng tác vở kịch theo kết cấu nhiều tầng nhiều lớp: Kè tòng phạm. Một phức hợp (1976). Cốt lõi của nó rút từ truyện ngắn Cái chết của Pythia. Đây là một thí nghiệm lấy chất liệu Ödipus-cơ sở của mọi bi kịch - đưa vào chất hài, vào cái ngẫu nhiên không tính được trước. Cái tổng thể trong tác phẩm báo hiệu rằng: những vấn đề trung tâm của tư duy Dürenmatt không thể diễn đạt một cách đầy đủ được nữa, tức là không còn ở hình thức dễ tiếp nhận, từng đem lại những thành công như trước.

Tiếp theo, Dürenmatt thử sức mình với những hình thức sân khấu cấp tiến hơn bao giờ hết, thế nhưng ông cũng đồng thời theo đuổi một dự án văn xuôi đồ sộ. Kết quả của sự nỗ lực này là bốn bản thảo Achterlô (1983-1989): một phần của sân khấu thế giới - trò chơi trị liệu trong một nhà điên. Mỗi diễn viên xuất hiện ở ba dạng: là vai diễn, là mặt nạ và là nhân vật điên loạn, vấn đề được đặt ra là mối quan hệ của các dạng này. Trong cả tập văn xuôi Chất liệu I-III (1981) và Chất liệu IV-IX (1990), Dürenmatt viết lịch sử về các chất liệu của ông, trước hết là các chất liệu còn để ngỏ, đang bị lãng quên: “Tôi phác thảo và dò dẫm theo sự phát triển của tư tưởng, cứ thế, như lần theo một sợi dây vô hình, một dấu vết còn lưu lạc, để rồi khi đúc kết lại thì tôi chợt nhận ra: đó chính là cuộc đời mình”. Cái mạch sáng tạo này dường như bị đứt đoạn ở tập II, khi ông viết về một chất liệu sẽ không bao giờ có thể thành công bởi sự chế ngự bằng nghệ thuật, đó là sự tồn tại thực tế trong các trại giết người, chẳng hạn ở Ausschwitz và ở Birkenau. Đây là tập văn xuôi cuối cùng của Dürenmatt, một tác phẩm ưu tú về thể hiện ngôn ngữ và tư tưởng bằng hình ảnh và công thức, trên bước đi giữa ranh giới của tư duy và biểu hiện.

______

* Từ tên của một nhà cải cách người Thụy Sĩ: Johann Calvin (1509-1564).

Nguồn Văn nghệ số 24/2020


Có thể bạn quan tâm