April 25, 2024, 12:31 pm

Festival quốc tế Âm nhạc Á - Âu 2018 : Nỗ lực đưa khí nhạc Việt Nam ra thế giới

Sau thành công của Festival quốc tế Âm nhạc Á-Âu mùa thứ nhất, thứ hai lần lượt vào các năm 2014 và 2016, đều đặn 2 năm một lần, tháng 11 năm nay là mùa thứ 3, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã nỗ lực để bắc cho được nhịp cầu nối với quốc tế trong lĩnh vực khí nhạc, đưa nền khí nhạc Việt Nam đến gần hơn với âm nhạc thế giới.

 

Đàn bầu được tôn vinh tại Festival quốc tế Âm nhạc Á-Âu 2016. Ảnh Internet

Đại tiệc âm nhạc “chất lượng cao”

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một số liệu thống kê chính xác về lượng khán giả trực tiếp, hay gián tiếp theo dõi Festival quốc tế Âm nhạc Á-Âu của hai mùa tổ chức trước, nhưng ở mùa thứ ba, sự háo hức là điều có thể nhận thấy rất rõ trong đời sống âm nhạc hiện nay. Lý do nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam đưa ra, là do nền khí nhạc của Việt Nam phát triển chậm hơn so với thế giới, và đây cũng là lần đầu tiên những bản khí nhạc hoàn toàn mới của Việt Nam được bước ra khỏi “ao làng” đến với bạn bè thế giới, nên không chỉ được giới nghệ sĩ quan tâm mà cả những người vốn hiểu biết về khí nhạc cũng rất háo hức chờ đợi.

Festival bao gồm 5 chương trình hòa nhạc chính với nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau: giao hưởng, thính phòng, hợp xướng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây… Ngoài ra còn có một số chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc, nghi lễ âm nhạc cổ truyền Việt Nam và các hoạt động khác. Lễ khai mạc và Chương trình hòa nhạc giao hưởng: 19 giờ 30 ngày 24/11/2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được chia làm 2 phần gồm 11 tác phẩm của các nhà soạn nhạc Nga, Đức, Trung Quốc, Philippines, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Litva, Thụy Sĩ và Việt Nam, do Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trình tấu, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản) và nhạc trưởng Zoe Zeniodi (Hy Lạp).

Với tư cách là chủ nhà. Hội nhạc sỹ Việt Nam đã xây dựng kịch bản khá chi tiết cho Festival quốc tế Âm nhạc Á-Âu mùa thứ ba bằng các tác phẩm hết sức phong phú, phù hợp với sân chơi âm nhạc đẳng cấp quốc tế… Sự đan xem giữa các tác phẩm truyền thống tiêu biểu của mỗi quốc gia sẽ đem đến cho Festival thêm màu sắc âm nhạc sinh động và thú vị. Festival quốc tế Âm nhạc mới Á-Âu có sự tham gia của các các nhà soạn nhạc nổi tiếng quốc tế đến từ Australia, Thụy Sĩ, Philippines, Đức, Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaijan, Hà Lan, Litsva…

Khác với hình ảnh sôi động và phá cách của dòng nhạc trẻ, hay trào lưu Vpop đầy màu sắc hiện đang thống lĩnh thị trường âm nhạc hiện nay, dòng nhạc hàn lâm đã và đang cho thấy nó vẫn có một vị trí rất riêng trong lòng công chúng yêu nhạc. Và giống như một dòng chảy âm ỉ, huyền diệu, dòng nhạc này đã và đang cộng hưởng các nền văn hoá của mọi quốc gia trên thế giới. Trong mỗi chương trình diễn ra tại Festival quốc tế Âm nhạc mới Á-Âu, người nghe có thể cùng lúc thụ hưởng âm nhạc mà không cần phân biệt đó là người Việt Nam, Mỹ, Anh hay Nhật chỉ bằng ngôn ngữ âm nhạc, không cần lời dịch, và cũng có thể cùng hát lên giai điệu vang dội của bản hùng ca hướng tới niềm vui. Chính vì vậy, Bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam đã không ngần ngại khẳng định, sự tin tưởng với truyền thống mến khách, yêu âm nhạc của công chúng Việt Nam, với tài năng và nghệ thuật của các nghệ sĩ, sự kiện âm nhạc quan trọng lần này sẽ thành công tốt đẹp. Chúc cho âm nhạc mãi mãi là nhịp cầu nối giá trị giữa các dân tộc và nối các trái tim gần thêm với trái tim”.

 

Và sự hội ngộ của những huyền thoại âm nhạc toàn cầu

Bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn nhất đã được chuẩn bị chu đáo. Tất cả các tác phẩm đã được Hội đồng thẩm định, có nội dung và chất lượng rất tốt. Để có được 5 chương trình hòa nhạc chính thức của Festival, Ban tổ chức đã lựa chọn từ gần 200 tác phẩm của các nhà soạn nhạc từ nhiều quốc gia gửi đến. Tiêu chí của Festival là các tác phẩm mới sáng tác trong những năm gần đây, có tính mới lạ, tính dân tộc, từ thể loại giao hưởng, thính phòng, độc tấu, các tác phẩm giao hưởng cho dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc châu Á… từ đó xây dựng được 2 chương trình hòa nhạc giao hưởng Khai mạc và Bế mạc; các chương trình hòa nhạc Thính phòng cũng rất độc đáo khi có những tác phẩm được Dàn nhạc Thính phòng quốc tế biểu diễn kết hợp với đàn bầu của Việt Nam… sẽ mang đến cho khán giả nhiều tiết mục phong phú và hấp dẫn.

Nếu như năm 2014, Festival quốc tế Âm nhạc mới Á-Âu lần thứ nhất là một sự kiện âm nhạc lớn, đưa khí nhạc chuyên nghiệp Việt Nam đến với diễn đàn âm nhạc quốc tế, và ngược lại, đưa tác phẩm khí nhạc thế giới vào đời sống âm nhạc trong nước, thì bước sang năm 2016, Festival Âm nhạc mới Á-Âu được tổ chức lần thứ hai, lại chính là cuộc gặp gỡ của những huyền thoại âm nhạc khi ban tổ chức đã khéo léo kết hợp với Hội nghị Liên đoàn các nhà soạn nhạc châu Á (ACL), trong đó có cuộc thi các nhà soạn nhạc trẻ châu Á và các cuộc tọa đàm về âm nhạc giữa giới nhạc chuyên nghiệp. Năm 2018, với chủ đề “Nhịp cầu âm thanh Á-Âu”, so với lần trước 2016, thì số lượng buổi hòa nhạc và thời gian có giảm đi về số lượng (5 ngày với 5 chương trình hòa nhạc chính thức, so với năm 2016 là 7 ngày và 11 chương trình), nhưng lại tăng về lực lượng biểu diễn. Ví dụ về nhạc trưởng thì có nhiều nhạc trưởng ngoại quốc nổi tiếng quốc tế tham gia, ngoài nhạc trưởng Hona Tetsuji (Nhật Bản) còn có nữ nhạc trưởng - ngôi sao Zoe Zeniodi (Hy Lạp) - Giám đốc nghệ thuật và âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Broward (Florida, Mỹ) và nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng Trẻ “Moysa” (Hy Lạp); còn có nhạc trưởng Olivier Ochanine (Pháp) là nhạc trưởng, giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (Sun Symphony Orchestra); nữ nhạc trưởng Anna Gulishambarova (Tatarstan) là giám đốc, nhạc trưởng Dàn nhạc thính phòng “New Music” Tatarstan. Trong nước phải kể đến nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, Phạm Ngọc Khôi, Đỗ Kiên Cường… Ngoài ra Ban tổ chức cũng cho biết hiện đã có trên 200 nhạc sĩ, ca sĩ và nhạc công của trên 30 quốc gia trên thế giới tham dự, như: Anh, Australia, Azerbaijan, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Canada, Croatia, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hy Lạp, Israel, Italia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Litva, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Singapore, Tatarstan, Tây Ban Nha, Thailand, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Uzbekistan và Việt Nam. Đây được cho là lực lượng tương đối hùng hậu, đại diễn cho dòng âm nhạc đỉnh cao của các quốc gia sẽ có mặt tại Việt Nam trong liên hoan âm nhạc quốc tế lần này, và đây cũng chính là lý do để công chúng yêu nghệ thuật có quyền hy vọng sẽ được thưởng thức những tác phẩm đỉnh cao, tinh hoa của âm nhạc thế giới.

Phát biểu tại buổi họp báo diễn ra ngày 2/11, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, Festival lần này không chỉ là hoạt động tiếp nối sự thành công của hai kỳ liên hoan âm nhạc trước đó mà còn là diễn đàn nghệ thuật để chúng ta tiếp tục khẳng định thành tựu của nền nhạc mới Việt Nam, giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạc khí (thính phòng, Giao hưởng). Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ nước ngoài hiểu biết hơn về đất nước và con người Việt Nam, về văn hóa và truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa giới nhạc chuyên nghiệp Việt Nam với đồng nghiệp thế giới.

Nguồn Văn nghệ số 46/2018

 


Có thể bạn quan tâm