April 23, 2024, 7:07 pm

Nhân ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6: Trẻ em nước mình đang ở đâu?

 

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, chúng ta thử mạnh dạn nhìn lại trẻ em nước mình bây giờ ra sao, các cháu “đang ở đâu” trên Tổ quốc yêu dấu này.

Những gì gia đình, nhà trường và xã hội đang dành cho trẻ em đã tương xứng với mong muốn của bao lớp người đi trước, của chúng ta bây giờ và đúng với thực trạng, nhu cầu của lớp măng non đất nước hay chưa? Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên ở châu Á và trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em năm 1990.

Sòng phẳng mà nói thì những gì phần đông trẻ em Việt Nam được hưởng trong cuộc sống bây giờ, thì các thế hệ trước đây chưa bao giờ có được. Đấy chính là một phần giấc mơ đẹp đẽ của quá khứ đã thành hiện thực. Việt Nam, một đất nước vốn nghèo nàn, lại bị chiến tranh hủy hoại bao phen, còn thêm thiên tai tàn phá nữa… mà trẻ em đã được quan tâm chăm sóc như hiện nay là điều rất đáng mừng. Trong hơn 26 triệu trẻ em nước ta hiện nay, hầu hết đã được tung tăng đến trường; từ tiểu học tới trung học cơ sở và được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Chẳng so sánh đâu xa, nhìn các cháu bây giờ phần lớn hồng hào cân đối, nghĩ lại lớp người như chúng tôi vốn đói ăn thiếu mặc xanh xao, gầy gò… thấy đã khác nhau xa lắm. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là cái nhìn tổng thể, bao quát và bề ngoài.

Thực chất cuộc sống của trẻ em hiện nay ra sao ta nên bình tĩnh đi vào chiều sâu của nó để đánh giá một cách trung thực và đầy đủ. Có lẽ, đừng quá tin vào những con số báo cáo đẹp đẽ và cũng nên chịu khó xuyên qua “mặt tiền” sáng sủa để biết được những ngóc ngách bên trong của ngôi nhà ấy, xem nó còn có góc khuất tăm tối nào nữa?

Những gì làm cho trẻ em phải đích thực nhất, tốt đẹp nhất, bền vững nhất, thể hiện rõ ràng và đầy đủ tầm cao tính nhân văn của xã hội. Một xã hội bị coi là xấu xí, tàn nhẫn khi không đặt trẻ em vào trung tâm của sự chăm sóc, phát triển thường xuyên và lâu dài. Định hướng an sinh xã hội gắn liền với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em sao cho Tổ quốc, quê hương, nhà trường, gia đình là “tổ ấm” của các cháu. Trẻ em được hạnh phúc, trước hết phải được bình yên sau đó là ăn no, ăn ngon, mặc ấm, mặc đẹp, được học hành và vui chơi trong yêu thương trìu mến của mọi người…

Với mong mỏi ấy, chúng ta chắc chẳng yên lòng khi biết hiện nay 1/5 trẻ em Việt Nam đang chưa được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu chủ yếu. Những khác biệt ngày càng gia tăng trong đời sống của trẻ em bởi các tác động tiêu cực từ các yếu tố vùng miền, thành thị, nông thôn, giới tính, dân tộc, sức khỏe… và cả sự biến đổi khí hậu nữa.

Theo số liệu từ UNICEF tại Việt Nam, thì ở nước ta có khoảng 5,5 triệu trẻ em bị thiếu thốn ít nhất là một trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường hoặc hòa nhập xã hội. Với những gia đình nghèo thì việc lo cho con cái có cái ăn, cái mặc luôn là việc khó, thì nói gì đến chuyện học hành, vui chơi của trẻ em? Tôi đã từng thấy những đứa trẻ áo mặc phong phanh trong mùa đông hun hút gió ở những nẻo đường cheo leo trên vùng cao phía bắc; những lớp học không đủ ấm; những bữa ăn thiếu thịt của học trò vùng sâu, vùng xa; những thư viện thiếu sách; những đô thị thiếu sân chơi cho trẻ nhỏ… Xót xa hơn, khi chúng ta được nghe, được thấy cảnh trẻ em bị bạo hành, đánh đập, xâm hại, ngược đãi… đó đây trên đất nước này. Đây nữa, những thông tin, những con số làm chúng ta lo lắng: nhiều trẻ em vẫn không có được sự khởi đầu tốt nhất và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng; có khoảng 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn; hiện nay có hơn 170 nghìn trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều em sống bần cùng hoặc bị bỏ rơi… (Nguồn dẫn từ UNICEF Việt Nam).

Mỗi hành vi làm tổn thương thể xác và tinh thần trẻ em là một vết thương của xã hội, là một khiếm khuyết mà cộng đồng cần phải soi chiếu, sửa chữa. Hơn thế nữa, người lớn cần biết sám hối khi trẻ em còn cơ cực, đau khổ. Hãy mang lại những điều tốt lành cho trẻ em từ những cái bé nhỏ nhất. Không phải bây giờ chúng ta mới nói tới điều đó.

Ngày 21/9/1941 trên báo Việt Nam độc lập (số 106) Hồ Chí Minh đã có bài thơ viết về trẻ em rất xúc động: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan/ Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cùng như người già!.. Ước mơ của Bác Hồ là sau khi đánh đuổi được giặc ngoại xâm thì Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng. Làm sao để trẻ em Việt Nam được thực sự là bầy con cưng của đất nước này như khát khao cháy bỏng của Bác Hồ? Tôi nghĩ rằng, không thể nào khác, mỗi gia đình, nhà trường và xã hội phải hết sức chăm lo đến trẻ em. Chăm lo cho thế hệ trẻ là chăm lo cho hiện tại và tương lai. Sự chăm lo đó không còn là những lời nói chung chung nữa mà nó phải được luật hóa, thể chế hóa, quy định hóa, chương trình hóa, kế hoạch hóa…Nó phải trở thành những điều bắt buộc xã hội người lớn phải làm, cần làm một cách tự giác nhất. Nó phải biến thành cuộc sống thường ngày của trẻ em, từ cái ăn cái mặc đến chuyện học hành, vui chơi. Phải dừng ngay những công trình chưa cần thiết để đất nước được mọc thêm nhiều ngôi trường khang trang, nhiều công viên, khu vui chơi tươi đẹp cho trẻ em.

Mỗi gia đình phải là một tổ ấm, là nơi hân hoan, chan hòa thương yêu. Mỗi mái trường là nơi tràn ngập niềm vui của các cháu. Đi học không còn là gánh nặng của học trò. Những bài học trong sách giáo khoa sẽ lưu giữ lâu bền trong ký ức tuổi thơ… Muốn vậy, rất cần giảm tải chương trình phổ thông. Giáo dục nên hướng tới điều này, với trẻ em học để biết nhưng không phải đánh mất tuổi thơ. Tuổi thơ là tài sản vô cùng quý báu của trẻ em, đừng để gánh nặng học hành oằn trên đôi vai của con em chúng ta. Đừng để sự quá tải trong học tập làm cho trẻ em không có thời gian vui chơi, đùa giỡn, đọc sách… Cần có cánh diều bay liệng giữa bầu trời lộng gió cho những đôi mắt trẻ trong veo, có cây xanh rì rào cho trẻ em hình dung ra tiếng bốn mùa đi qua, có công viên cho tuổi ngây thơ hình dung được những bước đi của bầy khủng long thời xa lắc, có những trang sách hay để các cháu được tung tăng trong đó.

Hội Nhà văn Việt Nam đang rất quan tâm đến văn học thiếu nhi. Những công việc cụ thể đang hướng tới điều đó. Hy vọng nhiều tác phẩm dành cho tuổi nhỏ sẽ ra đời và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của các cháu bây giờ như thế hệ chúng tôi từng yêu thích Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi... Tuy nhiên, các nhà văn, nhà thơ nên nhớ rằng trẻ em hiện nay đang sống trong thời 4.0, hiểu biết và tư duy của các cháu không hoàn toàn giống như thời con nít của chúng ta. Những bài thơ gọi là viết cho thiếu nhi thừa ngây ngô hay giả bộ ngây thơ như ta đang thấy nhan nhản trên nhiều trang báo, tạp chí chắc chắn sẽ vô cùng xa lạ với bạn đọc nhỏ tuổi.

Thế giới trẻ thơ hiện đại là thế giới của sự liên tưởng nhiều màu sắc, hình ảnh, âm thanh mới lạ. Đấy là thế giới của những biến hóa khôn lường và đầy sức mạnh phi thường hấp dẫn. Cũng là cuộc sống đong đầy muôn vàn yêu thương, tinh tế đầy tính tự do và sáng tạo. Ngụ ngôn của thời cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không thể vắng bóng siêu nhân, người máy. Không thể viết hay cho trẻ em khi không yêu các cháu hết lòng và luôn thấu hiểu các bạn ấy. Mùa hè ngồi bên lũ trẻ/ Nối dây cho diều lên cao/ Mùa hè bay lên thật dễ/ Với cùng tiếng sáo xôn xao…

Vâng, chắc người cầm bút nào cũng đều có hạnh phúc trong sáng ấy bởi chúng ta biết rằng góp một cái gì đó dù là nhỏ nhoi nhất cho tuổi thơ đều đáng trân trọng cả. Trẻ em được bình yên và hạnh phúc ngay trong ngôi nhà mình đang ở, trong mái trường mình đang học và trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu… là ước vọng và hành động tốt đẹp không của riêng ai.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý 

 


Có thể bạn quan tâm