April 19, 2024, 6:11 am

Rừng ma. Truyện ngắn của Phan Mai Hương

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
 

1.

Tên khai sinh của gã bị lãng quên từ lâu. Gã sinh ra và lớn lên ở bản nhỏ bên phía tây chân núi Cụt Ngọn, là ngọn núi quanh năm phủ đầy mây. Gã bỏ bản nhỏ gia nhập với thế giới bên ngoài từ khi nào thì chính gã cũng không nhớ nữa. Thi thoảng, nếu có về bản thì mọi người đều lầm tưởng gã là người thành thị.

Với bộ quần áo bộ đội rung rúc, giầy lính đặc công dận dưới chân, mũ cối đội đầu, trong tay là con dao găm sắc lẹm, gã đi xuyên cắt mọi cánh rừng. Bạn bè gọi theo bí danh của gã là Mũ Cối, bởi vì trong các cuộc tranh giành hơn thua, mũ cối được gã sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại.

Gã đích thị lông bông. Nghề của gã là xuyên rừng truy tìm cây cổ thụ quý như đinh, lim, sến, táu, trai, nghiến; cỡ tầm tầm là gù hương, dáng hương, vàng tâm, dổi, dẻ; xoàng nhất cũng xoan đỏ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nghề của gã, nói không tiền thì thật cứ bóc trần gã ra chẳng tìm thấy đồng tiền nào. Gã tìm và đánh dấu các cây gỗ quý đã đến tuổi, sau đó bán thông tin cho Trùm Gỗ, và gã chưa gặp mặt ông Trùm bao giờ, chỉ gặp đám thủ hạ mà thôi.

Nghề của gã nếu có tiền thì rất nhiều, lắm khi bó tiền to bằng cục gạch. Khi cây gỗ được xẻ tấm bán cho đầu nậu, số tiền thưởng sẽ trở lại túi gã, nhiều ít tùy lợi nhuận ông Trùm thu được. Gã nhận tiền không đếm, không cần biết trong túi có bao nhiêu tiền. Gã tiêu tiền vô chừng, lê la chiếu bạc mấy ngày đến khi cháy túi.

Hàng tháng nay, gã lang thang khắp các vạt rừng bên sườn Tây Cô Tiên, ngửa cổ mỏi mắt mà chỉ thấy vài cây gốc bạnh to lọt người, nhưng là cái thứ gỗ sộp như giấy, chả dùng được việc gì. Giờ tìm gỗ quý nhóm A kỳ công như ngậm ngải tìm trầm. Ngờ đâu, khi mặt trời đứng đỉnh đầu thì gã lạc bước sang sườn phía Đông Cô Tiên, gọi là núi Cô Tiên vì dãy núi mây phủ quanh năm có hình dáng cô gái xinh đẹp nằm duỗi chân như bay trong mây.

Hàng chục cây gỗ quý cổ thụ gốc bành ra cái bạnh lớn, trải đều một vạt trên sườn núi, những nùi rễ bò ngoằn ngoèo trên đá như những con rắn lớn, tán lá xanh tươi tỏa lên bầu trời. Có lẽ xưa kia bàn tay tạo hóa đã gieo xuống một cánh đồng cây để trăm năm sau có tán rừng gỗ cổ thụ bám rễ vững chãi nơi vách đá cheo leo này. Cây lát hoa mọc trên núi đá lâu năm có vân gỗ đẹp hơn mây, sợi gỗ dẻo quánh quấn quyện đanh như thép nguội.

Gã nhanh nhẹn khắc vào mỗi thân cây một cái dấu X. Cái này, gã vẫn mang thói quen của người miền rừng, những cây nào đánh dấu X là cây đã có chủ. Gã đã khắc bao nhiêu dấu X vào cây mà không thèm nhìn nhựa cây màu gì. Có nhựa cây màu xanh tái lạnh lẽo như hồn ma, có nhựa cây màu xám chì màu bầu trời bão dông, có nhựa cây màu đỏ ráng trời dự báo hạn hán kéo dài.

 Đi quá một quãng khá xa, gặp trên sườn núi đá xám có cây gù hương đứng cô đơn một mình, chưa nhìn thấy gốc, mới chỉ nương theo hướng gió đã nghe mùi thơm nức, gã bám dảnh dây leo to bằng cổ chân, đu như khỉ thoắt cái đã lên mấy chỏm đá tai mèo nhọn hoắt, bám vào rễ cây gù hương một cách dễ dàng. Gã nghĩ đến thằng bạn đại gia đang có lò nấu tinh dầu, nó mà nhìn thấy cụ gù hương này chắc mê mẩn, phải nhắc bọn cửu vạn nhớ đào cả rễ, chỉ riêng bộ rễ này cũng đáng cục tiền.

Cây gù hương trăm tuổi bám cheo leo bên rìa tảng đá lớn, gốc rễ quấn quanh hòn đá lớn, xuyên qua ruột đá mà cắm vào sườn núi, thân cây ngả xuống phía vực sâu hun hút. Dưới gốc cây gù hương, gã không hề biết là có tảng đá bằng phẳng, nhẵn lì, mòn bóng, cỡ hai chiếc chiếu, trên mặt bàn đá có những đường nét khắc bí hiểm mà chỉ có thầy Mo mới giải mã được. Gã nhìn về phía Tây, mặt trời đang xuống thấp dần, liền hối hả leo lên thân cây gù hương, rút con dao đi rừng sắc lẹm khắc dấu X lên thân cây, giọt nhựa trong veo ứa ra, vừa rơi xuống tảng đá liền quánh lại đỏ sậm màu máu.

 Hẵng dừng lại ở đây thôi, hôm nay gã như thể nhặt được túi vàng khi tình cờ gặp khu rừng nguyên sinh đẹp như nàng tiên ngủ quên trăm năm. Gã đã khắc dấu X lên thân cây như thể ngấu nghiến đặt bàn tay tham lam lên thân thể óng ả của nàng tiên mà vần vò. Thú vị với ý nghĩ ấy và cảm thấy đã đủ, gã đi xuống núi.

Một ngày đẫy trong khu rừng âm u, không ngờ trên đường xuống núi gã lạc rừng. Mầu xanh của lá đặc sệt như một thứ bùn nhão làm mắt hắn không phân biệt màu sắc sáng tối, không khí nhuyễn quánh như vón cục lại khiến gã cảm thấy khó thở. Gã hoang mang lần mò dưới dưới tán cổ thụ trăm tuổi, gốc cây quấn quýt các loài dây leo gai nhọn tua tủa theo cành lên cao, đan ken thành cái thảm xanh dầy hàng mét, nắng chui không lọt.

Hoa dại đủ sắc màu thi nhau nở, chen chúc trong bụi gai, đung đưa theo gió trên cành cao, mùi thơm xối thẳng xuống đám lá mục khiến thảm lá khô dầy như được ướp hương. Hoa rực rỡ bám chi chít trên các thân cây gỗ phủ đầy rêu và địa y, những cánh hoa mập mạp ủ nồng nặc hương thơm. Gã không quan tâm đến kỳ hoa dị thảo, bởi có loại hoa nhìn thì đẹp nhưng sờ vào ngứa phát điên, vả lại hoa không bán ra tiền. Xuyên qua tán hoa lẫn bóng nắng đung đưa, mắt gã chỉ nhìn thấy vô vàn gốc cây cổ thụ chồng chéo lên nhau.

 Gã hoa mắt vì những cây lim già đáng tuổi cụ kỵ lừng lững soi bóng bên suối nước xanh ngăn ngắt, trong veo thấy đáy. Gã khát khô họng nhưng không dám bén mảng đến con suối chảy lặng lờ trong veo kia. Người đi rừng không có kinh nghiệm sẽ nhào đến vốc ngụm nước thôi là gửi mạng. Con suối chảy quanh co bên những gốc lim già đáng giá như kim cương, trải qua hàng trăm năm phấn hoa lim rơi xuống dòng nước ngấm vào đất, xác lá mục rữa chìm nổi rong ruổi trong nước, suối lại mang chất độc đi đâu, đó là bí mật của đại ngàn.

Loanh quanh một hồi, gã hốt hoảng vì không tìm thấy đường ra. Cánh rừng này nhìn từ phía Tây sang thấy nó xanh rì nhức cả mắt, người già trong bản nói tên nó là Rừng Ma, vì tắt mặt trời là không tìm được lối ra.

Từ hồi nhỏ, nghe người già trong bản kể chuyện, gã cũng sợ, trước kia đâu dám bén mảng đến Rừng Ma. Nhưng nay thì những khu rừng quanh đây đã bị chặt hết gỗ rồi. Gã đành liều mạng mò vào. Quái thật, con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên rừng bỗng dưng biến mất như con rắn ngoảy đuôi lủi vào bụi rậm. Gã đi tới đi lui, trổ hết tài đi rừng mà vẫn loanh quanh chỗ mấy bụi dây mây như muỗi sa lưới nhện. Mặt trời xuống thấp dần, ngày ở rừng rất ngắn.

Gã mệt mỏi ngồi phịch xuống tảng đá. Con suối đầy ắp đột nhiên rút nước cạn khô phơi lưng tảng đá trắng bạc phếch như con voi khổng lồ nằm phủ phục. Gã nghĩ đến chuyện người già kể cây cổ thụ trong rừng có linh hồn, chúng sinh con đẻ cái và sinh ra lũ quỷ. Lũ quỷ nhỏ này tinh nghịch phù phép làm cho người đi rừng có tai lú lẫn, có mắt không thấy đường. Đến khi đói, khát, hết thở gục ngã trong ruột rừng thăm thẳm, linh hồn bay lên ngọn cây cổ thụ trú ngụ, bỏ lại bộ xương khô trắng vất vưởng bên hòn đá. Lũ quỷ nhỏ thường mượn bộ xương ấy làm áo mặc. Đi rừng, nếu gặp nhiều bộ xương trắng đó là áo của quỷ dữ.

 Thần hồn nát thần tính, gã nhìn chằm chằm vào bụi cây đã bắt đầu thấp thoáng bóng tối lẩn khuất trong đám cành lá rậm rạp. Tự dưng bóng tối ập đến bưng lấy mắt. Trong rừng thẳm bóng tối là chúa tể.

Đột nhiên, gã nghe tiếng thở phì phì, chưa kịp hốt hoảng thì có tiếng mõ trâu lóc cóc, gã nghĩ may rồi, gã sẽ bám đuôi trâu về bản, trâu tinh khôn lắm không lạc đường bao giờ. Đôi sừng trâu lực lưỡng bóng láng cong vút hình vành trăng khuyết nhô ra từ bụi cây mua gần đó, tiếng xùy xùy gọi trâu hớt hải. Cô gái đột ngột xuất hiện kỳ diệu như phép lạ của ông tiên. Cô gái nhìn gã, khác gì nhìn con trâu. Đôi mắt to đen, ong óng như có nước, bộ váy Mường bó sát người với cạp váy thêu con hươu tung tăng, cô gái cầm chiếc roi tre vụt vào bụi cây vẻ tinh nghịch, đôi mắt mở to muốn hỏi sao người ở đây, lại như biết người đến đây làm gì.

Gã mừng như bắt được vàng vội nói, tôi đi rừng bị lạc. Cô gái nhíu đôi mày đen và sắc như nét vẽ cất giọng nhẹ nhàng mà nhọn hoắt như mũi tên, eng ở bản nào, eng đến rừng này làm gì. Gã lúng túng lặp lại, tôi bị lạc. Cô gái nhìn gã từ đầu đến chân và nói giọng lạnh băng, may cho eng là gặp ún ở đây, người bản khác lạc rừng này bỏ mạng đấy, rừng này vào thì dễ mà ra thì khó lắm à.

 Cô gái vung roi, đuổi con trâu đi trước, gã cắm mặt theo cô gái không dám nói câu nào. Hai người lẳng lặng theo đuôi trâu rẽ rừng trong hoàng hôn sắp tắt. Tới cửa rừng thì ánh chiều đã chạng vạng. Cô gái dừng lại, eng theo lối này đến núi Cụt Ngọn là khắc thấy đường về bản, eng không theo ún được đâu. Gã cảm ơn cô gái, trong lòng muốn hỏi tên cô nhưng không dám, thôi gã cứ gọi là Cô Tiên cho dễ nhớ. Gã vừa đi mấy bước, chợt nghe Cô Tiên gọi. Cô nhìn thẳng vào mắt gã và nói rành rọt, “eng đừng bao giờ tới rừng này nữa nhá, làm người tốt thì không nên bán rừng”. Gã rùng mình, ánh mắt cô gái như mũi dao lách ngọt qua tim, cảm thấy bải hoải muốn ngã gục, phút chốc tim gã cạn kiệt máu. Những giọt máu từ tim gã ồng ộc chảy ra, tràn như suối xuống thấm qua lớp lá khô mục và thấm xuống đất. Gã cảm thấy đất dưới chân gã lùng bùng cựa quậy như có hàng ngàn con rắn cùng ngóc đầu lên chĩa cái lưỡi thia lia vào mặt gã. Con đường về chân núi Cụt Ngọn bỗng dưng mù mịt vì sương chiều đột ngột ào về phủ kín như bưng lấy mắt.

Gã vội vã gật đầu, nói nhớ rồi, và quay đầu bước rõ mau, gã sợ không nhìn thấy đường. Phút chốc, sương mù phủ kín đỉnh Cụt Ngọn, sương đặc quánh màu sữa như miệng con yêu quái nhanh chóng nuốt chửng lấy gã. Từ đó trở đi, đến ma quỷ cũng không gặp gã ở bất cứ cánh rừng nào nữa.

 

2.

Tảng sáng, lá cây đen thẫm, rừng đã thức từ lâu. Bạch Công Sinh thấy trong giấc ngủ, rừng vật mình vật mẩy, gió nhảy bật ào ạt, lồng lộn như đàn ngựa say vó. Sinh quen ngủ trong tiếng gió chạy rào rào quất vật vã trên ngọn bương. Sinh quen hơi thở của rừng đêm, gió cuồn cuộn cuốn sương thả vào vườn, sương như cái chăn bông ủ cho ruộng vườn ấm áp. Thung Tiên hiếm mưa nhưng lúa vẫn đơm bông mẩy nhờ sương đêm ngọt ngào thấm đẫm ruộng vườn.

 Tiếng máng nói với vợ Sinh, mới tháng năm mà sương núi cuốn nhau về dầy quá, chưa cắt hết được bông lúa. Hôm nay con dâu đi cắt lúa với máng, còn bố và thằng Sinh lên núi kiếm củi sưởi thóc. Sương dầy che kín hết mắt ông mặt trời rồi, không cho ngó xuống thung, tận trưa mới có vài sợi nắng đầu sàn thì làm nào cho hạt thóc khô.

Máng ngó vào buồng nói, Sinh à sáng nay lên rừng kiếm củi sưởi thóc đi, sương xuống dầy hơn cái chăn bông rồi thóc nảy mầm hết thôi. Bố cũng đi, lên xem cây Cúng. Hôm trước con Út tìm trâu lạc gặp thằng người bản lạ chỗ cây Cúng đấy.

Sinh nhắm nghiền mắt thở mạnh vờ ngủ say đợi máng đi khỏi. Đi lấy củi thì không cần bố, Sinh sẽ kiếm củi đủ hai nhà. Đi xem cây Cúng không cần bố, Sinh là đinh họ Bạch, phải biết chăm lo cây Cúng của dòng họ, đó còn là cây Cúng Thần Rừng của bản Mường Sương.

Tiếng máng nhỏ dần phía cuối vườn bương. Buổi sáng dậy muộn chớ dại giáp mặt máng, kẻo bị chửi “cơm keng đâu đến miệng đứa ngủ trưa tối ngày”. Sinh là trai lớn lấy vợ, có cu Măng lên ba tuổi thì bố máng cắt cho quả đồi bương ở riêng, tự ăn tự làm vất vả nhưng vợ chồng biết lo con cái. Út Sim nay mười tám, nhiều bố máng trong bản đến xin dâu mà nó chưa chịu, Máng bảo anh chị ra riêng cho Út Sim biết lo việc nhà còn lấy chồng.

 Ăn bát xôi nếp vợ mới đồ, xỏ giầy ba ta vào chân, khoác áo bộ đội cũ của bố, Sinh chọn con rựa sắc nhất, gại gại ngón tay vào lưỡi dao, Sinh đến bên hòn đá mài, mài lại rựa cho thật sắc. Từ hồi lập bản đã có hương ước đóng dấu triện nhà vua, có tám điều cấm chặt cây trong rừng. Nếu rừng là mái nhà, thì cây trong rừng là giọt gianh, rừng không có cây làm sao giữ đủ nước ruộng thung năm hai vụ cấy, bông nếp mẩy mọng căng tròn nhộng ong, đồ lên hạt xôi nếp thơm ngào ngạt đánh thức cả mường. Đi rừng kiếm củi là tìm cây chết khô, mỗi nhà lấy một ít đủ dùng, còn để lại cho nhà khác lên lấy. Chặt cây khô mà dao không sắc thì khó chặt lắm.

 Sinh ra khỏi ngõ, vợ Sinh cầm ớp xôi chạy theo, eng quên mang xôi à? Vợ Sinh người bản Thấp. Mang được vợ về nhà, Sinh phải vượt nhiều cái khó. Bản Thấp rất ít cho con gái lên thung làm dâu vì phải vượt qua Đạng Gió hiểm trở, người mường trên không muốn xuống, người mường dưới không muốn lên.

Bố vợ Sinh ưa rể hiền, nói ít làm nhiều, nhất quyết gả con gái cho Sinh. Cụ tổ năm đời nhà Sinh là một trong bốn nhà họ Bạch đầu tiên lên thung lập ra bản Mường Sương. Các cụ gánh rượu thịt đi bộ chín ngày, đi tới đâu lập đàn cúng xin thần Rừng cho đất ở tới đó. Cúng lần thứ chín Thần Rừng ưng bụng cho đất làm bản mới, khi tàn hương cong vòng xoắn hình số 9, còn những con kiến không cõng miếng thịt hạt gạo chạy đi mà cõng mang về tổ cất giấu. Sau ba năm, nhà vua xuống chiếu ban sắc phong công nhận bản Mường Sương trấn giữ miền cổng Trời trên dẫy núi Cô Tiên. Bố vợ Sinh nghĩ gả con gái làm dâu nhà Sinh cũng được hưỏng may mắn phúc khí tổ tiên.

 Nhà Sinh bỏ ra hai lợn tạ, hai mươi gánh gạo nếp, hai mươi gánh rượu được cô dâu đẹp và nết na chăm chỉ. Ruộng Mường Sương chỉ cấy nếp, người Mường Sương không ăn cơm tẻ, làm dâu Mường Sương mãi vợ Sinh mới quen. Khi có cu Măng, trong nhà khi nào cũng ấm áp như bếp lửa mùa đông cháy giữa sàn. Đi rừng bẻ măng, ra suối tát cá, lên nương gieo lúa ngô, vợ chồng ríu rít như đôi chim cu gáy. Buổi sáng, chồng bừa ải thì vợ đi bên rình bắt con dế trũi, con ốc, con cua, tối về làm canh. Cả bản ai cũng nhìn vợ chồng Sinh lấy gương dạy con cháu học theo. Bố máng Sinh mát lòng mát dạ như suối Tiên chảy quanh thung, còn cô gái út ngoan mong bắt rể hiền là vẹn toàn gia đình.

Sinh bảo vợ nay đi kiếm củi, trưa về, chiều chẻ nứa rào vườn gieo rau cải, vợ sang bảo bố máng ở nhà thôi, tôi lấy củi cho hai nhà được rồi. Bóng Sinh nhanh chóng khuất xuống lối dốc rẽ vào rừng.

Hôm nay Sinh gặp may, khe suối bên con đường mòn có một đống cành dổi khô từ bao giờ. Sinh hì hục chặt và bó được gánh nặng mang lên đường, xong quay xuống dồn cành vào góc cho gọn thì nhìn thấy dưới khe cạn nhiều khúc gỗ dổi nằm ngổn ngang. Có người vào rừng trộm gỗ, chắc chắn không phải người bản Mường Sương. Đang suy nghĩ thì gặp nhóm trai bản lạ gần chục người cầm dao rựa đi vào rừng. Sinh nhảy ra chắn đường, chúng mày ở bản nào, sao vào rừng bản tao, hương ước của bản tao cấm chặt cây.

Đám trai lạ cười rộ, mày là con kiến mà đòi vác quả núi hả, rừng này của nhà mày hả, nhiều cây gỗ to quá chúng tao phải sang chặt bớt đi cho rừng quang đãng sạch sẽ, mày tránh ra cho chúng tao đi kẻo muộn rồi. Cả lũ cười hô hố hưởng ứng. Gã lớn tuổi nhất chừng như nhóm trưởng, đầu đội mũ cối, tay cầm con dao găm Mỹ khoát tay, chúng mày theo lối này, tao đã đánh dấu cẩn thận rồi đấy, hôm nay phải xong gọn cây gù hương, phải đào cả rễ. Sinh buông thõng tay bất lực nhìn đám trai lạ đi sâu vào rừng. Chợt nhớ ra, Sinh bỏ gánh củi băng rừng chạy về bản.

Vẫn là Sinh dẫn đầu tốp trai Mường Sương. Họ đi rất nhanh vào rừng Ma. Họ không đi tìm cây gỗ. Họ đi tìm đám trai bản lạ kia. Rừng của tổ tiên, nhiều đời con cháu ở bản Mường Sương thay nhau giữ gìn, giữ nguồn nước nuôi ruộng vườn, đám người xấu mò đến chặt cây, rừng Ma sẽ trơ trụi như cái đầu người bị cạo trụi tóc, người không đủ nước uống, ruộng vườn nứt nẻ chết khát. Không thể để thế được.

 Rừng Ma ghi nhớ cuộc huyết chiến duy nhất trong lịch sử Mường Sương. Khi trai hai bản gặp nhau, thì đồng tiền đã làm mù mắt đám trai bản Ké. Khi hương ước nhà vua bị xâm phạm theo cách lưu manh nhất. Vũ khí của họ là con dao chặt củi, máu đổ xuống trong cuộc chiến giữa con người và lòng tham. Đồng tiền mù mắt không phân biệt lẽ phải trái. Đồng tiền gây tang thương đớn đau cho hai dòng họ.

Sinh vẫn cầm con dao rựa mài bén ngọt lúc sáng. Sinh chỉ muốn nói bằng lời cho đám trai bản Ké bỏ ra về. Nhưng lòng tham bảo họ không về. Họ chặt cây gù hương, cái cưa điện nhanh chóng xén đứt một phần ba thân cây. Tại sao họ chặt cây gù hương, cái cây mang hương thơm tỏa khắp bản Mường Sương. Tảng đá to bằng mười chiếc chiếu dưới gốc cây gù hương là nơi bản Mường Sương làm lễ cúng Thần Rừng mỗi năm một lần vào mùa xuân, khi hoa gù hương bung nở màu vàng nhạt như mâm xôi đỗ xanh của trời. Người già kể dưới tảng đá này là nơi tổ tiên họ Bạch cắm nén hương đầu tiên để cầu xin thần Đất cho họ được ở lại. Nay nhìn cây gù hương của tổ tiên đang bị chặt cành cưa đứt rễ, lũ kiến cuống cuồng chạy tổ, Sinh đau vì lá gan bị cào cấu toạc ra, hơi thở nghẹn vì quả tim bị dứt ra khỏi lồng ngực.

Gã Mũ Cối nhìn vào Sinh và gầm lên, thằng nhãi kia to gan thật, mày mang dao để chém ai, may chưa biết bố mày là ai hả. Chưa dứt lời gã vung chân đá mạnh vào bên tay phải cầm rựa của Sinh. Rủi cho gã nay gặp đối thủ, Sinh cũng có vài miếng võ gia truyền thủ thế phòng thân.

Sinh lùi nửa bước, gã Mũ Cối nhỡ đà, ngã uỵch, đầu đập vào gờ đá tóe máu. Sinh xuống tấn thủ thế, gã Mũ Cối chồm dậy, vung con dao găm sắc lẹm nhằm ngực phải của Sinh mà đâm. Sinh lựa thế, nghiêng mình nhô lên trước, con dao găm đâm sượt bắp tay phải, máu chẩy xối xả. Sinh nhoài với con dao rựa bị rơi xuống đất, dồn sức mạnh trẻ trai vung lên. Sinh không kịp nhìn thấy con dao rựa hất ngược lưỡi lên sáng loáng như ánh chớp giữa bầu trời tối đen. Sinh thấy tối tăm mặt mày khi dòng máu phun cao xối thẳng xuống mặt, như có cái lưng người bị phạt ngang đổ sụm xuống như cây chuối rừng bị chặt, trước khi máu trào lên xù bọt nhấn chìm cái thân người đổ gục xuống khoảng đất đen phủ dầy lá mục

 

3.

Mười hai năm tù không nhanh như cơn lũ suối, đổ ào ạt dữ dội như tai ương bất ngờ giáng xuống. Sinh nhìn cánh cổng sắt trại giam nghĩ mình chia tay với nó thôi. Sinh nhìn vệt sơn màu xanh xám lúc mới sắc nét đến cũ bạc phếch vì mưa nắng. Sinh quen cổng ngõ rấp bằng cành tre gai, ngăn trâu bò đi ngang, giờ Sinh mới biết cái cổng sắt kiên cố dùng để rào người. Khi nó đóng sập lại trước mắt, Sinh cuồng lên hồng hộc như con lợn rừng một nanh bị nhốt bẫy.

Đời người có số thật không, nếu hôm đấy Sinh không đi lấy củi, nếu hôm đấy Sinh không kiếm củi cũng vẫn lên chỗ cây Cúng, hôm đó lũ người xấu vào rừng đông lắm. Mà thằng kia nó đánh Sinh trước, cầm mũ cối đập vào đầu Sinh và bị nó chém trước xả bên vai. Sinh hăng máu vung dao bừa phứa, ngờ đâu nhát chém trúng ngang sườn nó đổ ập như cây chuối bị phạt, thằng kia bị chết ngay tại rừng, Sinh cũng lăn ra ngất lịm. Ở tòa, Sinh lúng túng mãi mới kể ra đầu ra đuôi.

 Hôm phiên tòa, vợ Sinh dắt cu Măng, Út Sim, bố mẹ đến sớm, dân bản đến đông lắm, mọi người khóc vì thương Sinh, ai cũng muốn sờ vào tay Sinh một cái. Mẹ bảo giờ không ai dám lên rừng trộm cây nữa, cả bản bàn nhau góp tiền và gạo cho thằng Măng đi học với thăm nuôi Sinh ở trong tù.

 Dân bản bênh Sinh với lý lẽ riêng của họ, hàng trăm năm Mường Sương không chặt cây phá rừng. Nay bọn người xấu rủ nhau phá rừng đông như đi hội, mỗi ngày hàng trăm đứa vào rừng Ma trộm cây còn giở thói côn đồ đánh người, Sinh và trai bản phải đánh lại giữ rừng cho Mường Sương. Đứa ăn trộm chết thì đáng chết rồi, cũng trả được tội rồi. Sinh bị đâm, không chết thì phải ở tù, ông trời bị rụng hết mắt rồi.

Ở trại, Sinh mới biết nếu Mường Sương có hương ước thì nhà nước có pháp luật. Ông chánh án nói Sinh xử thằng người xấu bằng luật rừng. Sinh thắc mắc, nếu thằng người xấu không chết thì nó chém Sinh chết cũng thế. Chánh án bảo, người xấu có pháp luật giáo dục, Sinh chém nó chết là có tội lớn lắm, Sinh bị phạt mười sáu năm tù giam, mầy lần giảm án, còn mười hai năm. Sinh vẫn không phục ông Chánh án. Vụ án của Sinh là do Nâm làm điều tra viên, trước ngày ra tòa, Nâm là người hỏi cung Sinh hàng ngày để bổ sung hồ sơ.

 Sinh muốn hỏi ông trời có phải người ta sinh ra đã định sẵn mỗi người một số phận khác nhau. Sinh và Nâm cùng tuổi, lớn lên cùng nhau. Hết cấp hai, Sinh bỏ học, cưới vợ khi chớm tuổi đăng ký kết hôn. Nâm đi học hết cấp ba, đi học tiếp làm công an, ngờ đâu có ngày Nâm về bắt Sinh dẫn giải ra huyện.

Ngôi nhà sàn nhỏ lọt giữa vườn cây um tùm, vừa chập tối mà sàn ngoài tối om, ánh điện vàng vọt ở buồng trong. Nghe tiếng chân người, con Vàng hực lên chạy ra cổng, con Mực từ đâu chạy tới sủa oắc oắc, con Vàng ẹp lưng chui lỗ rào ra hít hít con Mực, bọn chúng chơi đùa với nhau suốt ngày. Tiếng Nâm vừa gọi vừa trèo cầu thang, Sinh ơi Sinh à, vợ chồng mày ngủ bằng con gà hay sao thế.

Hai đứa bạn thân ngồi im lặng bên bếp lửa đã vạc gần hết than. Con gà trống choai dưới gầm sàn eo óc gáy. Những gì cần nói, hai đứa đã nói hết với nhau rồi. Ánh mắt Sinh lúc đầu dữ tợn thế sau nguội dần như hòn than trong bếp phủ lớp tro trắng. Người tốt biết nghe lời nói phải, mẹ Nâm hay nói thế. Nâm cầm chai rượu còn một phần ba đút vào túi áo chàm, Sinh à cho tao chai rượu này nhá, tao giữ để hôm nào mày hết ở tù, tao với mày cùng uống hết, được không. Sinh gật đầu, đôi mắt nhìn ra khoảng vườn tối đen, gió rừng bắt đầu nổi lên xào xạc như đàn ngựa chậm rãi gõ móng quanh vườn.

 Sinh nói, Nâm à mày tin tao đi, trai Mường Sương nói chắc như dao chém đá, ngày mai tao kiếm nứa ken kín cái bờ rào vườn rau, với chẻ đống củi, ngày kia chúng mình cùng xuống núi. Sinh soi đèn pin cho Nâm xuống thang, bám theo lưng Nâm có ánh mắt của vợ Sinh từ trong buồng chứa đầy lo âu như nước giọt gianh mùa mưa.

Hôm ấy, dân bản tiễn Sinh và Nâm xuống núi. Vợ Sinh ôm thằng Măng ra đầu ngõ nhìn theo hai người, nước mắt tưới cột sàn hết đêm qua rồi. Các cụ già theo ra đầu dốc dặn cẩn thận, cả hai đều là trai Mường Sương. Đám trai bản rồng rắn, đùa nghịch trêu ghẹo nhau, chúng bảo không kịp khâu quả còn để mở hội Tung Còn. Bọn con gái theo sau rủ rỉ, thì thầm cười nói khe khẽ. Đến Đạng Gió thì cả lũ đứng lại nhìn theo hai người rẽ xuống đạng. Hôm vào trại mang cho Sinh gói xôi nếp mẹ đồ, Nâm nói hôm đấy Nâm để cái còng số 8 trong ba lô, nó gõ vào lưng theo mỗi bước chân mà Nâm chẳng thấy đau gì cả. Sinh bảo, mày lấy tình bạn buộc chặt tay tao rồi còn gì.

 Sinh bắt đầu leo lên Đạng Gió. Không dưới trăm lần, Sinh và Nâm ngược xuôi Đạng Gió, ở trường nội trú ăn cơm tẻ, hai đứa nhớ xôi nếp đồ trong cuốp gỗ, tuần nào cũng về, ăn no nê còn mang theo gói to tướng. Chữ Đạng trong tiếng Mường chỉ dòng chảy ngắn dữ dội, khe cạn chỉ có gió lồng lộn chạy qua thì gọi là Đạng Gió. Ở đây, gió như cuộn dây thừng vặn xoắn, lèn đầy chặt ních hai vách đá, tới đỉnh thì đổ ụp xuống, bùng ra quăng quật làm vỡ tan mọi thứ nó gặp.

 Sống được ở Đạng Gió chỉ có loài cây thấp nhỏ mà dai sức như cây sim cây mua, Sinh nghĩ người Mường Sương cũng như cây sim sống trong gió lạnh mà cho quả chát khi xanh, đợi gom đủ nắng gió mới tích ngọt ngào.

Sinh vẫn sẽ làm theo hương ước nhà vua giữ lấy rừng Ma. Vợ Sinh kể cây cúng dòng họ Bạch không còn, nó đã gãy đổ xuống vực trong một trận bão rừng, do bị cưa gốc trong lần ấy. Sinh mải miết bước ngược theo cuộn sương bị gió thổi lăn lông lốc bên khe núi. Trai bản Sương chỉ cần gặp gió là như về đến nhà, vượt qua Đạng Gió là về đến rừng.

Truyện ngắn của Phan Mai Hương

Nguồn Văn nghệ số 11/2023


Có thể bạn quan tâm