April 24, 2024, 1:45 pm

Với “trẻ con ở Sơn Mỹ”

Tưởng niệm 55 năm Ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16/3/1968-2023)

Tên quỹ học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ” do chính nhà thơ Thanh Thảo lập ra và trao thường niên cho học sinh Trường THPT Sơn Mỹ trên 25 năm nay có lẽ cũng xuất phát từ trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ được Thanh Thảo khởi bút vào một ngày tháng 3 cách đây 47 năm. Đúng như tâm sự của nhà thơ: “Thú thật, tôi có một tình cảm đặc biệt với Sơn Mỹ. Kể từ tháng 3/1976, khi tôi được nhà văn Nguyễn Chí Trung chỉ định về Sơn Mỹ “đi thực tế”. Theo đúng tinh thần “ba cùng” với nhân dân, tôi đã về Sơn Mỹ và ở hẳn cùng bà con tới 1 tháng”.

Rồi không chỉ 1 tháng mà cả vài năm sau đó, để hoàn thành trường ca (xuất bản năm 1978), khi còn là tỉnh Nghĩa Bình, Thanh Thảo đã nhiều lần khoác ba lô từ Quy Nhơn về Sơn Mỹ để lấy cảm hứng sáng tác như là một sự trả nợ cho nỗi đau lớn của chính mảnh đất quê hương mình. Vào thời điểm ấy, làng Tư Cung vẫn còn im lìm như một làng chết. Có điều đặc biệt là anh sống cùng nỗi đau thảm sát, hòa cùng nỗi đau chưa nguôi và cuộc sống khổ nghèo trong hiện tại của đồng bào ruột thịt mình, nhưng anh đã nhìn quá khứ đau thương, hiện thực điêu tàn bằng con mắt của tương lai và vì thế mới gọi tên là Trẻ con ở Sơn Mỹ. Mặc dù viết về vụ thảm sát lớn nhất Việt Nam của đế quốc Mỹ, nhưng tác giả không sa đà vào sự kiện chi tiết mà chỉ xoáy quanh những chủ đề chính, đó là tội ác man rợ của kẻ thù, nỗi đau của nhân dân và niềm tin tất thắng cùng những khát vọng tương lai của người dân Sơn Mỹ. Cũng vì mục tiêu đó mà Thanh Thảo đã chọn cấu trúc kiểu điện ảnh để xây dựng trường ca này. Phần mở đầu và 6 chương của trường ca Trẻ con Sơn Mỹ có thể phân cấu trúc thành 7 cảnh phim: Cảnh 1: - Toàn cảnh: quê hương thanh bình; - Trung cảnh: bờ biển, làng biển với từng đàn em bé đùa vui vô tư; - Cận cảnh: những đứa trẻ chăn bò trên đồng làng. Cảnh 2: - Toàn cảnh: giặc Mỹ đến; - Trung cảnh: hủy diệt tàn khốc, chết chóc, hoảng loạn; - Cận cảnh: bọn sát nhân. Cảnh 3: - Toàn cảnh: lòng địa đạo; - Trung cảnh: những đứa trẻ sinh trong lòng đất; - Cận cảnh: Cánh võng, lời ru, niềm tin hi vọng qua cuộc đời những người du kích trong địa đạo. Cảnh 4: - Toàn cảnh: nước Mỹ sau Sơn Mỹ; - Trung cảnh: Mẹ con những thủ phạm - nạn nhân; - Cận cảnh: tự thú nội tâm của những thủ phạm - nạn nhân chiến tranh. Cảnh 5: - Toàn cảnh: những người kháng chiến; - Trung cảnh: những gian khổ, chiến đấu, hi sinh đem lại hòa bình cho trẻ thơ; - Cận cảnh: những người du kích. Cảnh 6: - Toàn cảnh: Làng Sơn Mỹ; - Trung cảnh: chiến đấu, hòa bình; - Cận cảnh: những hình ảnh dựng xây, ước mơ. Cảnh 7: - Toàn cảnh: bờ biển hòa bình; - Trung cảnh: bên tháp canh; - Cận cảnh: những em bé Sơn Mỹ hôm nay.

Tất nhiên, Trẻ con ở Sơn Mỹ chỉ mang yếu tố điện ảnh xét về mặt cấu trúc chứ không hoàn toàn là tác phẩm điện ảnh về mặt thể hiện. Tuy nhiên, ta vẫn nhận ra rất rõ yếu tố điện ảnh trong cách dựng các cảnh ở một số đoạn của trường ca, nhất là khi miêu tả cận cảnh “bọn sát nhân”: nhưng giặc Mỹ đã đến đây và đã giết!/ những chiếc bát mẻ đưa lên/ mắt tụi trẻ nhìn lợt lạt/ những thân hình như trái cây bị háp/ phơi ra từng dẻ xương sườn... Truyền thống Việt Nam là “trời đánh tránh bữa ăn”, là “kính lão đắc thọ”, chính bọn chúng không hề biết đến nên đã dã tâm toan hủy diệt. Và tất yếu chúng trở thành những nạn nhân đau đớn nhất: tôi đã bắn vào những người đang ngồi quanh mâm cơm/ chúng tôi vặt râu một ông già rồi đẩy ông xuống giếng… Chiến tranh đã đi qua, nhưng những hành động dã man do kẻ thù gây nên thì không hề nguôi tạnh trong lòng chính họ. Nó dằn vặt đến đớn đau: tôi thấy hai đứa bé nằm đè lên nhau/ đứa lớn che đạn cho đứa nhỏ/ mắt chúng trùm xuống tôi/.../ đôi mắt ấy theo tôi về nước Mỹ/…/ mở trừng trừng trong giấc mơ tôi.

Còn ở Việt Nam, cũng như bao vùng quê khác sau chiến tranh, Sơn Mỹ đang hồi sinh, và “cái làng chết” năm xưa đã xanh lại. Hãy lắng nghe nhà thơ chiêm nghiệm về những đứa trẻ nơi làng quê biển ấy: em bé này đã che đạn cho tôi/ từ buổi sáng tôi chưa về Sơn Mỹ/ em bé này đã che đạn cho anh/ dẫu suốt đời chỉ một lần anh cầu mong che chở/ em bé này đã che đạn cho chúng ta/ mà ngực em ốm gầy non nớt thế.

Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, Thanh Thảo vững tin rằng: Sơn Mỹ sẽ vượt qua đau thương, vươn tới chân trời mới để hòa vào đại dương tình thương của toàn nhân loại: dấu chân sóng nô đùa với gió/ tôi nhập cùng các em chạy dọc bãi xương rồng/ lại bắt gặp chân trời ngay trên cát/ cả người tôi hòa trong biển vô cùng.

Mai Bá Ẩn

Nguồn Văn nghệ số 11/2023


Có thể bạn quan tâm