April 20, 2024, 8:20 am

Khai giảng lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa XVI năm 2022: Phát hiện và bồi dưỡng những cây bút chuyên nghiệp

 

Sau hai năm không tổ chức lớp học do ảnh hưởng của dịch Covid 19, sáng 3/10, Trung tâm viết văn Nguyễn Du - Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức khai giảng lớp Bồi dưỡng viết văn khóa XVI năm 2022. Lớp bồi dưỡng được tổ chức tại Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam – Hà Nội từ ngày 3-14/10/2022 với sự tham dự của  gần 100 học  viên, đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Học viên của khóa XVI khá đa dạng về độ tuổi ,  ngành nghề như:  Tiến  sĩ, Bác sĩ, nhà khoa học, nhà giáo… và có cả một học viên đặc biệt thuộc  Hội người mù Việt Nam. Nhà văn Vũ Đảm chủ nhiệm lớp học.

Dự khai mạc có nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và cuộc sống ; Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc trung tâm viết văn Nguyễn Du, các nhà văn, nhà thơ và các cán bộ Trung tâm viết văn

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Sáng tác, Giám đốc Trung tâm viết văn chia sẻ, những cảm nhận đầu tiên về lớp bồi dưỡng viết văn khóa XVI. Đó là sự phong phú về vùng miền, độ tuổi và ngành nghề. Đây cũng là những mạch nguồn khởi thủy cho những quan niệm khác nhau về văn chương, nhưng ông tin rằng trong nhiều điểm khác nhau đó, những học viên tham dự khóa học hôm nay cũng đều có một điểm chung nhất, là tình yêu văn chương, và ông mong những người tham dự khóa học hôm nay sẽ có thêm điểm chung nữa là trở thành những người viết chuyên nghiệp, có kỹ thuật diễn đạt được hết những điều mình muốn viết.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho rằng, học sáng tác văn học giống như học cưỡi ngựa. Cần phải tuân thủ theo các bước: tìm hiểu đặc trưng, đặc tính và kỹ thuật cưỡi ngữa. Với sáng tác Văn học cũng vậy, cũng cần tuân thủ các bước tương tự để tìm ra kỹ thuật viết, trở thành người viết chuyên nghiệp. Đồng thời. nhà thơ cũng cho rằng, có 3 con đường đến với văn học. Con đường thứ nhất là tham dự khóa học tại Trung tâm; Con đường thứ hai là tự học với chính mình, tự mình rút kinh nghiệm qua tác phẩm của chính mình là con đường thường xuyên, là lớp học của chính mình. Đây chính là chặng đường tiếp theo của lớp học thứ nhất; Con đường thứ ba là học từ các thầy cô, đồng nghiệp của mình qua tác phẩm, sách vở của chính họ… Ở con đường thứ ba, sự học sẽ theo ba cấp độ: Đọc để tìm trọng tâm thưởng thức nội dung; Đọc để thưởng thức nghệ thuật và Đọc kỹ thuật của tác phẩm ấy, để có thể tự trang bị cho mình những kỹ năng viết cần thiết trên con đường trở thành người viết chuyên nghiệp

Theo đó, tham dự khóa học, các học viên sẽ được nghe các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình trao đổi những kỹ năng viết văn ( truyện ngắn, tiểu thuyết) thơ và lý luận phê bình, nhận diện những đặc trưng cơ bản, sự giao thoa giữa Văn học đương đại Việt Nam với thế giới...

Các Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Vũ Đảm...cũng đã có những chia sẻ về nghề viết văn và những kỳ vọng cụ thể đối với các học viên tham dự khóa học

PV


Có thể bạn quan tâm