March 29, 2024, 10:31 pm

Thần Khúc của Dante qua bản dịch mới

Năm 2021, kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante Alighieri (1265-1321), một trong những thi hào lớn nhất của loài người, ngang hàng với Homer của Hy Lạp, Shakespeare của Anh, Goethe của Đức. Với người Ý, Dante là “nhà thơ tối cao”, là người góp phần sáng tạo ra ngôn ngữ Ý và Thần khúc được xem như “Kinh Thánh” thời trung cổ. Trong cộng đồng Công giáo, Dante chiếm vị trí độc tôn. Mặc dù trong phần Hỏa ngục của tác phẩm Thần khúc, Dante đã từng xúc phạm vị Giáo hoàng sống cùng thời với ông, nhưng không vì thế mà những vị Giaó hoàng kế cận quay lưng với ông. Giáo hoàng Phaolo VI, trong Tự sắc gọi Thần khúc là “Ca khúc tuyệt đỉnh”. Giáo hoàng Phanxico, trong Tông thư đánh giá Thần khúc là “Vẻ huy hoàng của ánh sáng vĩnh cửu”…

 

 

Dante sống trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thời Trung cổ và thời Phục hưng. Ông là thi sĩ đầu tiên viết một tác phẩm lớn bằng tiếng bản ngữ và được coi là nhân vật quan trọng trong “Phong cách mới”. Đó là một thời kỳ có nhiều biến động trên thế giới và trong giáo hội. Giống như phần lớn các thiên tài văn chương của nhân loại, Dante gắn chặt đời mình vào những hoạt động xã hội và cũng có một cuộc đời không mấy xuôi xẻ. Tuổi thơ Dante được nuôi dưỡng trong bầu không khí tâm linh Kitô giáo, chịu ảnh hưởng lớn bởi tinh thần thánh Phanxicô, vị thánh đứng về phía những người bình dân nghèo khổ. Vì ngưỡng mộ thánh Phanxicô mà sau này Dante đã trở thành một tu sĩ Dòng Ba Phanxicô. Dante coi Phanxicô như Đức Kitô thứ hai của đạo Chúa vì ngài đã sống triệt để tinh thần Tin Mừng. Trong tác phẩm Thần khúc, phần Thiên đàng, ca khúc XI, Dante đã viết về điều này.

Về chính trị, trước khi nước Ý thông nhất (1861) vương quốc này chia ra làm nhiều tiểu vương quốc, hình thành nên hai phe. Phe Ghibellini muốn dựa vào sự ủng hộ của Hoàng đế Đức để thống nhất đất nước, trong khi phe Guelfi lại muốn dựa vào Đức Giáo hoàng để làm điều đó. Năm 1289 xung đột đẫm máu xảy ra giữa hai phe. Dante thuộc phe Guelfi. Ông tham gia trận đánh Campaldino và bao vây lâu đài Caprona. Phe Guelfi thắng. Nhưng sau chiến thắng phe Guelfi lại chia làm hai phe nhỏ: phe Guelfi Trắng và phe Guelfi Đen. Phe Đen tiếp tục liên minh với Đức Giáo hoàng, trong khi phe Trắng, phe có Dante, lại muốn tiểu vương quốc Phirenxê của họ tự chủ. Dante đang giữ cương vị Viện trưởng Hội đồng thị chính, thì phải chuyển sang làm đại sứ. Dante là một trong ba đại sứ được cử đến Rôma thuyết phục Giáo hoàng Boniface VIII không can thiệp vào tiểu vương quốc Phirenxê của họ. Tuy nhiên tháng 11 năm 1301, trong khi Dante đi sứ thì phe Guelfi Đen ở nhà đã bất ngờ đánh chiếm Phirenxê. Tháng 11 năm 1302, Dante bị phe đối lập vu cáo tội “Biển thủ công quỹ”. Không những bị đình chỉ công vụ, ông còn bị tòa kết án lưu đầy và buộc phải trả một khoản tiền phạt rất lớn. Dante phải xa vợ con, gia đình, xứ xở trong nỗi đau uất hận của một kẻ lưu đầy. Cũng như Nguyễn Du ở ta từng có “Mười năm gió bụi” để rồi sinh ta kiệt tác Truyện Kiều, Dante cũng có “Mười năm gió bụi” để cho ra kiệt tác đồ sộ Thần khúc. Nhờ tác phẩm vang dội này, năm 1319, Dante nhận được lời mời đến Ravenna, rồi năm 1321 ông được cử đến thành Vênêzia với tư cách là đại sứ. Nhưng khi trở về Dante bị nhiễm bệnh sốt rét, qua đời ở tuổi 56 tại Ravenna vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng 9 năm 1321, nơi ông còn an nghỉ cho đến nay.

Dante bắt đầu sáng tác văn học bằng một số tập thơ, trong đó hai tập đáng chú ý nhất là Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng GiêsuCuộc đời mới, nhưng phải đến khi tác phẩm Thần Khúc ra mắt tên tuổi ông mới trở nên nổi tiếng.

Dante viết Thần khúc trong khoảng 14 năm, nghĩa là từ đầu cuộc sống lưu vong cho đến khi qua đời (1307-1321). Tác phẩm chia làm 3 phần, mỗi phần in thành một quyển, gồm: Hỏa ngục, Luyện ngục, Thiên đàng. Mỗi phần gồm 33 ca khúc (ca kúc 1 giới thiệu chung), tổng cộng 100 ca khúc, với 14.233 câu thơ, mỗi khổ thơ 3 dòng. Mỗi liên khúc đều gieo vần liên kết: aba, bcb, cdc, 99% kết thúc bằng nguyên âm mở a,o,e,i tạo nên một âm hưởng rất riêng trong ngôn ngữ Ý.

Số 3 có ý nghĩa rất đặc biệt trong văn hóa trung cổ. Nó gợi  lên tín điều Chúa 3 ngôi; nó gợi lên 3 người dẫn đường qua 3 thế giới: Virgilio, người hướng đạo của Dante từ rừng hoang băng qua Hỏa ngục, lên Luyện ngục; nàng Béatrice, người yêu và là người hướng đạo cho Dante trên hành trình cuối Luyện Ngục và Thiên đàng; thánh Bênađô, vị hướng đạo thứ ba trong phần cuối Thiên đàng Mỗi thế giới đều được chia 9 phần (3x3): Hỏa ngục có 9 tầng, Luyện ngục có 9 phần, Thiên đàng có 9 thiên cầu với 9 phẩm thiên thần. Cuối cùng là Thiên quốc vô hình nơi Thiên Chúa ngự trị. Có thể nói, Thần khúc là một tác phẩm viết dưới cảm hứng chủ đạo là đức tin kitô giáo, nhưng trong đó có đầy đủ tất cả những gì liên quan đến sự tồn sinh của loài người: từ triết học đến thần học, từ xã hội đến chính trị, từ vô chính phủ đến pháp luật, từ nhân quyền đến lương tâm, từ yêu thương đến hận thù, từ trung tín đến phản bội… Thần khúc có tới 900 nhân vật, trong đó tác giả Dante là nhân vật chính. Ngoài những nhân vật trong Kinh Thánh, những nhân vật của tòa giám mục như Thánh Phêrô, Thánh Tôma Aquinô, Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Bônaventura, Thánh Đaminh, Thánh Đamianô, Thánh Biển Đức, Thánh Giacôbê, Thánh Gioan… còn có các nhân vật quyền lực xã hội: Hoàng đế Arrigo VII, Hoàng đế Giustiniano I, Vua Manfredi, Hoàng hậu Costanza và những trí thức lớn: thi hào Homer, anh hùng Ulysse, triết gia Platon cùng bao nhiêu con người của Trần thế, Địa ngục cũng như Thiên đàng nữa.

Các nhân vật xuất hiện có đầy đủ những hạng người: cao thượng và thấp hèn, thiên thần và ác quỷ, trung tín và gian dối… với những cung bậc tham, sân, si, ái, ố, hỷ, nộ. Đante đã dẫn dắt họ đi. Có người sa xuống tầng Địa ngục là không đi tiếp được nữa. Có người bước được lên tầng Luyện ngục thì dừng lại. Có người qua hai tầng ấy mà bước lên Thiên đàng. Hay nói môt cách bóng bảy hơn, Dante gảy Thần khúc từng cảnh rùng rợn trong chín tầng Địa ngục, đến không gian gột rửa trong bảy tầng Thanh luyện và tâm hồn sẽ được cung chiêm nguồn ánh sáng chan hòa trên chín bậc Thiên cung. Đúng như khát vọng, mục đích của tác giả khi viết tác phẩm: “Dẫn đưa nhân loại ra khỏi tình trạng thống khổ và sa ngã đến niềm hạnh phúc đích thực”. Cảm hứng chủ chủ đạo trong toàn bộ quá trình Dante sáng tác Thần khúc là như vậy.

Thần khúc của Dante xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, ít nhất là cùng thời điểm với những kiệt tác Iliad và Odyssey của Homer, Faust của Goethe. Bạn đọc từng biết đến những bản dịch Thần khúc (hầu hết là rút gọn) của giáo sư Lê Trí Viễn, giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, tiến sĩ Nguyễn Trọng Chánh, nhà thơ Khương Hữu Dụng, dịch giả Hồ Thượng Tuy, dịch giả Phạm Ngọc Liên… Lần này dịch giả Thần khúc là người công giáo đầu tiên: linh mục Giuse Trần Văn Đỉnh, với bút danh Đình Chẩn. Đình Chẩn sinh năm 1982. Năm 2008, ông được bề trên gửi đi học tiếng Ý tại trung tâm Dante - Hà Nội. Vốn là người thông minh, ham học, cùng thời điểm ấy Đình Chẩn còn xin học dự thính khoa tiếng Ý ở Đại học Hà Nội. Năm 2009 Đình Chẩn được đưa sang Ý học Trường Đại học Giáo hoàng Urbanlana - Rôma. Suốt 8 năm học ở đây, Đình Chẩn có điều kiện tiếp cận với những kiệt tác văn chương của nhân loại, đặc biệt là những tác phẩm liên quan đến Thiên Chúa giáo. Đình Chẩn bắt đầu thử bút bằng dịch tập thơ của Thánh nữ Tẻêsa. Ông nhận thấy nhiều người dân Ý nhắc đến Thần khúc, nhất là các giáo sư đại học nơi ông theo học. Các Đức Giáo hoàng cũng không tiếc lời ca ngợi Thần khúc. Thần khúc được giảng dạy chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông và bậc đại học. Mùa hè, đi giúp các xứ đạo ở nông thôn nước Ý, Đình Chẩn thấy hầu như người dân nào ông gặp cũng thuộc ít nhất vài ba câu trong Thần khúc, điều đó giống như người Việt Nam với Truyện Kiều vậy. Nói cách khác, nếu người Việt có văn hóa Kiều, lẩy Kiều thì người Ý có văn hóa Thần khúc, lẩy Thần khúc. Nếu một số người Việt thuộc lòng 3.254 câu Kiều thì một số người Ý thậm chí còn có thể thuộc 14.233 câu Thần khúc. Đình Chẩn nảy ra ý định dịch Thần khúc từ đấy. Đình Chẩn biết làm việc này gần như quá sức đối với ông. Ông sẽ vấp phải khá nhiều rào cản: Những dịch giả tên tuôỉ đã từng dịch Thần khúc, liệu ông có bị che lấp bởi cái bóng của họ? Về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ thi ca… cũng là những rào cản không dễ vượt qua. Nhưng… như có Hồng ân Thiên Chúa soi rọi, Đình Chẩn sực nhớ đến câu nói của Paulo Coelho, tác giả cuốn sách Nhà giả kim kể về hành trình cậu bé đi tìm kho báu: “Nếu bạn thật sự muốn điều gì, thì vũ trụ sẽ giúp bạn đạt được nó”. Trong Kinh Thánh Mattheu, Chúa Giêsu cũng từng nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” và “Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể”. Đình Chẩn đã quyết tâm dịch, nhưng lại tự hỏi: dịch như thế nào? Thần khúc là một tác phẩm lớn, không dễ đọc. Đình Chẩn nhận thấy ở Việt Nam, Thần khúc chủ yếu lưu truyền trong giới trí thức có kiến văn, còn giới bình dân rất ít người tìm đọc, nhất là giờ đây, công chúng đến với văn học ngày càng thu hẹp. Không ít người đã đánh mất hẳn thói quen đọc sách. Vậy thì không thể lôi kéo họ tiếp cận với văn học bằng cách dịch cứng nhắc, làm khó họ. Đình Chẩn quyết định “Việt hóa” Thần khúc. Như trên chúng tôi đã trình bày: mỗi khổ thơ trong Thần khúc có 3 dòng, mỗi trường ca (một tập) có 33 ca khúc, 3 tập gồm 99 ca khúc, cộng với một ca khúc giới thiệu chung, tổng cộng 100 ca khúc. Giờ đây Đình Chẩn “phá tung” kết cấu ấy, ông dịch thành các khổ rất khác nhau: có khổ 3 câu, có khổ 5 câu, có khổ nhiều câu, tùy theo nội dung mỗi khổ mà để dài hay ngắn. Đình Chẩn cũng không chỉ dịch sang tiếng Việt bằng một thể thơ mà dùng nhiều thể thơ, tùy theo nội dung mà diễn đạt, miễn sao những câu thơ ấy đi được vào cảm xúc của người đọc Việt Nam. Đình Chẩn sử dụng thể lục bát, không ít đoạn mang hơi hướng Kiều: Ngọc sầu ôm phút uyên ương/ Mây trôi bèo dạt trăm đường xót xa… Có những đoạn sử dụng điệp ngữ: Khi rằng tới chân đồi thanh vắng/ Xa lánh xa thung lũng tuyệt mòn. Có những chỗ vận dụng tục ngữ, ca dao: Tưởng vuốt tham không đáy mở lượng tha ngươi/ Thì đợi đấy! Túm được voi, đòi được tiên chưa thỏa/ Bè hoang thú kết dây mơ rễ má/ Lũ điếm đàng dệt vây ả ám mờ… Lại chó chỗ sử dụng điển ngữ quen thuộc: Mắt nàng tinh tú sa kỳ/ Hằng Nga cởi dép, Tây Thi vén rèm…v.v

Thậm chí dịch giả còn “Việt hóa” cả tên tác giả, tên tất cả các nhân vật, tên các địa danh trong tác phẩm nữa. Chẳng hạn: tên thi hào Dante được gọi là Đặng Thế An, Virgilio được gọi là Vinh Dư Lưu, nàng Béatrice được gọi là nàng Thiện Bích… Tên đầm lầy Stige được gọi là Xiển Tích, sông Arli gọi là sông Ác Lê… v.v… Theo thiển ý của tôi, dịch giả Việt hóa câu văn là một sáng tạo hợp lý và rất đáng trân trọng, còn Việt hóa cả tên người, tên địa danh thì không cần thiết lắm, bởi tên thi hào, tên các nhân vật, tên các địa danh đã khắc in trong trí nhớ của biết bao thế hệ độc giả trên khắp hành tinh này hơn 700 năm rồi.

Cho dù thế thì việc chuyển ngữ Thần khúc theo cách của dịch giả Đình Chẩn vào thời điểm này là rất cần thiết và hữu dụng. Xã hội Việt Nam những năm tháng này đạt được rất nhiều thành công về kinh tế, về khoa học kỹ thuật, về ngoại giao… khiến thế giới khâm phục, kính nể. Nhưng về khoa học xã hội và nhân văn thì còn có những điều trăn trở. Hình như có chút lầm lạc nào đó, từ khâu nào đó, mà văn chương đang ngày càng trở nên xa lạ, là món “xương xẩu” với người Việt Nam. Nhìn hình thức thì cứ ngỡ văn chương Việt đang bừng nở: Người ta tổ chức những hội nghị văn chương, thơ phú liên tục, diễn ra khắp nơi. Comple cà vạt sột soạt, xúng xính. Áo dài, váy ngắn xanh đỏ rực rỡ, “bung lụa” phấp phới. Vào hội nghị thì toàn những lời tán dương, vinh danh to tát, cứ như văn chương Việt Nam sắp cung cấp cho thế giới hàng chục, hàng trăm tác giả ẵm giải Nô-ben đến nơi. Nhưng khi hỏi: Dante là ai thì 99% người được hỏi lắc đầu không biệt, hoặc “có nghe nói” nhưng chưa đọc! Thiếu kiến văn, con người trở nên hời hợt, khập khiễng, què quặt, ăn xổi ở thì. Tham, sân, si phát tác không có điểm dừng. Tội ác không có phanh hãm. Có những tội ác rất cần phải đầy xuống Hỏa ngục, để Luyện ngục như trong Thần khúc. Bởi vậy, việc tái bản Thần khúc với một bản dịch nhiều ưu thế như của Linh mục Đình Chẩn sẽ có khả năng đánh thức cảm xúc của bạn đọc ít nhiều, kéo họ trở lại với văn học, cho dù điều đó rất khó khăn.

Nguồn Văn nghệ số 40/2022


Có thể bạn quan tâm