March 28, 2024, 11:28 pm

Bao giờ nguôi “bão giá”?

Trong vài ba năm trở lại đây, dân ta đã ít nhất hai lần phải chống chọi với “bão giá”, cơn trước chưa qua, cơn sau đã ập đến.

Cơn “bão giá” thứ nhất xảy ra khi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 2 tràn về và bủa vây nước ta từ cuối năm 2020 đến gần cuối năm 2021. Do nhu cầu cách ly chống dịch đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa tiêu dùng cũng như lưu thông hàng hóa trên cả nước. Người dân từ Nam chí Bắc đều phải thực hiện chủ trương “ai ở đâu, ở đó”, không đi lại giao tiếp, không tụ tập đông người kể cả các hoạt động tôn giáo và văn hóa như lễ hội, vui chơi giải trí đều tạm ngừng. Thậm chí đi chợ mua thức ăn hàng ngày còn phải cắt phiên chẵn-lẻ. Chính quyền cấp phường, xã ở các thành phố lớn còn phát phiếu đi chợ cho các hộ dân, mỗi tuần hai lần. Do bị “ngăn sông, cấm chợ” nên giá cả tăng vọt từ 10-30%. Thậm chí có những mặt hàng tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi. Thế nhưng, điều tâm đắc nhất là ở đợt “bão giá” này, người dân dường như ít phàn nàn, kêu ca. Có lẽ vì họ thấy được một phần lý do “chính đáng” của việc tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ vận tải, nên sẵn sàng cùng chia sẻ với nhà nước và các doanh nghiệp…

Cơn “bão giá” thứ hai bắt đầu từ khi xảy ra chiến sự giữa Nga và Ucraina cuối tháng 2/2022, làm đứt gãy, thậm chí tê liệt cục bộ chuỗi cung ứng xăng dầu và khí đốt trên phạm vi toàn cầu. Thị trường xăng dầu và khí đốt ở nước ta cũng vì thế mà ảnh hưởng nặng nề. Dĩ nhiên là các doanh nghiệp vận tải, các nhà cung ứng hàng hóa tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh bán lẻ, các tiểu thương… buộc phải nâng giá lên để bù vào chi phí nhiên liệu đầu vào, nhất là ngành kinh doanh vận tải, là điều thực sự dễ hiểu. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã qua 20 lần  điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm, với mức giảm tổng cộng các đợt vào khoảng 7.000 đồng mỗi lít xăng. Xăng dầu là mạch máu của nền kinh tế, giá xăng dầu tăng thì các mặt hàng khác cũng tăng theo, khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 vừa qua tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là cước phí vận tải đối với các tuyến cố định xe đường dài đều tăng từ 15-20%.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của giá cả thị trường do tác động của việc tăng giá xăng dầu, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành liên quan tìm mọi cách để hạ nhiệt giá xăng dầu bằng cách điều chỉnh giảm một số loại phí, thuế như: Thuế bảo vệ mội trường giảm kịch sàn, chỉ còn 1.000 đồng/ lít xăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT)… cũng đều giảm nhằm góp phần giảm giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và cước phí vận tải.

Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu trở về với mức giá tương đương hồi đầu tháng 2/2022, tức trước khi xảy ra chiến sự Nga-Ucraina, nhưng lạ thay giá hàng hóa tiêu dùng và cước phí vận tải hoặc là vẫn giữ nguyên, hoặc chỉ giảm nhỏ giọt. Vừa qua, Chính phủ và một số bộ ngành có chức năng quản lý nhà nước như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải… phải vào cuộc với quyết tâm tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ nút thắt, chống nguy cơ hình thành mặt bằng giá mới, làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh nhất là đối với những người có thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo.   

Tại cuộc tọa đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào 14h ngày 4/8 vừa qua, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Trước tiên là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm cần có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp… rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo. Đồng thời, việc giá cả không thể giảm ngay được còn có nhiều tác động khác, như: giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ… Hoặc như giá vật liệu xây dựng và nhân công sửa chữa nhà ở tăng lên là do nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng; giá dịch vụ vận tải tăng là do vào mùa cao điểm du lịch; giá mặt hàng đồ uống tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè v.v…

Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cũng đồng tình với việc doanh nghiệp cần thời gian để tính toán các yếu tố cấu thành giá rồi điều chỉnh giá, nhưng không thể quá lâu được. Cần phải có điều chỉnh kịp thời để sát với diễn biến thị trường. Trước câu hỏi của dư luận là giá nhiên liệu đầu vào giảm mạnh trong khoảng hơn tháng nay, chính xác là 40 ngày, nhưng cước vận tải vẫn chưa hạ, vị đại diện Cục vận tải cho biết đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, không phù hợp, thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp…

Dư luận cho rằng ý kiến của người đại diện Cục vận tải (Bộ Giao thông vận tải) là quá chung chung và hình như đang cố tình làm chậm tiến độ giảm giá cước vận tải, thông qua cái cớ còn phải “rà soát” các văn bản quy phạm pháp luật và các điều kiện kinh doanh vận tải. Thử hỏi: cứ tiến độ như thời gian vừa qua thì biết đến bao giờ các vị mới “rà soát” xong hàng chục, hàng trăm văn bản hiện hành cho người dân được nhờ? Hay là phải đợi đến khi hình thành mặt bằng giá mới rồi mà ngành chức năng vẫn “rà soát” chưa xong cái đống giấy tờ lủng củng, chồng chéo lên nhau ấy?

Chuyên gia phân tích kinh tế Cấn Văn Lực là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng: Cách lý giải của Cục quản lý giá là “không đủ thuyết phục”, bởi rõ ràng là “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”. Ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh độ trễ của việc giảm giá: “không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà chỉ sau một vài tuần, thì ta phải điều chỉnh ngay”. Vì sao khi nước lên thì thuyền lên nhanh như thế, vậy mà khi nước xuống thì thuyền cứ chây ì ra đấy không chịu xuống; hoặc có xuống cũng rất ì ạch, nhích mãi không được một bước?

Dư luận có quyền nghi ngờ và đặt dấu hỏi là tại sao khi xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương… chỉ cần nhấp chuột chưa đến một giây thì giá cả nhiều mặt hàng đồng loạt tăng hết, tăng như phi mã, không cần bất kỳ một sự tính toán “rà soát” nào cả. Đến khi giá xăng dầu giảm thì doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương… lại cần “phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm phù hợp”. Cách giải thích trên đây của đại diện Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) là hoàn toàn khó có thể chấp nhận được. Liệu có sự “bắt tay”, “chống lưng”, “lợi ích nhóm” dẫn đến hiện tượng nghịch lý tăng-giảm bất thường trên đây không? Giữa lúc nước sôi lửa bỏng của đại dịch Covid-19 mà vẫn có những cái “bắt tay” làm ăn kiểu Việt Á thì những nghi ngờ trên đây đây không phải là không có căn cứ.

Người Việt Nam ta từ xa xưa đến nay không năm nào là không phải gánh chịu một vài trận “bão giá” ở một số địa phương hay trên phạm vi cả nước, do thiên tai, chiến tranh và dịch bệnh… Những trận “bão giá” trong các trường hợp đó, người dân tương đối đồng thuận, cảm thông và chia sẻ với nhà nước và doanh nghiệp khi tăng giá dịch vụ, hàng hóa và cước phí vận tải, theo tinh thần “lợi nhuận cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ” như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nhưng người dân rất khó chấp nhận khi “tăng thì dễ, giảm lại khó” như cách làm của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu đảm bảo ổn định đời sống dân sinh trong thời gian gần đây và hiện nay. Nếu có sự “bắt tay đồng thuận” giữa các doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương… với các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành mặt bằng giá mới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh, thì cần phải được chấn chỉnh ngay, kiên quyết không để hình thành một tiền lệ xấu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước!

Nguồn Văn nghệ số 34/2022


Có thể bạn quan tâm