April 25, 2024, 4:11 am

Văn học là một yếu tố quan trọng nhất góp phần làm nên văn hóa Việt qua từng thời đại

 

Sáng ngày 24/5 Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội,  nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu  đến bạn đọc toàn văn bài phát biểu của ông.

 

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 

Kính thưa các quí khách,

Kính thưa các nhà văn,

Cách đây 65 năm, Hội Nhà văn Việt Nam chính thức được thành lập. Nhưng các nhà văn Việt Nam đã dấn thân vào con đường chung của dân tộc từ những ngày tháng dân tộc đang phải sống trong bóng tối nô lệ. Con đường chung ấy là con đường đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc. Và những trang viết của các nhà văn cách mạng tiền bối đã góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vĩ đại và đặt nền tảng cho một nền văn học mới, nền văn học của một dân tộc được độc lập, tự do, nền văn học của lương tri và của giấc mơ làm người chân chính. Gần một thế kỷ đã trôi qua, nhưng những trang viết của những nhà văn cách mạng đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị và sức lôi cuốn bạn đọc cho tới bây giờ. Bởi họ đã viết với khát vọng lớn lao của dân tộc cho độc lập, tự do, bởi họ đã viết bằng chính cuộc đời họ dâng hiến cho sự tồn vong của tổ quốc, bởi họ đã viết bằng chính lương tri con người Việt Nam. Với tâm thế, tư thế, lương tri và sự dâng hiến của các nhà văn cách mạng tiền bối, họ đã trở thành những người mở đường cho một nền văn học chân chính và kiêu hãnh.

Chúng ta không thể nào quên được trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc có biết bao nhà văn đã đi vào mặt trận trong tư thế của một người lính. Họ cầm súng và cầm bút. Máu của nhiều nhà văn đổ xuống mảnh đất Việt Nam trong cuộc chiến tranh đã làm rực rỡ những trang viết của họ và góp phần làm rực rỡ những trang sử của dân tộc. Cho đến lúc này, hình ảnh của những nhà văn mặc áo lính luôn luôn làm cho chúng ta xúc động và tự hào. Cuộc đời của họ là biểu tượng cho sự dâng hiến cao cả, tác phẩm của họ là biểu tượng cho những vẻ đẹp lớn lao của dân tộc. Có biết bao nhà văn đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Máu của họ cùng với những trang viết vì con người, vì tổ quốc đã làm cho những tác phẩm của họ trở nên vô giá và bất tử.

65 năm là một chặng đường dài, các nhà văn Việt Nam đã luôn gắn kết nhau qua từng thế hệ và đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam trong 65 năm qua đầy biến động, đầy thách thức, nhưng đường đi của dân tộc Việt Nam không hề đổi hướng và văn học đã bền bỉ, kiêu hãnh đi trên con đường chân chính ấy. Lịch sử phát triển văn học Việt Nam minh chứng rằng: Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam đã mang đến một giọng nói của thời đại mình, mang đến những giá trị mới cho văn học Việt Nam và góp phần tạo ra những địa tầng mới cho văn hóa dân tộc. Mỗi thế hệ nhà văn xuất hiện lại mang tới những vẻ đẹp mới của sáng tạo, nhưng bản chất của nền văn học ấy không hề đổi thay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. Đó là nền văn học vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc. Và qua mỗi thế hệ nhà văn, di sản của nền văn học Việt Nam lại đầy thêm với sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật sáng tạo và làm ra những giá trị mỹ học mới. Tiếng Việt, tâm hồn Việt, minh triết Việt qua mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam lại được mở rộng chiều kích của mình.

Khi được thành lập, Hội Nhà văn Việt Nam có 278 hội viên và cho đến hôm nay Hội Nhà văn đã có hơn 1000 hội viên. Nhưng điều quan trọng là các nhà văn Việt Nam đã gắn kết nhau trong tổ chức của mình cho một mục đích chung và làm nên vị thế của nhà văn trước con người và đất nước, tạo được niềm tin yêu của bạn đọc và mang lại cho con người tinh thần sống cao cả và những khát vọng chân chính. Hội Nhà văn Việt Nam là một trong hai tổ chức văn học nghệ thuật trong toàn quốc có tổ chức Đảng Đoàn. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận sứ mệnh quan trọng của văn học và đặt sự tin tưởng vào các nhà văn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho tổ quốc, trong sứ mệnh bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng cái Thiện và chống lại cái Ác.

Công cuộc đổi mới của Đảng đã mở ra một thời đại mới cho nhà văn Việt Nam. Từ đó, văn học Việt Nam đã bước lên một tầm cao mới trong sáng tạo và trong sứ mệnh của mình. Càng ngày, vị thế của văn học Việt Nam trên thế giới càng được nâng cao. Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và truyền bá trên thế giới, nhiều nhà văn Việt Nam đã nhận được những giải thưởng quốc tế uy tín. Đất nước đã ở một tầm cao mới, một vị thế mới và một tư duy mới, và văn học Việt Nam cũng lớn lên cùng đất nước trong một tầm cao mới, một vị thế mới và một tư duy mới.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mới của lịch sử thế giới với những biến động ngày ngày, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và một đời sống dân chủ càng ngày càng mở rộng. Chúng ta có nhiều cơ hội và điều kiện hơn cho sự phát triển văn học, nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với những thách thức mới vô cùng to lớn, đặc biệt là thách thức trong việc xác lập những giá trị sống và hệ tư tưởng. Kẻ thù của chúng ta trong những cuộc chiến tranh giành độc lâp, tự do và thống nhất đất nước hiện ra rõ ràng. Nhưng kẻ thù trong hòa bình ẩn giữa đời sống thường nhật của chúng ta và đôi khi ẩn náu trong chính con người của mỗi chúng ta. Đó là thói vị kỷ, lòng tham, sự vô cảm, vô trách nhiệm trước con người và trước dân tộc. Hội Nhà văn chỉ thực sự trở lên vững mạnh và xứng đáng với lòng tin của bạn đọc khi các nhà văn mang tới cho bạn đọc những tác phẩm chứa đựng chủ nghĩa nhân văn cao cả và sự sáng tạo không ngừng. Và hôm nay, nhân buổi gặp mặt đại diện của nhiều thế hệ nhà văn, chúng ta có thể nói rằng: các nhà văn Việt Nam đã không ngừng đấu tranh cho những điều đẹp đẽ nhất của mỗi con người và của cả dân tộc. Các nhà văn của mỗi thế hệ tiếp theo đã thực thi một cách xuất sắc sứ mệnh mà các thế hệ nhà văn đi trước trao lại.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam, thay mặt các nhà văn của một thế hệ mới, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các nhà văn của các thế hệ trước đã sống, đã sáng tạo, đã dâng hiến để làm nên một nền văn học xứng đáng với con người và dân tộc Việt Nam, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết đại Hội Đảng lần thứ 13 đã xác lập tầm quan trọng của văn hóa ngang với chính trị và kinh tế, Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24 tháng 11 năm 2021 tái khẳng định một lần nữa chân lý của chủ tịch Hồ Chí Minh: ‘’văn hóa soi đường quốc dân đi’’. Và văn học là một yếu tố quan trọng nhất góp phần làm nên văn hóa Việt qua từng thời đại.

Thời gian tiếp tục trôi đi không một giây dừng lại, các thế hệ nhà văn mới lại xuất hiện và trở thành chủ nhân mới của nền văn học Việt Nam. Và tôi tin tưởng rằng: các nhà văn của thế hệ mới sẽ tiếp tục trên con đường sáng tạo kỳ vĩ mà các nhà văn đi trước đã dựng lên và tiếp tục mang lại những vẻ đẹp mới, mang tới một tư thế mới và một giá trị mới của thời đại mình. Thay mặt Ban chấp hành và các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các cơ quan đại diện của Đảng và Nhà nước đã luôn đồng hành cùng Hội Nhà văn Việt Nam, đã chia sẻ những khó khăn, những thách thức với Hội Nhà văn và đã giúp cho Hội Nhà văn trong mỗi bước đi của mình.

Kính thưa các quí khách,

Kính thưa các nhà văn,

Vào trung tuần tháng 6 năm 2022, Hội nghị những người viết trẻ toàn quốc được tổ chức tại Đà Nẵng với khẩu hiệu: VÌ SAO CHÚNG TA VIẾT?. Câu hỏi này không chỉ vang lên một lần mà vang lên mọi lúc, mọi nơi mỗi khi nhà văn cầm bút viết, đặc biệt là các nhà văn trẻ. Nếu không trả lời được câu hỏi ấy hay không có ý thức đặt câu hỏi ấy, những trang viết của nhà văn có nguy cơ trở thành những con chữ vô cảm, tùy tiện và vô trách nhiệm. Chúng tôi mong anh linh của các nhà văn đã khởi sinh ra nền văn học Việt Nam, anh linh của các nhà văn cách mạng tiền bối và các nhà văn đã khuất cùng với các nhà văn của nhiều thế hệ đang sống và sáng tạo hôm nay hãy tin tưởng vào nền văn học của chúng ta trong một thời đại mới. Lòng tin ấy chính là một động lực to lớn và cũng là một đòi hỏi chính đáng đối với các nhà văn trẻ trong sự sáng tạo vì cái Đẹp, vì con người và vì dân tộc.

Xin kính chúc các nhà văn, các khách mời trong buổi gặp mặt giản dị và chân thành hôm nay mạnh khỏe, hạnh phúc và đặt niềm tin vào nền văn học của chúng ta trên con đường đi tới tương lai cùng dân tộc của mình.

Xin chân thành cám ơn tất cả!


Có thể bạn quan tâm