April 19, 2024, 11:14 am

KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi…

 

Sinh thời, đồng chí Vũ Kỳ - Người thư ký tận tụy gần gũi Bác Hồ kính yêu từ thời ở Chiến khu Việt Bắc cho đến ngày Bác qua đời ở Thủ đô Hà Nội – đã nhiều lần kể: Bác Hồ bắt đầu viết bản thảo Di chúc đầu tiên từ ngày 10 đến ngày 15-5-1965. Từ đó đến khi qua đời, hằng năm cứ đến ngày 10-5 là Bác lại yêu cầu Thư ký mang bản Di chúc đã chỉnh sửa năm trước cho Người tiếp tục sửa chữa, bổ sung và đến ngày 15-5 lại giao cho Thư ký bảo quản theo chế độ “Tài liệu mật”. Điều đặc biệt là mặc dù được ghi rõ “Tuyệt đối bí mật”, nhưng đây lại là tài liệu được công bố rộng rãi nhất; được nhiều thế hệ nghiên cứu, học tập và thực hiện.

Và điều đặc biệt hơn nữa là mặc dù qua 4 lần chỉnh sửa trong những năm cuối đời, nhưng lần chỉnh sửa nào Bác cũng nêu vấn đề “Trước hết nói về Đảng” với những lời căn dặn hết sức quan trọng có ý nghĩa sống còn của Đảng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong bản chỉnh sửa tháng 5-1968, Người viết: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân...”. Bác khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” và dành một đoạn khá dài để nói về trách nhiệm của Đảng, về sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên. Toát lên trong toàn bộ bản Di chúc là lời căn dặn của Người: Phải củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân.

Lời dặn dò của Bác về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Người từ hơn nửa thế kỷ trước, hôm nay càng trở nên cấp thiết và mang tính thời sự rất cao. Cách tốt nhất để thực hiện những lời căn dặn hệ trọng và thiêng liêng trong Di chúc của Bác Hồ là ra sức làm tốt những điều chưa làm được theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI và XII của Đảng; Kết luận của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay để giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng. Xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái là những vấn đề hệ trọng nhất hiện nay. Thời gian qua, nhiều tình huống phức tạp diễn ra, nhiều suy thoái nghiêm trọng đã bộc lộ, đã được phát hiện và Đảng đã chấp nhận những đau đớn để xử lý, rút ra những bài học đắt giá. Đảng nêu cao quyết tâm chính trị, trách nhiệm chính trị để quyết làm cho Đảng thật trong sạch. Có trong sạch thì Đảng mới vững mạnh, mới được lòng dân, yên lòng dân để tiến lên.

Cùng với mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân. Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong Di chúc thiêng liêng, từ đoàn kết được Người nhắc tới 8 lần. Mặc dù bản thảo được chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần, nhưng dung lượng và nội dung Người viết về đoàn kết hầu như không hề thay đổi. Điều đó chứng tỏ suy ngẫm của Người về vấn đề này rất kỹ lưỡng, thấu đáo.

Cuối cùng, Người gửi gắm nguyện vọng trong Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. 

Thực trạng xã hội, thực tiễn cách mạng và kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian gần đây khiến chúng ta càng thấm thía vì sao Bác Hồ lại dành phần đầu tiên trong Di chúc để nói về Đảng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng cầm quyền luôn luôn là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Mỗi hành động, việc làm của từng Đảng viên là sự nêu gương, dẫn dắt quần chúng để tạo nên phong trào cách mạng rộng lớn trong từng thời kỳ lịch sử. Chính vì vậy, việc tự phê bình và phê bình của cấp ủy đảng các cấp hôm nay là thể hiện sự trung thành thực hiện lời dặn dò của Bác: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trước khi vĩnh biệt chúng ta, đã không ít lần Bác Hồ nhắc nhở rằng những người hôm qua là anh hùng, không nhất thiết hôm nay vẫn là anh hùng, nếu ai đó lơ là việc rèn luyện đạo đức cách mạng, nếu ai đó không tự vượt lên khỏi sự cám dỗ của tiền tài và danh vọng. Bác cũng chỉ ra rằng, khi nước nhà đã giành được độc lập, tự do mà dân vẫn đói nghèo, con em không được tới trường thì độc lập, tự do ấy chẳng có ý nghĩa gì! Trong những năm tháng chỉ đạo công cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng miền Nam và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác Hồ đã nhiều lần lưu ý thái độ xa dân, coi thường dân, trù dập và ức hiếp nhân dân của cán bộ, nhất là những người ở vị trí lãnh đạo các cấp. Theo Bác, “dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”. Bác phê phán lối làm việc theo cách quan liêu, ép buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh của riêng mình. Hậu quả của cách làm quan liêu ấy dẫn đến hiện tượng “dân oán, có thể tạm thời có chút thành công, nhưng về mặt chính trị thì thất bại”. Bác tổng kết thành một điều chí lý: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra... Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo... Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”.

Hơn nửa thế kỷ Bác Hồ đi xa, nhưng lớp lớp thế hệ người Việt Nam yêu nước vẫn cảm thấy Bác “như đang đứng ở nơi này” của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” đi tiếp chặng đường cách mạng vẻ vang mà Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại đã vạch lối, chỉ đường. Chân lý Bác nêu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã là cội nguồn sức mạnh, lay động triệu triệu con tim, cổ vũ ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vẫn vang vọng hôm nay, thúc giục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xiết chặt đội ngũ, vượt mọi chông gai, nhịp bước cùng thời đại, vững vàng hơn trên con đường vạn dặm nhiều chông gai của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và giao lưu với bè bạn năm châu!

Những năm gần đây, dư luận trong nước và quốc tế quan tâm đến việc hàng chục triệu người Việt Nam từ trẻ đến già ở khắp mọi miền đất nước cũng như ở nước ngoài đồng lòng hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biểu thị tấm lòng biết ơn, thành kính trước tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, “một đời thanh bạch, chẳng vàng son”, “nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam được tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc phong tặng danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Càng không bất ngờ khi các thế lực thù địch âm mưu mở chiến dịch vu cáo, bôi nhọ Người thì ngay giữa trung tâm thủ đô của nước Mê-hi-cô ở châu Mỹ la tinh, chính quyền thành phố long trọng dựng tượng Hồ Chí Minh; nhiều nước ở châu Phi khi đón các Đoàn lãnh đạo cấp cao của ta sang thăm vẫn hô vang: “Việt Nam - Hồ Chí Minh!”; nhiều trường học ở Cu-ba, Mông Cổ, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và nhiều nước khác đã được mang tên Hồ Chí Minh.

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ; phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi cán bộ, Đảng viên cùng toàn thể nhân dân Việt Nam “xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”, thực hiện bằng được ước mong của Người trước lúc đi xa: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Nguồn Văn nghệ số 21/2022


Có thể bạn quan tâm