April 23, 2024, 5:03 pm

Bí mật của những bức tranh

Các tác phẩm hội họa của các bậc thầy nghệ thuật thế giới hiện đang được trưng bày trong các bảo tàng, các bộ sưu tập cá nhân luôn chứa trong nó nhiều bí mật. Bí mật lớn nhất, có lẽ không phải sự bí ẩn nào đó về thân phận, bối cảnh do người nghệ sĩ gửi gắm, mà là việc nó có phải ...hàng thật, hay chỉ là bản sao, một sự giả mạo.

Amedeo Modigliani, một trong những họa sĩ có tranh bị làm giả, mạo danh nhiều nhất thế giới

Kẻ lưu manh có ở khắp nơi, nghệ sĩ cũng vậy. Với đa số, người ta không quan tâm tới sự khác biệt giữa người nghệ sĩ lưu manh và kẻ lưu manh nghệ sĩ. Qủa vậy, sự khác biệt không lớn lắm, và thậm chí còn không có sự khác biệt. Nhưng dù thế nào, thì thiệt thòi nhất vẫn là những người mộ điệu nghệ thuật. Họ bị lừa dối bởi những kẻ lưu manh khoác áo nghệ sĩ, và cả những nghệ sĩ có một tâm hồn lưu manh.

Mới đây, Wolfgang Beltracchi và vợ Helene vừa mãn hạn tù, đã kể câu chuyện họ lừa dối những người yêu nghệ thuật như thế nào. Cần biết rằng, trước khi bị bắt, vào năm 2010, họ đã tạo ra và bán hàng trăm bức tranh giả với giá hàng triệu USD, lừa dối hàng trăm người mua, trong đó có cả gia đình của những nghệ sĩ bị họ giả mạo.

Chúng ta biết rằng, hàng năm trên thế giới, những tác phẩm nghệ thuật giả mạo được tiết lộ trong các bộ sưu tập bảo tàng công cộng, bộ sưu tập tư nhân và phòng trưng bày là rất nhiều. Một báo cáo của Viện Chuyên gia Mỹ thuật Thụy Sĩ (FAEI) cách đây không lâu cho biết ít nhất một nửa số tác phẩm nghệ thuật lưu hành trên thị trường là giả mạo. Giả mạo nghệ thuật đang phổ biến trong giới nghệ thuật chính thống. Kể từ khi được thành lập (2004), Đội Tội phạm Nghệ thuật của FBI đã thu hồi hơn 14.850 tác phẩm với tổng giá trị hơn 165 triệu USD (con số hiện tại còn lớn hơn rất nhiều). Một số thống kê khác cho biết có tới 20% tranh trong các bảo tàng lớn là hàng giả.

Thật không may, hàng giả và hàng nhái đã sẽ luôn tồn tại, và người ta chưa thể triệt để chống lại chúng.

Tác phẩm giả được định nghĩa là một bản sao. Bản sao có thể được tạo ra và lưu hành trên thị trường mà không ai nhận ra rằng phiên bản thật đang được treo trong viện bảo tàng hoặc vô tình rằng nó nằm trong một bộ sưu tập tư nhân nào đó. Một tác phẩm giả mạo là một tác phẩm cố ý được tạo ra để đánh lừa người khác. Những người làm giả có các công cụ hỗ trợ để tạo ra những tác phẩm giả thực sự “chân thực” bằng cách sử dụng công nghệ và khả năng sao chép thành thạo phong cách của nghệ sĩ, không chỉ bản thân tác phẩm mà còn cả tài liệu xuất xứ. Các tài liệu xuất xứ giả mạo đi kèm với tác phẩm có thể bao gồm các bức ảnh hoặc thư viết tay. Một số tổ chức giả mạo tác phẩm nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử thậm chí còn tổ chức các bức ảnh chụp người hiện đại trong trang phục thời kỳ cổ xưa bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật để thể hiện tài liệu thuyết phục về lịch sử của một tác phẩm nghệ thuật.

Những ai thường bị làm giả tác phẩm? Đương nhiên những bậc thầy nghệ thuật cổ điển, hiện đại, có tác phẩm được bán với giá cao nhất là đối tượng đầu tiên để những kẻ lưu manh giả mạo. Hãy lấy ví dụ về danh họa Amedeo Modigliani. Marc Restellini, một chuyên gia người Pháp về Modigliani tin rằng có hơn 1.000 bức tranh Modigliani giả trên thế giới. Về cơ bản, hàng giả được định nghĩa là một bản sao được phân phối trái quy định. Noah Charney, một tác giả, giáo sư và người sáng lập Hiệp hội Nghiên cứu Tội ác Chống lại Nghệ thuật cho biết: hàng giả và hàng giả mạo là hai thứ khác nhau: “Hàng giả là một tác phẩm nghệ thuật đã có từ trước, đã được thay đổi theo một cách nào đó để làm tăng giá trị của nó một cách gian dối. Còn “Giả mạo” là một tác phẩm mới được tạo ra từ đầu với mục đích gian dối là bắt chước một thứ khác hoặc phong cách của một nghệ sĩ khác.”

Trở lại với câu chuyện của Wolfgang Beltracchi và Helene. Đây là vụ án giả mạo tác phẩm nghệ thuật chấn động thế giới, về độ tinh vi và quy mô của nó. Nhưng đặc biệt ở chỗ, nếu không làm giả và thu lợi nhuận lớn để trở nên giàu có từ các tác phẩm nghệ thuật danh tiếng của các bậc thầy như Max Ernst, Heinrich Campendonk, Fernand Léger và Kees van Dongen…thì Wolfgang Beltracchi có thể là một nghệ sĩ đích thực. Và, ngay cả cách ông ta “làm giả” cũng đã rất nghệ sĩ rồi.

Wolfgang cho biết ông chưa bao giờ giả mạo những bức tranh có bố cục khiến người xem khó chịu. “Tôi phải tạo ra một thứ gì đó đẹp đẽ… Tôi muốn làm cho mọi người hạnh phúc,” ông ta nói.

“Tôi phải vẽ, và chúng tôi rất thích thực hiện các nghiên cứu. Giả mạo là một cách kết hợp tất cả những thứ này. Và tôi phải ngồi quanh bờ hồ nhiều ngày, đọc sách, mơ mộng và ngủ. Càng thành công trong việc bán tranh, chúng tôi càng đặt tiêu chuẩn cao hơn và chúng tôi nghĩ ra nhiều câu chuyện bổ sung hơn, bởi vì chúng tôi thực sự thích trò chơi này.”

Khi bắt chước càng nhiều nghệ sĩ, tài năng của Wolfgang càng nở rộ. Ông ta dành hàng tháng trời để nghiên cứu về cuộc đời của nghệ sĩ, rồi tạo ra những bức tranh có liên quan đến các tác phẩm “bị mất” hoặc các “khoảng trống” trong tác phẩm của họ. 

Wolfgang nói: “Ernst là một ví dụ rất điển hình. Anh ấy luôn vẽ hàng loạt, luôn luôn theo một cách cụ thể. Ví dụ, trong một loạt tác phẩm, anh ấy vẽ những đám đông và tiếp theo là những khu rừng. Vì vậy, những gì còn thiếu là một bức tranh vẽ đám đông và khu rừng với nhau. Bạn có thể nói là một bức tranh chuyển tiếp. Và đó là bức tranh tôi đã vẽ.”

Tôi đã đọc chữ viết tay bằng cách nhìn và cảm nhận từng chuyển động của cơ thể nghệ sĩ, đọc trạng thái tâm trí của anh ấy từ những nét vẽ, bởi vì chữ viết tay được tạo thành từ chuyển động cơ thể, tâm trạng và thời gian.”

Không chỉ đặt mình vào “tâm trạng” của chủ nhân những bức tranh nổi tiếng, họ còn tìm cách hóa thân vào chúng bằng cách đến tận những địa điểm, nơi chốn mà người nghệ sĩ nổi tiếng xưa đã vẽ những kiệt tác của họ. “Chúng tôi đã đến những nơi như thế vào cùng thời điểm trong năm. Khi bạn thực sự ở đó, bạn thực sự có thể cảm thấy nó như thế nào và bạn có thể tưởng tượng cách danh họa đứng, ngồi hoặc sống với những ảnh hưởng mà ông ta tiếp xúc.”

Còn nhớ cách đây mấy năm, các họa sĩ Việt Nam đã cùng lên tiếng bày tỏ bức xúc về nạn tranh nhái, tranh giả (Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, ở Việt Nam, tranh giả chiếm 50% - cand.com.vn). Họa sĩ Thành Chương chia sẻ, ông đã rất chán nản vì vấn nạn tranh giả, tranh nhái. Năm 2016, sự kiện 17 bức tranh của các danh họa Việt Nam được một chuyên gia mỹ thuật người Pháp sưu tầm và bán lại cho một người đàn ông Việt Nam, rồi được tổ chức triển lãm với tên “Những bức tranh trở về từ châu Âu” là “giả, mạo danh” khiến giới mỹ thuật sững sờ. Tại triển lãm này, họa sĩ Thành Chương đã khẳng định bức “Trừu tượng” ký tên họa sĩ Tạ Tỵ chính là bức tranh ông vẽ từ khoảng năm 1970. Sau khi phát giác tranh trưng bày trong triển lãm này không phải là tranh gốc, ông và nhiều họa sĩ rất tích cực đấu tranh, không ngại tự bỏ công sức, tiền của đấu tranh vì hy vọng vật chứng còn đấy, nhân chứng còn đấy thì sẽ xử lý được. Nhưng đến nay, mọi nỗ lực đều không có kết quả. 

Câu chuyện của Wolfgang cho thấy, hiện nay không chỉ có vợ chồng Wolfgang (dẫu họ đã chịu án tù) mà còn một lượng lớn những nghệ sĩ lưu manh và những kẻ lưu manh nghệ sĩ khác đang âm thầm kiếm chác hàng triệu đô la từ những tác phẩm giả mạo, ít nhất cho đến khi bị lộ. Điều đau xót nhất, thiệt thòi nhất là những người thưởng lãm nghệ thuật chân chính đã bị lừa dối. Và cái giá này, đối với họ, là vô cùng đắt đỏ.

Nguồn Văn nghệ số 20/2022


Có thể bạn quan tâm