April 25, 2024, 12:46 pm

Mai Trung Thứ - quán quân của thị trường tranh Việt

Hơn nửa thế kỷ qua, nếu xét riêng ở bình diện thị trường, tên tuổi Mai Trung Thứ (thường ký Mai Thứ) chưa nổi bật bằng Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí… Thế nhưng, thật bất ngờ, Mai Trung Thứ (1906-1980) đã trở thành quán quân về giá bán công khai, khi bức Chân dung cô Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong, sơn dầu, 135,5cm x 80cm, 1930) đã được bán hơn 3,1 triệu USD tại Sotheby’s Hong Kong hôm 17-4-2021. Tranh của ông gần đây đã liên tục trở lại các sàn đấu giá quốc tế.

Bức tranh Trà đạo. Ảnh: Internet

Lấy thẩm mỹ Việt làm trung tâm

Với kỹ năng vẽ sơn dầu nhuần nhuyễn và khả năng hòa nhập Tây phương mạnh mẽ, nếu Mai Trung Thứ muốn trở thành một họa sĩ theo kiểu của thuần Pháp, hoặc một số họa sĩ Pháp gốc Trung Quốc thời bấy giờ, thì khá dễ dàng. Thế nhưng, khi đến Pháp định cư, dù có quan hệ xã hội rộng rãi, đặc biệt là với tầng lớp văn hóa - nghệ thuật tinh hoa, giới sưu tập và nhà đấu giá quốc tế, ông vẫn giữ cho mình các khoảng cách sáng tạo nhất định. Trong những văn nhân nghệ sỹ thân hữu sống quanh khu Montparnasse nổi tiếng, ông kết thân nhiều hơn với hai danh họa Fernand Léger và Picasso; họ luôn khích lệ ông gìn giữ việc vẽ tranh với tinh thần Việt Nam. Sau này Mai Trung Thứ lấy vợ Tây, người vợ cũng khích lệ ông vẽ về những mùa xuân vĩnh cửu ở quê cha đất tổ, thông qua hình ảnh các nếp sinh hoạt - lễ nghi ngày trước, về ông bà, tình mẫu tử, thiếu nữ, trẻ em, thầy đồ…

Như bức Trà đạo, tên tiếng Pháp là Ceremonie du the (mực và gouache trên lụa bồi giấy, 60cm x 58,5cm, 1971). Tác phẩm đã dựa vào quan niệm về uống trà của người Việt, là “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Bố cục và thứ tự này được sắp xếp từ trước ra sau, nhìn vào sẽ thấy bình nước đầu tiên, nơi hai bé đang thường xuyên quạt và mở nắp bình, để nhiệt độ sôi được như ý, không ảnh hưởng đến hương vị trà.

Họa sĩ đã dùng luật viễn cận của Tây phương để vẽ theo bố cục 3 tầng thường thấy trong tranh thờ ở Đông phương, nơi người bà ngồi xa nhất, nhưng là vị trí trung tâm nhất. Cái độc đáo của Mai Trung Thứ là hóa giải tinh thần đại tự sự của bức tranh, để kể một câu chuyện nhẹ nhàng, nhuần nhụy về khung cảnh thường nhật của gia đình. Trong vòng tay của người bà là đứa cháu trai kháu khỉnh, lanh lợi, ngoan hiền, xứng đáng là người thừa kế trong tương lai.

Nhìn hàng rào thẳng thớm và ao nước rộng rãi phía xa xa, cũng như các áo dài tân thời mà ba người phụ nữ mặc, có thể thấy đây là thời trang thịnh hành với tầng lớp thượng lưu miền Bắc Việt Nam những năm 1930 - 1940. Họ ăn bánh uống trà rất đằm thắm, ấm áp nhưng cũng phảng phất một chút âu lo, vì rõ ràng nơi đây thiếu vắng đàn ông - những người có thể đang vì binh nghiệp, vì quốc gia mà phải xa cách gia đình.

Bức tranh giúp cho người xem quốc tế hiểu hơn về phong thái và truyền thống đáng trân trọng của các gia đình thượng lưu ngày trước. Nơi đó ẩn chứa các nề nếp, cách ứng xử tinh tế, như việc uống trà chiều, xứng đáng đạt đến ngưỡng trà đạo.

Một hành trình vững vàng

Trong các năm 1960-1965, Mai Trung Thứ hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) để xuất bản bưu thiếp trong nhiều ngôn ngữ, nhằm bán gây quỹ cho trẻ em bất hạnh. Các triển lãm cá nhân như Những đứa trẻ của Mai Thứ (1963), Trẻ con và gia đình (1971), Thế giới thơ của Mai Thứ (1980)… hướng đến chủ đề này. Điều thú vị là ông thường vẽ trẻ em Việt Nam trong trang phục truyền thống có cách tân, với màu sắc đa dạng, tươi vui, sắc màu như ngày Tết. Các bưu thiếp với mùa xuân vĩnh cửu xứ Việt rất thu hút, nhiều phòng tranh, bộ sưu tập còn lưu giữ, mua bán cho đến tận bây giờ.

Những triển lãm cá nhân khác như Người phụ nữ dưới mắt Mai Thứ (1968), Thế giới Mai Thứ (1974-1975)…ngợi ca phụ nữ, áo dài, gia đình, các hoạt động thường ngày như vui chơi, đánh cờ, học bài, tắm ao, uống trà, chơi nhạc… Tất cả toát lên vẻ thanh tao, thơ mộng, yêu kiều, đầy sức sống. Đó là một thế giới của mộng ước, nơi chỉ còn có nền nếp, niềm vui sống, tình yêu và hạnh phúc.

Lúc mới xuất hiện bên Pháp và châu Âu, tranh của ông được xem như là một kiểu chủ nghĩa hương xa (exoticism). Chính điều này làm cho Mai Trung Thứ vừa trở nên hấp dẫn với người mới tiếp xúc, vừa có một khoảng cách, sự thách thức nhất định với thị trường đã thân thuộc. Nhiều người nói rằng Mai Trung Thứ chẳng có chút Pháp hoặc chút Tây phương nào trong tranh. 

Theo họa sĩ Trịnh Cung: “Trong tranh lụa truyền thống không ai vẽ được những mảng màu nguyên sắc như xanh, đỏ, vàng, lục,… một cách đậm đà và tươi tắn như Mai Trung Thứ. Đây là một điểm khác biệt rất lớn trong dùng màu cho tranh lụa của Mai Trung Thứ so với tranh lụa của hầu hết các họa sĩ Việt Nam, từ những bậc thầy như Nguyễn Phan Chánh, như Lê Văn Đệ… Hầu như các họa sĩ vẽ tranh lụa chỉ dùng màu có độ nhạt và mỏng, trong một gam màu nghiêng về xanh và nâu. Dùng màu cho tranh lụa kiểu Mai Trung Thứ, từng mảng lớn và đậm màu, thì chỉ có thể vẽ khô trên nền lụa đã canvas (toan) hóa như ông đã nghĩ ra”.

Nhưng mọi thứ đã dần thay đổi, khi mà tác phẩm của những tác giả “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” (think globally, act locally) trở nên có sức hút mạnh ở những xã hội có quan niệm mới về toàn cầu hóa. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, sức hút của Mai Trung Thứ trên thị trường quốc tế và các phiên đấu giá đã tăng trưởng rất mạnh. Nhà sưu tập danh tiếng người Pháp là Armand Drouant (1898-1978) nói rằng: “Sự thành thật của rung cảm và sự thông minh tinh tế của nét vẽ là hai yếu tố thu hút đầu tiên. Tôi thấy được cả hai yếu tố ấy trong tranh của Mai Thứ”. Còn trong bài phỏng vấn những năm cuối đời, khi Lê Phổ đã danh chấn thiên hạ, ông vẫn khẳng định: “Người vẽ đẹp nhất ở khóa chúng tôi, đó là họa sĩ Mai Trung Thứ”.

Ngoài Chân dung cô Phượng đã là một mùa xuân vĩnh cửu của tranh Việt, hiện nay đã có 4-5 bức của Mai Trung Thứ đang ở ngưỡng 1 triệu USD trên thị trường quốc tế; việc tăng giá cao hơn chỉ là vấn đề thời gian. Thật kịch tính và thú vị khi mà nhiều nhà sưu tập quốc tế cùng đấu giá những bức tranh vẽ mùa mùa xuân vĩnh cửu và sự mộng mơ, thanh tao, hạnh phúc của xứ Việt.

Như bức Thiếu phụ làm thơ, tên tiếng Anh thường dùng trên các sàn đấu giá là Lady Writing a Poem (mực và gouache trên lụa, 73cm x 50,5cm, 1943). Nữ sĩ ngồi trong thư phòng, với áo dài tân thời, điểm trang chỉn chu, có thể thấy địa vị thanh lịch. Dáng ngồi thoải mái trên sàn, trầm tư về một bài thơ sắp viết hoặc sắp chép lại. Trang giấy đang viết hai chữ “xuân nhật” có thể cho ta biết đây đang là một khoảnh khắc của ngày Xuân, hoặc bài thơ về chủ đề này. Cũng có thể làm ta liên tưởng đến bài thơ Khuê oán (Nỗi oán phòng khuê) của Vương Xương Linh, mà phụ nữ có học ngày xưa thường rất thích.

Tác phẩm Thiếu phụ làm thơ hoàn thành năm 1943, thời điểm then chốt của Thế chiến 2. Thế nhưng, như bất chấp sự tàn phá xung quanh, Mai Trung Thứ vẫn chọn khắc họa một ước mơ về những tháng ngày ấm áp, đoàn viên ở phía trước. Nhịp độ không vội vã của bức tranh, vẻ sang trọng của sự tôn nghiêm, nét dịu dàng trong ánh nhìn của thiếu phụ và sự lạc quan ngây thơ của bài thơ đã kêu gọi sự an toàn cho gia đình là trên hết.

Trong một bài hồi tưởng về Mai Trung Thứ, họa sĩ Đinh Cường (1939-2016) viết: “Nhân ngày Tết, xem lại thế giới trẻ thơ trong tranh Mai Thứ là một niềm vui, một hạnh phúc. Ở đó ta thấy tình mẹ mặc áo mới cho con, cùng đưa con đi chùa. Những nén hương và những quả phẩm. Cả những trò chơi của trẻ em cũng được ông bố cục lên tranh theo một không gian dẹt, thật mới, thật thanh thoát”. 

Nguồn Văn nghệ số 37/2021


Có thể bạn quan tâm