March 29, 2024, 5:02 pm

Cá tính sáng tạo và những lầm tưởng

 

 Mỗi cá nhân là một thế giới, một thực thể tồn tại khác biệt, không bao giờ trùng lặp tuyệt đối. Vì lẽ đó, cá tính, bản sắc chủ thể trở thành một điểm mấu chốt, quan trọng trong việc nhìn nhận khả năng hiện diện của con người.

Văn học nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo, mang đến những khác biệt có giá trị, hướng đến việc cải thiện, nâng cao, bồi đắp tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người. Để có thể sáng tạo và khác biệt, nghệ sĩ cần phải phát huy tối đa cá tính của mình từ việc nhìn nhận, chiếm lĩnh thế giới đến phương thức, hình thức biểu hiện thẩm mỹ. Chính vì thế, vấn đề cá tính sáng tạo được xem là phẩm chất hàng đầu của nghệ sĩ. Tuy nhiên, trong thực tế sinh hoạt văn học nghệ thuật, có không ít người lầm tưởng về cá tính sáng tạo, hiểu sai về cái gọi là “chất nghệ sĩ”. Điều đó dẫn đến những hệ lụy không nhỏ cho cộng đồng nghệ thuật chân chính.

Nghệ sĩ cần được tự do sáng tạo. Điều đó không sai, nhưng những nhầm lẫn trong nhận thức về tự do sáng tạo, tự do bộc lộ cá tính này đã tạo nên hình ảnh nhếch nhác, bê tha, vô tổ chức, thiếu kỷ luật, thiếu văn hóa, thậm chí đi ngược lại khái niệm nghệ sĩ, vi phạm vào các chuẩn mực đạo đức, luân lý, thẩm mỹ. Là nghệ sĩ thì phải tóc tốt, râu dài, ăn mặc lôi thôi, quần áo khác người, dáng vẻ nhàu nát hoặc bê tha? Không phải như thế. Là nghệ sĩ thì muốn nói sao thì nói, muốn làm gì thì làm, vượt qua mọi giới hạn để chứng tỏ cá tính sáng tạo và năng lực khác người? Không phải thế. Là nghệ sĩ thì đa tình, thế nên sống buông thả, vô độ? Cũng không phải thế.

Chiếc áo chẳng làm nên thầy tu. Thế nên, đừng cố tạo cho mình dáng vẻ bề ngoài để ta đây có máu nghệ sĩ. Chúng ta không phủ nhận, có thể vì những mối bận tâm thường trực, lâu dài trong tâm tư, tình cảm, suy nghĩ mà người nghệ sĩ chưa/không có thời gian chăm chút cho bản thân. Đó chỉ là lý do để biện hộ mà phần lớn là chúng ta thông cảm hơn là khẳng định nghệ sĩ nhất thiết phải thế. Điều quan trọng hơn, nghệ thuật cần tự do sáng tạo và phát huy cá tính nghệ sĩ, nhưng quan sát đời sống văn chương nghệ thuật, ở một số diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, đại hội, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, có thể nhận ra ở đó, những ồn ào vô tổ chức, vô kỷ luật. Người nói không có người nghe, người ở trên nói, người ngồi dưới chỉ trỏ, bình tán, chuyện riêng... Chưa kể, để phô diễn cá tính nghệ sĩ của mình, nhiều người đã phê phán, phủ định sạch trơn tất cả, xem mọi thứ là vô giá trị, là tầm thường, bé nhỏ. Chửi tất cả, hạ bệ tất cả đâu phải là cách để nâng mình lên, để bày tỏ cá tính, tài năng nếu anh chẳng có đóng góp gì thực sự giá trị. Trong những hoạt động xô bồ, nhốn nháo ấy, người ta không thấy vẻ hào hoa lịch lãm của văn nhân, không thấy sự trọng thị dành cho các bậc tao nhân mặc khách, không thấy sự nghiêm cẩn của trí thức, sự chuẩn mực của lễ nghi khánh tiết, sự đứng đắn của người có học, sự tự trọng của chữ nghĩa... Điều đáng thất vọng là, nhiều người lầm tưởng phải như thế mới là nghệ sĩ, phải như thế mới chứng tỏ được cá tính của mình. Họ đâu biết rằng, cá tính sáng tạo biểu hiện quan trọng nhất, đáng tin cậy nhất ở trong những thực hành nghệ thuật có giá trị.

Cá tính sáng tạo nảy sinh trên cái nền tự do của đời sống nghệ thuật. Tuy nhiên, đó không phải là sự tùy tiện để vượt qua các giới hạn thuộc về đạo đức, luân lý và thẩm mỹ. Đó cũng không phải là cái cớ để bịa đặt, hư cấu, xuyên tạc nhằm ám chỉ hay phá bỏ, triệt hạ. Người nghệ sĩ chân chính mang trong mình trái tim khao khát yêu thương và xây dựng, khao khát cống hiến và vun đắp, làm giàu thêm các giá trị chân-thiện-mỹ cho con người, cho văn hóa nghệ thuật của dân tộc và nhân loại. Sự tự do và cá tính sáng tạo đặt trong những bận tâm tha thiết và nóng bỏng ấy mới là động lực chủ yếu làm nên hiện diện của một nghệ sĩ.

LÊ PHONG

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm