April 25, 2024, 2:36 am

MỘT TRÁI TIM ẤN ĐỘ LUÔN DÀNH CHO VIỆT NAM ĐÃ NGỪNG ĐẬP

Chiều nay mồng 2 tháng 5 năm 2021 các bạn văn Ấn Độ của tôi nhắn tin: Tiến sỹ thần học, nhà văn nhà báo Ấn Độ Geetesh Sharma – Chủ tịch  Uỷ ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đã rời bỏ chúng ta mất rồi. Tôi đã lặng người đi tiếc thương một nhân cách, một con người đã dành trọn trái tim mình cho Việt Nam, cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người bạn chí cốt của nhân dân Việt Nam nói chung và các nhà văn Việt Nam nói riêng.

Trên trang facebook cá nhân của dịch giả Prem Kapoor đau buồn đưa tin: “Nhà báo cao cấp, nhà văn nổi tiếng Geetesh Sharma đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16h25 tại bệnh viện Vishudhanand, nơi ông điều trị một tuần qua. Thật đau đớn là tôi đã mất đi một người cha, người cố vấn cho tôi trong suốt 65 năm qua. Cầu mong cho linh hồn ông được an nghỉ”

Nhà văn, Tiến sỹ thần học Geetesh Sharma – Chủ tịch  Uỷ ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam (1932-2021)

Tiến sỹ thần học Geetesh Sharma – Chủ tịch  Uỷ ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam sinh năm 1932 trong một gia đình giàu có tại một bang nghèo khổ nhất của Ấn Độ, bang Bihar. Gia đình muốn ông học hành để trở thành một đạo sỹ Bà La Môn danh giá nhất Ấn Độ nhưng ông đã từ bỏ cuộc sống sung túc đó để hòa nhập vào cuộc sống khốn khổ của những người lao động, đấu tranh cho sự bình đẳng của mọi tầng lớp xã hội.

Đầu năm 2020 tôi đã theo đoàn của Hội nhà văn Việt Nam sang gặp gỡ giao lưu với các nhà văn Ấn Độ và dự Hội chợ sách Quốc tế tại Kolkata nên đã được gặp con người khá kỳ bí này. Đó là một ông già gần 90 tuổi, nhỏ thó, hiền hòa, râu tóc trắng như cước. Ông đón chúng tôi gần văn phòng của Ủy Ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam, một căn gác xép chật chội tại khu trung tâm chợ khá ồn ào nhưng khá ấm cúng rồi đưa chúng tôi đến một khách sạn bình dân ở Kolkata. Tôi chưa thấy một người ngoại quốc nào yêu Việt Nam, yêu người Việt Nam như ông. Ông luôn miệng nói rằng: “Tôi nghèo lắm, nhưng tôi đón các bạn bằng cả trái tim mình. Tôi yêu Việt Nam, tôi yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi yêu các bạn”. Nói rồi ông chia cho chúng tôi những món quà lưu niệm nho nhỏ, xinh xinh. Ông hay đùa với nhà văn Di Li là: “Cô thật là xinh đẹp, nếu tôi không già nua và nghèo khó tôi sẽ cưới cô làm vợ”. Nói rồi miệng cười, mắt cười…nhân hậu và ấm áp xiết bao.

 Với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một huyền thoại về việc đấu tranh chống áp bức, cường quyền, đấu tranh để giải phóng dân tộc và bình đẳng xã hội, con đường mà ông và đảng Cộng sản Ấn Độ theo đuổi.

Suốt những ngày tại Ấn Độ ông đã kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm đẹp về cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1958 tại Kolkata, khi người sang thăm Ấn Độ. Ông nói rằng ở Ấn Độ sự phân biệt đẳng cấp rất rõ rệt, thế mà Bác Hồ một lãnh tụ quốc tế đã đến với những người nghèo khổ của Ấn Độ, bắt tay và nói chuyện với họ như những người bạn., Và ông đã trải qua một giấc mơ kỳ diệu trong cuộc đời mình khi gặp được thần tượng Hồ Chí Minh. Với ông Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ đáng kính nhất đối với giới cần lao không chỉ của Việt Nam mà là cả thế giới. Ông đưa chúng tôi đến thăm tượng Bác Hồ ở Kolkata, nơi mà ông và các cộng sự thường xuyên đến đặt hoa tưởng niệm với một lòng yêu kính vô bờ. Đây là bức tượng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại nước ngoài nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Người Ấn Độ tự hào rằng họ là đất nước đầu tiên trên thế giới dựng tượng Hồ Chí Minh bằng đồng với một sự ngưỡng mộ lớn lao.

 Tiến sĩ Geetesh Sharma và các nhà văn Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm với đoàn nhà văn Việt Nam dưới chân tượng đài Hồ Chí Minh tại một công viên của Kolkata (2020)

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam tiến sỹ thần học Geetesh Sharma luôn luôn thúc đẩy quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc. Ông đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước và con người Việt Nam, nhằm quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới nhân dân Ấn Độ và nhân dân toàn thế giới. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình nghiên cứu về tình hữu nghị giữa hai nước. Năm 2004 ông cho ra đời cuốn sách Các mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ hai mươi mốt trong đó có rất nhiều tư liệu lịch sử, các huyền thoại về Tagore, Mahatma Gandhi, Hồ Chí Minh mà Geetesh Sharma đã dành 10 năm để sưu tập và coi đó là  một “tư liệu sống” để giúp thế hệ trẻ của Ấn Độ và Việt Nam hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa hai nước.

Tiến sĩ Geetesh Sharma tại buổi Giao lưu giữa các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ và nhạc sĩ của Ấn Độ với đoàn nhà văn Việt nam tại văn phòng của Uỷ ban Đoàn kết (2020)

Năm 2010 ông cho ra đời tác phẩm Hồ Chí Minh: Một vị cứu tinh của hòa bình, độc lập và hạnh phúc. Tiếp đó nhân dịp 125 năm kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ tịch ông lại cho ra mắt cuốn sách Hình tượng Hồ Chí Minh của nhân dân và Ấn Độ ca ngợi cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác cũng như mối bang giao tốt đẹp của hai nước mà Người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp lên. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Những dấu ấn văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam mà ông đã dày công nghiên cứu để cho ra đời.

Tiến sỹ Geetesh Sharma tự hào kể rằng năm 1991 ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đại tướng sang thăm Kolkata và dự lễ khánh thành bức tượng Hồ Chí Minh. Với ông đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những tướng tài huyền thoại không chỉ của Việt Nam mà là của Thế giới. Cuộc gặp với đại tướng khiến ông yêu quý Việt Nam thêm bội phần. Ông yêu Việt Nam như quê hương miền Tây Ben gan của mình, ông luôn tham gia các phong trào đấu tranh đòi hòa bình cho nhân dân Việt Nam.

Với những cống hiến không ngừng cho tình hữu nghị Ấn Độ và Việt Nam, năm 2004 ông đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương vì hòa bình và hữu nghị, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc.

Những ngày đoàn nhà văn Việt Nam ở Kolkata, ông đã đưa chúng tôi đến khách sạn là nơi ở của Bác Hồ khi Người đến thăm Ấn Độ với niềm tự hào khó tả. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về lần đến Việt Nam đầu tiên của ông vào năm 1984, khi đó ông đã được gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một trong những vị lãnh đạo xuất chúng và đầy nhân cách của nhân dân Việt Nam. Sau này ông đến Việt Nam nhiều lần và coi Việt Nam là nơi gắn bó và yêu thương như quê hương xứ sở của chính mình.

Không chỉ tìm hiểu văn hóa Việt Nam, hàng năm ông thường mời các nhà văn Việt Nam sang Ấn Độ để giao lưu, dự Hội chợ sách Quốc tế và tìm hiểu văn hóa Ấn Độ. Ông tổ chức các buổi giao lưu giữa các nhà văn Ấn Độ với các nhà văn Việt Nam, ở nơi đó chúng tôi không chỉ nói về thơ văn mà còn nói lên tiếng nói của tình hữu nghị đoàn kết giữa hai dân tộc, về một thế giới mà người với người hãy sống vì nhau, vì những điều tốt đẹp nhất trên đời.

Không quản đường xa và tuổi đã cao ông đưa chúng tôi ra ngoại ô thành phố để dự một đám cưới cổ truyền của Ấn Độ, chúc phúc cho đôi uyên ương và ăn cỗ cưới bằng tay với những người bản địa. Cái tên Geetesh Sharma thật thân thuộc với khá nhiều các nhà văn Việt Nam và các cán bộ ngoại giao của Việt Nam tại Ấn Độ. Những ngày trên đất bạn tôi chợt hiểu dường như có một tình yêu thực sự giữa con người với con người trên khắp thế gian này. Chỉ cần không có chiến tranh, không có nghèo đói và dịch bệnh giữa người với người chỉ có những vòng tay thân ái, tiếng hát và lời ca thì thế giới sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu.

Và hôm nay trong một ngày thế giới đang đảo điên vì dịch Covid, trái tim người bạn chí cốt của nhân dân Việt Nam - Tiến sỹ thần học, nhà văn nhà báo Ấn Độ Geetesh Sharma – Chủ tịch  Uỷ ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đã ngừng đập. Một trái tim thủy chung son sắt một đời đã dành trọn tình yêu cho Bác Hồ, cho nhân dân Việt Nam. Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho một thế giới bình đẳng, hòa bình và hữu nghị, không đẳng cấp, không đạo giáo. Ông đã mong ước một xã hội công bằng, nơi mà mọi người sống yêu thương nhau và vì nhau như trong tác phẩm Tuyên ngôn của tôi”của ông đã viết.

Trái tim đẹp đẽ ấy, nhân cách yêu thương ấy đã bị trận dịch toàn cầu hủy diệt sau một tuần nằm viện và phải dùng máy thở. Trước đó ông đã vào facebook của tôi và viết rằng: ”Bạn thân mến, dù bạn đang ở đâu thì tôi cũng vẫn giao lưu với bạn. Corona sẽ không biết và chẳng làm gì được. Tôi đang điều trị và chắc chắn sẽ vượt qua được”. Tôi không ngờ đây là bình luận cuối cùng của ông. Ông đã không chiến thắng, cũng như đất nước của ông đang đau thương trong cuộc chiến không cân sức này với dịch bệnh Covid.

Khi viết những dòng này, tôi nhớ bóng dáng gày gò, râu tóc lơ phơ trắng như cước của nhìn theo xe của chúng tôi lúc chia tay Kolkata và lời thầm thì:

Hãy quay lại nhé, chúng tôi luôn chào đón các bạn.

Lúc đó chúng tôi đã hẹn gặp lại ông vào ngày thơ Việt Nam 2020, nhưng vì Covid đã bị hoãn lại và hôm nay chuyến đi mơ ước của ông sẽ không bao giờ được thực hiện nữa. Sau này nếu tôi quay lại Ấn Độ cũng không được gặp lại ông nữa, thật đau buồn quá.

Nhà văn, Tiến sỹ Geetesh Sharma chụp ảnh lưu niệm với các nhà văn Việt Nam (2020)

Từ Việt Nam tôi viết những dòng này như một nén tâm hương gửi đến ông, cảm ơn ông đã có những tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam, đối với chúng tôi những nhà văn Việt Nam đã may mắn được gặp ông. Cảm ơn ông đã yêu đất nước của chúng tôi như tình yêu của chúng tôi dành cho quê hương xứ sở của mình.

Xin ông hãy yên nghỉ với những yêu thương nhân loại, yêu thương con người đầy ắp trong tim. Vĩnh biệt ông một biểu tượng của tình Hữu nghị sâu sắc Ấn Độ - Việt Nam và chúng tôi luôn nhớ ông như nhớ về một người bạn văn nhân hậu, hiền từ và ấm áp nhất.

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm