April 24, 2024, 1:07 am

Những nẻo đường đến với Thơ

Khép lại cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ ( 2019-2020) dẫu chưa thực sự như kì vọng của ban tổ chức, nhưng lại tạo ra một sự hy vọng mới khi phần lớn người đoạt giải là những gương mặt mới. Họ có xuất phát điểm, cũng như chặng đường đến với thơ rất khác nhau. Chúng tôi nghĩ đó cũng là những câu chuyện văn chương thú vị đáng khích lệ và trân trọng. Xin chuyển đến bạn đọc một số câu chuyện đã được trao đổi giữa  phóng viên Văn nghệ với  những tác giả được giải. 

LÀM THƠ ĐỂ GHI LẠI NHỮNG NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC MÌNH

Tác giả Tòng Văn Hân

* Chào anh Tòng Văn Hân, chúc mừng anh là một trong hai tác giả đoạt giải cao nhất trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Anh có thể giới thiệu với bạn đọc đôi nét về mình?

- Tôi là người con dân tộc Thái, được sinh ra và lớn lên tại cánh đồng Mường Thanh, một cánh đồng lúa nước, một thung lũng được coi là lớn nhất vùng Tây bắc, một trong những cái nôi đậm chất Văn hóa Thái. Đây cũng chính là địa danh đã viết nên trang sử chói lọi “Chiến thắng Điện Biên chấn động Địa cầu”.

Bản làng nhỏ của tôi nằm bên chân núi, hướng mắt ra cánh đồng rộng lớn, những mảnh ruộng của người dân quê tôi ẩn mình trong những buổi sáng sương giăng, buổi chiều gió lộng, trong nắng chan hòa và hạt mưa dịu ngọt. Mùi thơm lúa non phảng phất trong từng ngõ nhỏ, mùi lúa chín vương vấn trong mọi nếp nhà.

* Đọc thơ anh có thể thấy anh là người rất yêu văn hóa của dân tộc mình và hình như anh đang cố gắng làm công việc “đại sứ văn hóa” để mọi người biết đến nét đẹp văn hóa của dân tộc mình?

- Tôi làm thơ với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh tươi đẹp trong không gian sống của người Thái nói riêng, của người miền Núi trên địa phương tôi nói chung đến với đông đảo bạn đọc. Tôi thường làm và gửi thơ cho Tạp chí Văn hóa các dân tộc, Tạp chí Văn nghệ Điện Biên, Tạp chí Văn nghệ một số tỉnh bạn. Rất vui là những bài thơ của tôi gửi luôn được các tạp chí đăng tải. Việc làm này đã giúp đỡ tôi, góp phần quảng bá được nhiều hình ảnh tươi đẹp của người Điện Biên chúng tôi đến với nhiều bạn đọc khắp cả nước.

 Ngoài làm thơ bằng tiếng phổ thông ra, tôi còn làm thơ bằng tiếng Thái để phục vụ chính đồng bào của mình, những người dân trong bản tôi, trong xã tôi thường sử dụng thơ tôi để hát theo làn điệu dân ca Thái trong các dịp lễ tết, trong các ngày hội của bản, trong các giờ giải lao giữa các buổi lao động trên nương dưới ruộng.

* Tôi tin chắc anh đã làm được việc quảng bá văn hóa của dân tộc mình rồi đó. Đọc tác phẩm dự thi của anh, như “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, “Nhà dưới nhà trên” có thể thấy người dân nơi bản làng anh đang sống rất đoàn kết, nghĩa tình, yêu thương và bao dung, có thể nói đó là một cuộc sống đáng mơ ước. Và anh đã truyền tải thông điệp ấy bằng một giọng thơ giản dị nhưng rất đặc trưng và cuốn hút người đọc.

- Người Thái chúng tôi sống trong những ngôi nhà sàn, nhà này cách nhà kia không xa, chẳng nhà nào làm tường rào, chẳng nhà nào làm cổng cao đóng kín. Ngôi nhà sàn nào cũng quay mặt về hướng đông, quay sàn phơi (Hay còn gọi là “không gian mở”) về hướng nam. Những buổi chiều mùa hè, gió rừng thổi về man mát, các ông các bà, các cha các chú lại ra ngồi bên sàn phơi, vừa hóng mát vừa đan lát thêu thùa. Những câu chuyện lan từ sàn phơi nhà này sang sàn phơi nhà kia, từ câu chuyện của một nhà bỗng trở thành câu chuyện chung của cả xóm, vô cùng thật lòng, vô cùng đầm ấm.

Bản làng tôi luôn sống trong sự đùm bọc lẫn nhau. Hễ gia đình nào đó cần dựng một ngôi nhà mới, những người dân trong bản tôi lại cùng nhau vui vẻ đến giúp, không phân biệt người trong họ, ngoài họ, người trẻ, người già, tùy theo sức của từng người mà giúp. Chúng tôi giúp nhau từ việc chặt cây, lấy cột, việc san nền, đan vách, đan tranh. Đến khi ngôi nhà mới được dựng lên vững chắc, người trong bản tôi lại cùng nhau mang gạo, mang rượu, mang lợn gà đến giúp gia chủ. Cùng gia chủ nấu nướng bữa tiệc liên hoan nhà mới, cùng nắm tay nhau múa xòe trong hơi men lá lâng lâng.

Vào mùa cấy lúa, bốn năm gia đình cùng nhau tập trung cấy lúa cho từng nhà một. Vào mùa gặt lúa cũng vậy, hôm nay tập trung gặt cho nhà này, ngày mai tập trung gặt cho nhà kia, từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối, tiếng nói cười không bao giờ ngớt. Việc làm này đã góp phần làm cho người dân ở bản tôi thêm vui, tình đoàn kết càng thêm gắn chặt.

Xóm núi của tôi luôn sống trong tình yêu thương. Hễ gia đình nào có người đau ốm, hoặc có người mới sinh con nhỏ, những người trong bản lại cùng nhau đến thăm hỏi, túc trực suốt đêm thâu. Khi ấy người có tiền sẽ mang tiền đến góp cho người ốm mua thuốc, người có thức ăn ngon sẽ mang thức ăn ngon đến bồi dưỡng cho người đau ốm, người mới sinh con nhanh hồi phục. Động viên tinh thần người đau ốm lạc quan, chúc cho người đau ốm nhanh chóng lành bệnh. Sự túc trực của bà con trong bản, sự thăm hỏi thường xuyên của dân bản đã làm cho không khí nặng nề trong gia đình có người ốm đau bớt đi phần nào.

Tôi viết thơ không quá cầu kỳ về câu chữ, vần điệu, chưa bao giờ phải “toát mồ hôi” hay “thức trắng đêm” để chọn câu từ như nhiều bạn viết thường tâm sự. Đơn giản chỉ là ghi chép lại, diễn tả bằng lối suy nghĩ của bản thân mình, của dân tộc mình, ít khi sử dụng các câu chữ mang nặng tính hàn lâm, bởi như thế đồng bào tôi sẽ rất khó hiểu, sẽ không sử dụng thơ tôi nữa. Nhiều bạn đọc thơ tôi cũng thường nhận định rằng: thơ của Tòng Văn Hân có nét rất riêng, rất miền núi, có lối tư duy rất dân tộc, câu từ mộc mạc, giản dị, ấn tượng, dễ đi vào lòng người. Không pha lẫn với bất kỳ ai, không có bóng dáng về cách viết của bất kỳ tác giả nào.

Tôi làm thơ là để ghi lại những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

 Được giải thưởng cuộc thi thơ chắc không chỉ là niềm vui của riêng anh và gia đình mà là của cả bản làng?

- Được nhận giải lần này, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vừa là niềm tự hào của chính bản thân mình, vừa là niềm tự hào của cả cộng đồng nhỏ nơi tôi sinh sống.

Xin cảm ơn Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, quý Báo Văn nghệ đã tổ chức cuộc thi thơ này, Kính chúc quý báo càng ngày càng phát triển, càng ngày càng nhận được nhiều bài thơ hay và đặc sắc hơn nữa! Xin cảm ơn tất cả!

 

VỚI TÔI THƠ LÀ TIẾNG NÓI CHÂN THÀNH

Tác giả Nguyễn Văn Song

* Xin chào anh Nguyễn Văn Song, chúc mừng anh đã đoạt giải B cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức, anh có thể cho bạn đọc được biết đôi nét về anh không?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại ô Hà Nội (Vân Hà – Đông Anh). Tôi dạy học ở một ngôi trường THPT ở huyện Phù Cừ - Hưng Yên. Công việc chính của tôi là giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn cấp THPT. Tôi đến với thơ một lẽ rất tự nhiên. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã rất thích đọc thơ, thích nghe mẹ hát ru bằng những bài ca dao, những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Bính, những đoạn thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Niềm yêu thích ấy khiến tôi yêu môn Văn và trở thành giáo viên dạy Văn. Nhưng việc làm thơ lại đến với tôi khá muộn. Tôi thực sự bắt đầu viết cách đây khoảng 3 năm. Việc sáng tác cũng bắt nguồn từ công việc của tôi. Sau khi dạy xong các tác phẩm văn học trong nhà trường, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ về các nhân vật, về những điều ẩn chứa trong tác phẩm. Tôi đã viết về nhân vật Thúy Kiều, Mị Châu, về người vợ nhặt trong truyện ngắn của Kim Lân, về câu chuyện tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở...

* Còn bây giờ thế giới thơ, cảm hứng sáng tác với anh đã khác nhiều, có thể thấy điều đó trong chùm thơ anh dự thi?

- Ban đầu xuất phát từ các nhân vật trong tác phẩm văn học mà tôi dạy học sinh, dần dần cảm hứng sáng tác cứ lớn lên trong tôi. Những câu chuyện cuộc sống, những mảnh đời tôi gặp, những nẻo đường tôi đi, nỗi nhớ quê nhà trong tôi, những nỗi niềm riêng chung… đã đi vào thơ tôi tự nhiên như một nhu cầu tất yếu của đời sống tâm hồn. Từ việc viết cho cá nhân mình, tôi dần có ý thức viết cho người đọc, chia sẻ với người đọc về những điều bình dị trong đời sống. Tôi bắt đầu có thơ đăng trên các báo từ cuối năm 2017 mà bắt đầu là báo Văn nghệ với một chùm 3 bài đăng trên số 34 ra ngày 26/8/2017. Thế giới thơ của tôi là cuộc sống, là câu chuyện của bản thân, của người thân, của những người quanh tôi. Hình ảnh làng quê, hình ảnh mẹ, hình ảnh người nhà quê chiếm phần lớn trong thơ tôi. Tôi hoài niệm về làng quê xưa và cũng không khỏi suy nghĩ trước những đổi thay của làng quê nay trong dòng chảy bất tận của cuộc sống.

* Có vẻ như sở trường của anh là làm thơ lục bát?

- Tôi viết khá nhiều thể thơ nhưng dành phần nhiều cho thơ lục bát. Tôi biết đây là thể thơ dễ viết nhưng khó hay và dễ rơi vào cũ mòn, vần vè, nhưng tôi lại rất thích cách biểu đạt gần gũi mà không kém phần linh hoạt, bất ngờ của thể thơ này. Cách biểu đạt của thể thơ này phù hợp với những điều tôi muốn gửi gắm và thể hiện. Tôi luôn cố gắng viết vừa nhuần nhuyễn, giản dị vừa giàu hình ảnh và sức gợi đồng thời gửi vào thể thơ truyền thống này những nội dụng, đề tài mới mà tôi bắt gặp trong cuộc sống.

* Anh quan niệm thế nào về thơ?

- Với tôi thơ là tiếng nói chân thành khi lòng mình rung động nhất. Dù viết về ai, viết cho ai thì cũng chỉ viết khi lòng mình không thể kìm lại được. Những rung cảm chân thành, mãnh liệt xuất phát từ đời sống tình cảm, đời sống xã hội ngày thường chính là nguồn thơ không bao giờ già cỗi. Nếu còn duyên với thơ, tôi sẽ tiếp tục viết và nỗ lực hơn nữa để làm đẹp, làm mới cho thơ mình.

* Bài thơ mà anh được giải Từ ngày lên phố, đó có phải là bi kịch làng quê của anh hiện nay?

- Tôi rất yêu làng quê, cảnh quê với những nét đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy rằng, làng quê đang có những tác động và thay đổi theo nhiều chiều hướng. Sự phát triển của đô thị, của kinh tế xã hội đi kèm với những mất mát, những bi kịch. Bài thơ Từ ngày lên phố của tôi được lấy cảm hứng từ bi kịch ấy. Tôi đã chứng kiến không ít cảnh bố mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình ở nơi làng quê đang có những chuyển biến lớn về kinh tế xã hội giành giật nhau từng centimet đất dẫn tới cảnh máu mủ ruột thịt phải từ mặt nhau. Những giá trị văn hóa, những nét đẹp trong ứng xử của người quê xưa đang có những mất mát, phai nhạt trong dòng chảy đô thị. Bi kịch này tôi nghĩ là nó đang hiện hữu không phải chỉ ở một vùng quê nào đó. Và tôi nghĩ, điều đó cũng là mối quan tâm cần thiết của các nhà thơ nói riêng và văn học nói chung.

 

TÂM THỨC SÁNG TẠO LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG

Tác giả Nguyễn Thị Kim Nhung

* Chúc mừng chị Nguyễn Thị Kim Nhung, cây bút trẻ nhất nhận giải trong cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Với tư cách là một cây bút trẻ, lại đang là biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chị nhìn nhận thế nào về những người làm thơ trẻ hiện nay?

- Là một người viết trẻ, tôi luôn theo dõi những người viết thế hệ mình (9x). Tôi muốn khám phá xem thơ trẻ hôm nay đang suy tư về điều gì và mong muốn chạm đến cái gì. Những suy tư thì có thể nắm bắt nhưng để chạm đến cái gì thì dường như là bất khả, bởi thơ là sự không cùng. Có thể nói, người viết trẻ hôm nay đã nắm bắt được hơi thở và nhịp điệu của thời đại. Họ hiện đại, khác biệt, tự tin… theo cách của riêng họ. Đó cũng là điều mà tôi luôn dành sự tôn trọng với những bạn viết.

* Rõ là mỗi thế hệ đều phải mang hơi thở của thế hệ mình thời đại mình, nhưng lớp trẻ bây giờ có gì khác với thế hệ trước?

- Nếu phải so sánh với những thế hệ đi trước, các bậc tiền bối tên tuổi cũng từng là những người viết trẻ, tôi thấy người viết trẻ hôm nay không hẳn là kém hơn thế hệ trước, có chăng là họ khác hơn. Sự khác ấy do lịch sử, do xã hội, do không gian sáng tạo, do tự thân người viết… Và suy cho cùng tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ chỉ khác nhau về suy-tư-thời-đại-mình.

Một thế hệ người viết trẻ đã qua sẽ dễ dàng nhìn nhận và đánh giá hơn là một thế hệ đang còn trẻ. Thế hệ 6x, 7x, 8x đã khép lại một chặng đường mà họ xuất hiện với tư cách là người viết trẻ, chúng ta có thể thấy ngay những thành tựu hay thiếu sót của họ. Còn với 9x, họ vẫn đang trẻ, đang viết nên chưa thể nhận định gì nhiều. Có điều, nhìn vào những gì họ đang thể hiện tôi tin là họ có thể tạo nên dấu ấn của thế hệ mình. Người viết trẻ hiện nay đang đi theo rất nhiều hướng khác nhau, điều này làm nên sự đa dạng về phong cách, giọng điệu. Họ đưa đến nhiều quan niệm sáng tác, và quan niệm về thơ của họ dường như cũng đã khác với những thế hệ trước. Ví dụ, trước đây nhiều nhà thơ có thể “thiêng hoá” vai trò của thơ khi nói về thơ, còn bây giờ với người viết trẻ tôi gặp nhiều ý kiến “đơn giản hoá thơ” hơn. Mặc dù, suy cho cùng, thời nào cũng vậy, thơ là nhu cầu tự thân của mỗi người.

* Có thể thấy các nhà thơ trẻ đang có rất nhiều điểm mạnh từ cuộc sống đem lại, trong đó có cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, theo chị có điều gì cần phải lưu ý đối với họ không?

- Hiện tại, tôi cho rằng điểm yếu của người viết trẻ hiện nay vẫn là họ quá quan tâm/ bị thu hút bởi hình thức. Hình thức sẽ dẫn đến những đột phá nhưng không nhiều người làm được điều này và sâu xa ra thì để có được điều này trước hết phải là sự thay đổi quyết liệt từ trong nội tại tư duy thơ của người viết. Theo tôi, tâm thức sáng tạo là điều quan trọng quyết định đến thơ.

* Trong những tác phẩm vào giải của chị tôi rất ấn tượng với bài thơ Dần sáng, và cuối bài có hình ảnh làm tôi nhớ mãi “Sung một đời buông quả/ không chạm nổi đáy ao”. Chị có thể chia sẻ điều gì về hình ảnh trong hai câu thơ này cũng như bài thơ Dần sáng không?

- Thật khó khi nói về thơ mình. Bởi khi hoàn thành bài thơ cũng là lúc bài thơ độc lập với người viết. Để trả lời câu hỏi của anh có lẽ tôi lại xin dùng chữ tâm thức sáng tạo ở trên. Dần sáng là những gì ám ảnh và thường trực trong tôi khi nghĩ về thơ ấu. Xin lưu ý, đó là “khi nghĩ về”, nghĩa là nó có mang cả suy tư cùng tâm thế của hiện tại. Có hình ảnh thì rõ ràng chân thực, nhưng cũng có những cái siêu hình mà chỉ tâm thức gọi được ra. Có điều, dù rành mạch hay mơ hồ thì đó cũng là một hình dung nghệ thuật của tôi về không gian ấy. “Sung một đời buông quả/ không chạm nổi đáy ao”, tôi nghĩ đó là hình ảnh bất cứ ai cũng đã bắt gặp, tuy nhiên điều khiến tôi suy nghĩ là những ảo ảnh cùng sự hư vô của mọi thứ.

Xin cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn. Chúc cho thơ chị ngày càng hay hơn lấp lánh hơn trong những suy tưởng và tính biểu tượng của ngôn ngữ thơ.

 

TÔI ĐỌC THƠ VÀ THƠ CŨNG ĐỌC TÔI

Tác giả Châu Hoài Thanh

* Chào chị Châu Hoài Thanh, chị cảm thấy thế nào khi biết tin được giải C cuộc thi thơ báo Văn nghệ?

- Nhận được tin mình đạt giải C trong cuộc thi này tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được giải gì đó. Bởi thật sự tôi thấy thơ mình chưa thể bằng hoặc hơn ai đó trong trời biển mênh mông của những người làm thơ. Cuộc thi đã làm cho tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự công tâm, minh bạch của Ban tổ chức và những nhà thơ, nhà văn có trách nhiệm trong cuộc thi này.

Tôi xin cảm ơn Hội nhà văn Việt Nam, cảm ơn Ban tổ chức cuộc thi đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người đam mê sáng tác như tôi. Tôi xin cảm ơn những đàn anh, đàn chị đi trước đã có những bài thơ hay để cho những đàn em như chúng tôi được đọc và được học hỏi.

* Thơ đóng vai trò thế nào trong đời sống của chị?

- Tôi đến với thơ khá muộn mặc dù tôi yêu thơ từ ngày còn đi học. Tôi đọc thơ và thơ cũng đọc tôi. Với tôi, thơ là lời tâm sự. Khi con người ta không thể nói hết với nhau bằng ngôn ngữ thì tìm đến thơ. Những phát hiện mới khi đọc và cảm nhận thơ khiến con người ta cảm thấy mình được thăng hoa. Và đó là lúc thơ cất tiếng. Những lúc buồn, thơ là nguồn động viên an ủi. Những lúc vui, thơ cũng biết sẻ chia. Tôi làm thơ vì nhu cầu của bản thân mặc dù cũng có đôi lúc tôi làm thơ vì người khác. Tôi làm thơ cũng vì thơ có tiếng nói riêng, có cách thể hiện riêng khiến người nghe dễ thẩm thấu và người viết dễ thể hiện.

Cho dù cuộc sống có quay cuồng đến đâu, người ta có chạy theo điều gì thì tôi cũng chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ bỏ thơ mà đi theo một con đường khác, một đam mê khác mặc dù có đôi lúc tôi phải tạm gác lại sáng tác để lo cho cuộc sống gia đình.

* Vậy thơ thường đến với chị như thế nào?

- Nhiều người nói họ làm thơ như đi cày. Phải khó nhọc lắm mới hoàn thành một bài thơ. Với tôi, cảm xúc đến thì làm, không thì thôi. Tôi không tự ép mình là phải làm thơ. Trong những lúc ngồi bên máy tính để làm thơ, tôi thường viết theo mạch cảm xúc mà không theo một tuần tự sắp xếp nào. Đến khi điều muốn nói thể hiện gần hết tôi mới phải ngồi để sửa chữa và sắp xếp lại cho logic. Tôi làm thơ thường bỏ dở nửa chừng. Có khi sau cả tuần tôi mới mở ra, đọc lại và sắp xếp.

* Thơ của chị khá mới mẻ và nhiều nội tâm, hình như chị đã định hình được cho mình một hướng viết?

- Tôi thích thơ mới. Thơ đọc lên không hiểu ngay mà phải tưởng tượng. Chỉ một câu nhưng nó hiện ra trong trí óc nhiều hình ảnh.

* Là một phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải chăm lo cho gia đình, vậy tất cả những yếu tố đó có ảnh hưởng đến tình yêu chị dành cho thơ như thế nào?

- Tôi đang đi làm nên thời gian dành cho thơ và cũng như các hoạt động văn học như dự trại sáng tác hay hội họp gặp gỡ không nhiều. Điều đó cũng hạn chế một phần trong cảm xúc sáng tác.  Từ ngày có facebook, tôi thường tranh thủ đọc bạn bè trên trang của họ, tuy nhiên cũng không nhiều. Tôi chỉ đọc thơ của một số nhà thơ mà tôi thích.

 

THƠ LÀ CHIẾC PHAO CỨU SINH

Tác giả Trần Đức Tín

* Đọc mấy bài thơ dự giải của anh, có vẻ như Trần Đức Tín có một cuộc sống khá thăng trầm, và thơ đã giúp anh giải tỏa?

- Sau khi tốt nghiệp đại học tôi có 4 năm đi dạy học ở quê hương Cà Mau, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì mưu sinh tôi đã phải xa quê, xa gia đình, bôn ba nhiều mảnh đất, trải qua rất nhiều nghề. Nhìn lại thời gian đầu xa xứ, bỏ quê, bỏ nghề rất chật vật, làm phụ hồ, công nhân đến nhân viên văn phòng, tôi đã cố gồng mình để thích nghi với công việc, cuộc sống khác, những tác phong đời giáo cũng trôi dần vào quá khứ, nhường chỗ cho phố thị xôn xao và mặc nhiên, cũng nhiều phiền muộn.

May mắn, còn có thơ an ủi tôi, dù cuộc sống có khó khăn, có túng quẫn hay như thế nào thơ vẫn không bỏ rơi tôi. Tôi vẫn giữ thói quen sáng tác đều đặn. Và thơ đã sẻ chia với tôi qua những quãng đường gập ghềnh, đau buốt

* Vậy anh đã làm thơ từ rất sớm?

- Tôi yêu thơ từ rất sớm, những năm còn là học sinh ở vùng cuối trời tổ quốc, một vùng quê nghèo, tôi bắt đầu viết những bài thơ học trò hồn nhiên. Và tôi mộng làm thầy giáo dạy Văn.

Vào năm 2014, tôi được về dạy Văn ở trường THPT Sông Đốc và thời gian này cũng được đăng báo những bài thơ đầu tiên. Đến 4/2018, tôi ra tập thơ đầu tay Rồi mình cũng xa lạ nhau.

* Quan niệm của anh về thơ như thế nào?

- Thơ là chiếc phao cứu sinh cho những tâm hồn yếu đuối, tôi cũng không ngoại lệ.

Thơ là hồn người, không chỉ có hương thơm mà ở đó còn có những vực thẳm, hố đen. Có thể tôi từ hố đen mà đứng dậy hay gục ngã cũng được, quan trọng là tôi đang vẽ lại một cách chân thật hồn mình trong những giây còn thở.

 

VỀ VỚI LÀNG QUÊ MỚI CÓ ĐƯỢC SỰ RUNG CẢM NGÂN VANG

Tác giả Đinh Hạ

* Chào anh Đinh Hạ, được biết anh đã tham gia rất nhiều cuộc thi thơ và cũng đã được không ít giải khuyến khích. Bây giờ thêm một giải khuyến khích nữa của báo Văn nghệ anh cảm thấy thế nào?

- Vâng, đây là giải khuyến khích thứ 7 của tôi, ngoài ra tôi cũng đã được 1 giải nhì và 1 giải ba ở những cuộc thi khác. Thế nhưng, giải thưởng báo Văn nghệ có thể xem như niềm vinh dự to lớn nhất trong sự nghiệp viết của tôi tính đến hôm nay. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”, người làm thơ trên đất nước ta rất đông đảo, hội viên chuyên ngành thơ của Hội Nhà văn cũng rất đông, chưa kể đến hội viên của 63 tỉnh thành. Có được giải thưởng là một sự nỗ lực rất lớn của bản thân và cộng thêm cả may mắn nữa. Khi dạy các em học sinh về các tác giả như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy… tôi đều giới thiệu đầy tự hào về giải thưởng mà họ nhận được từ cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ. Cho đến hôm nay, không ngờ cũng từ cuộc thi như thế, mình lại được xướng tên. Dù chỉ là khuyến khích nhưng giải thưởng danh giá này sẽ là hành trang, là động lực tinh thần trên con đường văn chương của tôi.

* Đọc những bài thơ dự thi của anh, có vẻ như anh chủ yếu khai thác về đời sống làng quê và những người thân xung quanh mình?

- Tôi có một tâm niệm là khi làm thơ, mình chỉ có thể viết tốt những điều gần gũi mà mình có cảm xúc. Với những thứ xa lạ thơ sẽ khô cứng, vô hồn. Khi mới đến với thơ, tôi cũng đã thử sức ở nhiều đề tài và thể thơ khác nhau, bắt chước những nhà thơ nổi tiếng đi trước. Nhưng rồi chỉ khi tìm về với làng quê thơ tôi mới có được sự rung cảm ngân vang. Vốn sinh ra ở một làng quê nghèo xứ Nghệ, học Đại học xong lại trở về làng quê làm nghề dạy học. Cuộc đời tôi gắn bó máu thịt với làng quê, với những người nông dân chân lấm tay bùn. Chính vì thế, làng quê đã đi vào thơ tôi bằng một cảm thức tự nhiên nhất. Cả 4 bài dự thi trên báo Văn nghệ của tôi đều là hình ảnh của làng quê và con người của làng quê mà tôi hằng yêu mến, gắn bó.

* Bài thơ Xin cho anh được tục huyền của anh là một bài thơ hay, đã chạm đến trái tim của người đọc. Anh có thể chia sẻ đôi chút về bài thơ này?

- Mỗi người làm thơ đều có một quan niệm và con đường thơ của riêng mình. Với tôi thơ không phải là điều gì quá cao siêu hay xa vời mà phải khơi nguồn từ cuộc sống. Làm được thơ đòi hỏi mỗi người phải nuôi dưỡng cảm xúc, mà cảm xúc thì rất tự nhiên và bột phát. Cảm xúc sẽ thăng hoa với những điều ám ảnh trong cuộc sống. Bài thơ “Xin cho anh được tục huyền” là một trong những bài thơ mà tôi tâm đắc và hài lòng nhất. Bài thơ được gợi tứ từ câu nói của người bạn trong ngày giỗ đoạn tang của vợ mình. Người vợ trẻ của bạn không may qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bỏ lại chồng cùng hai đứa con thơ dại. Hai năm ấy quá dài và khó khăn trong cảnh gà trống nuôi con. Tháo bỏ khăn tang, bạn cầu xin trước di ảnh vợ được đi bước nữa để có người san sẻ trong cuộc sống. Nghe bạn nói mà không ai cầm được nước mắt trước một chuyện bất đắc dĩ. Bài thơ ra đời rất nhanh ngay sau đó và may mắn là 1 trong 4 bài dự thi được đăng trên báo Văn nghệ số 34 ra ngày 22/8/2020. Nghệ thuật dù có sáng tạo, bay bổng đến đâu thì cái cốt lõi vẫn là từ hiện thực cuộc sống. Mỗi tác phẩm phải là một sự phản chiếu thế giới khách quan thông qua lăng kính chủ quan của người viết.

 

GIỐNG NHƯ HÀNH TRÌNH CỦA GIẤC MƠ

Tác giả Hà Hương Sơn

* Chào Hà Hương Sơn, tôi được biết anh là sinh viên “già” nhất của Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn Hóa?

- Vâng đúng, khi tôi đỗ đại học lần thứ nhất rồi bỏ dở cách lần này là 13 năm đấy ạ.

* Tôi cũng có nghe các thầy đang dạy anh và bạn cùng học kể con đường anh đến với thơ cũng thú vị. Nhân đây anh có muốn chia sẻ đôi chút về “hành trình” đó không?

- Tôi có năng khiếu làm thơ từ những năm còn học trên ghế nhà trường trung học, nhưng tất cả những gì diễn ra trong tôi là một thế giới đầy bản năng. Nghĩa là sự sáng tác của tôi mang tính nhu cầu giãi bày tâm tư tình cảm, thích viết gì thì viết, viết linh tinh la ta. Và bất hạnh của tôi là tôi không được học chuyên về văn học. Tôi là dân khối A, nên khi kỳ thi đại học đến, tôi thấy bạn bè đăng ký vào Trường Bách khoa Đà Nẵng khá đông, thế là tôi đăng ký thi vào đó giống họ.

Sang năm học thứ 2 tại Trường Bách khoa Đà Nẵng, tôi thấy bên trong tôi có điều gì đó không ổn. Tôi không muốn sau này mình trở thành một người kỹ sư. Tôi có một ước mơ từ thời phổ thông, là tôi muốn trở thành một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc.

Vậy là tôi bỏ học đại học, để tìm hướng đi cho mơ ước tuổi mười lăm của mình. Lúc đó, tôi từng sáng tác hàng trăm bài thơ, hàng chục bài hát, được tôi ghi vào một cuốn sổ. Tôi bỏ học. Gia đình phản đối. Bạn bè phản đối. Tôi không tìm được tiếng nói chung với bất cứ ai.

Năm 2011, ba tôi qua đời, lúc đó trong tôi là một cảm giác trống rỗng. Bao nhiêu năm qua tôi chưa làm được gì cho ba mẹ, ý nghĩ về khát vọng theo đuổi văn chương nghệ thuật trong tôi dẫu còn thì tôi cố gắng dập tắt đi. Bao nhiêu năm theo đuổi ước mơ mà không tìm thấy con đường, thất bại hoàn thất bại. Sau đó tôi đốt hết tất cả những bài hát, những bài thơ, những truyện ngắn mà tôi viết trước đó. Tôi xác định từ bỏ ước mơ.

Tôi đi làm công nhân một thời gian, nhưng ước mơ trong tôi lại không ngủ yên. Vậy là, ngoài giờ đi làm công nhân ở nhà máy thì tôi suốt ngày đọc sách.

Năm 2015, khi đang làm công nhân đốt lò cho một công ty môi trường, thông qua kết nối từ facebook, tôi được đăng bài thơ đầu tiên của mình trên một tạp chí. Cho đến bây giờ, dù cho tôi được đăng hơn 50 bài thơ trên khắp các báo và tạp chí, thì kỷ niệm về bài thơ được đăng vào năm 2015 mãi mãi không bao giờ phai trong tôi. Tôi luôn mang ơn người đã níu giữ hồn thơ của tôi vào thời điểm đó.

Sau thời gian đi làm công nhân vất vả mà thu nhập quá thấp, anh chị động viên và hỗ trợ tôi về nhà kinh doanh gas. Vì mẹ già, nên tôi chọn lựa ở nhà vừa kinh doanh gas, vừa theo đuổi ước mơ văn chương, và sống cùng mẹ. Hiện thực lại không diễn ra đúng như tôi suy nghĩ. Cuộc sống thực tế kéo tôi đi ngày càng xa khát vọng của mình. Mặc dù cửa hàng gas do tôi quản lý có sự phát triển tốt nhưng tôi lại thấy không hạnh phúc từ trong nội tâm.

Đầu năm 2018, tôi quyết định ra Hà Nội tự bươn chải và ôn thi lại đại học, chuyên ngành sáng tác văn học thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. May mắn là tôi đã đậu. Tôi đến với thơ giống như hành trình của giấc mơ.

* Vậy bây giờ mơ ước của anh là gì?

- Tôi ước mơ, trong tương lai tôi sẽ trở thành một nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp.

Báo Văn nghệ xin chúc mừng các tác giả được giải, xin cảm ơn những suy nghĩ, cảm xúc đã chia sẻ với bạn đọc từ cuộc thi này, và xin chúc cho những ước mơ của họ sẽ trở thành hiện thực.

Vũ An thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm