April 19, 2024, 1:41 pm

Bí quyết thành công của vua tiểu thuyết kinh dị Nicolas Beuglet

Nicolas Beuglet, từng là người dẫn chương trình và tổng biên tập kênh phát thanh truyền hình thông tin giải trí M6, bắt đầu sự nghiệp với nghề phóng viên cho tờ Figaro Étudiant và tường trình tin nhanh trên Europe 2, Sau khi chuyển sang sáng tác văn học, ông nhanh chóng trở thành nột hiện tượng văn học mới lạ ở Pháp.

Ba cuốn tiểu thuyết của ông từng đứng đầu về doanh thu, trong đó có tác phẩm mới nhất mang tựa đề Đảo Quỷ (L’ile du diable) viết về cuộc phiêu lưu của nữ thanh tra Na Uy, Sarah Geringen, hầu như chưa có thời gian để trưng bày trên quầy của những người bán sách thì nhà xuất bản XO đã tiến hành làm thủ tục tái bản. Trước đó, trên 450.000 bản in đủ kích cỡ của hai quyển tiểu thuyết trước đây của ông, Tiếng hét (Le Cri) và Âm mưu (Le Complot), đã bay vèo trong thời gian ngắn!

Có mặt tại hội chợ sách Brive để ký tên vào sách tặng độc giả hâm mộ, Nicolas Beuglet đã có cuộc trò chuyện ngắn với Le Point và tiết lộ một số tình tiết, nhân vật cùng bí quyết viết của mình. Kết thúc buổi trò chuyện, người tham gia phỏng vấn Nicolas Beuglet đã đưa ra nhận xét: “Thật tuyệt vời khi được trò chuyện với chàng trai trẻ khoảng 40 tuổi đời này, người đã không thay đổi thói quen viết truyện trên bàn ăn, sẵn sàng trả lời một vài câu hỏi mà các con gái đặt ra khi đến thăm anh. Tính của Nicolas Beuglet là vậy đó, mực thước và biết tạo ra sự hồi hộp…”.

Sau đây là cuộc trò chuyện với hiện tượng văn học mới lạ này.

Nhà văn Pháp Nicolas Beuglet

* Le Point: Ông là ai?

– Nicolas Beuglet: Một, tôi là nhà văn, hai là nhà viết kịch bản, ba là nhà báo. Tôi luôn muốn kể lại những câu chuyện một cách hấp dẫn nhất. Ngay từ khi ngồi ghế học lớp 6, tôi đã thấy muốn viết một bài tập làm văn theo ý mình, và thầy cô giáo luôn khuyến khích tất cả chúng tôi viết.

* Thế là ông bắt tay vào viết ngay?

– Gần như là vậy. Tôi học ngành thương mại và sau đó chuyển sang làm báo rồi viết kịch bản chương trình phát thanh truyền hình.

* Động lực nào thôi thúc ông viết?

– Khi làm việc cho đài phát thanh truyền hình, tôi gần như kiệt sức. Tôi đã ngưng làm việc trên 1 năm, không biết liệu tôi có thể quay trở lại làm việc nổi hay không. Có điều gì đó đang xảy ra trong tôi mà tôi không thể hiểu: nhiều câu hỏi kỳ lạ tấn công tôi, nỗi sợ hãi không thuộc về tôi…

* Như một Sarah trong “Đảo Quỷ”?

– Sarah, nhân vật của tôi, xuất hiện như một vị cứu tinh. Vâng, đúng vậy. Một câu nói của bác sĩ tâm thần Jung, người đã phát hiện tác động của vô thức tập thể, đã giúp tôi: “Chúng ta không được sinh ra hôm qua hay hôm nay. Tất cả chúng tôi đều có tuổi”. Tôi đã trải nghiệm một sự mặc khải và bắt đầu khám phá nó mà thật sự không biết mình đang đi đâu, một sự tìm kiếm khó khăn đã dẫn dắt tôi đến với Tiếng hét. Tôi đã có trong tay chủ đề, nhưng tôi gần như chết lịm đi vì sợ phải đối mặt với nó. Tôi mất đến 3 năm để chuẩn bị.

* Ông đang nói đến nỗi sợ gì vậy?

– Ví dụ, tôi sợ bị đẩy “ra khỏi thế giới”, sợ không còn nhận ra đồng loại nữa. Tôi đã đi qua hay bị một trạng thái xa rời hiện thực đi xuyên qua, tôi vẫn không biết nó đến từ đâu. Sau vài tháng tôi đã trở thành người sợ khoảng không. Cuối cùng, tôi đến bác sĩ tâm thần và được tư vấn phương pháp trị liệu cũng như ra toa thuốc. Trong tất cả mớ hỗn độn này, điều tích cực duy nhất tôi có thể rút ra là tất cả đều có một ý nghĩa nhất định và một ngày kia có lẽ tôi sẽ làm nên lịch sử.

* Và ông đã vượt thoát ra bằng cách nào?

– Sarah, nhân vật của tôi đến như một vị cứu tinh. Tôi đang ở trong một tình trạng mà tôi tự nhủ: “Nhưng nếu điều gì đó thật sự tồi tệ xảy ra với tôi, loại thám tử nào tôi muốn có bên cạnh tôi?” Và không biết tại sao, tôi đã nhìn thấy cô ấy: một người phụ nữ lạnh lùng nhưng với một sức mạnh vô biên, có khiếu hài hước và dè bỉu đối với chính mình. Về phần Christopher, anh này đã nổi lên như một người đàn ông thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình bằng cách nhận nuôi đứa con trai của anh mình tử vong trong một tai nạn xe hơi. Phần thứ nhất của câu chuyện được tôi viết một lèo và gởi tới biên tập viên của tôi, Bernard Fixot. Anh ấy bảo tôi nên dành thêm thời gian để trau chuốt lại nhân vật Sarah mà dường như chúng tôi chưa hiểu biết đầy đủ về cô ấy. Vậy là tôi loại bỏ phần đầu đã viết xong và tôi đã viết 50 trang về nhân vật tưởng tượng này, đang mang thai, sơn lại căn hộ của cô ấy, một người chồng không trở về. Cô hiểu rằng anh ta đã lừa dối cô và bỏ đi. Và trong số 50 trang đó, tôi chỉ giữ một dòng duy nhất: “Sarah đóng sầm cửa lại”.

* Ông có nhận định rất nhạy bén về câu kết của một chương (cliff hanger), bí quyết “cliff hanger” này nhằm làm cho độc giả háo hức muốn đọc tiếp chương tiếp theo. Kỹ thuật này được ông làm một cách tự động, có hệ thống. Phải chăng đây cũng là một ‘mẹo’ của nhà xuất bản?

– Ồ không, đó là cách làm của tôi. Hơn nữa, trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Đầu lâu thứ nhất (Premier Crâne) viết với cái tên Nicolas Sker, kỹ thuật này đã được áp dụng. Rất đơn giản vì bản thân tôi cũng là độc giả, tôi cần được giữ hơi, giữ sự háo hức, và tất cả các chương tôi viết đều như thế. Khi bắt đầu một chương, tôi biết điểm xuyết hồi hộp nào sẽ là “cliff hanger”, tức câu kết của chương đó. Người đã chỉ cho tôi biết nhiều nhất về “cliff hanger” là nhà văn Dostoievski với tác phẩm Tội ác và trừng phạt (Crime et Châtiment).

* Những câu chuyện, những cuốn tiểu thuyết nào đã khiến ông hồi hộp mà ông luôn lưu giữ trong tủ sách riêng của mình?

– Khi còn nhỏ tôi đã đọc rất nhiều và tôi đã nghĩ về câu chuyện quái dị và giàu trí tưởng tượng trong cuốn tiểu thuyết của Michael Ende: câu chuyện về một cậu bé ăn cắp một cuốn sách và thấy mình tham gia vào cuộc phiêu lưu của cuốn sách. Câu chuyện Caius của tác giả Henry Winterfeld về cuộc điều tra của cảnh sát dành cho giới trẻ ở Rome thời xa xưa. Sau đó, tôi đã phát hiện ra Tolkien, nhà văn, thi sĩ người Anh. Nhưng người đã chỉ cho tôi tường tận nhất về kỹ thuật cliff hanger là Dostoievski với tác phẩm Tội ác và trừng phạt: Dostoievski đã rất quan tâm đến kỹ thuật cliff hanger vì trước khi in ra thành sách, tiểu thuyết của ông được gởi đến báo để đăng nhiều kỳ (feuilleton).

Cuối cùng là tiểu thuyết gia người Áo, Stefan Zweig. Cho dù là truyện ngắn hay tiểu sử, Stefan Zweig đều có năng khiếu dạy cho chúng tôi hàng ngàn điều, và đặc biệt là ông ấy là một cây viết truyện kinh dị xuất sắc với kỹ thuật “cliff hanger” không chê vào đâu được ở cuối mỗi chương. Lối văn tường thuật mượt mà lột tả được sự thật, hóm hỉnh và dễ gần gũi. Tác phẩm của ông luôn là tài liệu tham khảo quí báu của tôi.

* Trở lại với Sarah và cuộc phiêu của cô ấy ở “Đảo Quỷ”, câu chuyện ‘điên rồ’ này đã đến với ông như thế nào?

– Câu chuyện về Sarah đã nhập tâm tôi từ khi tôi viết cuốn Tiếng hét. Tôi phát hiện câu chuyện này, xảy ra trên một hòn đảo ở Sibérie, trong một quyển sách tìm thấy trên gác xép. Đây là một câu chuyện có thật. Tia lửa luôn bắt nguồn từ một câu chuyện có thật. Ví dụ, trong cuốn Âm mưu, một cuộc điều tra về nguồn gốc của tính ghét phụ nữ (misogynie) đã thôi thúc tôi thực hiện cuộc điều tra của riêng tôi kéo dài một năm rưỡi và cuối cùng đã đưa tôi đến hợp tác với Weistein, nhà làm phim Hoa Kỳ.

* Ông thực hiện cuộc điều tra như một phóng viên?

– Tất nhiên là vậy rồi. Tùy theo những gì muốn tìm hiểu, tôi phỏng vấn các chuyên gia về di truyền học, nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu khoa học… Tôi muốn rằng khi đọc xong cuốn tiểu thuyết của tôi, độc giả thật sự học được điều gì đó ngoài sự hồi hộp, phản ứng và số phận của các nhân vật.

* Ông luôn làm việc như một nhà biên kịch?

– Tôi đã viết 40 tập của một loạt “kịch bản hiện thực” với 4 nhân vật tại 2 địa điểm và kinh phí thấp. Tôi cũng đã lên kế hoạch cho một loạt phim hoạt hình và một loạt dự án khác trong 6 tập dài 52 phút.

* Ông có thể “bật mí” cho bạn đọc một trong những bí quyết của mình?

– Hãy bắt đầu bằng đoạn kết. Tôi phải yêu cái kết của câu chuyện tôi viết. Chỉ sau đó tôi mới có thể tưởng tượng ra phần con lại. Tôi không thích những quyển sách đặt ra câu hỏi lớn đầy bí ẩn và kết thúc bằng câu “câu trả lời là ở bạn”. Và một khi bệ phóng đã sẵn sàng, tôi viết một cách hăng say. Tôi sẽ không viết một câu nào cho đến khi nào trỗi dậy trong tôi sự thôi thúc không thể kềm chế phải chia sẻ nó với độc giả. Tóm lại, đó là sự đam mê viết lách và tình yêu công việc.

ĐÀO DUY HÒA

Nguồn VHSG


Có thể bạn quan tâm