April 16, 2024, 7:36 pm

Diện mạo văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long

Nhìn từ một cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019, do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp đăng cai tổ chức

Đồng bằng sông Cửu Long, một vùng đất không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, đất đai màu mở, hoa trái xanh tươi mà còn là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có phù sa văn hóa đa dạng, phong phú ẩn tàng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần quan trọng trong việc hình thành bản sắc văn hóa và tình tự dân tộc trong hành trình mở cõi đã ăn sâu trong tâm thức biết bao con Lạc cháu Hồng mà dù đi bất cứ nơi đâu, ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, là người Việt Nam, không ai không mang trong mình nỗi nhớ về vùng đất đáng yêu này. Đây cũng là vùng đất đã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo văn học nghệ thuật, trong đó có truyện ngắn, thể loại được xem là “xung kích” của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đây cũng là một thể loại phổ biến trong đời sống văn học trên cả hai bình diện sáng tác và tiếp nhận.

*

Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà còn có ý nghĩa khoa học, góp phần khẳng định giá trị của truyện ngắn trong việc phản ánh hiện thực của một vùng đất giàu tiềm năng ở thời kỳ hội nhập, cũng như góp phần thiết lập một hệ giá trị mới cho thể loại truyện ngắn trong tiến trình vận động, phát triển, không chỉ trên bình diện nội dung tư tưởng, văn hóa mà cả trên bình diện thi pháp…

Về nội dung: Với 114 truyện ngắn dự thi, đây là số lượng không nhỏ với nhiều đề tài phong phú, đa dạng, có thể khái quát ở một số mảng đề tài sau:

1. Đề tài về chiến tranh cách mạng và kháng chiến: Có thể nói với một dân tộc mà suốt quá trình dựng nước và giữ nước, chúng ta chưa bao giờ buông tay cày, tay súng nếu muốn giữ được độc lập tự do và sự tồn sinh của dân tộc. Có lẽ, ý thức được điều này nên ở các tác phẩm dự thi của những người con thuộc nhiều thế hệ lưu dân trong hành trình mở cõi, có rất nhiều truyện ngắn tập trung phản ánh đề tài này qua những trang văn chứa đầy hồi ức, hoài niệm về hiện thực chiến tranh cách mạng và kháng chiến không chỉ trong các thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… mà còn có cả cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

2. Đề tài về những đổi thay cuộc sống và con người thời hậu chiến, thời kỳ đổi mới, hội nhập, phát triển. Ở mảng đề tài này, ta thấy được những biến đổi sâu sắc về cuộc sống và con người các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trên nhiều bình diện, cả về đời sống vật chất và  tinh thần. Sự biến đổi này cho thấy diện mạo một vùng đất, một vùng văn hóa trong quá trình vận động và phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thời kỳ hội nhập và phát triểnTuy nhiên đằng sau những hào quang của chiến thắng và những đổi thay của đất nước thời mở cửa, vận hành theo cơ chế thị trường, còn biết bao phận số con người vẫn sống trong khổ nghèo, vất vả của cuộc sống lao động ở những vùng quê mà ánh sáng văn minh thị thành đối với họ vẫn còn là những điều xa xỉ. Đặc biệt, các nhà văn, bằng dự cảm tinh tế của mình cũng dự báo về những hiện tượng tiêu cực đang tàn phá đất nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng như nạn tàn diệt cảnh quang, môi trường sinh tháiHay sự phản bội, thay lòng đổi dạ trước đam mê quyền lực, bạc tiền. Và bao trùm lên tất cả là sự tha hóa của con người…

3. Đề tài về tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng trong cuộc nhân sinh. Đây là mảng đề tài được nhiều cây bút tập trung phản ánh khá đa dạng, phong phú, sâu sắc và giàu tính nhân văn với nhiều cảm xúc chạm đến cõi sâu thẳm trong tâm cảm người đọc. Đó là những truyện ngắn, có sự đan xen giữa những cảm thức văn hóa, những mỹ cảm vừa truyền thống, vừa hiện đại cả về nội dung tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật, phản ánh được tâm thức và tâm cảm của tuổi trẻ trong thời hội nhập. Nhiều truyện không chỉ viết về tình yêu của giới trẻ thời hiện đại mà còn viết về những hồi ức, những hoài niệm tình yêu rất đẹp của một thời chưa xa nhưng đã trở thành quá vãng trong đời sống Không những thế, chủ đề tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng được lồng ghép trong hầu hết các truyện ngắn dự thi cho dù viết về đề tài nào. Điều này chứng tỏ tình yêu là một đề tài muôn thuở, bất tận và vĩnh hằng của văn chương.

Ngoài những đề tài nêu trên, các cây bút Đồng bằng sông Cửu Long cũng quan tâm đến một số lĩnh vực khác như đề tài về các di sản văn hóa dân tộc như làng nghề, đờn ca tài tử, cải lương vốn là những đặc sản của quê hương Tây Nam bộ; đề tài về nhà trường và tình thầy trò… Đặc biệt hơn cả là những đề tài mang tính thời sự nóng bỏng, theo sát tình hình chính trị xã hội của đất nước với những truyện ngắn viết về vấn đề gìn giữ chủ quyền ở biển Đông; vấn đề kết hôn với người nước ngoài, vấn đề vượt biên trái phép đi nước ngoài làm ăn đều được các nhà văn phản ánh

Về mặt thi pháp: Nói như nhà văn Tô Hoài: “Nhà văn mình thường yếu không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn là nơi ta có thể thử tìm phong cách cho mình…”. Vì thế, truyện ngắn không những là một thể loại tồn tại độc lập mà còn ẩn tàng trong đó nhiều cái độc đáo, từ không khí, nhân vật, ngôn ngữ, phải là cái gì đó độc sáng, không lặp lại. Và tất cả những cái “độc đáo” này đều được thể hiện qua bút pháp nhà văn…

Nói đến truyện ngắn, người ta thường nghĩ đến dung lượng. Dung lượng câu chữ, dung lượng hiện thực trong truyện ngắn có độ nén rất lớn. Truyện ngắn có khả năng thể hiện những chủ đề sâu rộng của đời sống qua một phạm vi hiện thực có giới hạn nên mang tính khái quát cao. Nghĩa là, truyện ngắn bao giờ cũng chứa trong nó sự bùng nổ về cảm xúc và tư tưởng. Điều cần ghi nhận ở các tác giả Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, bên cạnh một số hạn chế về bút pháp, thì đã bắt đầu xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm có kết cấu chặt chẽ, có hàm lượng văn hóa cao, chú trọng đến tính triết luận, tính nhân bản, nhằm định hướng cho người đọc những mỹ cảm cao đẹp nhất, khiến cho khi đọc lên lòng ta không khỏi day dứt, xốn xang…

Một điều không thể không nói đến, đó là cái nhìn đầy tính nhân văn của một số tác giả khi viết đề tài chiến tranh cách mạng thể hiện một tư tưởng hòa hợp hòa giải dân tộc đáng quí qua những chi tiết khá bất ngờ làm nên sự độc đáo trong nghệ thuật kể chuyện

*

Với khuôn khổ một cuộc thi mang tính khu vực, và chỉ mới thông qua số lượng 114 truyện ngắn dự thi, tuy không phải chất lượng của các tác phẩm đã đạt yêu cầu của một truyện ngắn hiện đại. Song, với số lượng tham gia khá nhiều như thế đã là một thành công đáng ghi nhận. Điều này cho thấy niềm đam mê và tiềm năng sáng tạo trong thể loại truyện ngắn của các cây bút Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn nếu chúng ta biết nuôi dưỡng, khuyến khích và chăm bồi một cách tích cực. Đây cũng là điều đặt ra cho hoạt động chuyên môn của các Hội Văn học Nghệ thuật trong việc bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về lý luận văn học cho các nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ như kiến thức về thể loại văn học, quá trình sáng tạo của nhà văn, các trào lưu, khuynh hướng sáng tác… Làm được điều này, chắc chắn sẽ nâng cao được giá trị của các tác phẩm văn học, không chỉ về mặt số lượng mà cả về mặt chất lượng. Và từ đó hy vọng sẽ có những mùa gặt bội thu trên cánh đồng truyện ngắn Việt Nam đương đại, trong đó có đóng góp tích cực và hiệu quả của các cây bút văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Có thể bạn quan tâm