April 25, 2024, 2:02 pm

Tiểu thuyết tư liệu lịch sử Góc nhìn của người viết

Khái niệm tiểu thuyết lịch sử, lâu nay, dù còn nhiều ý kiến bàn luận, song, cũng đã tương đối đồng nhất, có thể tạm hiểu, đó là loại tiểu thuyết dựng lại lịch sử ở một thời điểm lịch sử mà yếu tố hư cấu nhiều hơn hiện thực. Còn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, cũng là dựng lại lịch sử trong một thời điểm lịch sử, nhưng ở đó, những yếu tố hiện thực ngoài đời như sự kiện, nhân vật, thời gian, không gian, thậm trí cả địa danh, bối cảnh và ngôn ngữ… phải đạt tới trên dưới 70% là thật. Những hư cấu chỉ là thủ pháp của người viết, giúp cho tiểu thuyết hoàn thiện đúng với tiêu chí sáng tạo của một tác phẩm văn học, chứa đựng nội dung tư tưởng hàm súc và bút pháp nghệ thuật thông thoáng, khiến bạn đọc không thể cho rằng, đó là cuốn “lịch sử hóa” hay “hồi ký hóa”!

Từ sau 1975, hai loại hình tiểu thuyết trên đây ra mắt công chúng ngày một nhiều, gây thiện cảm với bạn đọc. Nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng trong danh mục văn chương. Ở miền núi Đông Bắc và Tây Bắc có Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải của Ma Văn Kháng, Rừng động của Mạc Phi, Hoa trong bão, Tướng không phong hàm của Nguyễn Trường Thanh gây tiếng vang văn đàm và xôn xao trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Dù vậy, thời điểm những năm 70, 80 của thế kỷ trước, những tiểu thuyết trên đây, yếu tố “hiện thực” vẫn chỉ dừng ở một số nhân vật, nhất là nhân vật có vai trò xuyên suốt tác phẩm. Sự hư cấu, tức sức tưởng tượng của nhà văn chiếm quá nửa dung lượng cuốn sách. Người đọc lấy làm thích thú vì thấy chuyện diễn ra trong tiểu thuyết như có thật ngoài đời vậy. Tác giả văn học ở các địa phương cũng lác đác cho ra mắt một số tiểu thuyết về đề tài lịch sử và cách mạng. 

Nói về đề tài lịch sử.

Trước những năm 80. Tiểu thuyết lịch sử vào loại hiếm, có lẽ chỉ thể loại truyện dài, truyện vừa cho thiếu nhi kiểu như Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách, Kim Đồng của Tô Hoài. Tác giả là người dân tộc gần như chưa xuất hiện. Phải từ 1990, sau khi bùng nổ bộ tiểu thuyết Ông Cố vấn: Hồ sơ một điệp viên của Hữu Mai (1887), bộ tiểu thuyết về Triều Trần (Bão táp cung đình - 1994, Thăng Long nổi giận…) của Hoàng Quốc Hải... thì nhiều nhà văn miền núi mới mạnh bạo đi vào đề tài này: Phù Ninh có tiểu thuyết Trần Nhật Duật, Vũ Xuân Tửu có Đinh Tiên Hoàng, Hà Lâm Kỳ có Vượt rừng… Những tác phẩm trên gần như hoàn toàn tái tạo bối cảnh lịch sử một thời đã xa dưới góc nhìn mới, với bút pháp mới của tác giả, và đã thành công. Có thể nói, đó là hướng đi đúng và nhiều triển vọng của tiểu thuyết lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.

Không thể phủ nhận công sức đầu tư cho loại hình tiểu thuyết lịch sử. Tác giả phải là người rất trân trọng lịch sử, yêu quý thời đại và nhân vật lịch sử đương thời, nhưng cũng phải có tài năng hoặc ít ra là sở trường khám phá, tạo dựng xã hội, mà nhân vật lịch sử được xem như điểm nhấn, là “hoa trong bão” của thời cuộc hùng ca hay bi tráng, mới có thể thành công dù tác phẩm chưa được nhiều bạn đọc ưng ý bởi những lý do riêng. Song, đó là cái tâm, là trọng trách của người cầm bút mà tác giả đã làm được.

Viết về đề tài lịch sử, nhiều khi người viết không có ý đầu tư cho nhân vật lịch sử, thậm chí có trường hợp nhân vật chỉ là cái cớ để người viết triển khai cảm hứng, hướng về vấn đề lịch sử ở một địa phương nào đó trong một giai đoạn nhạy cảm nào đó của một thời. Xu thế này đang thấy có ở kề bên loại hình tiểu thuyết lịch sử của nhiều nhà văn mà tôi tạm gọi đó là tác phẩm văn học phản ánh bối cảnh lịch sử. Các tiểu thuyết: Thạch trụ huyết của Nguyễn Trần Bé; Người lang thang, Đàn trời của Cao Duy Sơn, Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam, Xóm chợ của Nguyễn Hiền Lương, Thuốc phiện và lửa của Hoàng Thế Sinh, Cơn lốc núi của Xuân Nguyên v.v... theo tôi, thuộc loại này. Vậy thì tiểu thuyết lịch sử (trong đó có lịch sử cách mạng và kháng chiến), đâu là bút pháp đặc trưng? Khẳng định: Hư cấu trên cơ sở hiện thực lịch sử!

Ngược lại với hư cấu trên cơ sở hiện thực lịch sử là tác phẩm văn học tư liệu lịch sử có hư cấu. Hiểu cách khác, đó là tiểu thuyết tư liệu mang tính sự kiện lịch sử. Nói tiểu thuyết tư liệu mang tính sự kiện lịch sử bởi những sự kiện, nhân vật, không gian, thời gian, cả bối cảnh, chưa xa. Những tư liệu, tài liệu, thậm chí nhân chứng hoặc thân nhân của nhân chứng, còn đó. Họ là nguồn tài liệu đáng tin cậy để người viết lựa chọn chéo, xử lý chất liệu, làm nên trang văn.

Trở lại, tiểu thuyết Ông cố vấn: Hồ sơ một điệp viên của nhà văn Hữu Mai, hay Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, sau này là Ngang trời mây đỏ của Ngọc Bái, Chủ Đất của Chu Thị Minh Huệ. Dù có hư cấu đến đâu đi nữa thì sức sống của tư liệu, tài liệu về các nhân vật “xương cốt” trong tiểu thuyết vẫn bền vững, vẫn rất thời sự, khiến bạn đọc và người làm nghiên cứu không thể không lưu tâm tới những nhân vật cộm cán, liên quan hoặc ảnh hưởng nhiều đến thời điểm lịch sử nói trên.

Tiểu thuyết tư liệu lịch sử văn học Việt Nam hiện đại hoàn hảo theo đúng nghĩa của nó, tôi cho rằng, đó là Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh. Có lẽ tác giả vừa là nhà báo vừa là “người trong cuộc”, lại say mê văn chương từ trước khi trở thành nhà văn, nên Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 khó ai có thể phủ nhận tính chân thực của thời điểm lịch sử, và bút pháp văn học của tiểu thuyết, nhà văn đã dụng công làm nhuần nhuyễn hai yếu tố này. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử thuộc loại kinh điển của văn chương cách mạng Việt Nam cũng là có lý.

Những năm gần đây, xu thế tiểu thuyết tư liệu lịch sử được lưu ý. Gọi là “được chú ý”, bởi người viết không còn phải né tránh những tư liệu nhạy cảm, miễn sao tác giả có quan điểm nhìn nhận đúng đắn, có cái tâm của người viết và bút pháp nghệ thuật của nhà văn. Nhớ những năm tháng nhà văn Sơn Tùng gặp trắc trở về tiểu thuyết Búp sen xanh, nay nhìn lại, ông như là người có công khơi dòng văn chương “Tư liệu lịch sử”. Một thời văn ta nặng yếu tố “mầu hồng”. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt, thời cuộc lịch sử cũng có hai mặt của nó, việc đưa tư liệu vào tác phẩm - tiểu thuyết tư liệu lịch sử - đòi hỏi cao về sự khách quan, bình đẳng và bản lĩnh của tác giả, chứ không phải chỉ sắp đặt được tuyến nhân vật chính diện, phản diện, đã là xong! Đây là điều khó trong xử lý nội dung tư tưởng tác phẩm đối với người viết, chưa nói đến nghệ thuật văn phong. Thực lòng, để có được một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, mà ở đấy, nhân vật, là những cá nhân hay tập thể, từ ngoài, đi vào tác phẩm với nguyên vẹn tên tuổi, cá tính, những đúng - sai, thắng lợi hay thất bại… Tác phẩm đấy làm vừa lòng cả nhà chức trách, bạn đọc, và giới văn chương, quả thật là khó. Nhưng không sao. “đứa con tinh thần”, mình thấy ưng ý, mình có chính kiến, lại dám chịu trách nhiệm, là bản lĩnh của tác giả.

Tôi chưa được đọc đầy đủ bộ tiểu thuyết về Hồ Chí Minh (Mặt trời Pác Pó, Giải phóng, Trông vời cố quốc…) của nhà văn Hoàng Quảng Uyên. Nhưng như tác giả trả lời báo chí thì đó là bộ tiểu thuyết tư liệu lịch sử đích thực, mà nhân vật chính, là con người đặc biệt - Bác Hồ của chúng ta. Khó nhất ở đây có lẽ vẫn chưa phải là những tư liệu sống, dù rằng đó là công việc đầy gian nan, thử thách, mà ở chỗ Nguyễn Ái Quốc - Hồ  Chí Minh, xuất hiện và hiện diện đúng những khoảnh khắc hiểm nghèo của lịch sử. Xử lý tình huống này và thành công, ấy là cái tài của nhà văn Hoàng Quảng Uyên, ít có thể là người khác. 

Nhà văn Trần Cao Đàm (Yên Bái), Trong mười lăm năm cho xuất bản tới năm cuốn tiểu thuyết: Pa Thí mù sương, Âu Lâu bến lửa, Bến ngòi, Đất mường thời dông lũ, Loạn mường, đều do hai nhà xuất bản “hạng sang” là Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ấn hành. Cốt truyện các tiểu thuyết trên là những câu chuyện có thật ở nước bạn Lào, và ở Tây Bắc, tới mức, có người nhận xét đây là những tiểu thuyết “thể ghi chép”. Ở tuổi 82 (2020), Trần Cao Đàm tâm sự: “Mình có cái may mắn là cả đời làm phóng viên trong đó có năm tháng ở chiến trường Thượng Lào, rồi được gặp nhiều cán bộ thời kháng chiến chống Pháp ở khu vực Tây Bắc, gặp gỡ và ghi chép. Tư liệu đưa vào tiểu thuyết có từ đấy!...”

Cùng thời với Trần Cao Đàm, Phù Ninh viết Tân Trào - rạng ngày Độc lập (2005), Địch Ngọc Lân viết Ngôi đình bản Chang, Ma Trường Nguyên viết Ông Ké thượng cấp (2016) v.v… làm cho “tư liệu lịch sử” sáng dần trong bức tranh tiểu thuyết.

Tháng 12 năm 2016 tôi hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết Cánh cung đỏ sau 20 năm chủ tâm sưu tầm, khai thác tư liệu tài liệu. Với tôi, ý tưởng tiểu thuyết loại hình tư liệu lịch sử về đề tài cách mạng và kháng chiến đã được hình thành từ mười mấy năm nay, nên đề cương cấu trúc phẩm và hệ thống nhân vật đã được sắp xếp như theo hồ sơ ngoài đời, tới độ có những trường đoạn, một nhân vật được nhắc tên tới hai ba bí danh khác nhau, mà là bí danh có trong lý lịch. Biết làm sao được? Hoạt động hậu địch, giặc Pháp truy lùng, lắm kẻ chỉ điểm, muốn bảo vệ được tổ chức và hoàn thành nhiệm vụ thì phải đánh tráo tên tuổi để tránh lộ diện. Những chi tiết như thế này, đưa vào tiểu thuyết thể loại tư liệu lịch sử, liệu có trần trụi quá không? Có làm cho người đọc khó theo dõi (như một số ý kiến) hay không? Tôi nghĩ, trung thực, khách quan với tư liệu tài liệu lịch sử (sự kiện, nhân vật, không gian, thời gian…) là yếu tố cao nhất của người viết khi đặt bút trước trang giấy. Còn việc tác phẩm có thành công hay chỉ ở mức độ nào, đó lại là do năng lực bút pháp của nhà văn.

Khi viết tiểu thuyết tư liệu lịch sử, với tôi, băn khoăn đầu tiên là xác định sao cho đúng mục đích tác phẩm. Với loại hình sáng tác này, càng rõ tính tư tưởng (mục đích), càng tạo động lực cho người viết. Ở Cánh cung đỏ, tôi định hướng cho mình mục tiêu: Tri ân thế hệ và thông điệp đến bạn trẻ. Cố nhiên, “chất” văn, phải đậm đặc, phải sinh động mà vẫn không làm mờ nhạt “tính” lịch sử.

Tiểu thuyết tư liệu lịch sử rồi đây sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc. Được biết, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đang viết những chương cuối của bộ tiểu thuyết về Hồ Chí Minh, nhà văn Vũ Xuân Tửu đang sửa chữa bản thảo viết về “Thủ đô kháng chiến” với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng. Tác giả Hà Lâm Kỳ đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Thủ lĩnh Rừng Già với nhân vật chính sử của phong trào Cần Vương là Hiệp thống Quân vụ Đại thần Nguyễn Quang Bích v.v… Vùng đất miền núi, dân tộc, với những địa danh vàng son: Pác Pó (Cao Bằng), Bắc Sơn (Lạng Sơn), Định Hóa (Thái Nguyên), Tân Trào (Tuyên Quang), Đền Hùng (Phú Thọ), Chiến khu Vần - Nghĩa Lộ (Yên Bái), Điện Biên Phủ (Điện Biên) Cam Đường (Lào Cai). Rồi dải miền Trung, Tây Nguyên, của những bản hùng ca. Lịch sử cách mạng và kháng chiến đã 90 năm kể từ ngày có Đảng. Vậy mà tiểu thuyết “người thật việc thật” về mảng đề tài này sao vẫn thưa, rất thưa? Đã đến lúc, Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, rồi Ban Tuyên giáo và Hội Văn học nghệ thuật các địa phương có một thái độ, một sự định hướng rõ nét về mối quan hệ giữa tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, và tiểu thuyết tư liệu lịch sử, đồng thời có giải pháp, khuyến khích các nhà văn, các tác giả văn học đi mạnh vào loại hình sáng tác giàu giá trị văn hóa dân tộc và nhân văn này.

Nguồn Văn nghệ số 44/2020


Có thể bạn quan tâm