April 23, 2024, 1:43 pm

Rập rình trên con nước dữ…

Mỗi mùa mưa đến, tôi lại nhớ đứa em gái nhỏ xa quê thường vẫn hay hát bài Mưa chiều miền Trung da diết, sầu ai khi nhớ nhà. Hồng Xương Long có lẽ đã quá yêu thương vùng đất “trời hành cơn lụt mỗi năm” để viết nên lời ca từ đi vào lòng người: “miền Trung nước lên/ đau lòng xa rồi người em/ ơi quê hương man mác buồn/ chiều miền Trung mưa tím bến sông”... Mưa về, bão tới, lũ dâng là điệp khúc lặp đi lặp lại tưởng chừng quen thuộc với người miền Trung, như một thứ căn cước tự nhiên gắn trong từng thớ ký ức vừa để nhớ vừa muộn phiền, cay đắng. Vậy nhưng năm nay, trận lũ kinh hoàng gây bao đau thương mất mát cho người dân miền Trung lại tái diễn, vượt qua các mốc lịch sử, với mức độ bi thiết hơn bao giờ…

Người dân miền Trung nhận đồ cứu trợ. Ảnh internet

 

Mưa rơi nặng hạt, mưa không ngừng nghỉ, mưa dài lê thê tưởng như có bao nhiêu nước trên trời dồn lại mưa một lần suốt dải đất miền Trung nghèo khó. Thừa Thiên Huế quê tôi là một trong những tỉnh hứng chịu đầu tiên và nặng nề của đợt mưa lũ kéo dài. Mưa tím bầm đất đai, mưa rát mặt người, mưa vùi bao giấc mơ, mưa gieo hãi hùng xuống đầu người dân dầm dãi, lầm than. Tôi và hàng triệu con người trên vùng đất này không bao giờ quên đợt mưa kéo dài từ ngày 6/10 cho đến hôm nay (21/10) gây nên đợt thiên tai, lũ chồng lũ, bão chồng bão kéo dài với bao đau thương, mất mát, chia ly. Nhớ sáng sớm hôm đó, mây đen lớp lớp kéo về đen kịt, đất trời tối tăm, và chiều rồi đêm mưa bắt đầu dội xuống. Chỉ tưởng là cơn mưa như bao lần mưa khác nhưng không, mưa mãi mưa hoài, mưa rơi triền miên từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, thật đúng như lời Trầm Tử Thiêng “Mưa gió tơi bời nát dạ sông Hương”. Hai hôm đầu, còn chạy xe đi làm được. Sang ngày 8/10, nước đã bắt đầu dâng lên, Đập Đá nước tràn, phố xá lênh láng nước là nước. Đường trước nhà tôi đã xâm xấp. Chiều mồng 9, tôi chạy liều xe ra khỏi nhà để lên cơ quan, nhưng hỡi ôi, nhiều đoạn đường Nguyễn Tất Thành đã chia cắt, lực lượng chức năng đã điều xe, rào chắn và đưa ra những cảnh báo đường ngập, không di chuyển được. Việc thì gấp, tôi liều một phen, xe ngập nước rồi tắt hẳn. Ngửa mặt lên trời, mưa tuôn xối xả. Hàng trăm chiếc xe phải dắt bộ, xe ô tô tắt máy nằm nổi giữa đoạn đường cầu vượt Thủy Dương, cửa ngõ vào thành phố Huế. Anh Đính bạn tôi gặp trên đoạn nước lũ bảo về nhà đi, năm nay mưa to lắm, sợ như cơn lũ kinh hoàng 1999. Đi lên không được, về muộn nước lớn khó về được nhà. Nỗi lo kéo đến nặng chịch. Tôi thấy ớn lạnh khi trong đầu nhớ về những hồi ức khủng khiếp của trận lũ 1999, lập tức dắt xe quay đầu tìm chỗ sửa xe. Xe lại nổ máy, băng qua cánh đồng Thanh Lam gió thổi vù vù, mưa tuôn rào rạt, nhìn ra hướng Đông nhà cửa ruộng đồng biến mất chỉ còn một màu nước bạc dập dềnh như biển. Sóng nước vỗ ì oạp lên cả vệ đường. Xe lực lượng chức năng hú còi chạy qua rất gấp, chừng như báo động làm cho sự di chuyển của người dân trên đường thêm hối hả. Giữa trời nước mênh mông ấy, chợt thấy thân phận bé nhỏ của con người trước tự nhiên, mỏng manh trước cơn lũ đang dồn dập tràn về.

 

 

Về đến gần nhà, tôi tranh thủ gửi xe ở xóm cao, trên con dốc, quanh đấy nhà nào cũng từng hàng xe bà con gửi. Đi một đoạn đã thấy nhiều nhà ngoài chỗ trũng bồng bế nhau di tản. Tôi xắn quần lội nước về nhà. Đường bây giờ là sông, với những chiếc ghe nhỏ chở người lặng. Mưa mỗi lúc nặng hạt thêm, quất rát vào mặt mày. Trời sẩm tối nhanh. Nghe tiếng sấm đất đì đùng đây đó. Mệ tôi bảo, mỗi lần nghe tiếng sấm đất thế nào năm nay cũng lụt to. Mau mau chuẩn bị dọn nhà. Bữa cơm vội nấu, điện thoại hoạt động liên tục gọi mẹ và em trai sớm về. Cơm vừa dọn ra chưa kịp ăn, điện cúp, bốn bề tối om. Gió thổi vù vù, tiếng cây cối va vào nhau kẽo kẹt. Mưa dội sốt ruột sốt gan. Cũng may mẹ đã chuẩn bị đèn dầu, đèn sạc điện nên ánh sáng lại được thắp lên. Ăn vội bát cơm, cả nhà hì hục hè nhau kê đồ lên cao. Có những thứ nặng quá phải xắn quần gọi bà con chòm xóm giúp đỡ. Xong xuôi chong đèn ra nhìn con nước thấy dâng lên rất nhanh. Mới ngoài đường giờ đã len lỏi, vào sân, rồi ngấp nghé dưới chân bậc tam cấp. Mưa vẫn mưa, lòng người như lửa đốt. Nghe trên đường, trong xóm tiếng người gọi nhau í ới. Đêm buông sâu, đêm thật dài. Khắp bốn bề nghe tiếng mưa rơi xót xa, gieo bàng hoàng, lo sợ. Mưa lộp bộp trên mái tôn khắp xóm, mưa xé ngọn cây, vùi cành lá, mưa rào rạt trên nước. Mưa trắng xóa quê hương. Rồi mưa xộc mái vào nhà, bụi nước bay khắp nơi có bao nhiêu chậu ra kê ở những chỗ dột, chỗ thấm. Những đêm trường ngủ mê trong cơn mộng lạnh lùng mơ toàn mưa lũ rồi trở dậy thay nhau ngồi canh nước đêm. Qua ngày 10/10 nước đã dâng qua bậc tam cấp, may có căn gác nhỏ nên cả nhà lên di chuyển những vật dụng cần thiết lên để dùng. Bây giờ nhà tôi và nhiều nhà trong xóm đã thành ốc đảo, nhìn thấy nhau mà không thể sang nhau. Những ngày ấy, nếu không có những người hàng xóm ở xóm Mỏ Giác có ghe thuyền đi lại, lâu lâu họ lại tiếp tế đồ ăn uống trong mưa, trong gió khi gói mỳ, đùm gạo, đồ ăn để qua những ngày dài mịt mùng. Nhớ hình ảnh cô Lếu chèo ghe mang đồ ăn gửi cho nhà tôi qua ô cửa sổ đầy lục bình chen chúc. Nhớ những giỏ đồ ăn treo trước cổng âm thầm mà tình nghĩa. Ở xóm đầu sông Vực, mệ Me 84 tuổi vừa mất. Con cháu khóc than ơi hời. Mệ vừa mất thì nước vừa lên, ngập cả giường và chỗ khâm liệm mệ. Cuối cùng, người ta treo quan tài lên cửa sổ. Bà con xóm làng ai có ghe thuyền thì chèo đến viếng. Nước mưa chan nước mắt người dân lãm lũ quê tôi.

Giữa trời đất mịt mùng, mệ tôi ngồi lặng lẽ nhìn dòng nước lũ hung dữ, gửi trong gió mưa đôi câu hò mái nhì:

Sóng sầm sịch, lưng chừng ngoài biển Bắc

Giọt mưa tinh tăng ri rắc chốn hàng hiên

Em muốn làm lơ đi mà ngủ, ngủ cũng không yên

Sợ mưa già nước ngập, biết tựa con thuyền vào đâu”

Nỗi lòng ấy người dân vùng lũ bao đời nơm nớp, lo âu. Nhưng trận lũ có to biết mấy cũng không làm xói mòn được cái sống, giấc mơ và sự tồn tại, vươn lên của bấy nhiêu thế hệ.

 Mạng lưới điện được khôi phục, điện thoại được sạc pin, bật mạng chập chợt lên chỉ toàn những dòng tin tức đầy đau buồn, mất mát. Những đợt mưa dai dẳng, những trận lũ kinh hoàng, dồn dập, tang thương nối tiếp tang thương. Cha mẹ bị lũ cuốn bỏ rơi con cái bơ vơ, chồng mất vợ, vợ mất chồng, đầu bạc tiễn đầu xanh trong cơn lũ. Những dải khăn sô phủ trắng rẻo đất mưa gió lầm than. Hàng triệu đồng bào trên khắp đất nước lòng quặn thắt trước đại nạn thiên tai miền Trung. Bao nhiêu lời nguyện cầu, bao chia sẻ, bao nhiêu tình thương hướng về vùng đất ấy. Tôi bất lực trong gió mưa, trông mưa tạnh, gió ngừng, lũ rút, trông trời mau sáng, trông ngày mau qua.

Bao người nghẹn ngào trước hình ảnh anh Nguyễn Đắc Minh gào thét, quỳ lạy vật vã giữa cơn mưa trắng trời gọi vợ con, van xin ông trời trả lại người vợ đang mang thai bị lũ cuốn trôi ngày 12/10 ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nỗi đau thấu tận trời xanh. Chỉ trong tích tắc, âm dương cách biệt, anh cùng lúc mất hai người thân yêu. Ôi cơn đau kiệt cùng, bi thảm! Cả gia đình 6 người gồm cha mẹ và 4 con nhỏ ở xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị núi sạt lở, chôn vùi không một ai sống sót. Nhìn những tấm chăn, chiếu đắp tạm trên thi thể cả gia đình đầy bùn đất, mưa đỏ, lòng quặn nhói. Hai cháu nhỏ là anh em ruột ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được gia đình đưa lên ghe đi tránh lũ bị lật, tử vong ngày 18/10. Nước chưa rút nên chưa thể an táng hai cháu, quan tài nổi bồng bềnh xa xót. Cha mẹ khóc hết nước mắt trước sự mất mát không thể bù đắp này. Thương quá thay!

Có lẽ ám ảnh nhất trong tôi đến lúc này là những mất mát, hy sinh to lớn ở Rào Trăng. Hằng giờ trong những ngày mưa gió, tôi ngóng chờ tin tức phía ấy. Nhân dân cả nước cầu mong một phép màu đến với những công nhân thủy điện sau sự cố sạt lở, đè lấp và những cán bộ, chiến sĩ mất tích khi làm nhiệm vụ cứu nạn. Nhưng không, chỉ có những giọt nước mắt tuôn trào khi lần lượt những thi thể mất tích được tìm thấy. Sáng 18/10, hàng ngàn người dân, cán bộ, chiến sĩ đã dự lễ viếng, truy điệu, tiễn đưa linh cữu 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3. Tôi đến nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, thành phố Huế) đã thấy đoàn người đông đúc, dài hàng cây số xếp hàng đi trong yên lặng. Một không khí u buồn nhuốm lên khu vực Trấn Bình Đài và bệnh viện. Tôi nhớ mấy câu thơ anh Hoài Đức viết trước đó: “Mẹ sợ mất con nơi rừng núi mưa mù/ Chẳng gặp lại, biết thu nào gặp lại?” và sự thật đau lòng đó đã diễn ra. Tôi chưa bao giờ thấy một tang lễ nhiều quan tài như thế, những chiếc quan tài phủ lá cờ tổ quốc rực đỏ, những bát nhang ngút hương khói và hàng trăm dải khăn tang buồn lặng lẽ. Nhiều giọt nước mắt khóc đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Là tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con, của người vợ mất chồng, của người cha già đầu bạc vẫn không tin đó là sự thật. Tiếng gọi “Ba ơi, ba ơi...” xen trong tiếng nấc của em thơ phút tiễn đưa người cha thân yêu đã mãi mãi đi xa. Những người mẹ, người vợ khóc quằn quại bên quan tài người thân và đây chỉ là giấc mơ, giấc mơ thôi. Bà con nhân dân đến viếng chắp tay nguyện cầu, hàng trăm giọt nước mắt lăn chảy trong giờ phút chia ly. Và những người lính lặng lẽ khóc, lặng lẽ gạt nước mắt tiễn đưa đồng đội mình trong một ngày Huế thật buồn. Nhớ câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trong hình ảnh video cuối cùng vừa mới được công bố: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm!”. Trân quý lắm thay tấm lòng đó của những cán bộ chiến sĩ, anh dũng hy sinh thân mình vì dân, vì nước trong cơn thiên tai đại nạn này.

Nhìn thấy thiệt hại trước mắt của cơn lũ thật khủng khiếp. Chỉ riêng tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đợt mưa và lũ lớn ngày 6/10 đến 13/10, vùng đồng bằng của tỉnh đã hứng chịu và phải tải khoảng 4,1 tỉ m3 nước. 4,1 tỉ m3 nước là một con số khổng lồ, không thể tưởng tượng được. Mưa lũ khiến nhiều địa phương bị ngập lụt, nhiều vùng bị chia cắt, làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67) và đang mất tích 15 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Mưa lũ khiến hàng chục ngôi nhà sập, hư hỏng, gần 85.000 nhà dân ngập trong nước và nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng… với tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỷ đồng. Và mưa lũ còn tiếp diễn đợt 2, đợt 3, cho đến hôm nay (ngày 20/10), khi tôi gõ dòng này, mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi, lũ vẫn gây bao khó khăn, trở ngại trên quê hương. Mưa vẫn rơi không ngừng, mưa từ sáng đến chiều, mưa xuyên qua đêm, mưa não nề, lê thê, mưa vô tình, mưa cuồng điên, mưa phá phách. Mưa lũ ngập đường, ngập nhà, ngập xóm, phố phường, công sở, trường học, đền đài, lăng tẩm, chùa chiền. Tất cả chìm trong biển nước, điêu tàn. Rồi mưa lũ ra Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Chỉ trong một đêm, nhiều tin dữ từ Hướng Hóa (Quảng Trị) báo về. Đồng nghiệp tôi viết dòng status lúc trời rạng ngày 18/10: “Trời ơi! Nghẹt thở, vỡ tim. Chuyện gì đang xảy ra ở huyện miền núi, biên giới Hướng Hóa, Quảng Trị vậy?”. Và sau đó, trên newfeed của tôi, nhiều bạn bè ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa (Quảng Bình) kêu cứu cho mình, người ở xa kêu cứu cho gia đình trong những ngày 18-19/10. Từ cứu với... cứu... chạy tràn màn hình, vang vọng xót xa khắp vùng lũ. Những cụ già ngồi trên nóc nhà giữa mênh mông nước, những người ôm gói hàng cứu trợ nước mắt đầm đìa... và những bất hạnh rập rình trên con nước dữ.

Số liệu mới nhất theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày 20/10, mưa lũ từ ngày 6-20/10 đã làm 133 người chết và mất tích, trong đó có 106 người chết; 371 ha lúa bị ngập, 6.989 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 16 tuyến quốc lộ, 163.150m quốc lộ, 161.880m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng tại các tỉnh. Và dự báo các thiệt hại còn tiếp tục tăng khi có các thống kê, báo cáo cuối cùng. Thương quá, miền Trung ơi! Rồi đây những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, mất mát, những gia đình chia ly, đau đớn và kiệt quệ trùm lấy vùng đất “gian khổ từ lúc nằm nôi” này. Bao nhiêu mồ hôi, công sức của người dân miền Trung đã trôi ra sông, ra bể và bao nhiêu mái nhà ấm êm phút chốc chia lìa, ly biệt. Nước mắt miền Trung thấm đắng đất trời.

Nhiều ngày nay trên đường, thấy từng đoàn xe cứu trợ từ miền Nam ra, miền Bắc vào, lòng ấm lại. Những chiếc xe treo băng rôn: “Chung tay cùng đồng bào miền Trung”, “Cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt”... mang theo biết bao tình cảm, yêu thương chân thành của đồng bào cả nước. Có những cá nhân thiện nguyện lăn xả trong lũ để cứu trợ người dân ngay từ những ngày đầu lũ tràn về. Hàng ngàn người tham gia cứu nạn bất chấp hiểm nguy. Đâu đó có ca sĩ đã kêu gọi được hơn trăm tỉ để giúp đồng bào và nhiều nghệ sĩ bỏ lại phía sau ánh sáng hào hoa của sân khấu, vượt gió ngâm mưa chia sẻ cùng vùng lũ. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh từ Hà Nội vận động quyên góp rồi lặn lội mang hàng cứu trợ vào đến tận xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình và dự định sẽ còn tiếp tục ở lại cứu trợ lâu dài. Các nhà văn ở Thành phố Hồ Chí Minh bán sách gây quỹ để ủng hộ đồng bào. Mới đây thôi, một người chị của tôi ở Sài Gòn nhắn về: “Chị gửi 200 triệu để giúp bà con bị thiệt hại sau lũ. Thương quá em ơi!”. Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp dành cho khúc ruột miền Trung để cùng sưởi ấm, tương trợ, chia sẻ đồng bào qua cơn đại nạn thiên tai này thật đáng trân trọng xiết bao. Người dân miền Trung và cả nước chỉ cầu mong lúc này: Xin mưa ngừng rơi, xin lũ dừng lại, xin bão quay đầu! Xin hãy là hiện thực!

Nguồn Văn nghệ số 43/2020

 


Có thể bạn quan tâm