March 29, 2024, 1:18 am

Sự ghi nhận của hậu thế với những người có công trong sự nghiệp văn học của nước nhà

Năm 2020, với Hội Nhà văn Việt Nam là năm có nhiều sự kiện quan trọng. Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá lại một nhiệm kỳ công tác để tiến tới Đại hội lần thứ X; năm 2020 cũng còn là năm có nhiều ngày kỷ niệm mang tính tri ân đối với những nhà văn cao niên khi bước vào ngưỡng 100 năm ngày sinh của họ. Đó là các nhà thơ, nhà văn thuộc thế hệ tiền bối, như Tố Hữu, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Kim Lân, Nguyễn Xuân Sanh… Những tác giả mà tên tuổi cũng như đóng góp của họ đã góp phần to lớn vào sự khai sinh của dòng văn học cách mạng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Tô Hoài

Trong chuỗi những sự kiện đó, ngày 2/10/2020, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm và chuỗi hoạt động nhân 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020). Buổi lễ có sự tham dự của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, các Ban, Bộ, Ngành, chính quyền địa phương cùng các tầng lớp nhân dân quê hương nhà thơ. Còn ở Quảng Trị, công trình Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được xây dựng trong khuôn viên có diện tích gần 1.800m2, tại thôn An Xuân, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, cũng vừa hoàn thành giai đoạn 1 và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý để kịp làm lễ khánh thành và đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ (20/10/1920 - 20/10/2020). Với nhà văn Tô Hoài, nhiều hoạt động chuyên môn như các cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức, nhiều ấn phẩm đã được xuất bản hoặc tái bản nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông. Đặc biệt có cơ quan báo chí đã tổ chức hẳn một cuộc thi sáng tác cho thiều nhi mà giải thưởng mang tên Dế Mèn, một tác phẩm nổi tiếng gắn với tên tuổi Tô Hoài, để tôn vinh ông

Trong phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, mở đầu cho chuỗi sự kiện kỷ niệm các nhà văn, ngày 15/10 vừa qua, tại trụ sở cơ quan Hội, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội; Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài. Buổi lễ do Ban Chấp hành Hội Nhà văn chủ trì, với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, trong đó có những người từng có thời gian sống và làm việc với Tô Hoài thuở sinh thời

Theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong lời phát biểu đề dẫn; Tô Hoài không chỉ là nhà văn có vai trò “khai quốc” đối với sự hình thành và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, là một hạt nhân nòng cốt của phong trào Văn hóa Cứu quốc trong Kháng chiến; mà ở lĩnh vực văn hóa, ông cũng là một nhà văn có nhiều đóng góp. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Trong số các nhà văn từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, Tô Hoài là nhà văn có số đầu sách nhiều nhất. Tất nhiên, số lượng không phải là yếu tố có thể thay thế chất lượng tác phẩm. Nhưng với Tô Hoài, số lượng tác phẩm cho thấy một khả năng làm việc phi thường. Ngoài những bài thơ đầu tay, sau này ông đã chuyển dần sang tập trung sáng tác văn xuôi với tất cả các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, bút ký… với một không gian sáng tác trải dài từ Hà Nội lên Việt Bắc, Tây Bắc rồi ra cả nước ngoài… Từ những sáng tác của ông, người đọc nhận thấy một bút lực và kiến văn thật đáng nể trọng…”

Ngoài một tập kỷ yếu được chuẩn bị sẵn trong quá trình tổ chức lễ kỷ niệm, những ý kiến tham luận tại buổi lễ một lần nữa khẳng định những giá trị mà nhà văn Tô Hoài - một cây bút tiêu biểu, đa năng - dành cho hậu thế không chỉ ở lĩnh vực sáng tác mà còn trong nhiều lĩnh vực khác: Ngôn ngữ văn học, thái độ ứng xử với nhân thế, những kinh nghiệm về nghề viết... Ngoài ra, ở những lĩnh vực gần gũi với văn chương như Sân khấu và Điện ảnh, Tô Hoài cũng có rất nhiều đóng góp có tính sáng tạo… Tất cả những di sản tinh thần ấy của ông trong văn học và với cuộc đời, ngày hôm nay được các nhà văn thế hệ đàn em trân trọng gọi là “Những lời nhắn nhủ nhiều ý ngĩa…” mà ông gửi lại.  

Là một tài năng lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, Tô Hoài đã để lại một lượng tác phẩm đồ sộ với gần 200 đầu sách, trong đó có hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi ở nhiều thể loại khác nhau. Ông cũng từng đạt nhiều giải thưởng về văn học, như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956; Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970; Giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 1996 và Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2010… Tác phẩm của ông đã được dịch và giới thiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong kết luận buổi lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nhắc lại nhiều kỷ niệm mà Hội Nhà văn Việt Nam đã dành cho nhà văn Tô Hoài với một sự kính trọng lớn lao. Ông cũng cho biết thêm: “Từ nay cho đến khi tiến hành Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, trong tháng 10 và tháng 11 này, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ còn nhiều buổi lễ kỷ niệm mang tính tri ân đối với các nhà văn tiền bối. Các ý kiến tham luận hôm nay tuy tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng tất cả đều là sự ghi nhận của hậu thế đối với những người có công với sự nghiệp văn học của nước nhà…”.

Vắt đến tận cùng để gửi gắm, và nâng niu, trân trọng đến tận cùng khi đón nhận. Đó vốn là truyền thống, cũng là ứng xử lịch duyệt của văn chương

LNA


Có thể bạn quan tâm