April 24, 2024, 9:26 am

Lại thêm một “Cuộc chiến công hàm” về Biển Đông

Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào tháng 11 sắp tới, các bản công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ này sẽ giúp cho ASEAN và Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN năm nay – có thể vận dụng trong việc yêu cầu các bên tham gia tuân thủ UNCLOS và Phán quyết năm 2016 như một phần của luật biển quốc tế.

Đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự ý vẽ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng năm 1974.

Công hàm E3 đầu tiên trong lịch sử

Bộ Ngoại giao ba nước Anh, Pháp và Đức ngày 16/9/2020 đã gởi công hàm lên Liên Hợp Quốc, phản bác lại 7 công hàm của Trung Quốc. Công hàm chung nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, “quyền lịch sử” Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982. Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) khẳng định ngay từ đầu công hàm các nước này lên tiếng với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), nhấn mạnh công ước này là “khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương”. Công hàm nhấn mạnh quyền đi lại không gây hại, tự do hàng hải và hàng không như đã nêu trong UNCLOS phải được tôn trọng, đặc biệt tại Biển Đông. Mặc dù công hàm chung tái khẳng định E3 không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông, việc chỉ ra những cái sai của Trung Quốc là một hành động rất có ý nghĩa.

Công hàm của Anh, Pháp và Đức khẳng định đường cơ sở thẳng Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa của Việt Nam và “quyền lịch sử” mà Bắc Kinh đưa ra là không có cơ sở dựa trên UNCLOS. “Các yêu sách liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” trên Biển Đông là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”, công hàm chung nhấn mạnh đồng thời khẳng định “quyền lịch sử” mà Trung Quốc nêu ra đã bị bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Theo nhóm E3, phần II và phần IV của UNCLOS đã quy định đầy đủ và rõ ràng cách xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Trung Quốc - một quốc gia lục địa - tự ý vẽ đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa (PV - thuộc chủ quyền của Việt Nam) là “không có cơ sở pháp lý”.

Hoạt động bồi đắp và cải tạo các thực thể mà Trung Quốc đã chiếm đóng hay bất kỳ tác động nhân tạo nào khác sẽ không làm thay đổi phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS. “Các tranh chấp yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp đã được đưa ra trong UNCLOS”, công hàm của E3 kêu gọi. “Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS, Pháp, Đức và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS, góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo quy định của công ước”, công hàm kết thúc.

“Cuộc chiến công hàm” về Biển Đông – như cách gọi hiện nay của nhiều người trước việc các nước liên tục gửi công hàm/công thư lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc – phát sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2019. Hành động mở màn cuộc chiến công hàm của Malaysia đã kéo theo cả những nước không tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông như Indonesia, Mỹ, Úc và mới nhất là nhóm E3 tham gia vào cuộc chiến công hàm này, góp phần làm nổi bật sự phi lý và bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc.

Ý nghĩa của công hàm ba nước EU

Với việc cùng lúc 3 quốc gia châu Âu cùng lên tiếng về vấn đề này, thể hiện các ý nghĩa sau: Trước hết, vấn đề Biển Đông từ lâu đã không chỉ đơn thuần là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, bởi vì tầm quan trọng của biển Đông đối với an ninh và sự phát triển trên phạm vi toàn thế giới. Việc Hoa Kỳ, Australia và Anh, Pháp, Đức cùng gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để tỏ thái độ là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Nội dung các công hàm của tất cả các quốc gia kể trên gửi tới Liên Hợp Quốc đều tập trung: i) Chỉ trích và lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc, trong đó có “đường lưỡi bò” đi ngược lại với luật pháp quốc tế và UNCLOS; ii) Tuyên bố UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng, đóng vai trò nền tảng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, cho nên phải có nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS; iii) Khẳng định Phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 là một phần quan trọng của luật pháp quốc tế và UNCLOS, cho nên, Trung Quốc cần phải tôn trọng Phán quyết này; iv) Nêu rõ, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp trên biển Đông không làm thay đổi bản chất thật sự của nó là các “bãi lúc nổi lúc chìm” hoặc “đá”, chứ không phải là “đảo” để có thể có các vùng biển kèm theo như Trung Quốc thường rêu rao.

Các công hàm nói trên đều là các văn bản chính thức được gửi lên Liên Hợp Quốc và tất cả các thành viên, cho nên mang tính pháp lý cao nhất và rõ ràng nhất. Trung Quốc khó mà biện giải cho các sự phản đối này. Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào tháng 11 sắp tới. Các bản công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ này sẽ giúp cho ASEAN và Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN năm nay – có thể vận dụng trong việc yêu cầu các bên tham gia tuân thủ UNCLOS và Phán quyết năm 2016 như một phần của luật biển quốc tế. Từ đó có thể cho ra đời một COC mang tính ràng buộc pháp lý, hiệu quả và thực tiễn trong việc ngăn ngừa việc nguy cơ xung đột gia tăng trên khu vực biển Đông.

Từ lâu EU đã quan ngại về Biển Đông

Ngược lại thời gian, ngày 29/7/2020, trong cuộc điện đàm với bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ về tình hình hợp tác Việt Nam – EU, cũng như những quan ngại về Biển Đông. Trong cuộc điện đàm ấy, “Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, an ninh, tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 và đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quan trọng kết nối EU và khu vực”, Bộ Ngoại giao thông tin về nội dung điện đàm chiều 29/7.

Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng trao đổi về triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và quan hệ hợp tác Việt Nam – EU trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng có cuộc trao đổi với bà Ursula von der Leyen vào thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, khi EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. EVFTA được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn đưa quan hệ Việt Nam – EU lên tầm cao mới, đồng thời là sự kiện có ý nghĩa đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – EU (1990 - 2020).

Theo Bộ Ngoại giao, hai bên nhất trí cho rằng cùng với Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA), Hiệp định khung về việc Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA), Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), việc ký và thực thi EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong ASEAN và là một trong những nước châu Á – Thái Bình Dương mà EU có quan hệ sâu rộng nhất cả về chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, môi trường, năng lượng bền vững và an ninh quốc phòng. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, phát huy tối đa các lợi ích mà hiệp định có thể mang lại cho hai bên, đóng góp vào thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác, liên kết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đang chịu tác động sâu sắc từ đại dịch Covid-19. Bà Chủ tịch EC nhấn mạnh EU coi trọng hợp tác với Việt Nam về mọi mặt, đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm nhận trọng trách chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; chia sẻ tầm nhìn của EU về hợp tác đa phương hướng tới phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình, an ninh toàn cầu và khu vực dựa trên luật lệ cũng như mong muốn của EU tham gia tích cực hơn nữa vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, hướng tới mở rộng quan hệ hợp tác ASEAN - EU.

Đến lượt Ấn Độ bày tỏ quan điểm

Trước đó, tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN với Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ, các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, không quân sự hóa ở Biển Đông cũng như tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Trong khuôn khổ ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 53 (ASEAN 53), Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị với đối tác EU và Ấn Độ. Về tình hình Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không quân sự hóa, kiềm chế không có các hành động gây phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982.

EU nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế tránh các hành động gây căng thẳng, không quân sự hóa và ủng hộ các nỗ lực xây dựng luật lệ điều chỉnh các hành vi ứng xử tại khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ thông báo với các nước ASEAN về Sáng kiến các đại dương Ấn Độ và Thái Bình Dương. Trong trao đổi tại các hội nghị với EU và Ấn Độ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự ủng hộ của các đối tác đối với những nỗ lực của ASEAN trong tham gia đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Ông cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có các hành động gây xói mòn lòng tin, phức tạp thêm tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982.

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm